Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 05/01/2012, 15:09 (GMT+7)
10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2011

LTS: Năm 2011, tình hình thế giới tuy vẫn theo xu thế chung là hòa bình, hợp tác, phát triển; nhưng cũng có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Đặc biệt, làn sóng biểu tình chống chính phủ đã và đang nổ ra ở một loạt nước thuộc khu vực Bắc Phi, Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ,... đẩy nhiều nước vào tình trạng khủng hoảng chính trị - xã hội trầm trọng. Năm 2011 cũng là năm Mỹ có những điều chỉnh quan trọng, mang tính "bước ngoặt" trong chiến lược toàn cầu của họ. Điều đó gây tác động lớn đến quan hệ quốc tế, an ninh, ổn định của các khu vực và thế giới. Tạp chí Quốc phòng toàn dân nghiên cứu, lựa chọn 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật.


1- Sự kiện "Mùa xuân Ả-rập" gây bất ổn định ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông. 

alt
Hiện trường sau một vụ ném bom của NATO ở Tri-pô-li.
Cuộc "cách mạng hoa nhài" (01-2011) ở Tuy-ni-di đã lật đổ Chính quyền của Tổng thống Ben A-li, gây hiệu ứng lan nhanh sang một loạt n­ước ở Bắc Phi và Trung Đông (nhiều người gọi là sự kiện "Mùa xuân Ả-rập"), đẩy khu vực này vào tình trạng bất ổn định nghiêm trọng. Tổng thống Ai Cập H. Mu-ba-rắc bị lật đổ; Tổng thống Li-bi Ca-đa-phi bị giết hại; Tổng thống Y-ê-men A-li Áp-đu-la Xa-lê cũng đã tuyên bố từ chức,... Ở Xy-ri, bạo động giữa quân Chính phủ và lực lượng nổi dậy đã làm hơn 5.000 người thiệt mạng. Mỹ và nhiều nước phương Tây đang gia tăng sức ép để buộc Tổng thống Xy-ri Át-xát từ chức. Họ cũng điều động tàu sân bay và nhiều phương tiện chiến đấu đến vùng biển Xy-ri, làm cho tình hình càng thêm phức tạp; đẩy Xy-ri đến bờ vực của chiến tranh.  

2- Chiến tranh ở Li-bi, Chính quyền của Tổng thống Ca-đa-phi sụp đổ.

Ngày 13-3-2011, dưới danh nghĩa thực thi Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về thiết lập "vùng cấm bay" trên bầu trời Li-bi để bảo vệ người dân nước này trước các cuộc xung đột trong nước giữa quân Chính phủ và lực lượng nổi dậy, với sự hậu thuẫn tích cực của Mỹ, NATO đã tiến hành chiến dịch "Bình minh Ôdyssey" tiến công quân sự Li-bi. Sau hơn 6 tháng NATO tiến hành không kích, hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở Li-bi, Chính quyền của Tổng thống Ca-đa-phi bị lật đổ và Tổng thống Ca-đa-phi bị giết hại.

3- Mỹ tuyên bố kết thúc chiến tranh ở I-rắc.

Ngày 12-12-2011, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố "kết thúc cuộc chiến I-rắc", chấm dứt hơn 8 năm can thiệp quân sự ở quốc gia Vùng Vịnh này. Mỹ sẽ duy trì khoảng hơn 150 quân và hơn 750 nhà thầu dân sự làm nhiệm vụ huấn luyện cho các lực lượng an ninh của I-rắc. Tuy vậy, tình hình an ninh và tương lai của đất nước này vẫn đang là một câu hỏi lớn.

4 - Trùm khủng bố Bin La-đen bị tiêu diệt, cuộc chiến khủng bố vẫn còn phức tạp.

Ngày 02-5-2011, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã đột nhập tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen tại một thành phố của Pa-ki-xtan. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuyên bố đây là chiến thắng có tầm quan trọng chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận cuộc chiến này vẫn còn phức tạp.

5- Quan hệ Mỹ và NATO với Pa-ki-xtan xấu đi. 

