Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 22/03/2018, 08:37 (GMT+7)
Biến động chính trị - xã hội ở I-ran nhìn từ “Mùa xuân A-rập”

Vừa qua, làn sóng biểu tình chống Chính phủ bất ngờ bùng phát ở Cộng hòa Hồi giáo I-ran. Đây là thách thức chính trị lớn nhất (kể từ năm 2009) mà chính quyền Tê-hê-ran phải đối mặt. Vậy, bản chất của các cuộc biểu tình mang đậm dáng dấp của “Mùa xuân A-rập” này là gì đang là vấn đề quan tâm của dư luận quốc tế.

Toan tính của Mỹ và phương Tây

Theo các chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông, ngay từ năm 2011, I-ran đã là một trong những mục tiêu hướng tới của các biến động chính trị - xã hội mang tên “Mùa xuân A-rập”, nhằm thay đổi chế độ cầm quyền ở Tê-hê-ran. Sở dĩ như vậy, bởi đã từ lâu, I-ran nổi lên như một thực thể có tác động, chi phối lớn tới toàn bộ khu vực Trung Đông, nhưng lại bất tuân “thượng lệnh” của Mỹ và phương Tây. Cũng vì thế, trong con mắt của các nước này, chính quyền đương nhiệm ở I-ran như một cái gai cần loại bỏ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, vì sao trong hơn một thập kỷ thù địch, cấm vận của Mỹ và phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran, biến động chính trị - xã hội quy mô lớn ở quốc gia Hồi giáo này không diễn ra, mà gần đây lại bùng phát mạnh mẽ, thậm chí ngay cả khi Thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1 được ký kết. Phải chăng, tất cả những vấn đề đó đều nằm trong toan tính của Mỹ và phương Tây?

Theo giới quan sát quốc tế, mặc dù đạt được Thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1, nhưng trên thực tế, I-ran còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội do hậu quả của các biện pháp trừng phạt từ trước của Mỹ và phương Tây cùng hàng loạt tài sản vẫn bị phong tỏa. Trong khi đó, tâm lý của người dân I-ran từng kỳ vọng cuộc sống của họ sẽ được cải thiện ngay sau khi các biện pháp trừng phạt được tháo dỡ, v.v. Lợi dụng điều đó, Mỹ và phương Tây đã ra sức kích động, đổ vấy cho chính quyền Tê-hê-ran yếu kém, tham nhũng và trì trệ,… để tạo sự phản kháng ngay trong nội bộ quốc gia này. Điều đó được thể hiện rõ khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã chủ động tạo dư luận và tiền đề để lặp lại kịch bản “Mùa xuân A-rập” ở I-ran. Theo đó, trong chuyến thăm đầu tiên tới A-rập Xê-út - quốc gia đang đối đầu quyết liệt với I-ran, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố thành lập một “NATO của các nước A-rập”, với mục tiêu số một là chống phá I-ran. Tiếp đến, ngày 05-8-2017, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật H.R.3364; trong đó, xác định I-ran là “quốc gia xâm lược”. Chưa hết, trong Chiến lược An ninh quốc gia mới được công bố ngày 18-12-2017, Mỹ xác định I-ran là “quốc gia tài trợ và xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố”.

Biểu tình phản đối Chính phủ tại Tê-hê-ran ngày 30-12-2017. (Ảnh: AFP)

Đặc biệt, khi làn sóng biểu tình đang diễn ra ở I-ran, trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm ra lời kêu gọi người dân I-ran nổi dậy lật đổ “chế độ chính trị chuyên chế” ở Tê-hê-ran. Ngay sau đó, ngày 09-01-2018, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết ủng hộ những người biểu tình chống chính phủ tại I-ran và lên án hành động trấn áp biểu tình của chính quyền Tê-hê-ran. Nghị quyết nhấn mạnh, Hạ viện Mỹ “đứng về phía những người dân I-ran tham gia các cuộc biểu tình hòa bình, hợp pháp chống lại một chế độ tham nhũng và áp bức” và lên án “những vụ xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng nhằm vào người dân I-ran” của chính quyền nước này. Lấy cớ đó, Mỹ và một số nước phương Tây đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lên án hành động “vi phạm nhân quyền” của chính quyền Tê-hê-ran và sẽ áp dụng các biện pháp cấm vận, thậm chí là can thiệp quân sự. Tất cả những vấn đề nêu trên cho thấy, các cuộc biểu tình, bạo loạn chống Chính phủ vừa qua ở I-ran dường như đều nằm trong toan tính của Mỹ và phương Tây.

Mục đích của các cuộc biểu tình ở I-ran

Theo sát diễn biến các “sự kiện” vừa qua ở I-ran cho thấy, mục đích xuyên suốt của “Mùa xuân A-rập” ở quốc gia Hồi giáo này là nhằm lật đổ chính quyền hiện thời ở Tê-hê-ran và thiết lập một chính quyền mới, đáp ứng các lợi ích của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, có thể thấy rõ rằng, núp dưới khẩu hiệu “loại bỏ chính thể một nhà nước tài trợ và xuất khẩu khủng bố”, Mỹ và phương Tây muốn tiêu diệt một lực lượng đang cùng với Nga và Xy-ri đi đầu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, bởi khủng bố là “vũ khí” của một số thế lực ở phương Tây nhằm tiến hành cuộc chiến tranh địa chính trị sau Chiến tranh lạnh. Vì thế, khẩu hiệu của một số kẻ xuống đường biểu tình ở I-ran không chỉ đòi cải thiện đời sống nhân dân, mà còn phản đối sự tham gia của chính quyền Tê-hê-ran trong cuộc chiến chống khủng bố ở Xy-ri với lý do “tốn kém” và “vô ích”.

Một mục đích quan trọng khác của “Mùa xuân A-rập” ở I-ran là phá hoại trục liên kết Nga - I-ran - Thổ Nhĩ Kỳ, mới được hình thành trong năm 2017, nhằm hóa giải cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Trục liên kết này không chỉ làm thay đổi diện mạo chính trị Trung Đông mà cả trên toàn bộ lục địa Á - Âu, với động lực bao trùm là đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Một động lực khác quan trọng hơn là, cả ba quốc gia này đều đang đứng trước một đối thủ chung là Mỹ. Và trên thực tế, trục liên kết này đã, đang đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Mỹ và phương Tây tại Trung Đông, thậm chí cạnh tranh ảnh hưởng trên toàn bộ lục địa Á - Âu. Chính vì thế, Mỹ đã tìm mọi cách để chống phá các nước này. Điều đáng lưu ý là, trong khi Đạo luật H.R.3364 coi Nga và I-ran là “quốc gia xâm lược”, thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang được Mỹ và NATO đưa vào “điểm ngắm” cần phải làm tan rã. Dường như thấy rõ nguy cơ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mua tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga để “phòng thân”. Ngoài ra, cả Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran đều đang đứng trước nguy cơ hình thành Nhà nước Cuốc-đi-xtăng độc lập được Mỹ bảo trợ và có lãnh thổ bao gồm nhiều khu vực của I-rắc, I-ran, Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ.

Để thực hiện mục đích này ở I-ran, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Ma-tít đã tuyên bố không úp mở rằng, cuộc chiến chống IS chỉ là một phần trong chiến dịch rộng hơn nhằm vào I-ran, bởi theo Oa-sinh-tơn, I-ran là “quốc gia tài trợ khủng bố”. Vì thế, mặc dù đã tuyên bố “đánh bại IS”, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm vẫn phê chuẩn kế hoạch cung cấp khối lượng lớn vũ khí trị giá 393 triệu USD cho “các đối tác” của Oa-sinh-tơn ở Xy-ri. Với quyết định này, Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục chuyển vũ khí tới Xy-ri trong năm 2018, trong đó có hàng nghìn vũ khí chống tăng và tên lửa phòng không có điều khiển chính xác cao.

Biến thể của “Mùa xuân A-rập” ở I-ran và kết cục của nó

Theo các nhà phân tích, các cuộc biểu tình ở I-ran thời gian qua, về thực chất, chỉ là một biến thể khác của “Mùa xuân A-rập” đã từng “quét” qua nhiều nước trong khu vực và được thể hiện ở một số nội dung sau:

Thứ nhất, đều xuất phát ban đầu là biểu tình hòa bình với khẩu hiệu chỉ mang tính chất kinh tế - xã hội, như: chống tham nhũng, đòi giảm giá hàng tiêu dùng thiết yếu, giải quyết nạn thất nghiệp, v.v. Những khẩu hiệu này dựa trên cơ sở thực tế không thể phủ nhận là I-ran đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội do tác động của các biện pháp trừng phạt và cô lập của Mỹ và phương Tây trong một thời gian dài.

Thứ hai, từ các yêu sách ban đầu đó, nhiều người biểu tình chuyển sang những đòi hỏi mang mục đích chính trị là lật đổ chính quyền với cáo buộc gây nên những khó khăn kinh tế - xã hội hiện nay. Ở I-ran, còn có thêm yêu sách đòi Chính phủ chấm dứt tham gia trong cuộc chiến chống khủng bố ở Xy-ri hay Y-ê-men.

Thứ ba, các phần tử cực đoan được các cơ quan tình báo nước ngoài đào tạo đã trà trộn vào dòng người biểu tình, sử dụng súng bắn tỉa sát hại dân thường và đổ vấy cho các lực lượng bảo vệ pháp luật của chính quyền gây ra để dễ bề can thiệp từ bên ngoài. Kịch bản này khá điển hình và lặp lại y nguyên từ “Mùa xuân A-rập” ở Ai Cập, Li-bi, Xy-ri và “cuộc cách mạng phẩm giá” ở U-crai-na - những nơi có sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan tình báo phương Tây.

Tuy nhiên, kịch bản trên đã không diễn ra theo đúng ý đồ của các thế lực thù địch hòng chống phá I-ran. Theo giới phân tích, mặc dù cuộc biểu tình có màu sắc chính trị, diễn ra rầm rộ, nhưng trong tâm tư những người biểu tình và kể cả phe đối lập cũng không muốn đất nước mình rơi vào thảm cảnh như Y-ê-men, Li-bi, Xy-ri, v.v. Mặt khác, nội bộ phương Tây cũng bị phân hóa liên quan đến việc Mỹ muốn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký giữa I-ran với nhóm P5+1. Chính vì lẽ đó mà Mỹ đã không tìm được nhiều đồng minh khi yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp khẩn cấp (vào ngày 05-01-2018) về các cuộc biểu tình tại I-ran.

Cùng với đó, rút kinh nghiệm từ thất bại của chính quyền các nước trải qua “Mùa xuân A-rập”, như: Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi và U-crai-na trong cuộc “cách mạng phẩm giá”, chính quyền I-ran đã áp dụng chiến thuật “nhu kết hợp với cương” để đối phó với lực lượng biểu tình. Theo đó, chính quyền Tê-hê-ran tuyên bố: người dân có quyền biểu tình để thể hiện chính kiến về các yêu cầu chính đáng của họ đối với Chính phủ. Đồng thời, kiên quyết trấn áp những kẻ có hành động bạo loạn, gây rối,… trái pháp luật; kết hợp với khuyến khích các cuộc mít-tinh rộng khắp ủng hộ Chính phủ. Chiến thuật kết hợp “nhu” với “cương”, lấy yếu tố tích cực khống chế các yếu tố tiêu cực đã giúp Chính phủ của Tổng thống H. Ru-ha-ni đánh sập mưu toan tiến hành kịch bản “Mùa xuân A-rập” ở I-ran. Đến nay, tình hình về cơ bản đã được ổn định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quan sát, các cuộc biểu tình mang dáng dấp của “Mùa xuân A-rập” thời gian qua ở I-ran tuy đã bị chặn đứng, nhưng nó cũng báo hiệu những khó khăn mà quốc gia Hồi giáo này phải đối mặt trong thời gian tới. Dư luận quốc tế cho rằng, người dân và Chính phủ I-ran nên tăng cường đoàn kết, tìm ra tiếng nói chung, cùng cố gắng để vượt qua những khó khăn, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đặc biệt, I-ran cần tránh phạm sai lầm dẫn tới sự can thiệp từ bên ngoài, nếu không, kịch bản xung đột, chiến tranh của Xy-ri, Li-bi,… rất có thể sẽ lặp lại tại quốc gia Hồi giáo này, đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào vòng xoáy xung đột và bất ổn mới.

NGÔ QUYỀN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...