Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 06/01/2022, 08:35 (GMT+7)
10 sự kiện quốc phòng, quân sự thế giới nổi bật năm 2021

Năm 2021, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đầy bất trắc, với cả hai màu tối, sáng đan xen. Đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, xung đột, lật đổ, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ,… diễn ra gay gắt, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu. Tạp chí Quốc phòng toàn dân tổng hợp, giới thiệu 10 sự kiện quốc phòng, quân sự thế giới nổi bật.

1. Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban tái giành quyền kiểm soát đất nước

Ngày 14/4/2021, Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan và hoàn tất quá trình này trước ngày 11/9, kết thúc “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” hao người, tốn của kéo dài suốt 20 năm mà không đạt được bất cứ kết quả nào. Tận dụng cơ hội đó, Taliban tiến công đánh chiếm thủ đô Kabul và gần như toàn bộ lãnh thổ nước này; đồng thời, tuyên bố thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”. Việc Taliban - tổ chức bị Washington truy lùng để tiêu diệt trong “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” sau sự kiện 11/9/2001 lên nắm quyền chứng tỏ chiến lược của Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự để “xúc tiến dân chủ” sau Chiến tranh lạnh đã thất bại. Tuy nhiên, chính quyền Taliban đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là làn sóng di tản lớn chưa từng có từ Afghanistan sang các nước láng giềng và châu Âu; xung đột nội bộ giữa Taliban với các phe phái chống đối có thể dẫn đến nguy cơ nội chiến; các tổ chức khủng bố: Al Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISIS-K) được dịp trỗi dậy và gia tăng hoạt động, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh khu vực và toàn cầu.

2. Mỹ công bố Định hướng chiến lược an ninh quốc gia mới

Ngày 03/3/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố Định hướng Chiến lược an ninh quốc gia, với những nội dung cơ bản: nhận diện thay đổi trong cán cân quyền lực trên thế giới; những thách thức chưa từng có đối với Mỹ, trong đó có thách thức đến từ chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, nền dân chủ thế giới bị suy thoái, đặc biệt là sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với Nga và Trung Quốc. Định hướng Chiến lược của Tổng thống Joe Biden cũng nêu rõ các ưu tiên an ninh quốc gia của nước này, bao gồm: bảo vệ và nuôi dưỡng các nguồn lực cơ bản của sức mạnh Mỹ, như: người dân, kinh tế, quốc phòng và dân chủ trong nước; thúc đẩy phân phối quyền lực thuận lợi nhằm răn đe và ngăn ngừa các đối thủ trực tiếp đe dọa Mỹ và đồng minh, ngăn cản tiếp cận các nguồn tài nguyên chung hoặc thống trị các khu vực chủ chốt; lãnh đạo và duy trì một hệ thống quốc tế mở dựa trên các liên minh dân chủ mạnh mẽ, các mối quan hệ đối tác, các thể chế đa phương. Định hướng cũng nhấn mạnh, Mỹ sẽ không thể thực hiện các ưu tiên một mình, mà cần củng cố và hiện đại hóa các mối quan hệ đồng minh và đối tác của mình trên toàn thế giới. Washington cũng tái khẳng định đầu tư và hiện đại hóa khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các mối quan hệ với đồng minh và đối tác khác trên toàn cầu, bởi đây là tài sản chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ. Cùng với đó, Mỹ sẽ đánh giá lại cơ cấu, năng lực và quy mô lực lượng vũ trang, từ đó xác định các giải pháp đảm bảo cho quân đội Mỹ vẫn là lực lượng được trang bị tốt nhất và mạnh nhất thế giới. Tổng thống Joe Biden cũng xác định sẽ sử dụng vũ lực nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia có giá trị sống còn; sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, như: chống biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Quan điểm của Mỹ là chống lại các hành vi thương mại không trung thực và bất hợp pháp; bảo vệ chuỗi cung ứng đối với các công nghệ quan trọng về an ninh quốc gia; ngăn chặn ý đồ quân sự hóa Biển Đông; dành sự ủng hộ toàn diện cho Đài Loan; bảo vệ dân chủ, nhân quyền ở Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng; thực hiện chính sách ngoại giao thực dụng, v.v. Giới hoạch định chiến lược Mỹ cho rằng, Định hướng chiến lược an ninh quốc gia mới thể hiện tầm nhìn về cách thức nước Mỹ sẽ can dự với thế giới trong những năm tới.

