Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Bảy, 22/01/2011, 04:50 (GMT+7)
10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2010

 Năm 2010, hòa bình, hòa hoãn, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; nhưng, cùng với một số "điểm nóng" chưa được giải quyết, tình trạng xung đột quân sự, mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, ly khai, khủng bố, chạy đua vũ trang, các thảm họa thiên tai..., tiếp tục xảy ra và có những diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới. Trong bức tranh toàn cảnh đó, Tạp chí Quốc phòng toàn dân nghiên cứu, lựa chọn, giới thiệu 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật, có tác động ở những mức độ khác nhau đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới, để bạn đọc tham khảo.

 

1- Gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đàm phán 6 bên (gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên) về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang bế tắc, thì mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tiếp tục bị đẩy lên cao, qua những diễn biến phức tạp. Điển hình là ngày 26-5-2010, Hàn Quốc ra tuyên bố lên án quân đội CHDCND Triều Tiên bắn chìm tầu chiến Cheonan của hải quân Hàn Quốc, làm 48 thủy thủ của tầu thiệt mạng. CHDCND Triều Tiên bác bỏ, tố cáo đây là mưu đồ khiêu khích, hòng gây xung đột của Hàn Quốc. Mới đây, ngày 23-11-2010, quân đội của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc lại đấu pháo dữ dội ở khu vực đảo Di-ơn-piêng (do Hàn Quốc quản lý). Vụ đụng độ xảy ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn trên biển Hoàng Hải và CHDCND Triều Tiên kiên quyết phản đối cuộc tập trận này, với lý do là gây mất ổn định ở khu vực. Đây là vụ đụng độ quân sự lớn nhất kể từ khi hai bên đình chiến (năm 1953). Tiếp đó, gần đây, việc Mỹ và Nhật Bản (Hàn Quốc tham gia với tư cách là quan sát viên) tiếp tục tổ chức tập trận quân sự quy mô lớn trên biển Hoàng Hải, gây sức ép đối với CHDCND Triều Tiên, càng làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. 

2- Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất, tăng cường hợp tác chiến lược, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Từ ngày 10 đến 13-10-2010, tại thủ đô Hà Nội, đã diễn ra ADMM+ lần thứ nhất, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Niu Di-lân, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a. Hội nghị thành công tốt đẹp, đã thông qua Tuyên bố chung, cam kết tăng cường hợp tác chiến lược trong giải quyết các bất đồng, mẫu thuẫn, đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, vì lợi ích cộng đồng. Dư luận quốc tế đánh giá cao kết quả của Hội nghị, nhất là công tác chuẩn bị, những sáng kiến đóng góp và vai trò điều phối của nước chủ nhà Việt Nam, với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010. Hội nghị đặt nền tảng cho một cấu trúc an ninh mới vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

3- Mỹ và NATO điều chỉnh chiến lược an ninh. Ngày 27-5-2010, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã công bố "Chiến lược an ninh quốc gia mới"; theo đó, chính thức từ bỏ chính sách "đơn phương đánh đòn phủ đầu" của chính quyền tiền nhiệm G.W. Bu-sơ, thay bằng chính sách "đa phương", dựa trên "ngoại giao thông minh" và lấy "sức mạnh quân sự" làm trụ cột, để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Ngày 19-11-2010, tại Li-xbon (Bồ Đào Nha), NATO đã thông qua "Khái niệm chiến lược mới"; theo đó, nhấn mạnh các biện pháp hiện đại hóa quân sự để nâng cao sức mạnh phòng thủ tập thể, bảo vệ an ninh, lợi ích của NATO trước nguy cơ tiến công hạt nhân và những mối đe dọa mới, như an ninh mạng, hoạt động khủng bố...; cam kết tiếp tục tiến trình mở rộng NATO; hợp tác với Nga trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, chống khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia... NATO cũng sẵn sàng can thiệp quân sự ở bất cứ nơi nào trên thế giới nếu lợi ích của Khối bị đe dọa.

Việc điều chỉnh chiến lược của Mỹ và NATO thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận; bởi, nó có tác động trực tiếp đến cục diện an ninh và sự ổn định của các quốc gia, các khu vực và thế giới. 

4- Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới.  Ngày 8-4-2010, tại thủ đô Pra-ha, Cộng hòa Séc, Nga và Mỹ đã ký START mới (thay cho START cũ đã hết hạn vào tháng 12-2009). Theo Hiệp ước mới, hai bên sẽ cắt giảm còn khoảng 1.550 đầu đạn hạt nhân (giảm 30% so với START cũ); khoảng 800 phương tiện phóng (giảm 50% so với START cũ). Nga, Mỹ và nhiều nước cho rằng, START mới sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì sự ổn định chiến lược trên toàn cầu; là bước tích cực tiến tới mục tiêu xây dựng thế giới phi hạt nhân. START mới đã được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 22-12-2010 và Đu-ma Quốc gia Nga thông qua lần đầu (dự kiến còn 2 lần nữa) vào ngày 24-12-2010.

 5- Nga chấp thuận lời mời của NATO tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Ngày 19-11-2010, tại Hội nghị thượng đỉnh các nước NATO, Nga đã chấp thuận lời mời của NATO tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, mở ra một trang mới có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ Nga-NATO. Trước đó, Nga luôn phản đối việc NATO mở rộng sang phía Đông, phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu; coi đây là mối đe dọa đối với Nga. Hai bên đang có những hoạt động cụ thể để hiện thực hóa việc phối hợp này. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Mét-vê-đép cũng tuyên bố, Nga chỉ tham gia với NATO trên cơ sở bình đẳng. Và rằng, nhiều chi tiết hai bên còn tiếp tục phải bàn bạc và kế hoạch này chỉ có thể phát huy tác dụng nếu nó góp phần bảo vệ an ninh, ổn định trên toàn cầu.

6- Hội nghị quốc tế "Hành động quốc gia đảm bảo an ninh hạt nhân", nhằm đảm bảo an ninh hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân (VKHN) trên thế giới. Từ ngày 14 đến 17-4-2010, tại Oa-sinh-tơn, đã diễn ra Hội nghị "Hành động quốc gia đảm bảo an ninh hạt nhân" do nước chủ nhà Mỹ chủ trì, với sự tham dự của 3 tổ chức quốc tế: Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và lãnh đạo của 47 quốc gia thuộc các châu lục. Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận về nhận thức đối với hiểm họa từ VKHN; thông qua cam kết quốc tế quản lý chặt chẽ kho nguyên liệu u-ra-ni được làm giàu ở mức độ cao, nhằm đảm bảo an ninh hạt nhân, tiến tới giải trừ VKHN trên toàn cầu.       

7- Mỹ rút quân ở I-rắc; tăng quân ở Áp-ga-ni-xtan, nhưng vẫn bị "sa lầy" ở hai nước này. Ngày 31-8-2010, theo kế hoạch, Mỹ đã hoàn thành việc rút quân ở I-rắc, mà theo họ là "kết thúc sứ mệnh chiến đấu" trong cuộc chiến tranh đã kéo dài hơn 7 năm ở nước này (từ 2003). Hiện Mỹ duy trì khoảng 50.000 quân (theo kế hoạch sẽ được rút hết vào cuối năm 2011) để huấn luyện cho binh lính và hỗ trợ các hoạt động dân sự cho chính quyền I-rắc. Cùng với việc rút quân ở I-rắc, Mỹ tiếp tục tăng 30.000 quân (đưa tổng số quân Mỹ và NATO lên đến 150.000 người) cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan và đẩy mạnh các chiến dịch quân sự tiến công Ta-li-ban. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa thoát được thế "sa lầy" ở hai nước này. Ở I-rắc, tình trạng bạo lực tiếp tục gia tăng, tình hình an ninh diễn biến rất phức tạp. Còn ở Áp-ga-ni-xtan, tính đến cuối tháng 11-2010, đã có khoảng 500 lính Mỹ bị thiệt mạng, hơn 1 nghìn bị thương, mà chưa cải thiện được tình hình. 

