Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:45 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Chiến sự ở Libi (Ảnh minh họa) Những tháng đầu năm 2011, làn sóng biểu tình chống chính phủ diễn ra ở một loạt nước Bắc Phi và Trung Đông, gây chấn động cộng đồng quốc tế, đẩy khu vực này vào tình trạng mất ổn định nghiêm trọng. Những biến động chính trị ở đây do đâu, có tác động như thế nào và kết cục sẽ ra sao..., là những vấn đề mà dư luận thế giới đang hết sức quan tâm. Bài viết này xin góp phần làm sáng tỏ một phần những vấn đề đó.
Trước cơn địa chấn kinh hoàng xảy ra tại Nhật Bản chừng gần 2 tháng, một cơn "địa chấn" về chính trị-xã hội diễn ra tại Bắc Phi và Trung Đông thực sự gây chấn động dư luận thế giới. Bắt đầu từ Tuy-ni-di, ngày 21-01-2011, các cuộc biểu tình, sau đó biến thành bạo động của những người chống Chính phủ đã lật đổ chính quyền, buộc Tổng thống Ben A-li phải trốn chạy tị nạn ở nước ngoài. Cuộc bạo động chính trị ở Tuy-ni-di - còn được gọi là "Cách mạng hoa nhài" - như ngòi nổ gây hiệu ứng lan tỏa nhanh sang một loạt nước ở Bắc Phi và Trung Đông, đẩy khu vực này vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng. Ở Ai Cập, sau những nỗ lực tuyệt vọng, từ huy động quân đội, cảnh sát vũ trang để ngăn chặn những người biểu tình, rồi nhượng bộ bằng việc giải tán Chính phủ, thực hiện cải cách dân chủ..., nhưng đến ngày 11-02-2011, sau hơn 30 năm cầm quyền, Tổng thống H. Mu-ba-rắc - "Người hùng của vùng Địa Trung Hải" - đã buộc phải tuyên bố từ chức, trao quyền điều hành đất nước cho quân đội. Đặc biệt, ở Li-bi, phe đối lập đã thành lập "Hội đồng Quốc gia lâm thời" và chiến sự giữa lực lượng chống đối với quân đội Chính phủ của Tổng thống Ca-đa-phi diễn ra ác liệt ở nhiều thành phố. Tình hình càng trầm trọng, khi ngày 19-3-2011, dưới danh nghĩa thực thi Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về thiết lập "vùng cấm bay" trên toàn lãnh thổ Li-bi, liên quân do Anh, Pháp, Mỹ đứng đầu, đã tiến hành chiến dịch quân sự "Bình minh Odyssey" không kích nhiều mục tiêu trên đất Li-bi, làm nhiều người dân chết và bị thương. Làn sóng biểu tình chống Chính phủ cũng nổ ra ở Gióc-đa-ni, Y-ê-men, Ả-rập Xê-út, I-ran, Xy-ri, Ô-man, Gi-bu-ti, Ba-ranh và nhiều nước khác trong khu vực.
