Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:41 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Trước cuộc đua đang ngày càng sôi động ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tháng 9/2021, Mỹ, Anh và Australia bất ngờ ra thông báo chính thức về thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên (AUKUS). Động thái này được đánh giá là bước khởi đầu cho sự thay đổi chiến lược của Mỹ và báo hiệu về những chuyển biến địa chính trị sắp xảy ra ở khu vực này.
Toan tính của các bên
Sự ra đời của AUKUS được coi là bước thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của Mỹ, Anh và Australia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều đó cũng cho thấy khu vực này tiếp tục là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ba nước trong thời gian tới. Theo thỏa thuận AUKUS, Mỹ, Anh và Australia nhất trí tăng cường phát triển các năng lực chung, chia sẻ công nghệ, thúc đẩy hội nhập sâu hơn về khoa học, công nghệ, các nền tảng công nghiệp và các chuỗi cung ứng liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Một trong những sáng kiến lớn đầu tiên đáng chú ý của AUKUS là, Australia sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh.
Việc công bố thỏa thuận ngay sau khi Washington hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Đây được coi là một trong những địa bàn chính của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Các nhà phân tích cho rằng, việc đạt được thỏa thuận an ninh ba bên và đóng tàu ngầm cho Australia là rất quan trọng đối với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Nói một cách khác, Washington đang gia tăng niềm tin đối với các đồng minh và ngược lại. Đồng thời, thông qua AUKUS, Mỹ cũng gửi đi một thông điệp quan trọng rằng, không gì có thể ngăn được Washington giữ vai trò chi phối chủ đạo ở một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới.
Đối với Anh, tham gia AUKUS thể hiện vai trò đang thay đổi của nước này trên thế giới, phù hợp với nỗ lực nhằm thúc đẩy “Nước Anh toàn cầu” sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), tạo cơ sở cho tham vọng “xoay trục” về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã đưa ra trong Báo cáo tổng thể về chính sách quốc phòng, an ninh, phát triển và đối ngoại được công bố tháng 3/2021. Trong đó, đánh giá Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu với sự trỗi dậy của nhiều quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ; đồng thời, khu vực này cũng trở thành trung tâm của cạnh tranh địa chính trị. Brexit giúp Anh có điều kiện hợp tác sát sao hơn với Mỹ để hiện thực hóa tham vọng của nước này tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thông qua AUKUS, Anh hy vọng sẽ tham gia nhiều hơn vào hoạt động của nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia).
Là đồng minh truyền thống và thân cận của Mỹ, tham gia AUKUS đồng nghĩa Australia có được sự bảo đảm an ninh từ Hoa Kỳ. Đặc biệt, hai năm trở lại đây, mâu thuẫn thương mại với Trung Quốc đã đẩy “xứ sở chuột túi” ngả hẳn về với “chú Sam”. Trên thực tế, dưới sự trợ giúp của Mỹ và Anh sẽ giúp hải quân Australia gia tăng cán cân sức mạnh theo hướng có lợi cho nước này để sẵn sàng đối phó với những thay đổi nhanh chóng của môi trường an ninh khu vực. Hơn thế, AUKUS sẽ giúp Australia gia nhập hàng ngũ ít ỏi các quốc gia sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Cần lưu ý, đây là công nghệ quan trọng và nhạy cảm, trước Australia, Anh là quốc gia duy nhất được Mỹ chia sẻ công nghệ này vào năm 1958. Những tàu ngầm kiểu này có thể hoạt động dưới nước liên tục trong 05 tháng và khó bị phát hiện hơn so với tàu ngầm truyền thống. Điều đó rất quan trọng khi hiện nay hạm đội tàu ngầm của Australia gồm 06 chiếc vốn cũ kỹ và xuống cấp. Tàu ngầm hạt nhân sẽ giúp Australia tăng tính cơ động và phạm vi hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Biến hóa của cơ chế “Trục bánh xe và nan hoa”
Sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã “lật ngược” khá nhiều chính sách của người tiền nhiệm, song chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” vẫn được giữ nguyên. Điều đó cho thấy, chiến lược này có vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì, củng cố vị thế siêu cường số 1 của Mỹ trên toàn cầu. Tuy nhiên, khác với cựu Tổng thống Donald Trump, ông Joe Biden không chọn biện pháp đơn độc, cứng rắn mà thay vào đó là chủ trương xây dựng liên minh, đối tác, đề cao trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Sự coi trọng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được thể hiện không chỉ bằng các văn bản, chỉ dẫn an ninh, quốc phòng hay phát biểu của các lãnh đạo Nhà Trắng, mà còn được minh chứng qua việc chính quyền Tổng thống Joe Biden cử nhiều quan chức cấp cao đến thăm, làm việc với các nước, đối tác trong khu vực. Với những gì đã làm, Tổng thống Joe Biden cho thấy, ông coi trọng những cơ chế hợp tác hẹp, thực chất. Để thành lập AUKUS, Washington đã chọn hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng và có đủ lòng tin đối với nhau, xem đó như là hạt nhân để phát triển liên minh lâu dài.
Có thể khẳng định rằng, AUKUS là một nấc thang trên con đường thể chế hóa các liên minh đa phương trong khu vực của Mỹ. Thời gian qua, theo mô hình “Trục bánh xe và nan hoa”, Mỹ đã thành công khi xây dựng liên minh song phương với nhiều quốc gia, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái lan và Philippines. Thông qua mô hình này, các đồng minh bảo đảm căn cứ, hải cảng cho quân đội Mỹ cũng như hỗ trợ Washington hiện diện tại khu vực. Điểm mấu chốt trong các hiệp ước an ninh với các đồng minh là Mỹ sẽ bảo vệ các nước này trong trường hợp bị tấn công. Giới phân tích cho rằng, với mức độ cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mô hình “Trục bánh xe và nan hoa” cần có sự điều chỉnh. Theo đó, các “nan hoa” cần phải gắn kết lại thành một mạng lưới tập thể, để cùng hành động một cách nhanh chóng. Vì thế, từ hợp tác song phương, Mỹ chuyển hướng sang đa phương nhiều hơn và từng bước thể chế hóa các liên minh đa phương nhưng theo cơ chế hẹp.
Thời gian tới, AUKUS cùng với nhóm Bộ Tứ sẽ tạo nên thế “gọng kìm” ở khu vực Thái Bình Dương. Theo các nhà phân tích, trong khi nhóm Bộ Tứ được đánh giá cao đối với an ninh trên biển và các thách thức an ninh phi truyền thống, như: đại dịch Covid-19 và chống biến đổi khí hậu, thì AUKUS lại là một cơ chế “tiểu đa phương” với tham vọng hiện thực hóa các biện pháp phòng thủ, cung cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo để tăng cường năng lực thực chất cho khu vực. Cơ chế này sẽ là trụ cột cân bằng quyền lực, nhất là với những cam kết sâu rộng về việc lấp đầy những lỗ hổng trong chiến lược an ninh của Mỹ tại châu Á. Cùng với đó, quy cách hoạt động của AUKUS cũng linh hoạt hơn so với các cơ chế hợp tác từng có trước đây, có thể tạo thuận lợi để tăng cường năng lực răn đe quân sự tại khu vực.
Khả năng chạy đua vũ trang và chuyển biến địa chính trị
Theo các thỏa thuận của AUKUS, đến năm 2030, Australia có thể sở hữu thêm 08 tàu ngầm hạt nhân dựa trên thiết kế tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ hoặc Astute của Anh và sự kết hợp công nghệ của một số nhà thầu quốc phòng của hai nước này. Nếu chỉ coi đây là một thỏa thuận mua bán vũ khí thì đó là một hợp đồng có giá trị lên tới hàng chục tỉ USD. Nhưng, nếu coi đây là một thay đổi chiến lược thì rõ ràng đó là bước đi đầy toan tính của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và có thể làm thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực. Điều này sẽ làm dấy lên một cuộc cạnh tranh phức tạp trên bàn cờ các nước lớn.
Bằng chứng là ngay sau khi Mỹ, Anh và Australia tuyên bố thành lập AUKUS, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev đã gọi liên minh này là “nguyên mẫu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) châu Á”. Từ trước đến nay, Nga luôn coi mọi sự thay đổi đối với an ninh khu vực (từ sự thành lập các liên minh đến triển khai các hệ thống vũ khí mới) là một nguy cơ quân sự cần phải đáp trả. Bởi phạm vi hoạt động của các tàu ngầm hạt nhân trong tương lai có thể giúp hải quân Australia hoạt động ở phía Tây và Tây Bắc Thái Bình Dương - nơi lực lượng hải quân Nga hoạt động thường xuyên. Nếu hệ thống tấn công trên các tàu ngầm của Australia đặt vùng Viễn Đông hoặc vùng Siberia của Nga vào tầm ngắm, đó sẽ là một sự thay đổi “cuộc chơi” đối với Moscow.
Một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hải quân Trung Quốc đang biên chế 04 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) Type 094A, 06 tàu ngầm tấn công cũng chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) Type 093 và 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel. Tàu Type 095 SSN và Type 096 SSBN hiện đang trong quá trình chế tạo. Nhiều quốc gia khác trong khu vực, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ cũng đang tích cực tăng cường sức mạnh trên biển. Cùng với những báo cáo về gia tăng ngân sách quốc phòng của nhiều quốc gia trong khu vực, các nhà phân tích quân sự lo ngại, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ rơi vào vòng xoáy cạnh tranh địa chính trị. Một số ý kiến còn so sánh cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện nay với tình hình ở châu Âu trong những năm 1930, ngay trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bắt đầu.
Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sự ra đời của AUKUS được cho là “phép thử” đoàn kết nội khối. Trên thực tế, các nước thành viên đã có phản ứng khác nhau về AUKUS. Trong khi Indonesia và Malaysia cảnh báo nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân, thì Philippines lại ủng hộ liên minh này. Sự khác biệt về các chiến lược an ninh cũng như sự thừa nhận khác nhau về những “mối đe dọa an ninh” đã dẫn đến sự phản ứng khác nhau giữa các thành viên của Khối. Không những thế, sự ra đời của AUKUS cũng tạo không ít áp lực để cân bằng quan hệ trên bàn cờ các nước lớn. Được coi là trung tâm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, những năm gần đây, ASEAN liên tục bị các bên lôi kéo. Điều này được cho là dễ gây ra tình trạng rạn nứt giữa các thành viên ASEAN do bất đồng quan điểm liên quan tới quan hệ song phương giữa từng quốc gia với AUKUS. Ngay cả khi sự chia rẽ tại ASEAN không xuất hiện, cuộc đua chiến lược giữa các nước lớn vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng khiến hiệp hội này khó có thể yên ổn trong thời gian tới.
Có thể nói, việc thành lập AUKUS là một sự chuyển động mang tính bước ngoặt và sẽ đánh dấu sự thay đổi trong tương quan lực lượng và tác động tới cục diện địa chính trị tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, dư luận hy vọng, sự phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích kinh tế và thương mại giữa các nước lớn có thể giúp khu vực này giảm thiểu nguy cơ rơi vào những kịch bản chạy đua vũ trang và bạo lực.
LÂM PHƯƠNG
AUKUS,địa chính trị,Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