QPTD -Thứ Ba, 07/05/2024, 06:11 (GMT+7)
Chiến thắng Điện Biên Phủ – Bài học đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ 1954 ghi vào lịch sử dân tộc ta như “một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX” và đi vào lịch sử thế giới như “một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”1. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại lịch sử, tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh, cống hiến to lớn, vẻ vang của các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân cả nước; biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là các nước Trung Quốc, Liên Xô; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đúc rút những giá trị, bài học kinh nghiệm quý báu có thể vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào khu trung tâm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. Ảnh: TTXVN

Một là, nắm chắc tình hình, xử lý đúng đắn, linh hoạt, kịp thời nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cơ sở bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, nhất là về tương quan lực lượng, cục diện trên chiến trường, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân sáng tạo, linh hoạt, lần lượt đánh bại các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của địch, đẩy chúng ngày càng lâm vào thế bị động đối phó. Tháng 9/1953, trên cơ sở nhận định chính xác mục tiêu của Kế hoạch Nava là tập trung binh lực, xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh hòng xoay chuyển tình thế, giành thắng lợi quân sự, kết thúc chiến tranh trong danh dự, Bộ Chính trị đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954 và quyết định chủ trương: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở nhằm phân tán binh lực của chúng; phương châm tác chiến chung là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”; nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt...”2.

Đầu tháng 12/1953, khi Nava chọn Điện Biên Phủ - chiến trường rừng núi, xa căn cứ và phụ thuộc hoàn toàn vào tiếp vận bằng đường không làm điểm quyết chiến chiến lược với ta, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã nghiên cứu, nhận định đánh giá đúng tình hình địch, ta và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; đồng thời, mở 5 đòn tiến công phối hợp trên các chiến trường để tạo thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ3. Với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”,“chỉ được đánh khi nắm chắc thắng lợi. Nếu không chắc thắng, không đánh”4.

Ban đầu, ở Điện Biên Phủ, địch lâm thời phòng ngự, chưa kịp xây dựng công sự trận địa vững chắc, ta đề ra phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Đến đầu năm 1954, sau khi kiểm tra, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ nhận thấy, địch đã tăng cường binh lực và củng cố vững chắc hệ thống công sự trận địa phòng thủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh; trong khi đó, sự chuẩn bị của ta, nhất là bảo đảm hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh và phòng không vẫn chưa hoàn tất. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở rút kinh nghiệm những bài học lịch sử, nắm chắc quy luật chiến tranh và bằng trí tuệ, sự mẫn cảm, trách nhiệm cao của người chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cân nhắc, báo cáo Bộ Chính trị quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Thực tế lịch sử cho thấy, đây là quyết định vô cùng “khó khăn”, nhưng hết sức quyết đoán, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, linh hoạt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là một nhân tố trực tiếp góp phần quyết định làm nên thắng lợi của chiến dịch lịch sử này.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt; nhiều điểm nóng về an ninh có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lan rộng, xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh mới đặt ra những thách thức mới đối với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển của nhân loại. Để thực hiện mục tiêu xuyên suốt của quốc phòng Việt Nam là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng; sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ nền văn hóa và uy tín, vị thế quốc tế của đất nước; giữ vững, củng cố, tăng cường môi trường hoà bình để xây dựng, phát triển đất nước, chúng ta phải quán triệt, tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược An ninh mạng quốc gia, các chiến lược chuyên ngành và hệ thống chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là các cơ quan tham mưu chiến lược phải bám sát thực tiễn, chủ động nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo chính xác các nguy cơ, thách thức, các tình huống chiến lược, loại hình tác chiến mới, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định, bổ sung, hoàn chỉnh đường lối, chiến lược, đối sách ngăn ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cùng với đó, tích cực rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới; chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó thắng lợi các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: qdnd.vn