Ngay sau vụ việc Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen ở Pa-ki-xtan, Chính quyền Pa-ki-xtan đã kịch liệt phản đối hành động của Mỹ là vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia của Pa-ki-xtan. Mỹ lại chỉ trích Chính quyền Pa-ki-xtan hậu thuẫn cho các lực lượng khủng bố, làm quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pa-ki-xtan bị xấu đi. Vụ việc càng nghiêm trọng khi mới đây, không quân NATO đã không kích giết hại 28 lính Pa-ki-xtan. Ngày 09-12-2011, Thủ tướng Pa-ki-xtan Y-u-xúp Ra-da Gi-la-ni đã lên án hành động trên của NATO; tuyên bố Pa-ki-xtan sẵn sàng đáp trả các cuộc tiến công qua biên giới của Mỹ và NATO. Đáp lại, ngày 10-12-2011, Mỹ đã cho rút quân khỏi căn cứ Sam-xi ở Tây Nam Pa-ki-xtan. Hai viện Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết cắt khoản viện trợ hàng trăm triệu USD cho Pa-ki-xtan. Các động thái trên đang làm cho quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pa-ki-xtan có nguy cơ bị đổ vỡ. 

6- Mỹ điều chỉnh chiến lược, chuyển trọng tâm về khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tháng 02-2011, Nhà Trắng công bố chiến lược quân sự mới - chiến lược quân sự năm 2011. Điểm nổi bật của chiến lược này là Mỹ coi châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chiến lược của Mỹ trong thế kỷ XXI. Cùng với việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực thông qua các nước đồng minh thì tại Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Mỹ (10-2011), Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuyên bố cam kết can dự mạnh mẽ để duy trì vai trò siêu cường của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. 

7- ASEAN và Trung Quốc thông qua "Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC", tạo cơ sở cho việc ổn định tình hình an ninh ở Biển Đông.  

Ngày 22-7-2011, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua "Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC". Tiếp đó, ngày 15-10-2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển". Các thỏa thuận này được dư luận đánh giá cao, coi là những đóng góp tích cực cho việc giải quyết hòa bình những bất đồng, giữ gìn môi trường an ninh, ổn định trên Biển Đông.

8- Vấn đề I-ran và mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và I-ran.

Sau khi Cơ quan năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua  Nghị quyết về chương trình hạt nhân của I-ran (09-11-2011), Mỹ và nhiều nước phương Tây tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt I-ran về kinh tế, ngoại giao. Họ cũng đe dọa không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để chống I-ran. Mới đây, I-ran đã bắn hạ máy bay trinh sát không người lái và bắt nhân viên tình báo CIA của Mỹ. Những động thái trên làm quan hệ Mỹ - I-ran vốn đã căng thẳng, càng trở nên căng thẳng hơn; đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh trong khu vực. 

9- Mỹ tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) ở châu Âu, gây căng thẳng trong quan hệ với Nga.

Trong khi đàm phán Mỹ - NATO - Nga về NMD ở châu Âu chưa đạt được kết quả, thì Mỹ tiếp tục cho triển khai NMD ở Ru-ma-ni, Ba Lan; tới đây có thể ở một số nước châu Âu khác. Nga phản đối việc Mỹ triển khai NMD ở châu Âu đe dọa đến an ninh của Nga và cho biết Nga sẽ thực thi các biện pháp đáp trả thích đáng. Mát-xcơ-va tuyên bố không loại trừ khả năng rút khỏi START mới đã ký với Mỹ năm 2010; triển khai trạm ra-đa cảnh báo sớm và các tên lửa đánh chặn ở Ca-li-nin-grat, nơi giáp với châu Âu. Dư luận lo ngại những căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ có thể dẫn đến tình trạng "chiến tranh lạnh mới" giữa hai cường quốc này.

10- Tiến trình hòa bình Trung Đông có biến chuyển mới, nhưng còn nhiều khó khăn.

Ngày 28-10-2011, Chính quyền Pa-le-xtin và I-xra-en đã ký thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Ga-da. Trong nội bộ Pa-le-xtin, phong trào Pha-ta và Ha-mát đã ký thỏa thuận hòa giải, tiến tới việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Đây được coi là những động thái tích cực cho tiến trình hòa bình của Trung Đông. Tuy nhiên, I-xra-en vẫn tiếp tục cho xây dựng các khu định cư của người Do Thái, tiến công quân sự chống Ha-mát ở khu vực Dải Ga-da. Mỹ vẫn kiên quyết phản đối và đã bỏ phiếu phủ quyết Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin là thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Dư luận cho rằng, tiến trình hòa bình Trung Đông có biến chuyển mới, nhưng còn nhiều khó khăn.

MINH ĐỨC thực hiện

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...