Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 22/09/2022, 09:20 (GMT+7)
Bắc Cực - nơi cạnh tranh giữa các cường quốc

Từ một vùng đất có tính chất hoang mạc, khí hậu khắc nghiệt và rất ít người sinh sống, nhưng đây là nơi ẩn chứa nhiều lợi ích về kinh tế, thương mại, quân sự và an ninh khiến cho Bắc Cực đã và đang trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.

Miền đất hứa

Với diện tích hơn 16 triệu km2, được bao quanh bởi Bắc Băng Dương, Bắc Cực là một trong những khu vực có khí hậu lạnh giá nhất trên trái đất. Nhiệt độ vào mùa đông tại đây có thể xuống tới -500 C, trong khi mùa hè thì ngắn ngủi và thường ở ngưỡng 00 C. Tuy nhiên, diện tích của Bắc Cực có sự thay đổi, phụ thuộc vào độ tan chảy của băng nhiều hay ít. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã cảnh báo về sự tan băng với tốc độ kỷ lục tại Bắc Cực. Theo Chương trình giám sát và đánh giá Bắc Cực (AMAP), từ năm 1971 đến nay, nhiệt độ trung bình hằng năm ở khu vực này đã tăng 3,1 độ C, cao hơn nhiều so với mức tăng 01 độ C của cả trái đất. Do vậy, các nhà nghiên cứu lo ngại, nếu nhiệt độ của trái đất tăng ở mức 02 độ C, thì nguy cơ băng ở Bắc Cực biến mất hoàn toàn vào mùa hè trước khi đóng băng trở lại vào mùa đông cao gấp 10 lần so với mức tăng 1,5 độ C như mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu lại đang mở ra những cơ hội ở một vùng đất mới với nhiều lợi ích về kinh tế và chính trị như Bắc Cực. Trước kia, những lớp băng dày hàng mét đã thách thức bất kỳ nỗ lực nào của con người để di chuyển bằng tàu bè ở khu vực lạnh giá này. Song, băng tan đang mở ra tuyến đường vận tải mới đầy hứa hẹn. Hiện tàu thuyền chở hàng từ châu Á tới châu Âu sẽ phải đi qua Ấn Độ Dương, kênh đào Suez và tiến vào Địa Trung Hải. Thế nhưng, khi Bắc Cực trở nên hiền hòa hơn thì thời gian vận chuyển đường biển lên phía Bắc dự kiến sẽ rút ngắn 19 ngày và chi phí giảm xuống từ 20% đến 25%. Điều này khiến Bắc Cực trở thành khu vực kinh tế và chính trị quan trọng mang tầm vóc toàn cầu khi mà vùng biển nơi đây có thể thông thương với châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ (khoảng 90% hoạt động thương mại quốc tế đều diễn ra tại ba khu vực này).

Bên cạnh những tiềm năng đang ngày càng trở nên rõ ràng về vận tải, Bắc Cực cũng là khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Dưới lớp băng trắng xóa, rét buốt là những mỏ kim loại quý, như: kẽm, chì và niken. Ngoài ra, theo các nhà khoa học, dưới vùng biển giá lạnh của Bắc Cực chứa khoảng 1/3 trữ lượng khí đốt và 1/4 trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Ước tính, trữ lượng khoáng sản, năng lượng ở vùng này có thể có giá trị lên đến hơn 30.000 tỉ USD. Trên khía cạnh viễn thông hay nghiên cứu không gian, Bắc Cực có nhiều lợi thế khi nằm ở trung tâm bán cầu Bắc, giữa khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á. Hiện nay, 08 nước thành viên Hội đồng Bắc Cực đều có phần lãnh thổ ở vùng cực Bắc địa cầu, nhưng chỉ có 05 nước: Mỹ, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch có duyên hải Bắc Cực.

Cuộc đua ngày càng quyết liệt

Dù được xem là hoang mạc lớn thứ hai thế giới sau châu Nam Cực, nhưng với những tiềm năng vượt trội, việc tiếp cận Bắc Cực hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về địa chính trị và kinh tế cho các quốc gia quan tâm. Vì vậy, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại vùng đất hoang vu này đã bắt đầu từ hàng thập kỷ qua và ngày càng quyết liệt. Đặc biệt, những năm gần đây, cuộc cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các quốc gia trong Hội đồng Bắc Cực, mà còn với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế.

