QPTD -Thứ Hai, 06/05/2024, 06:00 (GMT+7)
Tiếp nối truyền thống Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang Quân khu 2 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại, mang tầm vóc thời đại và giá trị lịch sử sâu sắc; là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc của Quân đội ta, trong đó có lực lượng vũ trang Tây Bắc. Tiếp nối truyền thống đó, lực lượng vũ trang Quân khu 2 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tư lệnh Quân khu 2 kiểm tra khẩu đội SPG-9 trong diễn tập TM-23

Lực lượng vũ trang Quân khu 2 ra đời và trưởng thành từ phong trào cách mạng của quần chúng1; được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục và rèn luyện; được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Bắc thương yêu, đùm bọc đã không ngừng lớn mạnh, cùng quân và dân cả nước lập nhiều chiến công hiển hách, tô thắm truyền thống vẻ vang, oanh liệt của lực lượng vũ trang Tây Bắc và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Ngay sau khi thành lập, các đơn vị Chiến khu 10 nhanh chóng ổn định tổ chức, biên chế, tập trung “rèn cán, luyện quân”, cùng quân và dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tham gia hàng trăm trận đánh, nhiều chiến dịch, tiêu diệt nhiều quân địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng một vùng rộng lớn (28.500km2) với trên 25 vạn dân cũng như hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng đối phó. Có thể khẳng định, những kết quả hoạt động chiến đấu của quân và dân Tây Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một trong những yếu tố quan trọng để Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy hạ quyết tâm tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, trực tiếp là Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang Quân khu được Trung ương giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt một lực lượng quan trọng của địch ở vòng ngoài, tiêu diệt các ổ phỉ, bảo đảm giao thông và dẫn đường cho bộ đội chủ lực của Bộ trong trận quyết chiến chiến lược; cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc làm đường kéo pháo, bắn máy bay địch, bảo vệ tuyến giao thông tại các trọng điểm đánh phá của địch, bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch, v.v. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, lực lượng vũ trang Quân khu đã cùng với quân và dân cả nước đập tan hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ2, làm lên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương, giải phóng miền Bắc, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 2 động viên thanh niên Thành phố Phúc Yên lên đường nhập ngũ năm 2024

Hiện nay, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; đất nước ta đứng trước cả thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trên địa bàn Quân khu, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tình hình an ninh nông thôn ở một số địa phương có chiều hướng phức tạp,… ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Vì vậy, phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang Quân khu tập trung xây dựng vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu, tuyệt đối trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Trước hết, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng mang tầm vóc thời đại là xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng giáo dục, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và của Quân khu về công tác quân sự, quốc phòng; về đối tác, đối tượng; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đặc điểm tình hình tác động đến nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, bảo vệ Tổ quốc, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, hướng dẫn, đề án của trên về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với thực hiện tốt phong trào Thi đua Quyết thắng, đợt thi đua cao điểm, đột kích3 và các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Phấn đấu 100% cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, không mơ hồ, mất cảnh giác, tích cực, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị về công tác xây dựng Đảng; trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; quy định những điều đảng viên không được làm. Chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chấp hành nghiêm nguyên tắc, nền nếp sinh hoạt đảng; đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp quản lý, điều hành; tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên theo tinh thần “7 dám”; gắn xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cấp ủy với xây dựng cán bộ chủ trì, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu. Sức mạnh của lực lượng vũ trang trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được tạo nên bởi nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng huấn luyện và việc chấp hành nghiêm phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là bài học kinh nghiệm quý vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy, nhất là trong quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết4, chỉ thị của trên về huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu. Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện; coi trọng tập huấn, bồi dưỡng và phát huy tính tự học, tự rèn của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp huấn luyện, cán bộ trung đội, tiểu, khẩu đội trưởng mới ra trường; tổ chức huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, theo đúng phương châm, quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp trong huấn luyện. Chú trọng huấn luyện sử dụng vũ khí, trang bị mới; huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, dã ngoại; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng trong huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao. Chỉ đạo Trường Quân sự Quân khu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, gắn với hoạt động thực tiễn ở cơ quan, đơn vị; tăng cường dạy ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Phấn đấu 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp; 90% cán bộ tiểu đoàn, 80% đại đội, trung đội và tương đương đạt khá, giỏi; huấn luyện phân đội 100% đạt yêu cầu, có trên 80% khá, giỏi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phúc tra và kiểm tra đột xuất công tác huấn luyện; chỉ đạo khắc phục dứt điểm những hạn chế, khuyết điểm; lấy kết quả huấn luyện làm tiêu chí cơ bản để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chỉ huy các cấp cũng như xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên.

Ba là, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ địa bàn, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La dù không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng là lực lượng quan trọng trong tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng cơ sở, đào tạo cán bộ cốt cán; tích cực chiến đấu, truy quét thổ phỉ, việt gian, giải phóng các khu vực địch chiếm đóng; đảm bảo mạch máu giao thông; cung cấp sức người và vật chất cho Chiến dịch, v.v. Từ bài học kinh nghiệm này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng khu vực phòng thủ; tập trung nâng cao chất lượng công tác quân sự, quốc phòng; thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu quốc gia và quan điểm kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trên địa bàn Tây Bắc. Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để củng cố, xây dựng các tiềm lực, thế trận trong khu vực phòng thủ tỉnh và phòng thủ Quân khu vững chắc; triển khai xây dựng hệ thống sở chỉ huy trong căn cứ chiến đấu các cấp, thao trường huấn luyện,... bảo đảm đồng bộ, liên hoàn, vững chắc. Tổ chức xây dựng, củng cố nhà làm việc của ban chỉ huy quân sự cấp xã, chốt dân quân thường trực các xã biên giới theo đúng quy hoạch và lộ trình đã được phê duyệt.

Chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhất là lực lượng Công an, Biên phòng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn luyện của lực lượng vũ trang và chất lượng diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự. Đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, tập trung vào đối tượng 3 và 4, đối tượng là chức sắc, chức việc các tôn giáo,... góp phần củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc. Xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, chú trọng phát triển đảng viên trong các lực lượng này, bảo đảm phù hợp với điều kiện của từng địa phương, cơ sở; thực hiện tốt công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương giải quyết những tồn đọng, vướng mắc về đất quốc phòng.

Bốn là, tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu “tinh, gọn, mạnh”. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung lực lượng cho chiến dịch quyết chiến chiến lược, bảo đảm phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phát huy tinh thần đó, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan, đơn vị trong diện sáp nhập, điều chuyển, tổ chức lại, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các văn bản của trên về xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”5 bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Quá trình thực hiện không chủ quan, nóng vội, có bước đi và lộ trình phù hợp, phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất của cấp ủy đảng; ưu tiên bảo đảm quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (đạt 95% trở lên), các sư đoàn, trung đoàn bộ binh đủ quân (đạt 100% so với biên chế). Các cơ quan, đơn vị nhanh chóng ổn định tổ chức đảng, chỉ huy và tổ chức quần chúng, bảo đảm các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo không bị gián đoạn; kịp thời điều chỉnh quyết tâm, kế hoạch tác chiến, thế bố trí lực lượng, phương tiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu. Với lực lượng dôi dư, Quân khu tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thêm về chuyên môn trước khi điều chuyển về cơ quan, đơn vị mới. Tích cực làm tốt công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập Cục Hậu cần và Cục Kỹ thuật thành Cục Hậu cần - Kỹ thuật.

Năm là, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các lực lượng tham gia đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, nhất là trong việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” - yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử. Tiếp nối truyền thống đó, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, hướng dẫn, quy định về chấp hành pháp luật, kỷ luật. Tăng cường các biện pháp quản lý, rèn luyện bộ đội, tạo chuyển biến vững chắc về chấp hành pháp luật, kỷ luật; nhân rộng mô hình điểm về huấn luyện điều lệnh, xây dựng chính quy trong toàn Quân khu. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và các tổ chức đối với công tác quản lý kỷ luật; phát huy tính gương mẫu, tự giác của mọi quân nhân trong chấp hành pháp luật, kỷ luật; hạn chế thấp nhất vi phạm kỷ luật thông thường, không để xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng, tỷ lệ vi phạm kỷ luật phải xử lý dưới 0,2%. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác quản lý kỷ luật, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới.

Trung tướng PHẠM HỒNG CHƯƠNG, Tư lệnh Quân khu
_____________________
       

1 - Tiền thân của Quân khu 2 ngày nay là Chiến khu 10, được thành lập ngày 19/10/1946, tại Hà Giang.

2 - Trung đoàn 174, Trung đoàn 98 ( thuộc Sư đoàn 316 ngày nay) trực tiếp tiến công tiêu diệt địch ở đồi A1 và đồi C1.

3 - Chào mừng Đại hội Thi đua Quyết thắng các cấp giai đoạn 2019 - 2024; kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

4 - Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương; Nghị quyết số 05-NQ/ĐU, ngày 31/3/2023 của Đảng ủy Quân khu về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo.

5 - Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương; Kế hoạch số 1228/KH-BQP của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng Điện Biên Phủ – "Thiên sử vàng" dân tộc
Thắng lợi vĩ đại đó là “thiên sử vàng” dân tộc; là mốc son chói lọi được tạc vào lịch sử nước nhà như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... của thế kỷ XX, làm nức lòng nhân dân cả nước. Cũng từ thời khắc lịch sử đó những tiếng: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang vọng khắp non sông nước Việt và trên trường quốc tế.