Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 05/07/2012, 15:51 (GMT+7)
ASEAN tăng cường hợp tác đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên biển

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rất coi trọng mở rộng quan hệ hợp tác nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; coi đây là một mặt hợp tác quan trọng góp phần giữ vững an ninh, ổn định, sự phát triển ở Biển Đông và xây dựng Cộng đồng ASEAN về Chính trị - An ninh vào năm 2015.

alt
Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN 
 

Những thập kỷ gần đây ở Biển Đông cùng với những thách thức an ninh truyền thống, nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống cũng nổi lên, diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa đến an ninh, ổn định của vùng biển này. Từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khu vực Biển Đông bắt đầu “nóng” lên vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nạn cướp biển. Số vụ cướp biển ngày càng tăng. Nếu năm 2009 có trên 50 vụ, năm 2010: hơn 90 vụ, thì năm 2011 đã trên 115 vụ. Tính chất các vụ đa dạng, phức tạp; chủ yếu nhằm vào tàu thuyền chờ nhập cảnh (Xin-ga-po và một số khu vực lân cận), tàu thuyền đang trên đường hành trình, bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc. Bên cạnh đó, một mối đe dọa lớn khác tới an ninh biển là các hoạt động khủng bố, thường do các nhóm ly khai ở khu vực tiến hành nhằm vào mục tiêu là các công ty, tàu thuyền quân sự và dân sự của nước ngoài hoạt động trên vùng biển này... Nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế đã liệt eo biển Ma-lắc-ca vào danh sách những eo biển nguy hiểm nhất thế giới. Ngoài ra, còn có nhiều mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác, như: các loại tội phạm ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em; xuất - nhập cảnh bất hợp pháp qua đường biển (để đi tiếp sang nước thứ ba); các thảm họa thiên tai, môi trường (bão, sóng thần, sự cố tràn dầu...); sự suy giảm nguồn tài nguyên sinh vật, môi trường biển,... Những thách thức an ninh phi truyền thống này đang trở thành những vấn đề quan ngại đối với khu vực và toàn cầu; gây tác động xấu tới an ninh, ổn định, sự phát triển ở Biển Đông và của các nước trong và ngoài khu vực.

Để đối phó với các mối đe dọa mới này, bên cạnh nỗ lực của từng quốc gia, các nước ASEAN cũng rất chú trọng tăng cường mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế, với nhiều kênh, nhiều cấp độ, lĩnh vực, nội dung phong phú, thiết thực.

Một trong những nội dung hợp tác được các nước ASEAN quan tâm hàng đầu là thông qua các cơ chế đối thoại khu vực và quốc tế để tăng cường mở rộng hợp tác nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác1 trong đảm bảo an ninh biển và đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên Biển Đông. Các diễn đàn, hội nghị đối thoại đa phương quan trọng trong ASEAN, như: Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng ASEAN (ACDFIM), Hội nghị các Tư lệnh Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, Tình báo ASEAN, diễn đàn đối thoại của quan chức quốc phòng các nước ASEAN... Các diễn đàn, hội nghị khu vực và quốc tế quan trọng mà ASEAN đóng vai trò chính, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); Hội nghị giữa ASEAN và các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1 và ASEAN+3; ADMM mở rộng (ADMM+); Hội nghị An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La), Hội thảo Hải quân Tây Thái Bình Dương,... Đây là các kênh đối thoại tầm chiến lược để các nước ASEAN và ASEAN với các bên đối tác trao đổi quan điểm, tạo sự đồng thuận trong nhận thức; xác định cơ chế, chính sách hợp tác trong lĩnh vực đảm bảo an ninh biển, đối phó với các mối đe dọa trên Biển Đông. ADMM+ lần thứ nhất đã xác định 5 lĩnh vực hợp tác quan trọng2, do Việt Nam đề xuất; tạo khung pháp lý để ASEAN cùng các nước đối tác xây dựng và tăng cường hợp tác nhằm ngăn chặn, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên hiện nay. Trên cơ sở đó, ACDFIM, Hội nghị Tư lệnh các quân chủng, binh chủng (hải, lục, không quân, quân y, tình báo...) của các nước thành viên ASEAN đã cụ thể hóa thành các quy chế, chương trình, kế hoạch, xác định cách thức, phương pháp và tổ chức các hoạt động phối hợp trong việc ngăn ngừa và xử lý các tình huống cụ thể. Điểm nổi bật là, các quan hệ hợp tác này được triển khai với nhiều nội dung, hình thức, cả song phương và đa phương trong Khối và giữa các nước ASEAN với các nước đối tác, trên nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Điều này thể hiện “bản sắc” của ASEAN và là cơ sở để các hoạt động hợp tác của ASEAN với các bên đối tác phát triển bền vững, hiệu quả thiết thực. 

Các nước ASEAN cũng coi trọng phát huy vai trò, hiệu quả hợp tác của quân đội các nước thành viên và các nước ASEAN với các đối tác trong ngăn ngừa, đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên biển. Theo thỏa thuận đã ký kết, lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng... của quân đội các nước ASEAN chú trọng mở rộng hợp tác trong Khối và với quân đội các nước đối tác để đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Một trong những biện pháp hợp tác quan trọng hiện nay là thiết lập đường dây nóng giữa các lực lượng nêu trên... của quân đội các nước thành viên với nhau và với các nước đối tác, nhằm tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả phối hợp xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh; khai thác, sử dụng Trung tâm Thông tin Chang-gi (IFC) ở Xin-ga-po. Từ khi thành lập (năm 2009) đến nay, IFC đã kết nối với 46 Trung tâm Thông tin thuộc 29 nước trên khắp các châu lục; trở thành Trung tâm hàng đầu đảm bảo cung cấp thông tin, phối hợp hoạt động của hải quân, cảnh sát biển các nước ASEAN với các nước đối tác trong phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia (buôn lậu ma túy, vũ khí), các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,... trên biển. Trong tiến trình thành lập Cộng đồng Chính trị - An ninh vào năm 2015, ASEAN chủ trương thành lập các Trung tâm chỉ huy - kiểm soát phối hợp lực lượng vũ trang các nước thành viên; xây dựng các trung tâm cảnh báo (bão, lốc, sóng thần...), các kho cơ sở dữ liệu, các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường khả năng dự báo, ngăn ngừa và xử lý các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên biển. Lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng của quân đội các nước ASEAN cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo về vấn đề an ninh biển; tiến hành các hoạt động giao lưu sĩ quan trẻ, thể thao quốc phòng, diễn tập chung; qua đó, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao khả năng tác chiến, xử trí các tình huống. Điều đó không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa quân đội các nước ASEAN, mà còn có tác dụng tích cực trong việc ngăn chặn và giải quyết một số vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh truyền thống nhạy cảm.

Tăng cường các hoạt động tuần tra chung của các lực lượng chuyên trách trên các tuyến đường biển và khu vực biển giáp ranh cũng là một trong những biện pháp hợp tác có hiệu quả đang được các nước ASEAN coi trọng. Những năm qua, lực lượng hải quân, cảnh sát biển của Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và một số nước khác đã tổ chức nhiều hoạt động phối hợp tuần tra chung ở khu vực eo biển Ma-lắc-ca; nhờ đó đã góp phần làm giảm đáng kể nạn cướp biển trên tuyến đường hàng hải quan trọng này; giải cứu cho hàng trăm tàu, thuyền của nhiều nước khỏi cướp biển, bắt giữ nhiều băng, nhóm tội phạm, khủng bố. Các nước này đang hiệp thương xây dựng Hệ thống giám sát liên hợp; thành lập Trung tâm chống cướp biển ở Ku-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), nhằm nâng cao khả năng giám sát, cung cấp thông tin cho tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực; đồng thời, ngăn chặn và đối phó với cướp biển, tăng cường đảm bảo an ninh cho khu vực biển này.

Thực hiện cam kết đã ký với các nước đối tác và để tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều đợt tuần tra liên hợp với Hải quân Thái Lan (trên vùng biển giáp ranh); tuần tra chung với Hải quân Cam-pu-chia (trên vùng nước lịch sử) và tuần tra chung với Hải quân Trung Quốc (trên vịnh Bắc Bộ), để ngăn chặn đánh bắt trộm hải sản, chống cướp biển và ngăn ngừa các loại tội phạm khác. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng có chương trình, kế hoạch tuần tra chung với lực lượng cảnh sát biển nhiều nước ở trong khu vực, nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật trên biển. Trong quá trình tuần tra liên hợp, Hải quân, Cảnh sát biển của Việt Nam và các bên đối tác cũng tổ chức diễn tập nhằm nâng cao khả năng phối hợp trong xử trí các tình huống và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Các hoạt động cụ thể này góp phần tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về quốc phòng của Việt Nam, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của Tổ quốc, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, Quân đội ta trong khu vực và trên trường quốc tế.

Quân đội các nước ASEAN cũng rất chú trọng tăng cường hợp tác trong công tác huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng. Nhiều nước ASEAN chủ trương thành lập các trung tâm huấn luyện chung. Các trung tâm này được trang bị các phương tiện hiện đại nhằm trang bị cho sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của quân đội các nước thành viên các kỹ năng cần thiết để đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp. Nội dung huấn luyện hướng mạnh vào nâng cao trình độ về khoa học - kỹ thuật quân sự, ngoại ngữ, luật pháp quốc tế, quản lý và bảo vệ môi trường biển; hiệp đồng liên quân trong xử lý những sự cố thảm họa môi trường, tìm kiếm, cứu nạn, chống khủng bố và các loại tội phạm trên biển. 

 Nhiều nước ASEAN cho rằng, điều mấu chốt của vấn đề là các nước liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cần thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, các cam kết đã ký, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), làm cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, thiết thực góp phần khắc phục các vấn đề an ninh phi truyền thống trên Biển Đông.

Đại tá, TS. NGUYỄN HỒNG QUÂN

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

                  

1- Các đối tác tham dự ADMM+: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a  và Niu Di-lân.

2- 5 lĩnh vực hợp tác: 1- Hỗ trợ nhân đạo và Giảm nhẹ thiên tai; 2- An ninh biển; 3- Quân y; 4- Chống khủng bố; 5- Hoạt động gìn giữ hòa bình.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...