Thứ Sáu, 22/11/2024, 13:10 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra ngày càng khốc liệt, đã xuất hiện thêm các “điểm nóng” mới từ các cuộc đảo chính quân sự, xung đột, chiến tranh cục bộ đến cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, khiến cho bức tranh an ninh toàn cầu điểm thêm nhiều gam mầu “tối’. Để minh họa cho “bức tranh” đó, Tạp chí Quốc phòng toàn dân tổng hợp và giới thiệu 10 sự kiện quốc phòng, quân sự thế giới nổi bật năm 2023.
1. Xung đột quân sự giữa Israel và phong trào Hamas
Ngày 07/10/2023, phong trào Hồi giáo Hamas bất ngờ mở cuộc tấn công lớn nhất (trong nhiều năm trở lại đây) vào lãnh thổ Israel khi sử dụng các tay súng vượt biên giới, kết hợp với hàng nghìn quả tên lửa hạng nặng được bắn từ Dải Gaza, bắt giữ hàng trăm con tin và làm hơn 1.200 người thương vong. Đáp trả hành động đó, Israel phát động chiến dịch quân sự mang tên “Những thanh gươm sắt”, tấn công toàn diện vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại sâu sắc, vì xung đột đã tàn phá hầu như toàn bộ các công trình hạ tầng ở Dải Gaza, làm hơn 17.000 người Palestine thiệt mạng và đang gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Đặc biệt, xung đột có nguy cơ leo thang thành cuộc chiến tranh khu vực khi lôi cuốn ngày càng nhiều lực lượng “thánh chiến” người Hồi giáo tham gia.
2. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine chưa có hồi kết
Bắt đầu từ tháng 02/2022, đến nay, Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vẫn diễn ra khốc liệt, chưa thể đi đến hồi kết. Đặc biệt, thời gian gần đây, Ukraine phát động cuộc phản công nhằm tái chiếm các khu vực đang bị Nga kiểm soát. Tuy nhiên, kết quả cuộc phản công này không như những gì mà Kiev kỳ vọng. Chiến sự hiện vẫn diễn ra giằng co giữa hai bên trên nhiều địa bàn trọng yếu chiến lược ở miền Đông Ukraine. Gần 02 năm trôi qua, xung đột giữa Nga và Ukraine không chỉ tiêu tốn nhiều nguồn lực và tổn thất khó có thể đong đếm cho cả hai bên, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường an ninh toàn cầu. Đến nay, do quan điểm, lập trường của cả Kiev và Moscow hoàn toàn khác biệt nên những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về một thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt cuộc xung đột này hiện vẫn là viễn cảnh xa vời.
3. Bùng phát đảo chính quân sự ở nhiều quốc gia châu Phi
Ngày 26/7/2023, lực lượng quân đội Niger đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Bazoum. Đây là cuộc đảo chính quân sự lần thứ 05 ở Niger kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1960. Điều đáng nói là, khi “bóng đen” của cuộc đảo chính ở Niger còn đang bao trùm khu vực, thì một cuộc đảo chính quân sự khác đã nổ ra ở Gabon (ngày 30/8/2023), làm rung chuyển châu Phi. Các cuộc đảo chính quân sự bùng phát tại Niger và Gabon là sự tiếp nối “làn sóng” đảo chính liên tục diễn ra trong những năm gần đây. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, từ Sudan (2019, 2021) đến Cộng hòa Chad (2021), Mali (2020, 2021), Guinea (2021), Burkina Faso (2022), quân đội lần lượt lật đổ chính quyền dân sự và lên nắm quyền. Các nhà quan sát cho rằng, các cuộc đảo chính quân sự ở châu Phi vừa là hệ quả của nhiều mâu thuẫn gộp lại, vừa là nguyên nhân gây ra sự bất ổn đối với các nước và toàn bộ châu lục này.
4. NATO thông qua Chiến lược phòng thủ toàn diện
Ngày 12/7/2023, tại Vilnius (Litva), Hội nghị thượng đỉnh NATO đã thông qua Chiến lược phòng thủ toàn diện, được đánh giá là mạnh mẽ và chi tiết nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Theo đó, NATO sẽ thành lập một lực lượng khoảng 300.000 quân luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, có thể được triển khai đến bất kỳ xung đột nào trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, xác định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực chiến lược trọng yếu; cam kết tăng cường sự hiện diện của hải quân, không quân và thành lập văn phòng đại diện ở Nhật Bản để bảo vệ an ninh, lợi ích chiến lược của Liên minh ở khu vực này. NATO cũng phê duyệt kế hoạch sản xuất quốc phòng mới để thống nhất việc mua sắm chung, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao khả năng tương tác giữa các nước thành viên. Giới chức NATO kỳ vọng, Chiến lược phòng thủ toàn diện cho phép NATO có thể giành được ưu thế toàn diện cả trên đất liền, trong không gian, trên biển và trên vũ trụ trước bất kỳ “đối thủ tiềm tàng nào”, v.v. Nga và Trung Quốc đã cực lực phản đối, coi các quyết định mà NATO thông qua là “tư duy lỗi thời” của thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, không có lợi cho an ninh, ổn định và hòa bình của thế giới.
5. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ký thỏa thuận thành lập liên minh an ninh ba bên
Ngày 18/8/2023, tại Trại David, Hoa Kỳ, lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký thỏa thuận thành lập liên minh an ninh ba bên. Theo thỏa thuận này, ba nước sẽ cùng nhau xây dựng một tầm nhìn chung và các nguyên tắc cơ bản trong hợp tác, thiết lập các cơ chế hợp tác toàn diện và đa tầng trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở mọi cấp độ. Các bên cũng cam kết “tăng cường củng cố hợp tác an ninh vì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, hợp tác đối phó với những mối đe dọa chung; đặc biệt là các biện pháp hợp tác nhằm ứng phó với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như các căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Cùng với các cơ chế an ninh khu vực khác mà Mỹ đóng vai trò chủ đạo, như liên minh quân sự Mỹ - Anh - Australia (AUKUS), “Tứ giác kim cương” (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, thì việc Mỹ thành lập thêm liên minh an ninh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn sẽ làm cho an ninh khu vực càng thêm phức tạp.
6. Nga rút khỏi nhiều hiệp ước quốc tế quan trọng
Ngày 02/11/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật về việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) - một thỏa thuận đa phương cấm tất cả các vụ thử nghiệm hạt nhân được thực hiện vì mục đích hòa bình hoặc quân sự. Việc Nga hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước CTBT đảm bảo sự cân bằng đối với Mỹ trong lĩnh vực thử hạt nhân khi mà Washington vẫn chưa phê chuẩn Hiệp ước. Tiếp đó, trong các ngày 07 và 09/11/2023, Nga lần lượt công bố quyết định rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) và Thỏa thuận ngừng sử dụng vũ khí hạt nhân với Nhật Bản, được hai nước ký từ tháng 10/1993. Trước đó, ngày 28/02/2023, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã ký Luật đình chỉ việc tham gia vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) - vốn được coi là hiệp ước vũ khí chiến lược cuối cùng giữa các siêu cường hạt nhân sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 2019 và Hiệp ước Bầu trời mở (OTS) vào năm 2020. Đây là dấu hiệu leo thang căng thẳng trong quan hệ Nga - NATO vốn dĩ đã nóng bỏng suốt thời gian qua, mà gốc rễ là sự thiếu thiện chí của NATO, gây nhiều quan ngại trong cộng đồng quốc tế.
7. Triều Tiên tuyên bố là cường quốc hạt nhân toàn cầu
Ngày 06/11/2023, Triều Tiên ra tuyên bố nước này đã xây dựng thành công lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới. Trước đó, ngày 28/9/2023, Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên đã nhất trí thông qua việc sửa đổi Hiến pháp và đưa vĩnh viễn chính sách vũ khí hạt nhân vào luật cơ bản của nước này. Trong năm 2023, Triều Tiên đã nhiều lần phóng thử nghiệm tên lửa tầm xa, được các chuyên gia quân sự đánh giá là có khả năng mang được đầu đạn hạt nhân. Đáng chú ý, ngày 13/7/2023, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18 có tầm bắn hơn 1.000km. Những tiến bộ về công nghiệp tên lửa cùng với tuyên bố của lãnh đạo Triều Tiên về vị thế cường quốc hạt nhân toàn cầu của nước này, khiến tình hình khu vực Đông Bắc Á khó có thể lắng dịu trong một sớm, một chiều.
