Thứ Ba, 10/09/2024, 01:19 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2016, bức tranh toàn cảnh thế giới nói chung, lĩnh vực quốc phòng, quân sự nói riêng tiếp tục nổi rõ hai gam màu “tối - sáng” đan xen. Trong đó, nhiều sự kiện có nguồn gốc từ năm trước, nay có diễn biến đột phá, phức tạp, tác động mạnh mẽ đến an ninh toàn cầu. Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn, giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật.
1. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) suy yếu, nhưng hoạt động khủng bố gia tăng, diễn biến phức tạp
Sự ra đời với những hành động man rợ thời Trung cổ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã làm rúng động toàn thế giới. Kẻ “gieo gió ắt gặt bão”, năm 2016, với nỗ lực chung của các quốc gia, IS hứng chịu tổn thất nặng nề ở Trung Đông, Bắc Phi, đặc biệt là ở I-rắc, Li-bi, Xy-ri, khiến tổ chức cực đoan này đứng trước nguy cơ tan rã. Tuy vậy, hoạt động khủng bố lại có chiều hướng gia tăng. Cùng với IS, các nhóm khủng bố khác, như: An Kê-đa, Ta-li-ban, Gia-ma-ây-tun, An Sa-báp,… đẩy mạnh hoạt động ở khắp các châu lục và lần đầu tiên xảy ra ở Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, đặt Đông Nam Á trước thách thức an ninh mới. Với phương thức tiến công đa dạng, liều lĩnh, thậm chí dùng cả trẻ em làm “bom sống” tự sát, hoạt động khủng bố tiếp tục là mối đe dọa an ninh toàn cầu. Đó cũng là lý do sự kiện này được đặt ở vị trí số 1.
2. Các nước tăng cường phối hợp diễn tập quân sự
Tháng 9-2016, với sự tham gia của 1.800 binh sĩ, 01 tàu sân bay, 12 tàu đổ bộ và khu trục cùng 180 máy bay các loại, Mỹ đã tổ chức cuộc diễn tập thực binh quy mô lớn mang tên “Valiant Shield - 2016” ở Tây Thái Bình Dương. Cùng thời điểm đó, lần đầu tiên, Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc diễn tập liên hợp “Hợp tác trên biển - 2016” tại Biển Đông (trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền diễn biến phức tạp). Trước đó, tháng 6-2016, tại Ba Lan, với hơn 30.000 binh sĩ cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Đó chỉ là những cuộc diễn tập nổi bật, còn rất nhiều các cuộc diễn tập khác. Hiện tượng bất thường này nói lên điều gì? Câu trả lời còn bỏ ngỏ, nhưng đây chắc chắn là sự kiện gây quan ngại đối với nhiều nước trong khu vực và thế giới, có thể dẫn đến nguy cơ của cuộc chạy đua vũ trang mới.
3. Cuộc chiến ở Xy-ri tiếp tục diễn biến phức tạp
Năm 2016, với sự tham chiến, hỗ trợ đắc lực của Nga, Quân đội Xy-ri mở nhiều cuộc tấn công, thu hẹp địa bàn chiếm đóng của IS và lực lượng đối lập. Cùng với đó, lực lượng vũ trang người Cuốc (được Mỹ hậu thuẫn) liên tục công kích, giải phóng nhiều làng mạc từ tay IS. Không đứng ngoài cuộc, tháng 9-2016, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tiến công “lá chắn Euphrates”, tiến sâu vào lãnh thổ Xy-ri, khiến cuộc chiến nơi đây càng thêm phức tạp. Gần đây, trong khi Chính phủ Xy-ri tập trung lực lượng và giành thắng lợi lớn tại thành phố chiến lược A-lép-pô, thành phố cổ Pan-mi-ra lại một lần nữa rơi vào tay IS sau 9 tháng Quân đội giành quyền kiểm soát. Điều đó cho thấy, tình hình cuộc chiến ở Xy-ri còn diễn biến phức tạp và chưa thể kết thúc trong một sớm, một chiều.
4. Quan hệ Nga - phương Tây leo thang căng thẳng
Cuộc đối đầu giữa Nga với các nước phương Tây tiếp tục leo thang do bất đồng gia tăng giữa hai bên liên quan đến cuộc khủng hoảng ở U-crai-na, nội chiến ở Xy-ri và trong nhiều vấn đề quốc tế. Với luận thuyết “mối đe dọa” từ Nga, năm 2016, Mỹ và NATO quyết định triển khai 4 tiểu đoàn phản ứng nhanh tại 4 nước vùng Ban-tích1 (sát biên giới Nga); kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ru-ma-ni; thậm chí, Na Uy còn cho phép lực lượng Hải quân Lục chiến Mỹ đồn trú, sẵn sàng tham gia tác chiến. Đáp trả, Nga đã thành lập 3 sư đoàn tác chiến mới, kích hoạt trạm ra-đa cảnh báo sớm ở Crưm, triển khai tên lửa Ít-xkan-đơ tại Ka-li-nin-grát; đồng thời, tạm ngừng Thỏa thuận Nga - Mỹ về tiêu hủy chất plutoni. Động thái trên khiến dư luận thế giới lo ngại về một “cuộc chiến tranh lạnh” mới, kéo theo đó là những hệ lụy khôn lường.
