Thứ Ba, 17/09/2024, 23:47 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2017 đã khép lại với xu thế chung là hòa bình, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, vẫn có nhiều sự kiện quan trọng đã, đang và có thể diễn ra, tác động sâu sắc với những mức độ khác nhau đến các quốc gia, khu vực và thế giới. Tạp chí Quốc phòng toàn dân nghiên cứu, đánh giá và bình chọn “10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật thế giới năm 2017”; trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
1. Căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên
Năm 2017, Triều Tiên đã thực hiện 06 lần thử hạt nhân và phóng nhiều tên lửa. Gần đây nhất, ngày 29-11, Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-15 có thể mang nhiều đầu đạn dẫn hướng độc lập (MIRV), tầm bắn trên 13.000 km, có khả năng bay tới lục địa nước Mỹ. Với kết quả đó, ngày 12-12, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên De Giông-su tuyên bố, Triều Tiên đã gia nhập hàng ngũ các cường quốc hạt nhân và tên lửa toàn cầu, làm gia tăng mối nguy hiểm đến an ninh khu vực và thế giới. Lợi dụng tình hình đó, Mỹ đẩy nhanh tiến trình hoàn thành Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Động thái này làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên đã phức tạp lại càng phức tạp hơn, làm mất cân bằng chiến lược trong khu vực; đồng thời, gây quan ngại cho Trung Quốc và Nga. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản còn liên tục tổ chức các cuộc tập trận chung quy mô lớn, thậm chí ngay trong lúc tình hình đang căng thẳng. Triều Tiên đã phản đối mạnh mẽ và coi đó là hành động khiêu khích. Trong khi đó, để ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa và sở hữu vũ khí hạt nhân, Liên hiệp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt với Bình Nhưỡng để phản ứng lại những vi phạm của Triều Tiên đối với nghị quyết của tổ chức quốc tế này.
Tên lửa Hwasong-15 được Triều Tiên phóng ngày 29-11-2017 (Ảnh: KCNA)
2. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại tại Xy-ri và I-rắc
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát phần lớn lãnh thổ Xy-ri và một phần lãnh thổ I-rắc tiếp giáp với nước láng giềng Xy-ri; đồng thời, tuyên bố thành lập “đế chế” xuyên biên giới. Từ đó, tổ chức này liên tục tiến hành những vụ tấn công tàn bạo vào dân thường. Được sự hỗ trợ của lực lượng không quân Nga, Quân đội Xy-ri đã lần lượt đánh bại các nhóm phiến quân trên toàn lãnh thổ. Ngày 08-11, Quân đội Xy-ri tiến vào giải phóng hoàn toàn A-bu Ke-man - thành trì lớn nhất của quân khủng bố. Ngày 11-12, Tổng thống Nga V. Pu-tin tuyên bố Các lực lượng vũ trang Nga đã hoàn thành nhiệm vụ và rút một phần lực lượng về nước.
Đối với I-rắc, được sự hậu thuẫn của liên minh do Mỹ lãnh đạo, Quân đội I-rắc đã dần giành lại quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng ba năm qua (từ năm 2014). Ngày 26-10, Quân đội I-rắc đã giành thắng lợi ở khu vực thung lũng Ơ-phơ-rết, nơi các tay súng IS cuối cùng đang cố thủ. Ngày 09-12, I-rắc tuyên bố, giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi các phần tử khủng bố của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
3. Gia tăng các cuộc tập trận trên thế giới
Từ ngày 04 đến 08-12, Mỹ - Hàn tổ chức tập trận quy mô lớn nhất từ trước tới nay, giữa lúc bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng. Cuộc tập trận huy động 230 máy bay, trong đó có nhiều máy bay hiện đại, như: U2, F-22, F-35,... và 12.000 binh lính. Để nâng cao khả năng phòng thủ đất nước từ phía Tây, Nga và Bê-la-rút tổ chức cuộc tập trận mang tên Za-pát 2017 nhằm chống xâm lược từ phía Tây. Lực lượng tham gia, gồm: 138 xe tăng, 231 xe thiết giáp, 241 hệ thống pháo và tên lửa đạn đạo chiến thuật, cùng 40 máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ tuần tra cảnh giới trên không. Nga dự kiến triển khai 12.700 binh sĩ, trong đó 10.200 quân tham gia tác chiến tại Bê-la-rút. Cuộc tập trận khiến NATO, nhất là các quốc gia vùng Ban-tích có những phản ứng khác nhau. Các nước trong khối NATO, đặc biệt là Mỹ cũng đã tiến hành một loạt cuộc tập trận quy mô nhỏ, gồm: Sa-bơ Knai 2017, Sa-bơ Strai-ke 2017 và một cuộc tập trận trên bộ và trên không ở Lát-vi-a với hơn 2.000 binh sĩ từ 08 quốc gia NATO,... nội dung chủ yếu là bảo vệ các quốc gia Ban-tích. Ngày 28-11, Tập đoàn quân 78 của chiến khu Bắc Bộ, tại thành phố Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang) Trung Quốc đã tập trận ở phía bắc Nội Mông, giáp biên giới Triều Tiên.
4. Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng ở châu Âu
Ngày 13-11, 23 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký thỏa thuận quốc phòng Cấu trúc hợp tác thường trực (PESCO). Thỏa thuận này đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng nội khối và phát triển hệ thống vũ khí. Đây là “một bước ngoặt lịch sử” trong hợp tác quốc phòng châu Âu. Ngày 14-12, Liên minh châu Âu đã chính thức khởi động thỏa thuận: đóng góp ngân sách, phát triển và triển khai các lực lượng vũ trang, nhằm chấm dứt sự lãng phí hàng tỷ Ơ-rô do chính sách quốc phòng riêng của các nước, giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ; tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới, như: xe tăng, máy bay không người lái và các thiết bị quốc phòng cần thiết. Các nước tham gia cam kết: “thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng”, dành 20% để mua sắm trang thiết bị.
5. Tiến công mạng quy mô lớn đe dọa an ninh toàn cầu
Ngày 13-5-2017, xảy ra vụ tiến công mạng trên quy mô toàn cầu. Hàng loạt ngân hàng, cơ quan, đơn vị của hàng chục quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi các vụ tiến công mạng, trong đó có Anh, Nga, Áo, Bỉ, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Mỹ và Mê-hi-cô. Các vụ tiến công xuất hiện dưới dạng “tống tiền”. Người sử dụng mạng không thể truy cập dữ liệu, trừ khi họ trả cho tin tặc một khoản tiền ảo (Bitcoin) vào tài khoản của chúng. Qua phân tích, các công ty an ninh mạng cho biết, vi-rút gây ra vụ tiến công mạng nói trên là loại mã độc “tống tiền” Oan-na Cri có khả năng tự phát tán trên quy mô lớn, bằng cách lợi dụng một lỗi phần mềm trong hệ điều hành Uyn-đâu của Mai-crô-sốp Cóp. Ngăn chặn các vụ tiến công mạng và hệ lụy của nó tới các lĩnh vực, nhất là an ninh, rõ ràng đang là thách thức lớn đối với toàn cầu.
6. Xu thế ly khai ở nhiều nước trên thế giới
Các phong trào ly khai đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, như: Trung Đông, châu Âu, với nhiều cấp độ, động cơ đa dạng, từ sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế và lịch sử, v.v. Một số phong trào ly khai đòi thêm quyền tự trị, số khác đòi độc lập. Ngày 04-7, chính quyền tự trị người Cuốc tại I-rắc ấn định ngày 25-9 tổ chức trưng cầu ý dân đòi quyền độc lập. Trong khi đó, người Cuốc tại miền Bắc Xy-ri cũng xây dựng cơ chế tự trị và dự kiến tổ chức các cuộc bầu cử tại các hội đồng ở địa phương và khu vực vào tháng 9, 11 và tháng 01-2018. Tiếp đó, ngày 01-10, xứ Ca-ta-lô-ni - khu vực giàu có ở Đông Bắc Tây Ban Nha, gồm cả Bác-xê-lô-na, bỏ phiếu trưng cầu dân ý đòi độc lập. Ngày 22-10, vùng Lom-ba-dy và Ve-níc của I-ta-li-a cũng tổ chức trưng cầu dân ý nhằm giành nhiều quyền tự trị hơn, v.v. Nếu các nước không có quy chế rõ ràng và ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài thì phong trào này sẽ tạo hiệu ứng đô-mi-nô, làm mất ổn định an ninh, chính trị trên phạm vi toàn cầu.
