Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 10/06/2022, 08:00 (GMT+7)
Bầu cử Tổng thống Pháp và những tác động đến cục diện chính trị, an ninh châu Âu

Sự kiện đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo tư tưởng tự do, toàn cầu hóa và hội nhập châu Âu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 24/4/2022 trước ứng cử viên Marine Le Pen chủ trương độc lập nhiều hơn cho nước Pháp và theo tư tưởng dân túy, được giới phân tích và dư luận quốc tế quan tâm sâu sắc. Sự kiện đó, không chỉ có tác động lớn tới tương lai của quốc gia này, mà còn tới cục diện chính trị, an ninh châu Âu.

Hóa giải các thách thức đối với nước Pháp

Theo giới phân tích chính trị quốc tế, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 24/4/2022 là cuộc đấu trí quyết liệt giữa hai ứng cử viên là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và ứng cử viên của Đảng cực hữu Marine Le Pen đi theo hai đường lối chính trị đối lập nhau. Theo kết quả điều tra dư luận, đa số các cử tri Pháp đều bày tỏ mong muốn tân tổng thống, dù là ai, đều sẽ phải nỗ lực tập hợp các tầng lớp xã hội có xu hướng chính trị khác nhau để hình thành một dân tộc đoàn kết, nhằm đưa nước Pháp vượt qua những thử thách đối nội và đối ngoại trong bối cảnh châu Âu và thế giới đang trải qua giai đoạn phát triển mang tính “bước ngoặt lịch sử” trước tác động của những chuyển dịch địa chính trị chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngay sau khi biết tin đương kim Tổng thống Emmanuel Macron giành chiến thắng, hàng nghìn người dân Pháp đã đổ xuống đường biểu tình ở thủ đô Paris và thành phố Lyon để phản đối kết quả bầu cử. Tiếp đến, ngày Quốc tế lao động 01/5/2022, hơn 100.000 người đã xuống đường biểu tình yêu cầu chính phủ cải thiện điều kiện dân sinh và xóa bỏ các bất bình đẳng trong xã hội. Những động thái này cảnh báo Tổng thống Emmanuel Macron bước vào nhiệm kỳ mới với những thách thức không kém nhiệm kỳ đầu cả về đối nội lẫn đối ngoại. Tuy nhiên, thách thức cơ bản đối với ông Emmanuel Macron là tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu rất đáng báo động (28%), còn ứng cử viên Marine Le Pen tuy thất cử, nhưng vẫn giành được sự ủng hộ rất cao (42,4% so với 34% trong cuộc bầu cử năm 2017).

Do đó, 05 năm tới sẽ là nhiệm kỳ đầy khó khăn và để thành công, Tổng thống Emmanuel Macron cần tạo dựng được sự đoàn kết của các đảng cấp tiến ở Pháp, đẩy nhanh các biện pháp về an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo vệ môi trường, v.v. Vì vậy, ngay sau khi đắc cử, Emmanuel Macron tuyên bố, Ông là tổng thống của toàn thể nhân dân Pháp chứ không phải của một phe phái nào. Để đảng cầm quyền Phục hưng của mình tránh được thất bại trong cuộc bầu cử vào năm 2027, Tổng thống Emmanuel Macron thừa nhận sẽ phải ưu tiên xây dựng lại mối quan hệ với những người chưa tin tưởng Ông hoặc bỏ phiếu cho ứng cử viên là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Marine Le Pen. Dữ liệu thống kê cho thấy, có khoảng 05% người nghèo nhất đang sống vất vả hơn so với 05 năm trước và một số lượng lớn cử tri cho biết họ gặp khó khăn trong việc mưu sinh do chi phí sinh hoạt tăng cao. Đây là thử thách mà Tổng thống Emmanuel Macron muốn hóa giải trong nhiệm kỳ hai bằng cách khẩn trương thực hiện các biện pháp cải cách chính sách.

Trước mắt, Tổng thống Emmanuel Macron chủ trương sẽ duy trì giới hạn giá khí đốt và điện theo hướng giảm giá nhiên liệu, hỗ trợ nhiều hơn cho người có thu nhập thấp và lao động tự do, tăng dần tuổi nghỉ hưu lên 65 vào năm 2031 ngoại trừ những người làm công việc nặng nhọc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các phúc lợi xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn thông qua chương trình “Chọn nước Pháp”. Đồng thời, cam kết tiếp tục trợ cấp cho các chương trình ứng dụng năng lượng mặt trời, cải tạo 700.000 ngôi nhà, bảo vệ đa dạng sinh học, cải cách hệ thống giáo dục tập trung theo hướng phân quyền tự chủ hơn nữa cho các trường học và trường đại học, cải thiện chế độ chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ ở nông thôn và tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 02% GDP.

Tác động tới cục diện chính trị, an ninh châu Âu

Không chỉ người dân Pháp chăm chú và lo âu theo dõi cuộc bầu cử tổng thống năm nay mà toàn bộ châu Âu và phần lớn thế giới cũng rất quan tâm tới sự kiện này. Bởi lẽ, kết quả bầu cử Tổng thống Pháp lần này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến định hướng tương lai nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ngoài ra, Pháp còn là quốc gia thành viên EU duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân và có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Do vậy, nếu ứng cử viên Marine Le Pen thắng cử sẽ tạo ra cơn địa chấn chính trị ở châu Âu, bởi bà là người ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ trương thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow, cải thiện quan hệ NATO - Nga và tái lập quan hệ hữu nghị chiến lược giữa Pháp và Nga, trong khi quan hệ của EU và NATO với Nga đang có diễn biến xấu. Bà Marine Le Pen từng đặt dấu hỏi nghi vấn về sự cần thiết của NATO, thậm chí khẳng định rằng, liên minh quân sự này đang tồn tại chỉ để phục vụ mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ. Bà cũng theo đuổi quan điểm ủng hộ Frexit đưa Pháp rời khỏi Eurozone và EU; thậm chí, sẽ một lần nữa đưa nước Pháp rút khỏi Bộ Chỉ huy lực lượng NATO như quốc gia này đã từng thực hiện vào năm 1966 dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle.

Ngoài ra, nếu thắng cử, bước tiếp theo của bà Marine Le Pen sẽ là tăng cường các nỗ lực để thống nhất các lực lượng cánh hữu trên toàn châu Âu. Ngoài trường hợp Brexit đưa Anh rút khỏi EU, chiến thắng gần đây của Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định rằng: chủ nghĩa dân túy là một chiến lược để giành chiến thắng trong bầu cử. Một khi chủ nghĩa dân túy gia tăng sẽ đồng nghĩa với việc các đảng dân chủ cơ đốc ôn hòa và các đảng bảo thủ đã từng thống trị châu Âu trong phần lớn thế kỷ trước sẽ mất dần sự ủng hộ. Hơn thế, chương trình của bà Marine Le Pen về EU có thể so sánh với chương trình của các nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ của Anh, đó là sẽ cải tổ EU theo hướng hình thành một liên minh các quốc gia châu Âu, đồng nghĩa với việc rút dần khỏi EU.

Theo hướng ngược lại, Tổng thống Emmanuel Macron chủ trương tiếp tục quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng trong EU. Đồng thời cho rằng, chính sách kinh tế của Pháp chỉ phát huy tác dụng đầy đủ nếu được hợp tác với EU. Theo đó, Pháp sẽ tăng cường hội nhập với châu Âu và củng cố quan hệ với Đức để tạo ra đầu tàu thúc đẩy EU phát triển và đối phó với các thách thức chung. Chủ trương này là chủ đề chiếm vị trí quan trọng trong chương trình tranh cử của ông Emmanuel Macron. Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục thúc đẩy một châu Âu có chủ quyền hơn và đầu tư vào EU như một phương tiện tốt nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia của Pháp ở cấp độ toàn cầu. Sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất sáng kiến cải cách EU với hai ý tưởng quan trọng. Một là, thay đổi hình thức biểu quyết chuyển từ “đồng thuận” sang “đa số tuyệt đối”. Hai là, thành lập một tổ chức mới có tên gọi là “Cộng đồng chính trị châu Âu”. Theo Tổng thống Emmanuel Macron, hai sáng kiến này sẽ giúp châu Âu hành động hiệu quả hơn, thống nhất hơn và phản ứng nhanh hơn trong bối cảnh quốc tế đầy biến động hiện nay. Sáng kiến của chủ nhân Điện Elise nhằm hồi sinh ý tưởng về “Liên bang châu Âu” từng được cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đưa ra sau khi bức tường Berlin được dỡ bỏ vào năm 1989.

Dư luận ở Đức cho thấy, quốc gia này đã sẵn sàng đón nhận nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bởi 05 năm tới sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với Đức. Thách thức đối với Chính phủ Đức sẽ là sự thống nhất giữa các đối tác liên minh cầm quyền về cách thức hợp tác với Pháp. Quan điểm của ông Emmanuel Macron về vấn đề năng lượng, đặc biệt là năng lượng hạt nhân, có thể sẽ gây ra sự khó chịu đối với đảng Xanh của Đức. Một trong những dự án trọng tâm của ông Emmanuel Macron là tăng cường quyền tự chủ quốc phòng châu Âu, nên việc Đức tăng chi tiêu quốc phòng và các lĩnh vực ưu tiên của quân đội sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới Pháp.

Với Tây Ban Nha, lập trường ủng hộ châu Âu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khiến Tây Ban Nha yên tâm vì nước này là quốc gia cam kết hội nhập sâu sắc với châu Âu. Chiến thắng của ông Emmanuel Macron kết hợp với sự điều chỉnh của Đức về tài chính và an ninh châu Âu trong kỷ nguyên hậu Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đang mở ra hy vọng để thúc đẩy nhiều ưu tiên quan trọng của Tây Ban Nha, trước hết là an ninh, quốc phòng, hội nhập kinh tế và tài khóa, tạo thuận lợi cho nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Tây Ban Nha trong nửa cuối năm 2023.

Với Ba Lan, chính quyền Warsaw cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống Pháp lần này diễn ra vào thời điểm mang tính bước ngoặt; trong đó, châu Âu đang ở trong một môi trường an ninh hoàn toàn mới. Ba Lan có đường biên giới với Ukraine và ngày càng phụ thuộc vào sự đảm bảo an ninh từ NATO và Mỹ. Do đó, Ba Lan muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột đang diễn ra. Nhận thấy kết quả bầu cử Tổng thống Pháp sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến phản ứng của châu Âu đối với cuộc xung đột ở Ukraine, Ba Lan theo dõi chặt chẽ cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên Tổng thống Pháp liên quan tới các vấn đề địa chính trị, như: các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa đối với Nga, vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraine, tổ chức quốc tế nào đi đầu trong hợp tác để hóa giải khủng hoảng, vấn đề Pháp rút khỏi Bộ Chỉ huy lực lượng NATO, nỗ lực củng cố sườn phía Đông của NATO và chính sách thời hậu chiến đối với Nga.

Đối với Anh, việc đương kim Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, Anh hy vọng, chiến thắng của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron sẽ là cơ hội để củng cố quan hệ với nước Pháp vì Anh muốn đảm bảo NATO vẫn là diễn đàn quan trọng cho bất kỳ cuộc thảo luận nào trong tương lai về an ninh châu Âu. Trước đây, Anh cho rằng Pháp vừa là một đối tác quan trọng, vừa là một thách thức. Tuy nhiên, Brexit và Hiệp ước an ninh Anh - Mỹ - Australia (AUKUS) đã gây căng thẳng trong quan hệ Pháp - Anh. Trong bối cảnh đó, cuộc xung đột Ukraine đã và đang tạo ra những thay đổi khiến London hy vọng sẽ tận dụng sự hợp tác gần đây giữa Anh và Pháp về Ukraine để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác, như: chống biến đổi khí hậu và NATO. Anh muốn đảm bảo rằng, bất kỳ sự thúc đẩy nào đối với quyền tự chủ chiến lược của EU sẽ không gây thiệt hại cho NATO hoặc giảm vai trò của Anh và Mỹ trong bảo đảm an ninh cho châu Âu. Điều này cũng có nghĩa là Anh muốn NATO đóng một vai trò nổi bật hơn trong việc điều phối các quan điểm xuyên Đại Tây Dương đối với Nga và Trung Quốc. Do đó, London hy vọng sẽ hàn gắn mối quan hệ Anh - Pháp trong thời gian tới sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử.

Như vậy, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 24/4/2022 tuy là công việc nội bộ của nước Pháp, nhưng lại có tác động sâu sắc đến cục diện chính trị, an ninh của châu Âu trên nhiều bình diện. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò của nước này đối với khu vực, cũng như những thách thức về đối nội, đối ngoại mà chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt trong thời gian tới.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...