QPTD -Thứ Hai, 06/05/2024, 06:00 (GMT+7)
Bước phát triển về nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và vấn đề đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược hiện nay

Cách đây 70 năm, thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ thể hiện bước phát triển về nghệ thuật quân sự Việt Nam, mà còn để lại những bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật tác chiến, giúp đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược trong Quân đội học tập, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu TTXVN.

Nghệ thuật quân sự là lý luận và thực tiễn về chuẩn bị và thực hành chiến tranh, ra đời và phát triển gắn liền với lịch sử chiến tranh trên thế giới. Thực chất của nghệ thuật quân sự là nghệ thuật giải quyết nhuần nhuyễn các yếu tố về “lực, thế, thời, mưu” trong chiến tranh. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về “lực, thế, thời, mưu”, điều đó được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Về lực (lực lượng): Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân phát triển cao, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, tạo sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù. Ngay từ khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã xác định phương thức tiến hành chiến tranh là chiến tranh nhân dân, với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện”, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, nhằm huy động sức mạnh của toàn dân tộc để chiến thắng kẻ thù. Thực tiễn cho thấy, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, nhân dân ta từ vùng tự do cho đến vùng địch hậu, từ hậu phương đến tiền tuyến, từ miền núi đến miền xuôi, từ già đến trẻ,... đều nô nức góp sức người, sức của cho kháng chiến. Với tinh thần đó, hàng trăm nghìn dân công đã lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đóng góp to lớn vào chiến thắng chung của cả nước. Đánh giá về đóng góp to lớn của toàn dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp sức nhiều như trong Đông Xuân 1953 - 1954, chi viện cho quân đội giết giặc. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân”1. Trước sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam, tướng Nava cũng phải thừa nhận: “Quân viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với một đội quân chính quy mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc”2.

Trong chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt, quyết định thắng lợi của mỗi hoạt động tác chiến. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta sử dụng 4 đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316), Đại đoàn công pháo 351, với tổng quân số hơn 51.000 người3. So sánh về quân số, ta tạo ra ưu thế lực lượng gấp hơn 3 lần địch, nhưng thua kém địch về xe tăng, máy bay. Đây cũng là chiến dịch mà Quân đội ta thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn nhất giữa bộ binh, pháo binh, pháo cao xạ, công binh, hình thành sức mạnh áp đảo tiến công tiêu diệt địch phòng ngự trong công sự mạnh nhất ở địa bàn rừng núi. Lần đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp, bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng, ta đã thực hành đột phá lần lượt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, từng phân khu; đồng thời, xây dựng trận địa và giao thông hào, từng bước thắt chặt vòng vây, theo cách đánh “bóc vỏ” các trung tâm đề kháng vòng ngoài, từng bước phá thế phòng ngự có chiều sâu của địch, tiến tới đánh thẳng vào khu phòng ngự trọng yếu nhất thuộc tung thâm phòng ngự của chúng.

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. Ảnh: TTXVN

Trong giai đoạn cách mạng mới, công tác đào tạo cán bộ trong Quân đội cần coi trọng việc quán triệt, không ngừng nâng cao nhận thức, tầm tư duy cho đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược về vai trò của phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng vào hoạt động thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò tích cực của đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược trong tham mưu và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Mỗi cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược cần tích cực góp phần phát huy sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, có chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lấy xây dựng về chính trị là nhân tố quyết định; không ngừng nâng cao trình độ và quy mô tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Quan tâm chăm lo xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, có đủ khả năng trang bị cho Quân đội các loại vũ khí tương đối hiện đại và hiện đại, góp phần nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các hình thái chiến tranh trong tương lai, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Về thế (thế trận): là thế trận chiến tranh nhân dân, buộc địch phải bị động, phân tán về chiến lược; bị bao vây, chia cắt về chiến dịch, chiến thuật. Thế trận chiến tranh nhân dân là sự kết hợp nhuần nhuyễn thế trận tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam và là nhân tố góp phần quyết định đến thắng lợi của mỗi cuộc kháng chiến giành và giữ độc lập của dân tộc. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thế trận chiến tranh nhân dân được thể hiện đậm nét ở thế trận chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Về thế trận chiến lược, trên cơ sở nắm rõ âm mưu của địch, để phá vỡ Kế hoạch Nava, ta đã chủ trương “căng địch ra mà đánh”, phân tán cho được lực lượng cơ động chiến lược, buộc chúng phải bị động đối phó, không thể tập trung lực lượng để quyết chiến với chủ lực ta ở chiến trường do chúng lựa chọn. Với việc tiến hành thắng lợi 05 đòn tiến công chiến lược vào các địa bàn: Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào ta đã buộc địch phải bị động phân tán lực lượng cơ động để đối phó, quyền chủ động trên chiến trường thuộc về ta, tạo tiền đề thuận lợi để tạo lập thế trận chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Về thế trận chiến dịch, trước giờ nổ súng theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta hình thành thế trận bao vây chiến dịch, cắt mọi ngả đường không cho địch rút chạy. Về yếu tố địa hình, hệ thống phòng ngự của địch được bố trí tại trung tâm lòng chảo Điện Biên Phủ, trong khi đó ta bố trí lực lượng ở những điểm cao xung quanh, hình thành thế trận từ trên cao đánh xuống, đặt địch vào thế bất lợi. Với thế trận đó, pháo binh của ta bố trí trong hầm pháo, trên các cao điểm xung quanh có khả năng chế áp hiệu quả hỏa lực địch, chi viện kịp thời cho bộ binh ta thực hành tiến công địch. Mặt khác, Điện Biên Phủ là một chiến trường rừng núi, hoàn toàn bị cô lập và cách xa căn cứ hậu phương của địch, tất cả mọi việc tiếp tế của chúng đều phụ thuộc vào đường không. Việc ta khống chế chặt đường không đã cắt đứt nguồn tăng viện, tiếp tế của địch, đẩy chúng vào tình cảnh khốn quẫn.

Về chiến thuật, trong quá trình thực hành tác chiến, thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta đã hình thành thế trận bao vây, từng bước siết chặt từng cụm cứ điểm và cả tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của địch. Từ hạ tuần tháng 01/1954, hệ thống chiến hào hàng trăm ki-lô-mét của ta đã siết chặt từng phân khu, từng cụm cứ điểm. Mọi kế hoạch tháo chạy của quân Pháp đều không thể thực hiện được vì chiến hào của ta đã thắt chặt vòng vây áp sát địch. Với cách đánh “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” rất sáng tạo, ta đã thực hiện “trói địch lại” để tiêu diệt lần lượt từng cứ điểm, cụm cứ điểm địch, tiến tới tổng công kích giành thắng lợi hoàn toàn.

Đối với công tác giáo dục, đào tạo trong Quân đội hiện nay, những nét đặc sắc về nghệ thuật tạo lập thế trận Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi Học viện tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào quá trình đào tạo, nhằm xây dựng cho đội ngũ cán bộ có tầm tư duy chiến dịch, chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước hết, cần trang bị cho đội ngũ cán bộ nhận thức sâu sắc về vai trò của thế trận và hoạt động lập thế trận trong tác chiến, làm nền tảng vận dụng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh xảy ra. Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược phát huy trí tuệ, tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh; lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nền tảng; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc nằm trong tổng thể thế bố trí lực lượng, phương tiện, hình thành thế trận chung của cả nước, nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Về thời (thời cơ): nắm chắc tình hình địch, kịp thời thay đổi phương châm tác chiến. Đánh giá đúng tình hình địch, lựa chọn thời cơ tiến công phù hợp có vai trò hết sức quan trọng trong tác chiến chiến dịch. Trong giai đoạn đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chủ trương tiến công địch với phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, sau một thời gian ta nhận thấy, địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố; mặt khác, công tác chuẩn bị cho chiến dịch của ta còn nhiều khó khăn, một bộ phận pháo binh của ta chưa vào vị trí bố trí,… nếu vẫn tiến công địch sẽ không tránh khỏi thương vong, tổn thất, khó hoàn thành nhiệm vụ. Từ nhận định trên, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” để vừa tận dụng thời gian, làm chuyển hóa tương quan so sánh thế và lực theo hướng có lợi cho ta, vừa thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo và quyết tâm đánh chắc thắng, không chắc thắng không đánh. Đây là quyết định sáng suốt, thể hiện khả năng đánh giá đúng tình hình địch, vận dụng sáng tạo yếu tố thời cơ (thời gian), đề ra phương châm sát đúng, là một trong những nguyên nhân mang tính quyết định đến thắng lợi của Chiến dịch.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), đối tượng tác chiến của ta có nhiều thay đổi, phát triển cả về lực lượng, phương tiện và phương thức tiến hành chiến tranh; hoạt động tác chiến diễn ra với nhịp độ cao, tình huống tác chiến diễn biến nhanh chóng, phức tạp và ác liệt. Điều đó đòi hỏi người chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược phải có phẩm chất kiên định, vững vàng và năng lực tư duy ở tầm chiến dịch, chiến lược, nhằm đối phó kịp thời với các tình huống tác chiến hiện đại. Đối với công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược hiện nay, cần coi trọng trang bị thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và biết vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực nhận định, đánh giá tình hình địch trong tác chiến; có năng lực tư duy sắc sảo, khả năng quyết đoán trong đề xuất cách thức, phương pháp xử trí tình huống tác chiến ở tầm chiến lược: sáng tạo, thiết thực, phù hợp, đạt hiệu quả cao. Quá trình đào tạo, cần thực hiện tốt phương châm: “Chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; chú trọng huấn luyện thực hành, tập bài, diễn tập,… nhằm nâng cao năng lực xử lý tình huống tác chiến cho đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược.

Về mưu (mưu kế): thực hiện tốt nghi binh lừa địch, buộc địch phải bị động đối phó. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mưu kế của ta là bằng mọi biện pháp buộc địch phải phân tán khối chủ lực cơ động, điều địch lên hướng Tây Bắc là hướng ta lựa chọn, kìm giữ chúng để tập trung lực lượng tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược, kết thúc chiến tranh. Ngay từ trung tuần tháng 11/1953, nắm được tin chủ lực ta hành quân lên hướng Tây Bắc, Nava quyết định đổ quân xuống Điện Biên Phủ nhằm yểm trợ cho Lai Châu, ngăn chặn ta, bảo vệ Thượng Lào. Trước hoạt động đó của địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra nhận định rất quan trọng: “Dù bất luận tình hình diễn biến thế nào, việc địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản có lợi cho ta”4.

Quá trình chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, để nghi binh thu hút lực lượng địch, buộc Nava phải phân tán khối cơ động chiến lược, ta điều Sư đoàn 308 tiến công tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đập tan “phòng tuyến sông Nậm Hu”, mở rộng vùng giải phóng của bạn ở Thượng Lào. Nhận thấy quân ta chưa mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày mà địch phán đoán (25/01), chúng cho rằng ta “bỏ cuộc”. Tương kế tựu kế, ta tiến quân sang Thượng Lào càng làm chúng phán đoán sai lầm, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho chiến trường Điện Biên Phủ hoàn thành chuẩn bị theo phương châm tác chiến mới. Mặt khác, đập tan hành lang Luông pha băng - Điện Biên Phủ, ta đã “cắt cầu” rút chạy của địch từ Điện Biên sang Lào (theo kế hoạch Xê-nê-phôn), làm cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn bị cô lập. Nghệ thuật nghi binh, lừa địch thể hiện đỉnh cao trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Trong giai đoạn cách mạng mới, công tác đào tạo trong Quân đội cần tập trung bồi dưỡng, không ngừng nâng cao tri thức toàn diện, mà trọng tâm là hệ thống tri thức quân sự cho đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược. Trong tác chiến, vấn đề đặt ra đối với cán bộ chiến dịch, chiến lược là khả năng đánh giá tình hình địch, sự linh hoạt, tư duy lô-gic, khả năng nhạy bén trong phán đoán,… “nghĩ kế, bày mưu”, từng bước đưa địch vào thế bị động.

Đặc biệt hiện nay để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay từ thời bình, Quân đội ta cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, nhất là đội ngũ cán bộ cao cấp có tầm tư duy chiến dịch, chiến lược. Trong đó, cần chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược hệ thống tri thức về lịch sử quân sự, giáo dục truyền thống quân sự, truyền thụ những kinh nghiệm và giá trị văn hóa quân sự của dân tộc và nhân loại. Thông qua đó, không ngừng nâng cao phẩm chất, tư­­ duy, khả năng vận dụng kinh nghiệm, tri thức quân sự nói chung, nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng vào hoạt động thực tiễn quân sự, quốc phòng ở tầm chiến dịch, chiến lược, góp phần phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, thực hiện thắng lợi đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Thượng tướng, PGS, TS. TRẦN VIỆT KHOA, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng
________________
        

1 - Võ Nguyên Giáp – Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb QĐND, H. 1974, tr. 158 - 159.

2 - Hăngri Nava – Đông Dương hấp hối, Nxb Plông, Pari, 1958, Bản dịch của Viện Sử học.

3 - Bộ Tổng Tham mưu – Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb QĐND, H. 2015, tr. 555.

4 - Bộ Tổng Tham mưu – Cục Nhà trường, Giáo trình lịch sử quân sự, tập III, Khởi nghĩa vũ trang và nghệ thuật quân sự Việt Nam (1930 - 1954), Nxb QĐND, H. 1997, tr. 124.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng Điện Biên Phủ – "Thiên sử vàng" dân tộc
Thắng lợi vĩ đại đó là “thiên sử vàng” dân tộc; là mốc son chói lọi được tạc vào lịch sử nước nhà như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... của thế kỷ XX, làm nức lòng nhân dân cả nước. Cũng từ thời khắc lịch sử đó những tiếng: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang vọng khắp non sông nước Việt và trên trường quốc tế.