7. Khủng bố vẫn diễn biến phức tạp
Sau khi các lực lượng khủng bố bị đánh bại ở Xy-ri và I-rắc, chúng chuyển phương thức tiến công dạng “con sói đơn độc”, sử dụng súng, dao, “xe điên”,... tiến công vào những chỗ đông người, ở nhiều nơi. Ngày 01-01-2017, đã xảy ra vụ thảm sát 39 khách du lịch trong hộp đêm Rây-na, thành phố I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ). Ngày 03-4-2017, nhóm nghi phạm liên quan tới An-kê-đa đã đặt bom tàu điện ngầm tại thành phố Xanh Pê-téc-bua (Nga) khiến 05 người thiệt mạng. Nhiều hành động khủng bố bằng “xe điên” đâm vào đám đông diễn ra ở khắp châu Âu. Ngày 24-11, các phần tử tình nghi phiến quân đã dùng bom và súng tấn công một đền thờ Hồi giáo ở tỉnh Bắc Xi-nai làm 305 người thiệt mạng trong đó, có 27 trẻ em và hơn 120 người bị thương. Đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất nhằm vào dân thường tại Ai Cập từ trước đến nay. Hiện nay, lực lượng khủng bố IS thay đổi chiến lược hoạt động, trà trộn vào dân thường, thực hiện các vụ đánh nhỏ, lẻ, gây mất ổn định chính trị. Đây là kỷ nguyên “IS 2.0”, tạo sức mạnh ảo - không lộ nguyên hình quân sự. Khủng bố đã bùng phát mạnh ở Đông Nam Á, nhất là ở Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a, làm hàng nghìn người chết. Hoạt động khủng bố gia tăng dưới mọi hình thức đang là vấn đề hết sức nguy hiểm đối với thế giới.
8. Khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh
Ngày 05-6, Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Ba-ha-in (sau đó là Y-ê-men và Ly-bi) thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ca-ta và tất cả các mối liên lạc trên đất liền, trên biển và sân bay với Đô-ha. Công dân của các nước nói trên buộc phải cắt đứt quan hệ kinh doanh và rời Ca-ta, trong khi công dân Ca-ta có 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi những nước này. Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất trong thế giới A-rập và chia rẽ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
9. Động thái mới của Mỹ ảnh hưởng đến quân sự, quốc phòng thế giới
Từ khi trúng cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đến nay, ông Đô-nan Trăm đã có những quyết định gây quan ngại đối với dư luận quốc tế. Nổi bật là, vào rạng sáng ngày 07-4, Mỹ bất ngờ phóng 59 tên lửa hành trình Tô-ma-hốc vào căn cứ không quân Xai-rát, nơi cả binh sĩ Xy-ri và Nga đóng quân, với lý do trừng phạt chính quyền B. An Át-xát sử dụng vũ khí hóa học; ngày 21-8, Tổng thống Mỹ tuyên bố chiến lược mới của Quân đội Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan và khu vực Nam Á; trong Hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 5, Hoa Kỳ cam kết bảo vệ các đồng minh NATO, kết nạp Mông-tê-nê-grô; ngày 02-8, Tổng thống Mỹ ký Luật trừng phạt Nga, I-ran, Triều Tiên; ngày 06-12, Tổng thống Mỹ chính thức công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của I-xra-en đã gây sự quan ngại của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, ngày 18-12, những ngày cuối cùng của năm 2017, Tổng thống Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới; trong đó, xác định Nga, Trung Quốc là đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ.
10. ASEAN và Trung Quốc nhất trí thông qua thỏa thuận khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)
"Ngoại trưởng các nước ASEAN nhất trí về dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”. Văn bản này đã được phê chuẩn tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc diễn ra trong ngày 06-8 tại Ma-ni-la, Phi-líp-pin. Đây là một bước tiến tích cực để ngăn chặn xung đột, giữ gìn an ninh, ổn định trên Biển Đông.
TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN
10 sự kiện,năm 2017,quốc phòng,quân sự
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương