Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:14 (GMT+7)
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã sát cánh cùng ngành Hậu cần Quân đội, vượt qua muôn vàn thử thách, gian khổ, hy sinh, giải quyết thành công “khó khăn lớn nhất” của Chiến dịch, lập nên kỳ tích trong công tác bảo đảm và để lại nhiều bài học quý vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Khi lựa chọn Điện Biên Phủ để xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh hòng thực hiện ý đồ thu hút, “nghiền nát” chủ lực ta, thực dân Pháp đã tính toán rất kỹ lưỡng, bởi đây là địa bàn rừng núi hiểm trở, đường vận chuyển độc đạo, thời tiết, khí hậu khắc nhiệt, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn và xa hậu phương chiến lược của ta 500km - 700km. Tướng Nava - Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã khẳng định: “Việt Minh không thể giải quyết được các khó khăn để bảo đảm cho khối chủ lực đánh lớn, đánh dài ngày trên chiến trường rừng núi, xa hậu phương này”1. Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tình hình, Tổng Quân ủy nhận định: “Để tiến hành chiến dịch rất lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp, mà chủ yếu là vấn đề đường sá”2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đánh giá: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu”3.
Và thực tế khó khăn thêm chồng chất khó khăn khi đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch quy mô lớn, tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. Trong khi đó, lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần còn nhiều hạn chế; các tuyến vận tải bị địch khống chế, đánh phá ngăn chặn hết sức ác liệt; phương châm, kế hoạch tác chiến Chiến dịch thay đổi từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, công tác hậu cần phải chuyển từ bảo đảm cho tác chiến dự kiến trong 2 ngày 3 đêm lên gần 2 tháng, nhu cầu các mặt bảo đảm hậu cần tăng lên vô cùng lớn và phức tạp trong điều kiện thời gian chuẩn bị ngắn, v.v.
Mặc dù vậy, trên cơ sở quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược, tầm quan trọng đặc biệt của Chiến dịch và vai trò của công tác hậu cần, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, huy động sức mạnh tổng hợp của hậu phương, của hậu cần nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và phát huy vai trò nòng cốt của Hậu cần Quân đội để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch.
Để khắc phục khó khăn bảo đảm cho trận quyết chiến chiến lược, ta đã chủ động đi trước một bước trong công tác hậu cần. Ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch, Chính phủ đã thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương và Hội đồng Cung cấp các liên khu: 3, 4, Tây Bắc, Việt Bắc. Tổng cục Cung cấp phái ra bộ phận Tiền phương và tổ chức thành cơ quan Hậu cần Chiến dịch. Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, ta đã tiến hành một cuộc tổng huy động nhân lực, vật lực chi viện cho tiền tuyến. Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa huy động từ hậu phương đưa lên với tích cực khai thác nguồn tại chỗ trên địa bàn và sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc, chúng ta đã huy động, chi viện cho Điện Biên Phủ một khối lượng vật chất khổng lồ mà quân Pháp không bao giờ có thể tưởng tượng nổi, với tổng số hơn 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Vật chất chuyển ra mặt trận cung cấp đến bộ đội là 20.000 tấn, trong đó có 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo; 268 tấn muối, gần 557 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. Trong đó, riêng nhân dân Tây Bắc đã cung cấp gần 50% nhu cầu gạo, thực phẩm, 100% rau xanh, ngựa thồ, góp phần quan trọng vào bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch.
Trong Chiến dịch này, chúng ta giải quyết thành công vấn đề tạo lập thế trận, chỉ huy tổ chức bảo đảm hậu cần đáp ứng yêu cầu của một chiến dịch chiến lược. Theo đó, hậu cần đã tổ chức 2 tuyến bảo đảm: tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp mặt trận các liên khu: 3, 4, Việt Bắc đảm nhiệm, tổ chức tạo nguồn, chi viện bảo đảm cho tuyến chiến dịch; tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp Tiền phương và Hội đồng Cung cấp Liên khu Tây Bắc đảm nhiệm, tổ chức 04 binh trạm trực tiếp bảo đảm cho hỏa tuyến. Cuối giai đoạn chuẩn bị, để phù hợp với tình hình chiến trường, các binh trạm được điều chỉnh thành 03 tuyến bậc thang từ phía sau ra phía trước4. Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện phân tuyến bảo đảm giữa hậu cần chiến lược và hậu cần chiến dịch, giữa hậu cần chiến dịch và chiến đấu. Thực tế cho thấy, việc phân định rõ chức năng, phạm vi bảo đảm của từng tuyến (cấp) đã giúp công tác chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng bảo đảm hậu cần tiến hành nhịp nhàng, thống nhất và hình thành hệ thống bảo đảm liên hoàn, liên kết vững chắc, chi viện, hỗ trợ lẫn nhau. Đó là cơ sở quan trọng để hậu cần các cấp bảo đảm kịp thời cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày trong điều kiện vô cùng ác liệt.
Để bảo đảm khối lượng vật chất lớn cho chiến trường rừng núi, xa hậu phương, đường sá khó khăn như Điện Biên Phủ thì công tác vận tải và bảo đảm cầu, đường có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Ngay sau khi có quyết định mở Chiến dịch, Tổng cục Cung cấp đã khẩn trương triển khai hai nhiệm vụ lớn là mở đường và vận chuyển gạo, đạn lên Điện Biên Phủ. Với ý chí, quyết tâm cao độ, ta đã huy động hàng triệu ngày công của bộ đội, dân công và nhân dân các tỉnh Tây Bắc tiến hành tu sửa, mở mới hàng trăm ki-lô-mét đường cho ô tô, nhiều tuyến đường cho phương tiện thô sơ và phá thác, ghềnh để vận chuyển bằng đường thủy, hình thành mạng giao thông nối liền hậu phương với chiến trường. Trong Chiến dịch này, vận tải được xác định là “khâu trung tâm của công tác hậu cần”. Tổng cục Cung cấp đã chỉ đạo giải quyết tốt các nội dung công tác vận tải, từ phân tuyến, xác định cung, chặng, tổ chức chỉ huy, điều hành đến bảo đảm, bảo vệ vận tải. Với phương châm “Cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời hết sức tranh thủ mọi phương tiện thô sơ”, Chiến dịch đã huy động sử dụng toàn bộ 16 đại đội với tổng số 628 xe ô tô vận tải hiện có lúc đó. Đồng thời, huy động sử dụng gần 21 nghìn xe đạp thồ, gần 01 nghìn con ngựa thồ, 11.600 chiếc bè mảng và trên 261 nghìn lượt dân công với 12 triệu ngày công phục vụ Chiến dịch. Việc phát huy cao nhất khả năng của vận tải cơ giới, kết hợp cơ giới với thô sơ, nhất là sử dụng vận tải thô sơ, sức người để tăng bo, trung chuyển vòng vượt qua các trọng điểm khi đường bị cắt đứt và đưa hàng đến những nơi vận tải cơ giới không đến được đã đem lại hiệu quả to lớn, góp phần quan trọng vào giải quyết “khó khăn bậc nhất” của Chiến dịch.
Để giữ “mạch máu” giao thông thông suốt trong điều kiện địch đánh phá ngăn chặn hết sức ác liệt trên toàn tuyến, nhất là ở các trọng điểm: dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô, Cò Nòi,... công tác bảo đảm vận tải, bảo vệ cầu, đường được ta quan tâm đặc biệt. Chiến dịch đã sử dụng tới 50% lực lượng cao xạ, 02 đại đội thông tin, 04 tiểu đoàn công binh và hàng vạn dân công để làm nhiệm vụ bảo vệ vận tải, sửa chữa, khắc phục cầu, đường. Vì vậy, mặc dù bị địch đánh phá, ngăn chặn suốt ngày đêm, lại thêm thời tiết khắc nghiệt, nhưng tuyến vận tải chiến dịch luôn thông suốt, công tác bảo đảm hậu cần được duy trì liên tục, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho tác chiến.
Kết quả công tác hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn có sự đóng góp to lớn của công tác hậu cần hỏa tuyến. Hậu cần các đơn vị đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tổ chức bảo đảm sinh hoạt, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội, cứu chữa, điều trị thương binh, bệnh binh trong điều kiện “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu ác liệt, liên tục, dài ngày và để lại những dấu ấn quan trọng về tinh thần phục vụ bộ đội đến cùng. Qua Chiến dịch này, bếp Hoàng Cầm đã trở thành biểu tượng gắn liền với hậu cần cấp chiến thuật, với công tác “nuôi quân đánh giặc” của ngành Hậu cần Quân đội, v.v.
Công tác bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được ví như một kỳ tích trong lịch sử quân sự Việt Nam. Những chiến công mà công tác hậu cần đạt được là kết quả của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của Đảng; kết quả của việc xây dựng và phát huy sức mạnh to lớn của hậu phương, hậu cần nhân dân; của việc kết hợp hậu cần Quân đội với hậu cần nhân dân; phát huy vai trò nòng cốt của hậu cần Quân đội trong tổ chức chỉ huy, chỉ đạo, bảo đảm hậu cần, v.v. Đó còn là công lao, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần các cấp, lực lượng dân công hỏa tuyến và nhân dân các địa phương đã không tiếc mồ hôi, xương máu, sát cánh cùng ngành Hậu cần Quân đội đạp bằng mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những yêu cầu mới rất cao và đứng trước không ít khó khăn. Kế thừa, phát huy những bài học lớn từ công tác hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta cần quán triệt sâu sắc hơn nữa đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng và nhận thức đầy đủ vai trò của hậu phương, hậu cần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, coi trọng xây dựng hậu phương chiến lược vững mạnh; đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân. Trong đó, lấy xây dựng hậu cần nhân dân rộng khắp là cơ sở; hậu cần phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc làm nền tảng; hậu cần chiến dịch, chiến lược làm nòng cốt; thực hiện kết hợp hậu cần tại chỗ với hậu cần cơ động, hình thành thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc, có thể độc lập bảo đảm trên từng khu vực, hướng chiến lược trong mọi tình huống. Mặt khác, phải chú trọng xây dựng ngành Hậu cần Quân đội “tinh, gọn, mạnh” tiến lên hiện đại, đủ khả năng làm nòng cốt, bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần cho mọi loại hình tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại, sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Thực hiện mục tiêu đó, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, tiềm lực hậu cần, nhất là trên địa bàn chiến lược, trọng điểm. Đẩy mạnh xây dựng thế trận hậu cần, trọng tâm là thế trận hậu cần phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), hậu cần chiến lược trên các vùng, miền, hướng chiến trường; xây dựng lực lượng hậu cần dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao. Đồng thời, chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, kế hoạch huy động, động viên hậu cần và làm tốt công tác dự trữ quốc gia cho quốc phòng, phù hợp với nền kinh tế thị trường, v.v.
Ngành Hậu cần Quân đội phát huy vai trò nòng cốt, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương “Về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và các chiến lược chuyên ngành. Chủ động nghiên cứu, nắm và dự báo chính xác tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu, nhất là ở tầm chiến lược về công tác hậu cần. Trước mắt, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sáp nhập ngành Hậu cần và Kỹ thuật Quân đội theo Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch số 1228/KH-BQP của Bộ Quốc phòng; nhanh chóng kiện toàn, xây dựng hậu cần - kỹ thuật các cấp chính quy, vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Hậu cần các cấp tích cực rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến; duy trì nghiêm nền nếp chế độ sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống. Triển khai đồng bộ các biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác hậu cần. Cùng với đó, tăng cường công tác tổng kết, nghiên cứu phát triển lý luận hậu cần, phù hợp với sự phát triển nghệ thuật quân sự, tổ chức biên chế, trang bị của lực lượng vũ trang và điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục thực hiện tốt công tác huấn luyện, diễn tập hậu cần; trong đó, chú trọng nâng cao khả năng cơ động bảo đảm, nhất là cho tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, chống chia cắt chiến lược, v.v. Đồng thời, tích cực, chủ động tham gia hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác về hậu cần với quân đội các nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường tiềm lực quốc phòng, tiềm lực hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Trung tướng TRẦN DUY GIANG, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần ________________
1 - Hăngri Nava, Đông Dương hấp hối, Nxb Plông, Pari, 1956, tr. 203.
2 - Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1, Nxb QĐND, H. 1993, tr. 270.
3 - Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb QĐND, H. 1974, tr. 158.
4 - 03 tuyến hậu cần chiến dịch: tuyến Sơn La - Tuần Giáo; tuyến Tuần Giáo - Lai Châu và tuyến hậu cần hỏa tuyến trực tiếp bảo đảm cho chiến đấu.
Chiến dịch Điện Biên Phủ,công tác hậu cần,bảo đảm vận tải,bảo đảm cầu,đường
Chiến thắng Điện Biên Phủ – “Thiên sử vàng” dân tộc 07/05/2024
Chiến thắng Điện Biên Phủ – Bài học đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 07/05/2024
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng 07/05/2024
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một kỳ tích lịch sử mang tầm vóc thời đại 07/05/2024
Tiếp nối truyền thống Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang Quân khu 2 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 06/05/2024
Bước phát triển về nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và vấn đề đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược hiện nay 06/05/2024
Vai trò của pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và vấn đề xây dựng Binh chủng “tinh, gọn, mạnh” 05/05/2024
Liên khu 5 với Chiến dịch Điện Biên Phủ 04/05/2024
Phát huy giá trị Chiến thắng 07/5/1954, xây dựng tỉnh Điện Biên xứng tầm địa danh lịch sử 04/05/2024
Thất bại ở Điện Biên Phủ qua thú nhận của các tướng lĩnh Pháp 04/05/2024