Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:54 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Đầu tháng 7-2012, tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 đã diễn ra và kết thúc mà không đưa ra được Tuyên bố chung, do có những khác biệt về lập trường xung quanh vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, tiến trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 (dựa trên 3 trụ cột: kinh tế, chính trị - an ninh và văn hóa - xã hội) vẫn tiến lên phía trước. Cùng với các nước thành viên, Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung đó của ASEAN.
Năm 2012, Cam-pu-chia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2012, với chủ đề: “ASEAN - Một Cộng đồng, một Vận mệnh”, tiếp tục khẳng định quyết tâm của ASEAN xây dựng một Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh và liên kết chặt chẽ, tạo nền tảng vững chắc để ASEAN phát huy vai trò và tiếng nói ở khu vực và trên trường quốc tế. Đến nay, theo lịch trình hành động của Năm Chủ tịch ASEAN 2012, nhiều Hội nghị quan trọng của ASEAN và ASEAN với các bên đối thoại đã được tổ chức, nhất là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 20 (4-2012), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (7-2012),… nhằm trao đổi về những vấn đề khu vực, quốc tế quan trọng đang được quan tâm, đánh giá kết quả hợp tác trong Hiệp hội và giữa ASEAN với các nước đối tác đã được thực hiện; đồng thời, thảo luận, thông qua những định hướng hợp tác mới trong thời gian tới. Nổi bật là, lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí dành ưu tiên để hiện thực hóa Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, với những nội dung chủ yếu, như: cam kết triển khai đúng tiến độ các mục tiêu xây dựng Cộng đồng, đặc biệt là liên kết kinh tế; thực hiện hiệu quả Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN; thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm phát triển bền vững, đồng đều đi đôi với giữ vững các nguyên tắc cơ bản của ASEAN và thực hiện đúng Hiến chương ASEAN. Lãnh đạo các nước ASEAN cũng cam kết tiếp tục dành ưu tiên tăng cường mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các Đối tác, khuyến khích các Đối tác gắn kết hơn với khu vực, tham gia hợp tác xây dựng và đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như thiết thực hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, tăng cường liên kết và kết nối, ứng phó với các thách thức đang đặt ra. Vừa qua, ASEAN đã cùng EU và Vương quốc Anh ký các văn kiện để hai Đối tác này chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Các Đối tác đề xuất nhiều sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác với ASEAN, như: Nhật đề xuất 33 dự án hợp tác điển hình trên nhiều lĩnh vực; Ô-xtrây-li-a đưa sáng kiến phòng chống bệnh sốt rét kháng thuốc; Trung Quốc lập Ủy ban về Hợp tác Kết nối với ASEAN, cả trên bộ và trên biển; lập Quỹ Hợp tác Biển ASEAN - Trung Quốc trị giá 3 tỷ nhân dân tệ; EU tài trợ 15 triệu ơ-rô giai đoạn 2012-2016 cho Chương trình “EU hỗ trợ ASEAN liên kết khu vực” (ARISE), Mỹ đưa Sáng kiến gắn kết chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương và học bổng Fulbright mới dành cho sinh viên các nước ASEAN... Các Đối tác tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề ở khu vực cũng như trong các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, Diễn đàn ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+)…; khẳng định sẽ phối hợp chặt với các nước Điều phối quan hệ đối thoại mới nhằm tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với ASEAN.
Cùng với các nỗ lực xây dựng Cộng đồng và tăng cường liên kết, ASEAN cũng coi trọng phát huy vai trò trung tâm và đóng góp tích cực vào việc bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, phục vụ cho hợp tác và phát triển. Để phát huy vai trò của Khối trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác xây dựng lòng tin ở khu vực, các thành viên ASEAN nhất trí đẩy mạnh đối thoại về xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử ở khu vực, thực hiện nghiêm túc các cam kết đã được quy định trong các văn kiện, như: Hiệp ước TAC, Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… Đồng thời, chú trọng phát huy vai trò của các công cụ và cơ chế hợp tác hiện có ở khu vực để tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức đang đặt ra, trong đó có các vấn đề an ninh phi truyền thống, như: thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh an toàn hàng hải… Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, vấn đề đảm bảo an ninh ở khu vực biển chiến lược này là chủ đề được ASEAN và các bên đối tác hết sức quan tâm. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 45 vừa qua, tuy chưa đạt được sự thống nhất về một số vấn đề liên quan ở Biển Đông, nhưng các thành viên ASEAN và các bên đối thoại đã đạt được nhận thức chung; coi việc duy trì an ninh, ổn định trên Biển Đông là lợi ích chung, là trách nhiệm của tất cả các nước khu vực và thế giới. Quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các nước ở trong và ngoài khu vực trên Biển Đông đang phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích to lớn cho từng quốc gia, khu vực và thế giới. Nhưng, những khác biệt, mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền do lịch sử để lại cũng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Để duy trì an ninh Biển Đông, các nước cần có thiện chí để tăng cường hợp tác, giảm thiểu những khác biệt, mâu thuẫn và xung đột. Đối với các tranh chấp chủ quyền, các nước cần kiên trì, kiềm chế, xử lý bình tĩnh, trên tầm cao chiến lược, giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tuân thủ luật pháp quốc tế, các cam kết, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC; kiên quyết không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp. Mới đây, ngày 20-7, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông”, gồm: thực hiện đầy đủ DOC (2002); Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC (2011); sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; tất cả các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Đây là bước quan trọng tạo cơ sở để ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng COC, nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột, bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông.