3. Nga công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới; vạch “lằn ranh đỏ” trong quan hệ với Mỹ và NATO

Ngày 02/7/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký Sắc lệnh phê chuẩn Chiến lược an ninh quốc gia mới; trong đó, nêu rõ nước Nga phải tăng cường sức mạnh cả về kinh tế, chính trị, quân sự để đối phó với nguy cơ chiến tranh xuất phát từ hành động không ngừng gây hấn của Mỹ và NATO. Về kinh tế, Nga xác định giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài trong một số lĩnh vực chủ chốt; thiết lập điều kiện phù hợp để kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao hơn trung bình toàn cầu. Về văn hóa - tư tưởng, Nga hướng vào nhận diện rõ những mối đe dọa của thời đại công nghệ, mà trong đó các cuộc chiến tranh tâm lý mỗi lúc một trở nên khốc liệt. Về ngoại giao, cùng với tăng cường nỗ lực nhằm ổn định hệ thống pháp luật quốc tế, Nga sẽ chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc và Ấn Độ - những trung tâm quyền lực quốc tế mới. Về quốc phòng, Nga xác định bằng mọi cách phải gia tăng tiềm lực quan trọng này và luôn coi đó là công cụ răn đe hữu hiệu nhất. Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga được công bố trong bối cảnh giới lãnh đạo cả Moscow và Washington đều nhận định, quan hệ hai nước suy giảm đến mức thấp nhất trong những năm gần đây, thậm chí đã bước sang kỷ nguyên một cuộc “chiến tranh lạnh” mới. Trước đó, ngày 21/4/2021, trong Thông điệp liên bang, lần đầu tiên Tổng thống Putin tuyên bố, Moscow sẽ xác định “lằn ranh đỏ” trong quan hệ với các nước. Theo đó, nếu quốc gia nào vượt qua “lằn ranh” đó sẽ bị Nga đáp trả kiên quyết, mau lẹ và cứng rắn. Theo giới phân tích chính trị quốc tế, “lằn ranh đỏ” mà Tổng thống Putin đề cập là việc vi phạm Thỏa thuận Minsk-2; hành động gây hấn của Mỹ và NATO trên Biển Đen liên quan tới chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea, lực lượng của Nga ở Bắc Cực và lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này ở Nagorno - Karabakh; Mỹ quyết định kết nạp Ukraine vào NATO; hành động của Mỹ vi phạm Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), can thiệp vào các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống ở Nga, v.v.

4. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vấn đề hợp tác an ninh biển

Ngày 09/8/2021, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên họp Thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”. Đây là lần đầu tiên tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh tiến hành một cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển và đã nhất trí thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nội dung chính là kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực nhằm ứng phó với các thách thức an ninh, an toàn biển. Trong đó, Hội đồng Bảo an kêu gọi các quốc gia tuân thủ tính thượng tôn của luật pháp quốc tế; ghi nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và coi đó là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên đại dương, nhất là các hoạt động chống lại các hành động bất hợp pháp trên biển; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực để chống lại các mối đe dọa đối với an ninh và an toàn biển; thúc đẩy vận tải biển an toàn, đồng thời đảm bảo tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, hoan nghênh hoạt động tương trợ tư pháp và các hình thức hợp tác thực thi pháp luật khác liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; chống cướp biển và các hoạt động khủng bố; xem xét tăng cường hợp tác để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có cả cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, v.v. Dư luận quốc tế cho rằng, việc thông qua Tuyên bố trên sẽ dấy lên sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia có biển và liên quan đến biển trong việc hỗ trợ các nước, các tổ chức quốc tế nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý các nguy cơ về an ninh biển - một vấn đề nổi cộm hiện nay trên phạm vi toàn cầu.

5. NATO thông qua chiến lược: NATO 2030

Ngày 14/6/2021, lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO đã thông qua Chiến lược đến năm 2030, được kỳ vọng sẽ thổi luồng “sinh khí” mới cho Tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này. Theo đó, NATO xác định liên minh đang đứng trước nhiều thách thức: sự gia tăng sức mạnh quân sự của Nga và sự trỗi dậy của Trung Quốc làm thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới có thể dẫn đến cuộc chạy đua giành ưu thế kinh tế và công nghệ; sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố, xuất hiện các mối đe dọa đối với xã hội mở và quyền tự do cá nhân cũng như sự gia tăng đối đầu về các giá trị. Do vậy, Chiến lược xác định một số hoạt động cụ thể: tăng cường và duy trì sức mạnh quân sự bằng cách gia tăng đầu tư, hiện đại hóa lực lượng dựa trên công nghệ hiện đại; nỗ lực xây dựng một tổ chức thống nhất về mặt chính trị; cách tiếp cận mang tính toàn cầu; tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh bên ngoài châu Âu, như: Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản trong các lĩnh vực hàng không - vũ trụ, không gian mạng, công nghệ mới và kiểm soát vũ khí. Nhiều nhà phân tích cho rằng, NATO 2030 khó có thể giúp cho Liên minh quân sự này thoát khỏi tình cảnh “chết não”.