Trong cuộc đua ngày càng quyết liệt này, Nga đang có nhiều ưu thế vượt trội. Là quốc gia sở hữu 53% diện tích khu vực bao quanh Bắc Cực, Nga xem vùng này là “sân nhà”. Đối với Moscow, đây là một khu vực chiến lược, có giá trị thiết yếu cả về chính trị và phát triển kinh tế, nên việc bảo vệ khu vực này đã được ghi trong học thuyết quân sự của Nga. Năm 2008, Nga đã ban hành chỉ thị về các nguyên tắc cơ bản trong chính sách Bắc Cực đến năm 2020, xem vùng Bắc Cực của Nga là khu vực có tài nguyên chiến lược để phát triển kinh tế và vận tải. Với tầm quan trọng ngày càng được khẳng định đối với nước Nga, tháng 4/2020, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành chỉ thị về các nguyên tắc cơ bản trong chính sách Bắc Cực của Nga đến năm 2035, nhằm phát triển hạ tầng, cơ cấu dân cư và các hoạt động kinh tế tại khu vực này. Việc đặt ra những lộ trình quản lý, khai thác và mở rộng ảnh hưởng tại Bắc Cực từ rất sớm và trong từng giai đoạn cụ thể cho thấy, Nga hoàn toàn nhận thức được giá trị chiến lược của khu vực này đối với sự phát triển kinh tế và an ninh của mình. Moscow đã tập trung ngân sách đầu tư nhiều dự án lớn tại Bắc Cực, điển hình là dự án Yamal LNG tại bán đảo Yamal phía trên Vòng Bắc Cực. Đây là một trong những dự án khí tự nhiên hóa lỏng được đánh giá là lớn nhất và phức tạp nhất thế giới. Về vận tải, tháng 5/2018, trong một sắc lệnh ban hành, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kỳ vọng lưu lượng hàng hóa dọc theo tuyến đường phương Bắc này sẽ tăng lên 80 triệu tấn mỗi năm. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động kinh tế tại Bắc Cực ước tính đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội và gần 90% sản lượng dầu khí của Nga. Sự đáp trả quyết liệt của các quốc gia phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine thời gian qua khiến Moscow càng quyết tâm củng cố an ninh ở Bắc Cực, nơi lưu giữ nguồn tài nguyên giàu có của Nga.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế, Bắc Cực còn có vị trí trọng yếu trong chiến lược an ninh của Nga. Nơi này mang lại hành trình ngắn nhất nối Nga với Bắc Mỹ nên đây là tâm điểm trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Moscow và Washington. Tình trạng tan băng ở Bắc Cực và những tiến bộ về công nghệ cũng tạo điều kiện cho các lực lượng bộ binh Nga dễ dàng tiến tới biên giới Bắc Cực - Đại Tây Dương. Vì vậy, với lợi thế địa lý và vũ khí, Nga đã tích cực xây dựng thế trận quân sự tại đây và thực tế đã giành nhiều lợi thế hơn so với phương Tây. Moscow đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc tái lập sự hiện diện quân sự của mình ở Bắc Cực, xây dựng và khôi phục các trạm radar, sân bay, các hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm hiện đại giúp tạo ra một hệ thống phòng thủ hiệu quả.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Nga nhằm bảo vệ khu vực kinh tế và an ninh quan trọng này lại chính là thách thức đối với Mỹ, khiến Washington thúc đẩy những chính sách quyết liệt hơn tại Bắc Cực mà trên thực tế cường quốc số 1 thế giới đã bị chậm chân hơn Nga. Kể từ cuối thời kỳ chiến tranh Lạnh, Mỹ đã không còn coi Nga và Bắc Cực là tâm điểm an ninh nên đã tập trung nguồn lực đối phó với các mối đe dọa mới nổi. Thế nhưng, Mỹ bắt đầu phải thay đổi quan điểm, bởi Bắc Cực ngày càng dễ tiếp cận hơn trong khi Nga ngày càng chú ý đến khu vực này. Văn bản nền tảng cho chính sách Bắc Cực của Mỹ là Chỉ thị số 66 được Tổng thống Barack Obama ký ban hành năm 2009, tập trung vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bốn năm sau, vào tháng 5/2013, Mỹ công bố Chiến lược quốc gia đối với Bắc Cực, đề ra các ưu tiên chiến lược đối với khu vực này trong vòng 10 năm tiếp theo với các mục tiêu bảo vệ lợi ích an ninh, thúc đẩy vai trò quản lý của Mỹ ở Bắc Cực và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đến năm 2017, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ban hành Chiến lược An ninh quốc gia; trong đó, Bắc Cực được xếp trong nhóm không gian trên bộ, trên biển, vũ trụ, nơi Mỹ coi là có chủ quyền, là ưu tiên, lợi ích chiến lược, an ninh quan trọng cần phải bảo vệ và thúc đẩy.

Chỉ hai năm sau, ông Donald Trump ngỏ ý muốn mua đảo Greenland của Đan Mạch. Dù đề xuất này bị xem là bốc đồng và có phần siêu thực, nhưng nó phản ánh sự thay đổi mang tính bước ngoặt của Mỹ đối với Bắc Cực. Trên thực tế, Washington cũng đã thực thi những chính sách năng động hơn liên quan đến vùng đất này dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược Bắc Cực, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng quân sự, quan hệ đối tác và đồng minh, thúc đẩy các kết cấu hạ tầng tại khu vực này. Lợi ích của Mỹ tại Bắc Cực gồm hai phần: thương mại theo nghĩa đầu tư khai thác và địa chiến lược, nhưng cả hai đều đang đối diện với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Nga và cả Trung Quốc. Vì vậy, Lầu Năm Góc đã vạch ra một danh sách các ưu tiên chính sẽ giúp Mỹ giành lại lợi thế ở Bắc Cực, trong đó có kế hoạch tạo ra các quân đoàn ở Bắc Cực, sẵn sàng chiến đấu trong các cuộc hành quân lâu dài ở nhiệt độ cực thấp, trên địa hình nhiều tuyết và núi. Hải quân Mỹ cũng đã bắt đầu các cuộc tuần tra thường xuyên tại khu vực, khiến bầu không khí ở Bắc Cực ngày càng “tăng nhiệt”. Sự mở rộng của NATO với quyết định tham gia của Thụy Điển và Phần Lan mới đây đã làm tương quan tại Bắc Cực có sự thay đổi theo hướng có lợi cho Mỹ, vì Nga hiện là nước duy nhất trong vành đai Bắc Cực nằm ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh ở Bắc Cực sẽ trở nên phức tạp hơn, bởi lẽ không chỉ diễn ra giữa các quốc gia thuộc khu vực này mà còn có sự quan tâm từ nhiều nước ngoài khu vực, trong đó đáng kể nhất là Trung Quốc. Mặc dù không có lãnh thổ ở Bắc Cực, nhưng Trung Quốc đã là quan sát viên chính thức của Hội đồng Bắc Cực từ năm 2013 và tự xác định là một quốc gia cận Bắc Cực, điều mà Mỹ kịch liệt bác bỏ. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang kỳ vọng rất nhiều tại khu vực này và cho rằng, Bắc Cực có tầm quan trọng đối với Trung Quốc trên nhiều phương diện, nhất là lợi ích kinh tế. Trung Quốc mong muốn tận dụng các cơ hội mới do hiện tượng băng tan, đặc biệt là khai thác tài nguyên và các tuyến hàng hải để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trung Quốc cũng đề ra một chiến lược Bắc Cực đầy tham vọng với sáng kiến Con đường tơ lụa Bắc Cực và Sách trắng Bắc Cực năm 2018. Hiện các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc có tổng cộng 20% cổ phần tại dự án Arctic LNG-2 cùng với Novatek, Total và Japan Arctic LNG. Năm 2019, Công ty cơ khí hóa học quốc gia Trung Quốc và công ty Neftegazholding của Nga đã ký hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tại mỏ dầu Payakha, với tổng vốn đầu tư 05 tỉ USD trong vòng 04 năm và thời gian khởi động dự kiến vào năm 2023. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực theo đuổi hợp tác song phương với các quốc gia Bắc Cực, đặc biệt là các nước Bắc Âu trong nghiên cứu khoa học tại khu vực, nhằm duy trì sự hiện diện lớn hơn tại đây.

Với tiềm năng dồi dào, Bắc Cực đã và đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, khiến khu vực này ngày càng có xu hướng được “quốc tế hóa”. Tất nhiên, điều đó cũng sẽ thúc đẩy cạnh tranh chiến lược tại đây, tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh mà việc giải quyết nó có thể sẽ vượt qua những khuôn khổ ngoại giao.

VÂN KHANH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...