Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:15 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Hội nghị An ninh Munich 2022 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20/02/2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; bất đồng, mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây chưa được giải quyết; tiến trình hòa bình Trung Đông và Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran lâm vào bế tắc, v.v. Bối cảnh đó cho thấy, bức tranh an ninh thế giới mang nhiều gam màu xám.
Hội nghị An ninh Munich là một trong những diễn đàn an ninh quan trọng nhất trên thế giới bàn thảo các vấn đề chính trị thời sự liên quan đến cán cân quyền lực trong quan hệ quốc tế, củng cố hệ thống luật pháp và trật tự thế giới. Hội nghị năm nay có sự tham dự của hơn 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, khoảng 100 bộ trưởng và quan chức cấp cao cùng rất nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng và kinh tế, trong đó có các quan chức cấp cao nhất của các tổ chức quốc tế quan trọng, như: Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), riêng Nga không tham dự. Các chủ đề chính của Hội nghị năm nay là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19; chống biến đổi khí hậu toàn cầu; tình trạng nền dân chủ; quy tắc về công nghệ; củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương; tình hình căng thẳng gia tăng ở Đông Âu và một số điểm nóng trên thế giới; tương lai của EU và vai trò của châu Âu trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng. Trong đó, vấn đề Ukraine và quan hệ NATO - Nga là trọng tâm chính. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên nên thận trọng trong những tuyên bố của mình nhằm hướng tới mục tiêu giảm căng thẳng chứ không nên “đổ thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh an ninh toàn cầu hiện nay phức tạp và bao trùm phạm vi lớn hơn nhiều so với thời kỳ Chiến tranh lạnh. Và thực tiễn đã minh chứng cho lời khẳng định của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres rằng, trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh đã từng có sẵn các cơ chế đánh giá rủi ro và các biện pháp phòng ngừa, còn ngày nay hầu hết các cơ chế này đã không còn tồn tại.
Căng thẳng chưa từng có trong quan hệ Nga - phương Tây
Tại Hội nghị An ninh Munich lần này, lần đầu tiên Nga không có sự hiện diện, Nga vắng mặt tại Hội nghị An ninh Munich 2022 điều đó chứng tỏ quan hệ của quốc gia này với phương Tây leo thang lên mức căng thẳng chưa từng thấy. Trước đây, sau khi Nga sáp nhập Crimea, tuy quan hệ Nga - phương Tây rất căng thẳng, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov vẫn tham dự Hội nghị An ninh Munich năm 2015. Hội nghị năm nay diễn ra sau khi Nga trao cho Mỹ và NATO dự thảo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nga và NATO - Nga; đồng thời, đề nghị các bên đàm phán để ký kết các thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý, nhằm xây dựng cấu trúc an ninh toàn diện, công bằng, ổn định lâu dài ở châu Âu. Trước đó, từ ngày 10 đến 12/01/2022, Nga cùng với Mỹ và NATO đã tiến hành các cuộc đàm phán về hai văn kiện trên, nhưng những vấn đề do Nga đề xuất, như: NATO không tiếp tục mở rộng, không kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên, không được bố trí các hệ thống vũ khí tiến công trên lãnh thổ các nước thành viên có biên giới sát với Nga, không triển khai lực lượng quân sự và vũ khí bên ngoài những nước Đông Âu mà liên minh này đã từng hiện diện ở đó trước tháng 5/1997,… đã bị Mỹ và NATO hoàn toàn bác bỏ. Động thái này của Mỹ và NATO khiến quan hệ Nga - phương Tây vốn đã căng thẳng lại tiếp tục leo thang căng thẳng hơn. Trong bài tham luận tại Hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: các quốc gia có quyền tự do lựa chọn con đường của mình và sự mở rộng của NATO đã và vẫn là nền tảng trong việc truyền bá tự do và dân chủ ở châu Âu. Trong khi Nga cho rằng, quyền tự do lựa chọn liên minh không phải là vô điều kiện mà là có điều kiện, nghĩa là không được gây phương hại đến an ninh của các quốc gia khác. Theo Moscow, việc NATO kết nạp Ukraine làm thành viên là nhằm mục đích, toan tính biến lãnh thổ quốc gia này thành căn cứ quân sự để chống phá Nga. Hiện nay, tuy Ukraine chưa gia nhập NATO, nhưng Mỹ đã triển khai căn cứ quân sự và hạ tầng cơ sở để bố trí vũ khí siêu vượt âm trên lãnh thổ quốc gia này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng cảnh báo, tên lửa siêu vượt âm mà Mỹ dự định bố trí trên lãnh thổ Ukraine có thể giáng đòn tấn công phủ đầu vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga chỉ trong vòng 03 đến 04 phút, đây là “lằn ranh đỏ” mà Mỹ và NATO không được vượt qua.