Hai là, tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và nước ngoài có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tiềm lực quốc phòng bao gồm nhiều thành tố như tiềm lực chính trị; tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội; tiềm lực quân sự; tiềm lực khoa học - công nghệ. Trong đó, tiềm lực chính trị là thành tố cơ bản của tiềm lực quốc phòng, chứa đựng trong đó tố chất con người đầy bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, thấm sâu giá trị lịch sử truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, Đảng và Chính phủ đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, sẵn sàng đóng góp, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng ta đã xây dựng được một nền kinh tế, văn hóa, giáo dục kháng chiến với khả năng tự chủ cao, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của sự nghiệp cách mạng; phát động được phong trào toàn dân kháng chiến rộng khắp, lấy lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt; thiết lập được liên minh chiến đấu với lực lượng cách mạng Lào, Campuchia; nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ ngày càng to lớn, hiệu quả từ các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Trung Quốc và Liên Xô.

Từ năm 1950, quân và dân ta liên tiếp mở các chiến dịch lớn, đẩy địch ngày càng lún sâu vào thế bị động phòng ngự, bế tắc giữa tập trung và phân tán lực lượng. Bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh nội sinh, tinh thần đoàn kết, sức sáng tạo và ý chí kiên cường của nhân dân ta được khơi dậy, tập hợp, phát huy cao độ. Từ miền núi đến đồng bằng, từ vùng giải phóng đến vùng bị tạm chiếm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, đông đảo nhân dân hăng hái, tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, giải quyết thành công vấn đề hậu cần trong một chiến dịch dài ngày, ác liệt mà đối phương không thể lường tính được5. Ở vùng tự do, hậu phương và căn cứ địa, ta vừa ra sức xây dựng nền kinh tế kháng chiến phục vụ những nhu cầu thiết yếu của nhân dân, vừa phát triển công nghiệp quốc phòng chế tạo, sửa chữa vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang, đáp ứng những yêu cầu ngày càng lớn và cấp thiết của chiến trường. Nhờ đó, sức mạnh tổng hợp - sức mạnh vô địch của dân tộc được quy tụ, góp phần quyết định làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày nay, để tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường, ngày càng hiện đại, chúng ta phải xây dựng, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, đối ngoại, khoa học và công nghệ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong đó, cần tập trung vào các nội dung sau:

Xây dựng, phát huy tiềm lực chính trị: Để xây dựng tiềm lực chính trị cần tập trung xây dựng Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh; bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Thực hành, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Xây dựng tiềm lực kinh tế: Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hiện nay đòi hỏi phải đẩy nhanh hiện đại hóa lực lượng vũ trang nhân dân cả về biên chế, tổ chức, vũ khí, trang bị. Do đó, mọi chính sách, chiến lược phát triển đất nước phải luôn gắn chặt với chiến lược bảo vệ Tổ quốc; phải kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ: Để xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ, cần có chủ trương, chính sách thích hợp để phát triển toàn diện khoa học quân sự, khoa học - công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành có chất lượng cao trên từng lĩnh vực. Coi trọng việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, từng bước đưa ra các giải pháp cho các vấn đề về sửa chữa, cải tiến, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị hiện đại và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các hình thái chiến tranh mới. Tích cực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tình hình mới.

Xây dựng tiềm lực quân sự: Tập trung làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng và toàn dân. Đặc biệt coi trọng xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; đồng thời, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”

Qua 8 năm kháng chiến, đến năm 1953, chúng ta đã xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh về tổ chức, chính trị và tinh thần; trong đó, 6 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn công pháo trực thuộc Bộ đã qua các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, có kinh nghiệm tác chiến với kiểu phòng ngự tập đoàn cứ điểm của địch từ sơ khai ở Hòa Bình (1951) đến tương đối hoàn chỉnh ở Nà Sản (1952), được trang bị mới một số loại hỏa lực hạng nặng đủ để chế áp hỏa lực pháo binh và cắt đứt cầu hàng không của chúng. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Quân đội ta đã mở các cuộc tiến công chiến lược trên khắp chiến trường Đông Dương, phân tán binh lực địch, phá tan âm mưu tập trung quân cơ động của Kế hoạch Nava, tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Điện Biên Phủ. Các đại đoàn chủ lực của ta với sự chi viện của hỏa lực pháo binh, phòng không mới được biên chế đã vận dụng sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm về tác chiến công kiên, tác chiến phòng không, phòng pháo, từng bước tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, góp phần quyết định trực tiếp vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hiện nay, để xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng, về định hướng xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới, trọng tâm là Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Tập trung xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại6, làm nòng cốt để củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Giữ vững nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang. Xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch; phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nền nếp chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, toàn quân là một khối thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động.

Đẩy mạnh xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả lực lượng chính quy, thường trực, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ. Tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp và nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, bảo đảm đồng bộ, chuyên sâu, đúng quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp và sát thực tế chiến đấu, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp thu, vận dụng sáng tạo tinh hoa truyền thống nghệ thuật quân sự của dân tộc với tri thức quân sự hiện đại trên thế giới; tăng cường huấn luyện, rèn luyện nâng cao sức khỏe, trình độ làm chủ vũ khí, trang bị có trong biên chế, nhất là vũ khí, trang bị mới gắn với ứng dụng công nghệ mô phỏng, công nghệ thông tin; thường xuyên tổ chức diễn tập nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khả năng tác chiến trong mọi điều kiện, ngày và đêm, trong đó chú trọng diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân chủng, binh chủng, diễn tập tác chiến phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; diễn tập phòng, chống thách thức an ninh phi truyền thống, diễn tập tác chiến trên biển, đảo, không gian mạng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ và bảo vệ môi trường, v.v.

Tiếp tục tổ chức Quân đội tinh, gọn, mạnh, gắn với bố trí lại lực lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các cấp trong Quân đội; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần lực lượng; phù hợp đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị; giữ vững và phát huy truyền thống Quân đội, nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Bảo đảm đủ số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển, đảo, biên giới, không gian mạng; trong đó, có những vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu chiến tranh công nghệ cao; đồng thời, nâng cấp, hiện đại hóa vũ khí, trang bị hiện có; niêm cất vũ khí, trang bị, phương tiện phục vụ yêu cầu quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, rộng khắp

Thực hiện chiến lược toàn dân kháng chiến, “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi nhà là một ổ đề kháng, mỗi khu phố là một mặt trận, mỗi làng là một pháo đài”, đánh giặc bằng mọi vũ khí có trong tay, đánh giặc ở mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi hình thức,... trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta đã xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc, “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”. Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị; giữa tác chiến chính quy với tác chiến du kích; phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương với dân quân du kích; tiến công địch ở cả chính diện và sau lưng,... ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, từng bước vô hiệu các phương thức chiến tranh của địch, đẩy chúng vào thế bị động, mâu thuẫn gay gắt giữa tập trung với phân tán lực lượng, giữa đánh nhanh với đánh kéo dài.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, ta đã thực hiện phối hợp tác chiến giữa các chiến trường ba nước Đông Dương; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tiến công, đấu tranh, phá thế kìm kẹp của địch, mở rộng vùng giải phóng ở khắp các địa phương trên cả ba miền đất nước, đẩy quân địch lún sâu vào thế bị động, phân tán lực lượng trên một không gian rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho mặt trận chính Điện Biên Phủ.

Ngày nay, để củng cố, phát huy thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm của Đảng về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; vận dụng sáng tạo kinh nghiệm lịch sử, nhất là bài học phát huy thế trận chiến tranh nhân dân trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 nói chung và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng vào việc xây dựng thế trận quốc phòng trên từng địa phương, hợp thành thế trận phòng thủ đất nước vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp đủ sức đánh bại các loại hình chiến tranh xâm lược. Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ quân khu vững mạnh toàn diện, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc; chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ngay từ cơ sở.

Làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại, tạo thế và lực mới cho thế trận quốc phòng toàn dân ở từng địa phương, từng khu vực và trên phạm vi cả nước, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng thời bình và chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước có chiến tranh. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, chiến sĩ và toàn dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; có phương án, kế hoạch xử trí, giải quyết các tình huống quốc phòng, an ninh chính xác, kịp thời, không để đất nước bị động, bất ngờ.

Năm là, mở rộng, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tạo thế, tạo lực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta chủ trương tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; đồng thời, tích cực tranh thủ quốc tế ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần. Nhờ đó, ta dần phá thế bao vây của chủ nghĩa đế quốc, tăng cường thế và lực, góp phần quan trọng thúc đẩy cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Với sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Trung Quốc và Liên Xô, chúng ta có được những nguồn lực cần thiết, quý giá để tăng cường đấu tranh hiệu quả với địch trên mọi mặt trận. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sự giúp đỡ, viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô đã góp phần giải quyết nhiều nhu cầu chiến đấu cấp thiết của bộ đội trên chiến trường7. Đặc biệt, với quan điểm “Đông Dương là một chiến trường”, chúng ta đã xây dựng được khối liên minh đoàn kết chiến đấu với cách mạng Lào và cách mạng Campuchia cùng chống kẻ thù chung, tạo nên sức mạnh to lớn, lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải luôn nắm bắt, dự báo chính xác, kịp thời các xu hướng trong quan hệ quốc tế, mục tiêu, ý đồ chiến lược của các nước lớn; chú trọng củng cố quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước trong khu vực, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, v.v. Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm hợp tác quốc phòng song phương và đa phương; tranh thủ tối đa ngoại lực để củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Trong quan hệ đối ngoại, vận dụng, thực hiện sáng tạo, hiệu quả đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, giữ vững nguyên tắc chiến lược, mềm dẻo, linh hoạt về sách lược. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; tránh xung đột, đối đầu hoặc để bị cô lập, phụ thuộc; kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; tích cực, chủ động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và các hoạt động nhân đạo quốc tế nhằm làm cho các nước và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn tính chính nghĩa, hòa bình, tự vệ của chính sách quốc phòng Việt Nam.

Thời gian đã lùi xa, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là biểu tượng sáng ngời của ý chí, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những bài học, kinh nghiệm rút ra từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Đại tướng, TS. PHAN VĂN GIANG, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
____________________
        

1 - Lê Duẩn, Tuyển tập (1965 - 1975), Tập II, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 582.

2 - Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học,  Nxb CTQG, H. 1996, tr. 192 - 193.

3 - Năm đòn tiến công phối hợp vào các chiến trường gồm: Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào và Đông Campuchia, Tây Nguyên, Thượng Lào.

4 - Alain Ruscio - Võ Nguyên Giáp – Một cuộc đời, Sách tham khảo, Nxb CTQG ST, H. 2011, tr. 103 - 102.

5 - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt với 14 triệu lượt ngày công; riêng đồng bào các dân tộc Tây Bắc tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700 - 800 tấn rau xanh với hơn 1 triệu lượt ngày công. Dẫn theo: Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 202.

6 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG ST, H. 2021, tr. 157 - 158.

7 - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tính từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1954, hai nước bạn Liên Xô và Trung Quốc đã viện trợ cho ta 2.778 tấn vật chất, trong đó có 671 tấn vũ khí, đạn. Dẫn theo: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đề tài: Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Phần thứ ba, Viện trợ vật chất của Trung Quốc cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Nội, 2007, lưu tại Thư viện Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu, số K-78, tr. 79 - 82.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng Điện Biên Phủ – "Thiên sử vàng" dân tộc
Thắng lợi vĩ đại đó là “thiên sử vàng” dân tộc; là mốc son chói lọi được tạc vào lịch sử nước nhà như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... của thế kỷ XX, làm nức lòng nhân dân cả nước. Cũng từ thời khắc lịch sử đó những tiếng: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang vọng khắp non sông nước Việt và trên trường quốc tế.