Tình trạng bất ổn về chính trị bùng phát ở Bắc Phi và Trung Đông do nhiều nguyên nhân: cả chủ quan và khách quan, tùy vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, đối ngoại,... của từng nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà phân tích quốc tế, tựu trung có mấy nguyên nhân chính sau:
Trước hết, phải kể đến nhóm nguyên nhân bên trong, cũng là những nguyên nhân cơ bản, cốt lõi nhất: Thứ nhất, đó là sự lệ thuộc quá nhiều của các nước này vào bên ngoài, nhất là về kinh tế. Nên, khi kinh tế, tài chính của thế giới rơi vào khủng hoảng, các nước này bị tác động rất lớn. Nhiều năm qua, Chính phủ Ai Cập đã phải chi hàng trăm triệu USD mỗi năm để trợ giá lương thực, điều đó làm cho ngân khố quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thứ hai, là bộ máy cầm quyền gia đình trị, tham nhũng kéo dài, không được lòng dân (Tổng thống Tuy-ni-di cầm quyền liên tục 23 năm, Tổng thống Ai Cập là 31 năm và đang dự định trao quyền lực cho con trai, Tổng thống Y-ê-men là 23 năm). Do vậy, khi các đảng phái đối lập giương chiêu bài "dân chủ", "chống tham nhũng", "chống độc quyền, gia đình trị"..., đã tranh thủ được sự ủng hộ của một bộ phận lớn người dân. Thứ ba, là tình trạng thất nghiệp, mù chữ, tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng, khoảng cách giầu nghèo ngày càng bị khoét sâu, tạo nên mâu thuẫn xã hội sâu sắc. Rõ nét nhất là ở Ai Cập, điều không thể phủ nhận là, trong hơn ba thập kỷ cầm quyền, cựu Tổng thống H. Mu-ba-rắc đã có công lớn trong việc đưa nước này trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu khu vực. Nhưng những năm gần đây, do các chính sách kinh tế kém hiệu quả, lại chịu tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới, khiến cho Ai Cập từ một nước là "vựa lúa mì của Địa Trung Hải" trở thành nước nhập khẩu lương thực lớn của thế giới. Theo thống kê, hiện 2/3 trong số 80 triệu người dân có độ tuổi dưới 30, nhưng chiếm tới 90% số người thất nghiệp; 40% dân số có thu nhập dưới mức 2 USD/ngày và 1/3 dân số mù chữ ... Còn ở Tuy-ni-di, tuy kinh tế khá phát triển; song, một bộ phận người lao động lại phải sống trong tình cảnh thất nghiệp, nghèo khổ, dưới sự cai quản của "chế độ cảnh sát" hà khắc. Theo một thống kê, mỗi năm có hàng nghìn người Tuy-ni-di phải bỏ trốn ra nước ngoài để tìm kế sinh nhai. Những nguyên nhân trên đan xen, tương tác lẫn nhau, kéo dài, gây bức xúc, nhức nhối âm ỉ trong lòng các giai tầng xã hội, nhất là trong giới trí thức thất nghiệp, người lao động khốn khổ. Do vậy, việc nó sẽ bùng phát thành những hành động phản kháng, chống đối, đòi cải tổ, đòi thay đổi chính quyền, cải thiện cuộc sống nhân dân là điều mà nhiều nhà phân tích cho rằng đã được dự báo.
Về nguyên nhân khách quan cũng là nguyên nhân sâu xa, đó là sự can dự, gây ảnh hưởng của các nước lớn, nhất là của Mỹ và một số cường quốc phương Tây đối với các nước ở khu vực này. Vốn là khu vực có địa-chiến lược, địa-kinh tế quan trọng, nhất là trữ lượng dầu mỏ khổng lồ; nên Mỹ và phương Tây luôn coi Bắc Phi, Trung Đông là "trọng điểm" trong chiến lược toàn cầu của mình. Sau khi "chiến tranh lạnh" kết thúc, các Tổng thống Mỹ đã thực hiện cái gọi là chiến lược "Dân chủ hóa