Tham luận tại Hội nghị này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi NATO kết nạp nước này càng nhanh, càng tốt. Theo ông, Ukraine có đội quân “mạnh nhất châu Âu” và là “lá chắn an ninh” cho châu lục này. Tuy nhiên, đại diện các nước thành viên NATO tham dự Hội nghị đều tỏ ra do dự trước lời kêu gọi này, lý do là nếu kết nạp Ukraine vào NATO sẽ tạo ra thế đối đầu, thậm chí là nguy cơ xung đột quân sự của liên minh này với Nga. Bởi vì, khi Ukraine là thành viên NATO và sử dụng biện pháp quân sự để giữ toàn vẹn chủ quyền, trong đó có việc thu hồi bán đảo Crimea sẽ vấp phải sự đáp trả quân sự từ Nga và đương nhiên sẽ bùng nổ chiến tranh Nga - NATO1. Trong khi đó, Mỹ đã coi Ukraine là đồng minh ngoài NATO và tiến hành hàng chục cuộc tập trận trên lãnh thổ Ukraine theo kịch bản chống Nga. Đáng chú ý, năm 2021, Mỹ và Ukraine cùng 30 quốc gia đồng minh, đối tác của NATO tổ chức tập trận “Gió Biển 2021” trên biển Đen. Cuộc tập trận này huy động 40 tàu chiến, hàng trăm máy bay chiến đấu và các khí tài quân sự đến “ao nhà” của Nga diễu võ giương oai. Đây là cuộc phô diễn sức mạnh quân sự quy mô lớn của Mỹ và NATO kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Thậm chí, tàu khu trục Anh HMS Defender thực hiện kịch bản của Mỹ, đi vào hải phận 12 hải lý của Crimea thách thức Moscow, khiến Hải quân Nga phải nổ súng cảnh cáo. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố: “Nếu Mỹ phớt lờ yêu cầu bảo đảm an ninh cho Nga và vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương kết nạp Ukraine vào NATO thì Nga sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả quân sự và kỹ thuật quân sự”.
Cần tiếp tục đối thoại giữa phương Tây và Nga
Để hóa giải mâu thuẫn giữa phương Tây với Nga, phát biểu tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các nước phương Tây cần tiếp tục đối thoại trên cơ sở tôn trọng những quan ngại của Nga về việc NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông có thực sự đảm bảo hòa bình hay không. Theo ông, Ukraine nên là cây cầu nối giữa Đông và Tây chứ không phải là chiến tuyến chia cắt hai khu vực này. Tuy tất cả các bên đều có quyền bày tỏ quan ngại của mình, nhưng cần tôn trọng và lưu ý những quan ngại chính đáng của Nga và “lối thoát duy nhất” để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine chính là tất cả các bên cùng ngồi lại để thảo luận sâu hơn và đưa ra giải pháp tối ưu, phương cách, lộ trình thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Minsk2. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, ngoại giao có thể vẫn là giải pháp chính và các nước cần thận trọng, nỗ lực hơn nữa để hạn chế những toan tính, bước đi, quyết định sai lầm nghiêm trọng khiến tình hình thêm căng thẳng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho rằng, có những dấu hiệu chứng tỏ vẫn còn cơ hội hóa giải tình hình căng thẳng hiện nay với Nga thông qua kênh ngoại giao. Theo đó, trên thực tế phía Nga rất quan tâm đến các cuộc đàm phán về những yêu cầu bảo đảm an ninh của nước này đề ra trong dự thảo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nga và NATO - Nga. Theo ông, bất chấp mọi bất đồng, phương Tây nên ủng hộ các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí và tính minh bạch trong quan hệ quốc tế. Cùng với đó, bên lề Hội nghị, Bộ trưởng ngoại giao 07 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) nhóm họp để cùng nhau nỗ lực tìm cách hạ nhiệt tình hình đang căng thẳng.
Về tiến trình hòa bình Trung Đông
Bộ trưởng ngoại giao các nước Đức, Pháp, Ai Cập và Jordan gặp nhau bên lề Hội nghị để tiếp tục phối hợp hành động và thảo luận các biện pháp thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Trong Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp, Ngoại trưởng 04 quốc gia này tái khẳng định: (1). Quyết tâm ủng hộ mọi nỗ lực hướng tới một nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện; (2). Tôn trọng các quyền hợp pháp của tất cả các bên dựa trên giải pháp hai nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và các thỏa thuận đã đạt được, gồm cả Sáng kiến hòa bình Arab; (3). Bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng trên thực địa và kêu gọi các bên khẩn trương nối lại đàm phán nghiêm túc và hiệu quả dưới hình thức đàm phán trực tiếp hoặc thông qua sự bảo trợ của Liên hợp quốc; (4). Nỗ lực thực hiện các biện pháp tăng cường xây dựng lòng tin với mục đích cải thiện điều kiện sống của người dân Palestine và hướng tới việc nối lại các cuộc đàm phán hiệu quả; (5). Kêu gọi các bên kiềm chế mọi hành động đơn phương có thể phá hoại giải pháp hai nhà nước và triển vọng của một nền hòa bình công bằng, lâu dài, đặc biệt là việc xây dựng và mở rộng các khu định cư, tịch thu đất đai và ép buộc người Palestine rời khỏi nhà cửa của họ cũng như bất kỳ hình thức bạo lực và thù hận nào. Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội nghị An ninh Munich 2022 cũng dành thời gian trao đổi về tình hình an ninh mong manh ở khu vực Sahel của châu Phi gồm 09 quốc gia (Senegal, Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Sudan, Eritrea) và nỗ lực tiếp tục các cuộc đàm phán để khôi phục Kế hoạch hành động toàn diện chung để thực thi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran.
Nhìn chung, các kết quả đạt được của Hội nghị An ninh Munich 2022 là không nhiều và cho thấy tình hình an ninh thế giới còn đầy bất ổn, thể hiện ngay sau hội nghị này không lâu, ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố bắt đầu một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine và bảo vệ người dân Donbass; đồng thời, cảnh báo NATO không can thiệp hành động của Nga. Các nhà hoạch định chiến lược thế giới dự báo thời gian tới, tình hình thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường.
Đại tá LÊ THẾ MẪU ________________
1 - Điều 5 Hiệp ước NATO quy định một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên NATO ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ bị xem là một cuộc tấn công vào toàn bộ NATO và sẽ vấp phải phản ứng từ các thành viên của khối, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực.
2 - Thỏa thuận Minsk được Bộ tứ Normandy, gồm: Nga, Ukraine, Pháp và Đức thúc đẩy tại thủ đô của Belarus năm 2015, nhằm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu khi đó đã kéo dài 10 tháng ở miền Đông Ukraine.
Munich 2022,An ninh thế giới
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