6. Đảo chính quân sự ở Myanmar

Ngày 01/02/2021, quân đội Myanmar bất ngờ tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền dân sự, ban bố tình trạng khẩn cấp, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhân vật chủ chốt của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ cầm quyền. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc đảo chính là do mâu thuẫn sâu sắc giữa Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ và lực lượng quân đội không thể điều hòa được. Xung quanh sự kiện này, dư luận khu vực và quốc tế bày tỏ sự quan ngại trước tình hình bất ổn tại quốc gia Đông Nam Á này.

7. Trung Quốc và Iran ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện

Ngày 27/3/2021, Iran và Trung Quốc chính thức ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với thời hạn 25 năm, trong bối cảnh cả hai nước đều bị Washington xếp vào danh mục “các mối đe dọa đối với Mỹ”. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif, Trung Quốc là quốc gia quan trọng nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, chiếm 31% giá trị hàng hóa xuất khẩu và 37% nhập khẩu của nước này. Theo thỏa thuận, Iran cho phép máy bay ném bom, tiêm kích và vận tải của Trung Quốc có quyền tiếp cận không giới hạn các căn cứ không quân của Iran; Trung Quốc cũng là nhà thầu chính trong xây dựng căn cứ quân sự, đường tàu cao tốc Tehran-Kom-Is và các nhà máy hóa dầu, khai thác dầu và khí đốt trong lãnh thổ; được mua dầu mỏ của Iran với giá rẻ hơn 12%, thậm chí là 20% trong trường hợp hai bên gặp rủi ro, v.v. Theo giới phân tích quốc tế, thỏa thuận trên là một trong những kế hoạch có tầm nhìn xuyên thế kỷ để hiện thực hóa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước.

8. Mỹ, Anh và Australia thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên - AUKUS

Ngày 15/9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison ra tuyên bố chung về thiết lập cơ chế đối tác ba bên (AUKUS). Theo đó, ba nước cam kết sẽ cùng với các đối tác quyết tâm tăng cường hợp tác đối ngoại, an ninh và quốc phòng nhằm hóa giải những thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất là tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Thông qua AUKUS, các nước sẽ tăng cường khả năng của mỗi bên trong việc bảo đảm các lợi ích an ninh và quốc phòng chung, xây dựng mối quan hệ đa phương lâu dài, bền vững; chia sẻ thông tin và công nghệ sâu rộng hơn; đẩy mạnh hợp tác khoa học, công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng. Riêng Australia sẽ được sở hữu đội tàu ngầm động cơ hạt nhân thế hệ mới. Các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ hy vọng, AUKUS cùng với “Bộ tứ kim cương” sẽ là những “trụ cột” để Mỹ và các đồng minh giành được lợi thế chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

9. Cuộc tập trận Sea Breeze của NATO

Từ ngày 28/6 đến 10/7/2021, NATO tiến hành cuộc tập trận mang tên “Sea Breeze 2021” - “Gió Biển 2021” trên Biển Đen với sự tham gia của Hạm đội 6 Mỹ cùng lực lượng của 30 quốc gia thành viên NATO và lực lượng đến từ các nước ngoài liên minh: Ukraine, Gruzia, Australia, Brazil, Ai Cập, Israel, Nhật Bản, Moldova, Maroc, Pakistan, Senegal, Hàn Quốc, Tunisia và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Tổng cộng có 30 tàu chiến, 40 máy bay, hơn 100 xe tải và xe bọc thép, 18 đội đặc nhiệm với hơn 5.000 quân. Theo các nhà phân tích chiến lược, cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - NATO đang ở mức thấp nhất và sự tập trung lực lượng quy mô lớn của các nước phương Tây vừa thăm dò phản ứng, vừa gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng: không cho phép một số khu vực ở Biển Đen trở thành “ao nhà” của Nga. Về phần mình, Nga đã phản ứng với cuộc diễn tập này bằng phô diễn lực lượng, thử hệ thống phòng không ở Crimea, triển khai 20 chiến đấu cơ và trực thăng, trong đó có các máy bay ném bom SU-24M cùng các hệ thống tên lửa phòng không đất đối không S.400,… gây nhiều quan ngại đối với an ninh khu vực.

10. Philippines khôi phục hoàn toàn thỏa thuận quân sự VFA với Mỹ

Ngày 30/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định khôi phục Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ (được ký năm 1998) vốn bị hủy bỏ từ tháng 02/2020. Theo đó, hàng nghìn binh sĩ Mỹ lại được đồn trú ở Philippines và những cuộc tập trận chung thường niên cũng như các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo, hiệp định phòng thủ chung sẽ được nối lại. Đây là động thái rất mới giữa hai nước, được dư luận quốc tế hết sức quan tâm. Các nhà phân tích cho rằng, việc nối lại VFA dù trực tiếp hay gián tiếp sẽ tác động không nhỏ tới vấn đề Biển Đông vốn đã rất phức tạp. Đây cũng là cách mà Hoa Kỳ tiếp cận và gây ảnh hưởng ở khu vực, làm dấy lên lo ngại của cộng đồng quốc tế.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...