Nằm trong đại gia đình ASEAN, Việt Nam luôn coi an ninh và sự phát triển của Khối là nhân tố quan trọng đối với an ninh và sự phát triển của chính mình. Với phương châm "chủ động, tích cực và có trách nhiệm", Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào thực hiện các trọng tâm ưu tiên trong chiến lược phát triển của ASEAN, nhất là trong xây dựng các trụ cột của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển bền vững và đồng đều; duy trì đoàn kết ASEAN; tăng cường quan hệ với các Đối tác; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Cùng với các nước khác, chúng ta đề cao vai trò chủ động và tích cực của ASEAN đóng góp vào xây dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực, nhất là việc bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực; phát huy hiệu quả các công cụ hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN ở khu vực, như: Hiệp ước TAC, SEANWFZ, Tuyên bố DOC, ARF, ADMM+…; nâng cao vai trò của ASEAN và các khuôn khổ ASEAN+1, EAS, ARF… nhằm thúc đẩy xây dựng, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử ở khu vực vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển, cũng như thúc đẩy hợp tác nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra, như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… Chúng ta cũng góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển cả bề rộng và chiều sâu; khuyến khích các Đối tác tham gia và đóng góp xây dựng vào các trọng tâm và ưu tiên của khu vực. Năm 2010, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến được các nước thành viên ASEAN và các bên đối thoại đánh giá cao; coi đó là những định hướng quan trọng cho sự phát triển của Hiệp hội, đặc biệt là Tuyên bố Hà Nội 2010 và tổ chức thành công ADMM+ lần thứ nhất (gồm Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 nước đối thoại), với 5 nội dung được thông qua là những vấn đề nổi cộm đang được quan tâm: Hỗ trợ nhân đạo và Giảm nhẹ thiên tai; An ninh biển; Quân y; Chống khủng bố; Hoạt động gìn giữ hòa bình. Các nội dung trên tiếp tục được khẳng định và cụ thể hóa tại ADMM+ lần thứ hai tổ chức ở Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) vừa qua. Với vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, trong nhiệm kỳ ba năm (7-2009 - 7-2012), Việt Nam đã cùng các nước ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, trên các lĩnh vực: từ kinh tế, thương mại, đầu tư, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, giáo dục, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân; cũng như tích cực triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC... Chúng ta đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy hợp tác Mê Công với các Đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Theo đó, ta đề nghị đẩy mạnh hợp tác quản lý, sử dụng hợp lý và bền vững nguồn nước sông Mê Công; sớm triển khai nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công, trong đó có tác động của đập thuỷ điện trên dòng chính…; phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm, chú trọng các hành lang kinh tế, như: Hành lang Đông - Tây, Hành lang phía Nam; gắn kết với các kế hoạch và dự án về kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN; đào tạo nhân lực phục vụ phát triển xa lộ thông tin tiểu vùng Mê Công; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các nước khu vực Mê Công xây dựng mô hình tăng trưởng xanh… Về Biển Đông, chúng ta chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo UNCLOS, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông; cùng với các bên liên quan sớm xây dựng COC... Những đóng góp tích cực của Việt Nam vừa qua là sự thể hiện sinh động đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế… của Đảng, Nhà nước ta, được các nước thành viên ASEAN và các bên đối thoại đánh giá cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vào sự phát triển của ASEAN và mục tiêu xây dựng hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở khu vực và trên thế giới.
ĐỒNG VĂN
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