5. Liên minh châu Âu công bố chiến lược toàn cầu mới
Ngày 28-6-2016, đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Mô-ghê-ri-ni đã công bố chiến lược toàn cầu mới của EU. Theo đó, EU đặt ra yêu cầu hợp tác quốc phòng phải trở thành chuẩn mực, trên cơ sở tăng cường vai trò an ninh - phòng thủ nội khối; đẩy mạnh hợp tác an ninh giữa EU với NATO; nâng cao năng lực triển khai các hoạt động quân sự độc lập của Liên minh; đồng thời, gia tăng sự hiện diện và đóng góp thực chất hơn vào vấn đề an ninh châu Á. Như vậy, cùng với quyết định tăng ngân sách quốc phòng nội khối, chiến lược toàn cầu mới của EU được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới cục diện an ninh quốc tế.
6. Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện của Phi-líp-pin đối với Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài (PCA - thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982) đã ra phán quyết 5 điểm về vụ kiện của Phi-líp-pin đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi Trung Quốc tuyên bố không thừa nhận và cho rằng phán quyết của PCA là “không có giá trị” thì ngược lại, cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh và coi đó là đóng góp quan trọng vào nỗ lực giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
7. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên và sự gia tăng các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc
Tháng 01 và tháng 9-2016, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tiến hành hai vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay. Phản ứng trước động thái của Bình Nhưỡng, ngày 02-3-2016, Liên hợp quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt, chủ yếu nhằm vào xuất khẩu và kiểm tra toàn bộ hàng hóa đến và đi của Triều Tiên. Đặc biệt, ngày 30-11-2016, Liên hợp quốc tiếp tục ban hành Nghị quyết 2321 (trừng phạt vụ thử hạt nhân lần thứ 5); trong đó, tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu than đá - nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Bình Nhưỡng - cùng 11 quan chức và 10 tổ chức liên quan. Tuy nhiên, hiệu lực của các lệnh trừng phạt này đến mức độ nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
8. Nhật Bản thực thi Luật An ninh mới và hiệu ứng khu vực
Sau nhiều năm tranh cãi, cân nhắc, ngày 29-3-2016, Luật An ninh mới của Nhật Bản cũng đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, lực lượng Phòng vệ (JSDF) của xứ Phù Tang sẽ được phép tham chiến ở nước ngoài ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công. Đây là sự thay đổi chính sách quốc phòng mang tính bước ngoặt của Nhật Bản. Tuy nhiên, động thái này không hẳn đã “xuôi chèo mát mái”, bởi vấp phải sự phản đối của các chính giới trong nước. Đồng thời, làm dấy lên mối quan ngại của các nước trong khu vực về những tác động của nó đối với cấu trúc an ninh, không chỉ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn ở cả bình diện thế giới.
9. An ninh mạng tiếp tục là mối quan ngại toàn cầu
Năm 2016, thế giới chứng kiến sự “nóng lên” những nguy cơ và mức độ nguy hiểm của các vụ tấn công mạng ở nhiều nước. Theo Cơ quan tình báo Nga, ngày 02-8-2016, toàn bộ mạng máy tính của 20 tổ chức, trong đó có các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp quốc phòng của nước này đã bị nhiễm mã độc, không thể hoạt động. Tiếp đó, cuối tháng 11-2016, trang web tuyển dụng forces.ca của Bộ Quốc phòng Ca-na-đa đã bị tin tặc tấn công, buộc phải ngưng trệ trong thời gian dài. Trước đó, vào tháng 9-2016, mạng lưới thông tin liên lạc chung của Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Các lực lượng Phòng vệ (SDF) đã bị các hắc-cơ xâm nhập một cách tinh vi, khiến nhiều thông tin bị rò rỉ. Các chuyên gia cảnh báo rằng, những vụ việc trên chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi khả năng ngăn chặn triệt để là không thể. Điều này đang gây quan ngại sâu sắc trên toàn cầu.
10. Xung đột quân sự ở Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc
Ngày 02-4-2016, xung đột quân sự đã bùng phát giữa hai nước Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian tại khu vực tranh chấp Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc. Hai bên đã tiến công và không kích bằng pháo hạng nặng, xe bọc thép và máy bay vào các vị trí của nhau ở hai bên đường giới tuyến. Mặc dù sau đó, một thỏa thuận ngừng bắn được thực thi, nhưng xung đột đã gây thiệt hại nặng nề cho cả hai phía. Dư luận quốc tế cho rằng, hành động “ăn miếng trả miếng” bằng vũ lực không phải là giải pháp cơ bản, lâu dài cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở khu vực này. Hai bên cần xây dựng các giải pháp chính trị, tiếp cận hòa bình, mới hy vọng đem lại sự bình yên cho vùng đất vốn đã căng thẳng và khổ đau suốt 20 năm qua.
Tạp chí Quốc phòng toàn dân
_______________
1 - Gồm: Ét-tô-ni-a, Lít-va, Lát-vi-a và Ba Lan.
10 sự kiện,quốc phòng quân sự,thế giới năm 2016
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương