Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 01/01/2021, 10:28 (GMT+7)
10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật thế giới năm 2020

Năm 2020, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp bởi sự lây lan “chóng mặt” của đại dịch Covid-19; tình trạng gia tăng xung đột, mâu thuẫn; cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược, chạy đua vũ trang,… khiến bức tranh quốc phòng, quân sự thế giới điểm nhiều gam mầu “xám”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân tổng hợp, giới thiệu “10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật thế giới năm 2020”.

1. Đại dịch Covid-19 

Khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019, dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra khiến cả thế giới “chao đảo” bởi tính chất nguy hiểm, tốc độ lây lan “siêu nhanh” trên toàn cầu và hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nhiều chính khách cũng như các chuyên gia nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới đều có chung nhận định: Covid-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm thay đổi căn bản cục diện chính trị, kinh tế, quân sự,… thế giới.

Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động quân sự cũng như duy trì và phát triển năng lực tác chiến của quân đội các nước trên thế giới. Để phòng chống và kiểm soát lây nhiễm Covid-19, quân đội các nước đã phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết, như: giãn cách trên diện rộng, hạn chế cơ động chuyển quân hoặc thay đổi phương pháp huấn luyện, hoãn hoặc hủy kế hoạch tuyển quân, các cuộc tập trận quy mô lớn. Covid-19 cũng đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong việc dử dụng quân đội ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Tại nhiều quốc gia, quân đội đóng vai trò trụ cột trong cuộc phòng, chống dịch, như: chuẩn bị doanh trại, xây dựng bệnh viện dã chiến, huy động lực lượng quân y, tham gia thực hiện các nhiệm vụ cách ly xã hội, phong tỏa ổ dịch, kiểm soát an ninh nội địa và biên giới, sản xuất các trang, thiết bị y tế, khử trùng, điều trị bệnh nhân nhiễm vi rút, v.v. Dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc phòng và đối ngoại quốc phòng. Theo yêu cầu của nhiều quốc gia, quân đội đã đưa lực lượng chuyên gia y tế, sinh hóa, trang, thiết bị thiết yếu sang các nước để hỗ trợ phòng, chống dịch, góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng giữa các nước. Qua đó cho thấy, quân đội các nước đã thể hiện năng lực, kinh nghiệm trong ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, đặc biệt ứng phó với chiến tranh sinh hóa trong tương lai và là lực lượng không thể thiếu trong quản lý khủng hoảng, góp phần ổn định hòa bình chung cho nhân loại.

10 biện pháp trên đây để phòng ngừa COVID-19

2. Mỹ và Taliban ký thỏa thuận Doha

Ngày 29/02/2020 tại Doha (Qatar), Mỹ và Taliban ký thỏa thuận lịch sử về Afghanistan (Thỏa thuận Doha). Theo đó, Mỹ cam kết rút hết quân khỏi Afghanistan theo lộ trình; từng bước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Taliban. Đổi lại, Taliban cam kết chấm dứt các hoạt động khủng bố và cấm mọi tổ chức, cá nhân (kể cả Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng) sử dụng các khu vực do Taliban kiểm soát như một bàn đạp làm phương hại đến an ninh của Mỹ và các nước đồng minh. Taliban cũng đồng ý đàm phán với chính quyền Kabul về vấn đề hòa giải dân tộc, lập lại hòa bình ở Afghanistan. Dư luận kỳ vọng, Thỏa thuận này là một văn kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử, mở ra triển vọng chấm dứt cuộc chiến tàn khốc kéo dài gần 20 năm, hướng tới thiết lập nền hòa bình bền vững ở quốc gia Nam Á này.

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad và lãnh đạo Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã ký thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban tại Doha, Qatar. (Ảnh AP)

3. Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Từ tháng 5/2020, lực lượng biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ liên tục đụng độ ở nhiều điểm thuộc khu vực Ladakh dọc biên giới hai nước. Cả hai nước đều lên tiếng cáo buộc, đổ lỗi cho nhau gây ra xung đột. Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Ấn Độ đã có nhiều hành động mang tính răn đe và trả đũa lẫn nhau khiến tình hình càng căng thẳng, phủ “bóng đen” lên quan hệ giữa “hai gã khổng lồ” ở châu Á. Theo các nhà phân tích quốc tế, xung đột đã gây thương vong, tổn thất nặng nề cho cả hai bên, trở thành xung đột Trung - Ấn đẫm máu nhất trong vòng nhiều thập kỷ qua. Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, mới đây lãnh đạo hai nước đã đồng ý xử lý căng thẳng thông qua đối thoại. Tuy nhiên, biên giới Trung Quốc và Ấn Độ hiện vẫn tồn tại hơn 20 điểm tranh chấp chưa được giải quyết nên đây tiếp tục là “trở ngại lớn” trong quan hệ hai nước và là “điểm nóng” của khu vực.

Ấn Độ-Trung Quốc đồng ý rút quân, xe tăng, pháo và xe bọc thép khỏi các 'điểm đụng độ' ở khu vực hồ Pangong-Chushul thuộc phía Đông Ladakh. (Ảnh India Today)

4. Xung đột vũ trang ở Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia

Ngày 27/09/2020, xung đột bất ngờ bùng phát dữ dội giữa Azerbaijan và Armenia liên quan tới tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Nagorno-Karabakh. Sự khác biệt của cuộc xung đột lần này là có sự can dự trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ với toan tính khôi phục ảnh hưởng của Đế chế Ottoman ở Kavkaz và là mối đe dọa đối với Nga - đồng minh của Armenia trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể. Để làm phá sản toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 09/11/2020, Tổng thống V. Putin thuyết phục Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ký Tuyên bố ngừng bắn hoàn toàn và ngừng mọi hành động quân sự ở Nagorno-Karabakh từ ngày 10/11/2020, tạo điều kiện cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng một cách lâu dài, căn bản trên cơ sở công bằng vì lợi ích của cả Armenia và Azerbaijan. Tuy nhiên, dư luận lo ngại, xung đột ở Nagorno-Karabakh vẫn chưa được giải quyết triệt để, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Vị trí vùng Nagorno-Karabakh (Ảnh Đồ họa SETA)

5. Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Ngày 21/5/2020, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và cáo buộc “Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước”. Hiệp ước Bầu trời mở được ký tại Phần Lan ngày 24/3/1992 và trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau chiến tranh Lạnh. Có hiệu lực từ năm 2002, Hiệp ước này cho phép các nước tham gia công khai thu thập thông tin về lực lượng vũ trang của nhau cũng như hoạt động quân sự của các nước thành viên. Hiện có 34 quốc gia tham gia Hiệp ước Bầu trời mở, trong đó bao gồm Nga, Mỹ và một số thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiệp ước được coi là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh ở “lục địa già”. Mục đích chính của văn kiện này là, theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi thỏa thuận giải trừ quân bị (nhất là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu) và hóa giải những lo ngại mới phát sinh, xây dựng lòng tin chiến lược. Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước được dự báo sẽ gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là “số phận” của Hiệp ước về cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), được Nga và Mỹ ký năm 2010 sẽ hết hạn vào đầu năm 2021.

Trinh sát cơ OC-135B Mỹ thực hiện các chuyến bay trong hiệp ước
(Ảnh FlickrBacka Eriksson.)

6. Quan hệ Mỹ - Iran tới giới hạn đỏ của chiến tranh

Năm 2020, chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Iran để thực hiện cái họ gọi là “ngăn chặn tham vọng hạt nhân” của Tehran. Cùng với việc bổ sung các biện pháp trừng phạt cứng rắn về kinh tế, tài chính, ngoại giao, Nhà Trắng liên tục điều động nhiều máy bay, tàu chiến hiện đại đến vùng biển Arab để phô trương sức mạnh và răn đe Tehran. Đặc biệt, lực lượng đặc nhiệm Mỹ và đồng minh tiến hành nhiều chiến dịch “tập kích bí mật” để ám sát những quan chức cấp cao của Iran; điển hình là vụ ám sát tướng Qasem Soleimani - Tư lệnh đặc nhiệm Quds của lực lượng Vệ binh cách mạng hồi giáo Iran. Mới đây là vụ ám sát Chuyên gia hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh, ngày 27/11/2020. Dư luận lo ngại sâu sắc với chính sách thù địch của Mỹ chống Iran có thể đẩy quan hệ Mỹ - Iran tới “giới hạn đỏ” của một cuộc chiến tranh khu vực hết sức nguy hiểm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani
(Ảnh AFPTTXVN)

7. Israel ký thỏa thuận hòa bình với nhiều nước Arab

Ngày 15/9/2020, dưới sự trung gian của Mỹ, Israel đã ký Thỏa thuận hòa bình với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain. Phát biểu trong sự kiện này, Thủ tướng Israel Netanyahu ca ngợi: “Đây là điểm then chốt của lịch sử, báo hiệu một khởi đầu mới về hòa bình”, “một kỷ nguyên mới mở ra giữa Israel và thế giới Arab”. Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Netanyahu cũng thông báo, trong thời gian tới, Israel có thể sẽ ký thỏa thuận hòa bình với 05 hoặc 06 quốc gia Arab khác. Dư luận nhiều nước trên thế giới và khu vực ca ngợi thỏa thuận hòa bình giữa Israel với UAE và Bahrain là “bước đột phá lịch sử” để gác lại quá khứ “hận thù”, xây dựng một Trung Đông hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Tuy nhiên, Palestine và nhiều nước Trung Đông phản đối quyết liệt, coi đây thực chất chỉ là chính sách “đánh tỉa, đánh lẻ” để chia rẽ khối đoàn kết của các nước Arab hòng thực hiện mưu đồ bá chủ khu vực, thế giới của Mỹ và Israel. Đại diện phong trào Fatah và Hamas của Palestine tuyên bố bác bỏ thỏa thuận giữa Israel với UAE và Bahrain; khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại sự sáp nhập. Những phản ứng trái chiều này khiến cho cục diện chính trị, an ninh tại Trung Đông càng khó đoán định.

Ngoại trưởng Bahrain, Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ và Ngoại trưởng UAE (từ trái sang) trong Lễ ký Hiệp định Abraham tại Nhà Trắng, ngày 15/9.
(Ảnh AP)

8. Leo thang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp

Năm 2020, vùng biển Đông Địa Trung Hải trở thành điểm nóng mới của thế giới khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hàng loạt các hoạt động thăm dò khí đốt ngoài khơi các đảo của Hy Lạp. Athens coi đây là hành động bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Hy Lạp, trong khi Ankara khẳng định vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đang thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của nước này. Tranh chấp có nguy cơ leo thang thành đối đầu khi cả hai nước đều tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Đông Địa Trung Hải: Thổ Nhĩ Kỳ tập trận chung với hải quân Mỹ, còn Hy Lạp tập trận chung với Pháp, Italy và Cộng hòa Síp. Với những lợi ích khó có thể bỏ qua ở Đông Địa Trung Hải, căng thẳng giữa Ankara và các bên liên quan sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cả NATO và EU đều nỗ lực hòa giải, nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột, song các động thái leo thang gần đây được coi là “cơn sóng ngầm”, có nguy cơ biến nơi đây thành khu vực bất ổn mới.

Hải quân Hy Lạp tập trận ở Đông Địa Trung Hải ngày 25/8 (Ảnh Intenet)

9. Nga thông qua sắc lệnh về ngăn chặn hạt nhân

Ngày 02/6/2020, Tổng thống V. Putin ký sắc lệnh phê chuẩn các nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước về ngăn chặn hạt nhân. Theo đó, Nga coi chính sách của nhà nước trong lĩnh vực ngăn chặn hạt nhân là mang bản chất phòng thủ và nhằm duy trì tiềm năng của các lực lượng hạt nhân ở mức đủ để bảo đảm răn đe hạt nhân. Các nguyên tắc cơ bản cũng đảm bảo việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao khả năng răn đe các kẻ thù tiềm năng trước các hành vi khiêu khích nhằm vào Nga và đồng minh; đáp trả bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào vào nước này, cũng như có thể tiến hành cuộc tấn công hạt nhân trong trường hợp có nguy cơ đối với sự tồn vong của đất nước. Nga cũng liệt kê các mối đe dọa quân sự như sự hiện diện của vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các quốc gia phi hạt nhân; triển khai lực lượng gần biên giới với Nga và coi đây là mối đe dọa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh TASS)

10. NATO diễn tập quân sự quy mô lớn

Năm 2020, NATO tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập quân sự quy mô khác nhau ở khu vực khiến dư luận lo ngại. Điển hình là cuộc tập trận mang tên “Người bảo vệ châu Âu 2020”, với khoảng 37.000 quân thiện chiến của Mỹ và các nước thành viên NATO, kéo dài từ tháng 01 đến tháng 5/2020 trên lãnh thổ 10 quốc gia. Theo các nhà quan sát quốc tế, “Người bảo vệ châu Âu 2020” là cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong 25 năm qua (tương tự như cuộc tập trận “ReForGer” trong thời kỳ chiến tranh Lạnh), với mục tiêu cải thiện khả năng chiến đấu của NATO, sẵn sàng đối phó với cái gọi là “nguy cơ xâm lược từ Nga”. Giới chức Mỹ cũng hy vọng thông qua các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh châu Âu có thể gây khó khăn và cản trở dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” chuyển tải khí đốt của Nga tới “lục địa già”. Dư luận cho rằng, trong bối cảnh châu Âu đang “lao đao” bởi đại dịch Covid-19, nội bộ “lủng củng” trong bất đồng, chia rẽ mà nhiều chính khách gọi là tình trạng “chết não” thì những động thái quân sự này của NATO là “hao tiền, tốn của không cần thiết” và chỉ làm tình hình khu vực thêm căng thẳng, mất ổn định.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...