Đại Trung Đông"; trong đó, họ rất chú trọng sử dụng các Tổ chức phi chính phủ (NGO), mạng thông tin toàn cầu (Internet), coi đây là những phương tiện hữu hiệu để phổ quát các "giá trị dân chủ" của Mỹ, thúc đẩy các cuộc "cách mạng dân chủ", "cách mạng mầu", nhằm lật đổ các chính thể thù nghịch; hoặc, thay đổi thể chế ở các nước, kể cả các nước "đồng minh", theo ý đồ của Mỹ. Theo báo chí của nhiều nước A-rập, trong những biến động chính trị tại Tuy-ni-di, Ai Cập và nhiều nước ở Bắc Phi và Trung Đông vừa qua, các NGO và các trang mạng xã hội, như Google, Facebook, Twitter, YouTube..., đã tham gia một cách tinh vi vào việc truyền tải thông tin, tập hợp các lực lượng xã hội; nguy hiểm hơn là còn kích động quần chúng gây bạo loạn để tạo ra các cuộc "cách mạng", các cuộc lật đổ chưa từng có trong lịch sử các nước ở khu vực này. Việc các trang mạng đồng loạt đăng hình ảnh cùng các bình luận mang tính kích động quanh hành động tự thiêu của người thanh niên, do uất ức vì bị cảnh sát tịch thu gánh hàng rong - phương tiện kiếm sống duy nhất của anh ta - đã tạo làn sóng "phẫn nộ" trong xã hội Tuy-ni-di và một loạt nước Bắc Phi, Trung Đông, là ví dụ điển hình. Còn đối với Li-bi, Mỹ đã từng liệt Chính quyền của Tổng thống Ca-đa-phi vào danh sách "khủng bố" và đã tiến hành nhiều hoạt động, kể cả tiến công quân sự (năm 1986) để lật đổ. Do vậy, đây được coi là "thời cơ", là "cái cớ" để Mỹ thực hiện ý đồ chiến lược của mình đối với Li-bi. Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, việc Mỹ và các đồng minh ra sức gây sức ép để HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 1973; đồng thời, ngay lập tức tiến hành tiến công quân sự, dưới danh nghĩa "lập vùng cấm bay" ở Li-bi, là việc làm "có chủ đích" và "đã được chuẩn bị từ trước", nhằm lật đổ Chính quyền của Tổng thống Ca-đa-phi và dựng lên ở Li-bi một Chính phủ thân Mỹ. Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ W. Bơn đã tuyên bố không úp mở rằng, nếu Ca-đa-phi thành công, chúng ta có thể phải đối mặt với nguy cơ ông ta quay lại chủ nghĩa khủng bố, khơi thêm bất ổn khắp Trung Đông.
Tình hình Bắc Phi và Trung Đông vốn đã phức tạp, nay lại càng phức tạp hơn. Những biến động mới vừa qua đang đặt ra cho Chính phủ các nước phải quan tâm và có các chính sách thích hợp để đảm bảo sự công bằng và an sinh xã hội; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... Ở Ai Cập, chính phủ chuyển tiếp đã phải từ chức, Hiến pháp cũng đang được sửa đổi để chuẩn bị cho bầu cử, nhưng tình hình vẫn rất căng thẳng. Ở Y-ê-men, Ba-ranh, Ả-rập Xê-út..., chính phủ các nước này đã điều động lực lượng cảnh sát trấn áp biểu tình, làm hàng trăm người chết và bị thương; tình hình càng diễn biến phức tạp. Đối với thế giới, theo đánh giá của chuyên gia nhiều nước, cuộc khủng hoảng Bắc Phi, Trung Đông, nhất là chiến sự ở Li-bi đang đẩy giá dầu lên cao, sẽ gây ảnh hưởng xấu tới tiến trình hồi phục của kinh tế thế giới và không loại trừ nguy cơ của một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới. Nhưng, vấn đề cốt lõi là nó làm cho cạnh tranh địa-chiến lược giữa Mỹ và các cường quốc, nhất là với Nga, Trung Quốc ở khu vực này và trên toàn cầu ngày càng gay gắt, phức tạp.