8. Phần Lan chính thức gia nhập NATO
Ngày 04/4/2023, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Theo giới học giả phương Tây, gia nhập NATO sẽ giúp Phần Lan bảo đảm an ninh quốc gia; đồng thời, củng cố thêm sức mạnh cho liên minh quân sự này và tạo điều kiện cho một khuôn khổ an ninh lớn hơn ở Bắc Âu. Tuy nhiên, sự kiện này kết hợp với cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã tạo ra sự chuyển dịch đáng kể theo hướng quân sự hóa mạnh mẽ khu vực. Trong đó, dễ nhận thấy, việc Phần Lan trở thành thành viên NATO, độ dài biên giới của Nga với các quốc gia thành viên NATO sẽ tăng gấp đôi, thêm gần 1.300km trên bộ và trên biển.
9. Tập trận quân sự quy mô lớn ở nhiều nơi trên thế giới
Năm 2023, thế giới tiếp tục chứng kiến sự gia tăng các cuộc tập trận quân sự cả về phạm vi, quy mô, loại hình và tính chất. Tại châu Á - Thái Bình Dương, ngoài các cuộc tập trận chung thường niên với các đồng minh, Mỹ cùng Indonesia, Australia, Nhật Bản, Singapore, Pháp và Anh tổ chức cuộc tập trận đa quốc gia mang tên “Siêu lá chắn Garuda 2023”. Tại Biển Đông cũng liên tiếp diễn ra các cuộc tập trận song phương và đa phương quy mô lớn giữa Mỹ với Australia, Canada, Nhật Bản và New Zealand; giữa Indonesia với 36 quốc gia khác và giữa Australia với Philippinnes, v.v. Đáng chú ý, lần đầu tiên 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức cuộc tập trận quân sự (mang tính chất phi chiến đấu) tại vùng biển nóng bỏng này. Không kém phần sôi động, tại vùng Vịnh Oman (tháng 3/2023), Trung Quốc, Iran và Nga tổ chức tập trận hải quân chung “Vành đai an ninh biển 2023”; còn tại Trung Đông (tháng 8/2023), lần đầu tiên Ấn Độ tham gia cuộc tập trận hải - lục - không quân Bright Star-23 lớn nhất cùng 33 quốc gia do Ai Cập tổ chức. Đặc biệt, vào trung tuần tháng 6/2023, tại lục địa già, NATO đã tiến hành cuộc tập trận không quân lớn nhất từ trước đến nay mang tên Air Defender 23, với sự tham gia của 10.000 quân và 250 máy bay chiến đấu từ 25 quốc gia.
10. Nhiều nước phóng vệ tinh quân sự lên quỹ đạo
Ngoài Mỹ, Nga1, Trung Quốc là những cường quốc phóng số lượng vệ tinh quân sự đứng đầu thế giới, nhằm phục vụ các chương trình, kế hoạch quân sự riêng, năm 2023, nhiều nước đang phát triển cũng nghiên cứu và phóng thành công vệ tinh quân sự lên quỹ đạo. Ngày 27/9/2023, Iran đã phóng thành công một vệ tinh quân sự, đánh dấu thêm một thành tựu về công nghệ không gian của nước này. Sau hai lần không thành công, ngày 22/11/2023, Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh giám sát quân sự lên quỹ đạo, thể hiện khả năng chế tạo tên lửa đẩy của Bình Nhưỡng. Ngay lập tức, ngày 02/12/2023, Hàn Quốc cũng phóng thành công vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào quỹ đạo. Nhiều nước, như Ấn Độ, Canada, Mexico, Israel đều có kế hoạch phóng vệ tinh quân sự trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024, tạo nhiều hệ lụy về cuộc chạy đua “quân sự hóa vũ trụ” vô cùng tốn kém và ẩn chứa nhiều rủi ro cho an ninh, ổn định toàn cầu. ___________________
1 - Năm 2023, Mỹ và Nga đã phóng tổng cộng 15 vệ tinh do thám quân sự vào quỹ đạo.
10 sự kiện quốc phòng,quân sự nổi bật trên thế giới năm 2023
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