Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 27/03/2023, 08:18 (GMT+7)
Ấn Độ trong chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Với thế và lực gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, Ấn Độ ngày càng khẳng định vị thế, tầm quan trọng trên bàn cờ chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là đối tác không thể bỏ qua của nhiều nước lớn, trong đó có Mỹ. Vậy, Ấn Độ trong chiến lược của Mỹ ra sao và mối quan hệ hai nước thế nào đang là vấn đề được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Ấn Độ trong chiến lược của Mỹ

Dư luận quốc tế cho rằng, dưới thời Tổng thống Joe Biden, nước Mỹ tiếp tục đề cao vai trò của Ấn Độ, khi xác định quốc gia này có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong việc triển khai chính sách đối ngoại đối với khu vực và thế giới. Mặt khác, Ấn Độ (nằm ở Ấn Độ Dương) cùng với Nhật Bản và Australia (nằm ở Thái Bình Dương) tạo thành tam giác chiến lược về an ninh, nên có thể giúp Mỹ bao quát hầu hết khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, góp phần kiềm chế “tham vọng” thay đổi trật tự khu vực và cán cân quyền lực của Trung Quốc. Chính vì vậy, sự coi trọng đối với Ấn Độ được thể hiện rõ trong nhiều chính sách quan trọng cũng như các phát biểu của quan chức chính quyền Mỹ. Trước hết, phải kể đến việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (hồi tháng 02/2022) đã xếp Ấn Độ vào nhóm đối tác hàng đầu cần làm sâu sắc quan hệ. Kế đến là Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2023 của Mỹ có điều khoản đề cập đến việc làm sâu sắc quan hệ với Ấn Độ, tăng cường quan hệ đối tác và hỗ trợ nước này giảm phụ thuộc vào Nga về quân sự, năng lượng. Đặc phái viên về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Kurt Campbell cũng từng khẳng định, Ấn Độ là nhân tố “đòn bẩy” trên vũ đài quốc tế thế kỷ XXI, một trong những quốc gia có thể định hình tương lai châu Á, là thành viên quan trọng của nhóm Đối thoại an ninh (QUAD) và nhiều cơ chế đa phương.

Xác định vai trò trọng yếu của Ấn Độ trong chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Joe Biden triển khai nhất quán chính sách quan hệ với quốc gia này trên nhiều lĩnh vực. Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hai bên duy trì tiếp xúc linh hoạt và có nhiều chuyến thăm lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, như: chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi (tháng 9/2021), trước đó là chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar (tháng 5/2021) và các chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (tháng 3/2021) và Ngoại trưởng Antony Blinken (tháng 7/2021), v.v. Đối với lĩnh vực kinh tế, hai bên tăng cường trao đổi thương mại, với kim ngạch năm 2021 tăng gần 33% so với năm 2020, nhiều vướng mắc về kinh tế bước đầu được tháo gỡ. Đáng chú ý, trong diễn đàn chính sách thương mại song phương được tổ chức hồi tháng 11/2021, cả Mỹ và Ấn Độ đều nhất trí tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho một loạt sản phẩm nông nghiệp; Mỹ đồng ý xem xét đề xuất của Ấn Độ về việc phục hồi cơ chế ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), nới lỏng quy định đối với xoài và lựu nhập khẩu từ Ấn Độ vào đầu năm 2022; ngược lại, Ấn Độ cũng có động thái tương tự với quả cherry, cỏ khô và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ. Về lĩnh vực quân sự, hai nước cam kết đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng, phát triển trang thiết bị quân sự, tăng cường tập trận chung, chia sẻ thông tin và hợp tác hậu cần giữa hai quân đội. Ngoài ra, Mỹ còn cung cấp nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại cho Ấn Độ, trong đó có máy bay chiến đấu đa năng MH-60R; đồng thời, cam kết hỗ trợ để Ấn Độ trở thành nhân tố bảo đảm an ninh trong khu vực.

Mỹ cũng khuyến khích Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở khu vực, quốc tế và trong các cơ chế đa phương do Mỹ dẫn dắt, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của Ấn Độ ở khu vực Nam Á trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Không những thế, Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gia nhập nhóm các nhà cung cấp hạt nhân. Với cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo, coi trọng đồng minh, đối tác, Washington đã thuyết phục New Delhi tham gia tích cực hơn trong nhóm QUAD, góp phần nâng cao khả năng hợp tác của Nhóm: tổ chức thành công 04 hội nghị thượng đỉnh trong hai năm, triển khai chương trình 01 tỉ liều vaccine ngừa Covid-19, công bố sáng kiến quan hệ đối tác về nhận diện không gian biển (IPMDA), v.v.

Trong xử lý các vướng mắc giữa hai bên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đề cao đối thoại và thuyết phục, hạn chế gây sức ép bằng các biện pháp áp thuế, hạn chế thị thực,… như thời Tổng thống Donald Trump. Đối với xung đột tại Ukraine hay việc Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, thay vì kích hoạt “Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt” (CAATSA) như trước đó từng làm với Thổ Nhĩ Kỳ, đến nay Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định với Ấn Độ. Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng ủng hộ việc miễn trừ các biện pháp trừng phạt có thể kích hoạt theo CAATSA đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, việc chưa tuyên bố miễn trừ cũng cho thấy, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng trừng phạt trong trường hợp Ấn Độ thể hiện sự thiên lệch trong quan hệ với Nga.

Nhân tố ảnh hưởng và chiều hướng quan hệ Mỹ - Ấn Độ

Theo các chuyên gia, việc Mỹ điều chỉnh cách đánh giá và tiếp cận trong quan hệ với Ấn Độ là do tác động của nhiều nguyên nhân; trong đó, Trung Quốc được coi là nhân tố ảnh hưởng hàng đầu. Trước hết, sự trỗi dậy mạnh mẽ và việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á, Ấn Độ Dương được xác định là nguyên nhân chính, buộc Mỹ phải củng cố quan hệ với Ấn Độ nhằm “ngăn chặn” Trung Quốc. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc thời gian gần đây đang có dấu hiệu đi xuống, do xung đột giữa hai nước dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở vùng Ladakh (nổ ra từ tháng 6/2020 đến nay vẫn chưa kết thúc) hay Ấn Độ lo ngại Trung Quốc thông qua sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối châu Á với châu Âu, thiết lập các hải cảng ở một số nước Nam Á và vùng biển Tây Phi sẽ hạn chế các hoạt động giao thương liên lục địa, can thiệp sâu hơn vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ,… là những lý do để Mỹ và Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ hợp tác.

Tiếp đó, thời gian gần đây, vị thế, vai trò của Ấn Độ tại khu vực cũng như trên trường quốc tế ngày càng tăng, làm cho sự giao thoa về lợi ích giữa hai nước được mở rộng. Là quốc gia nằm trên tiểu lục địa Ấn Độ, vươn sâu vào Ấn Độ Dương - vùng biển kết nối các nền kinh tế châu Âu, Trung Đông, châu Phi, châu Á, Australia và có nhiều tuyến đường biển, eo biển trọng yếu, như: Hormuz, Malacca, Bab-el Mandeb,… Ấn Độ được coi là mảnh ghép quan trọng trên bản đồ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với các chính sách phát triển kinh tế phù hợp, năm 2019, Ấn Độ vượt qua Pháp, Anh để vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ 05 thế giới và đứng thứ 03 châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản. Ấn Độ cũng là một trong số quốc gia có sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 (dự báo tăng trưởng GDP đạt khoảng 08% trong năm 2022 và 2023, cao hơn dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc). Cùng với thị trường nội địa rộng lớn, nguồn lao động dồi dào và thế mạnh về nguyên liệu thô, nước này có thể trở thành “mắt xích” tiềm năng thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng trọng yếu toàn cầu, nhất là chíp bán dẫn điện tử. Đầu năm 2021, chính phủ Ấn Độ thông qua chương trình Khuyến khích sản xuất (PLI) nhằm cung cấp động lực kinh tế đối với các công ty sản xuất nội địa và công ty nước ngoài tham gia sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”. Sự phát triển của Ấn Độ là động lực quan trọng thúc đẩy Mỹ tăng cường hợp tác, vượt qua Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ trong năm 2022, với tổng giá trị kim ngạch hai chiều lên tới 119,42 tỉ USD. Hiện quốc gia Nam Á này cũng là nước đứng thứ 05 thế giới về sức mạnh quân sự và hạt nhân, là đối tác quan trọng trong các cơ chế do Mỹ dẫn dắt, quốc gia hàng đầu nhập khẩu vũ khí của Mỹ.

Bên cạnh những thuận lợi, vấn đề dân chủ và mối quan hệ Ấn - Nga cũng là rào cản tác động tới việc hai nước củng cố mối quan hệ. Mặc dù Mỹ và Ấn Độ được coi là hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, có cùng nền tảng giá trị, cùng đề cao luật pháp quốc tế, nhưng hai nước vẫn còn nhiều khác biệt trong việc thực thi. Trong khi Mỹ đề cao các giá trị dân chủ, nhân quyền, bày tỏ quan ngại về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng và quyền của các nhóm dân tộc thiểu số ở Ấn Độ, thì Ấn Độ lại đề cao chủ trương “tự chủ chiến lược”, đa dạng hóa quan hệ và không liên kết truyền thống. Khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Mỹ nhiều lần thuyết phục, thậm chí gây sức ép để Ấn Độ cô lập Nga, nhưng Ấn Độ vẫn kiên quyết giữ mối quan hệ với Nga nhằm bảo vệ lợi ích, như: bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống với một số dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan đến cuộc xung đột; tiếp tục mua dầu thô và nhận hệ thống phòng không S-400 từ Nga, v.v.

Tuy hai nước vẫn còn một số quan điểm khác biệt, song các nhà phân tích quốc tế cho rằng, thời gian tới, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn sẽ duy trì và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Ấn Độ; đồng thời, thể hiện cách tiếp cận toàn diện, cân nhắc tổng thể, áp dụng “lạt mềm buộc chặt” trong xử lý các vấn đề còn khác biệt giữa hai nước. Bởi lẽ, Ấn Độ là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn đối với khu vực và thế giới thông qua sự đa dạng về sắc tộc, tôn giáo và nhiều giá trị văn hóa riêng biệt. Cùng với đó là cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng mở rộng về địa lý và quy mô; trong khi đó, Mỹ cùng lúc phải đối phó với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, thì việc tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với “chốt chặn” Ấn Độ tại Ấn Độ Dương là điều cần thiết. Ở chiều ngược lại, Ấn Độ cũng có những lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác với Mỹ; trong đó, phải kể đến sự hỗ trợ của Washington cho New Delhi trên các lĩnh vực thương mại, năng lượng, khoa học và công nghệ, công nghiệp quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, v.v.

Trong bối cảnh cục diện thế giới có sự thay đổi nhanh chóng, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, đặt ra nhiều thách thức mới cho các quốc gia, thì việc Washington và New Delhi ngày càng tìm thấy nhiều điểm tương đồng để làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác vì lợi ích của mỗi bên là điều dễ hiểu. Dư luận quốc tế cũng hy vọng rằng, quan hệ Mỹ - Ấn Độ tiếp tục được củng cố sẽ góp phần củng cố hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới.

MỸ CHÂU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...