8- WikiLeaks tiết lộ hàng chục vạn trang tài liệu mật và vấn đề bảo đảm an ninh mạng của các quốc gia. Mạng WikiLeaks đã cho công bố trên trang mạng của mình và một số tờ báo lớn của nhiều nước phương Tây hàng chục vạn trang tài liệu mật liên quan tới nhiều lĩnh vực nhạy cảm về kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...,  của Mỹ và của nhiều nước trên thế giới. Việc công bố các tài liệu mật của WikiLeaks đã gây "cú sốc" đối với chính quyền Mỹ và làm "chấn động" dư luận thế giới. Để đối phó, Mỹ và nhiều nước đã triển khai nhiều biện pháp "cấp bách" để tăng cường phòng ngừa, đảm bảo an ninh quốc gia, nhất là đảm bảo an ninh mạng. 

9- Mỹ và một loạt nước châu Âu bị khủng bố bằng bom thư. Năm 2010, các hoạt động khủng bố dã man diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những khu vực "trọng điểm", như: I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, một số nước Trung Á, Đông Nam Á... Trong đó, đáng chú ý có hành động khủng bố bằng bom thư được đặt trong các bưu kiện, bưu phẩm gửi tới cơ quan Chính phủ, Đại sứ quán của Mỹ và một loạt nước châu Âu, như: Đức, Pháp, I-ta-li-a, Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Hy Lạp, Bun-ga-ri... Theo lực lượng an ninh của các nước trên, các bom thư được chế tạo khá tinh vi, khó phát hiện. Điều đó cho thấy, thủ đoạn khủng bố ngày càng nguy hiểm và cuộc chiến chống khủng bố rất khó khăn, phức tạp. Để đối phó với các hoạt động khủng bố trên, Mỹ và các nước châu Âu đã phải bổ sung các biện pháp an ninh "khẩn cấp", nhất là an ninh hàng không. 

10- Khủng hoảng hạt nhân ở I-ran vẫn bế tắc. Sau hơn 1 năm bị gián đoạn, ngày 6-12-2010, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), I-ran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) đã tiến hành đàm phán về vấn đề hạt nhân của I-ran. Hội nghị  kết thúc mà không đạt được kết quả nào. Trong đàm phán, I-ran vẫn kiên quyết yêu cầu phương Tây phải chấm dứt trừng phạt, tôn trọng quyền phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình của I-ran. Tê-hê-ran cũng tuyên bố đã làm giầu u-ra-ni ở mức độ cao (gọi là "bánh vàng") để sử dụng cho chương trình hạt nhân của nước mình. Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép đòi I-ran phải chấm dứt chương trình làm giầu u-ra-ni, được cho là để phát triển VKHN; đe dọa bổ sung các biện pháp trừng phạt "cứng rắn hơn" nếu I-ran không chấp nhận yêu cầu của Mỹ và phương Tây. Tiếp đó, ngày 28-12-2010, Tổng thống I-ran M.A-ma-đi-nê-giát tuyên bố khẳng định: I-ran nay là một quốc gia hạt nhân. Và rằng, I-ran đã nắm bắt được công nghệ hạt nhân và các mục đích năng lượng, nên cách duy nhất để P 5+1 giải quyết mâu thuẫn và chương trình hạt nhân của I-ran là hợp tác, chứ không phải đối đầu với I-ran. Những động thái đó khiến cho quan hệ giữa I-ran và phương Tây càng thêm căng thẳng, khủng hoảng hạt nhân của I-ran vẫn bế tắc.

MINH ĐỨC

 
Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...