Điều mà thế giới đang quan ngại sâu sắc và lên án mạnh mẽ là cuộc tiến công quân sự của liên quân, do Anh, Pháp, Mỹ đứng đầu, đã tàn phá nặng nề và làm hàng trăm dân thường Li-bi chết và bị thương. Dư luận thế giới hết sức bất bình, đòi liên quân chấm dứt ngay hành động quân sự tại Li-bi. Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập (AL) A. Mút-xa chỉ trích chiến dịch quân sự tại Li-bi "đã vượt ra ngoài mục tiêu áp đặt vùng cấm bay" và không đúng với mong muốn của AL là bảo vệ dân thường, chứ không phải ném bom vào dân thường. AL yêu cầu ngừng "ngay lập tức" các hành động tiến công Li-bi. Nga, Trung Quốc, Cu-ba, Vê-nê-du-ê-la, I-ran, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác cũng lên tiếng phản đối những hành động quân sự giết hại dân thường, yêu cầu liên quân Anh, Pháp, Mỹ phải tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của Li-bi. Còn đối với Li-bi, tuân thủ Nghị quyết 1973, Chính phủ đã 2 lần tuyên bố ngừng bắn; hàng nghìn người dân đã tụ tập tại Dinh Tổng thống tạo "lá chắn sống" để bảo vệ Tổng thống Ca-đa-phi. Họ cũng tố cáo cuộc tiến công quân sự của Anh, Pháp, Mỹ không phải để bảo vệ nhân dân Li-bi, mà thực chất là để "thực dân hóa", độc chiếm nguồn dầu lửa của nước này. Ở Mỹ, Pháp, Anh và nhiều nước khác, hàng nghìn người dân đã xuống đường biểu tình ủng hộ hòa bình, chống chiến tranh, đòi chính quyền chấm dứt hành động can thiệp quân sự vào Li-bi; đòi để người Li-bi giải quyết công việc của Li-bi. Nhiều chính khách, quan chức quốc phòng của nhiều nước phương Tây cho rằng, cuộc tiến công quân sự của Anh, Pháp, Mỹ vào Li-bi là hành động quân sự "phiêu lưu, nguy hiểm". Theo họ, kết cục rất khó dự đoán, có thể diễn ra 3 kịch bản sau: Thứ nhất, Li-bi bị chia cắt làm hai miền: Chính phủ của Ca-đa-phi chiếm phía Tây; phe đối lập chiếm phía Đông. Như vậy, nguy cơ nội chiến là khó tránh khỏi. Thứ hai, Tổng thống Ca-đa-phi buộc phải từ chức, trao quyền cho phe đối lập. Tình huống này khó dự đoán; bởi, ông Ca-đa-phi đã tuyên bố rõ quyết tâm tiến hành "cuộc chiến tranh lâu dài" chống Mỹ và phương Tây. Mặt khác, do còn "nhiều mặt hạn chế", nên phe đối lập khó có thể đảm đương được việc đảm bảo an ninh, ổn định đất nước. Thứ ba, liên minh tiến hành tiến công trên bộ để lật đổ chính quyền Ca-đa-phi, lập Chính phủ mới thân Mỹ ở Li-bi. Trong cả ba kịch bản này, như Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu rõ, sự can thiệp của phương Tây, dù là dưới dạng cung cấp vũ khí hay áp đặt "vùng cấm bay", cũng sẽ "hoàn toàn phản tác dụng và làm trầm trọng thêm vấn đề". Và rằng, bài học ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan cho thấy, đưa quân can thiệp sẽ kéo dài xung đột, thúc đẩy bạo lực gia tăng và chia rẽ đất nước. Họ cũng cảnh báo, việc can thiệp quân sự của liên quân ở Li-bi có thể tạo một tiền lệ nguy hiểm, khơi ngòi cho chiến tranh ở khu vực này.
Dư luận thế giới bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông, đặc biệt là ở Li-bi; kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết bất đồng, mâu thuẫn thông qua các biện pháp hòa bình, trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; kiên quyết phản đối các hành động lợi dụng Nghị quyết của HĐBA LHQ để thực hiện các hành động quân sự gây thiệt hại dân thường vì mục đích chiến lược riêng. Những hành động đó chỉ làm cho tình hình thêm phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, ổn định của khu vực này và thế giới.
ĐỒNG ĐỨC
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