QPTD -Chủ Nhật, 05/05/2024, 10:23 (GMT+7)
Vai trò của pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và vấn đề xây dựng Binh chủng “tinh, gọn, mạnh”

Trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Bộ đội Pháo binh đã thể hiện rõ tinh thần dũng cảm, sáng tạo, khẳng định vai trò hỏa lực mặt đất chủ yếu của Quân đội ta, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch. Qua đó, đúc rút nhiều bài học quý, cần tiếp tục kế thừa, phát triển nhằm xây dựng Binh chủng Pháo binh “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh và Kế hoạch tác chiến Chiến dịch, lực lượng pháo binh ta được huy động tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với quân số, vũ khí trang bị cao nhất, hiện đại nhất lúc bấy giờ và Bộ đội Pháo binh vinh dự được nổ phát súng đầu tiên mở màn Chiến dịch. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh của trận quyết chiến chiến lược, Bộ đội Pháo binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chế áp, tiêu diệt các trận địa pháo binh, khống chế sân bay, phá hoại sở chỉ huy, kho tàng, triệt đường tiếp tế của địch và chi viện có hiệu quả cho bộ binh thắt chặt vòng vây, tiến công tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh giá vai trò của pháo binh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Một binh chủng từ khi thành lập cho đến nay đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với vai trò là hỏa lực chủ yếu của Lục quân và hỏa lực mặt đất chủ yếu của Quân đội ta”.

Binh chủng Pháo binh thực hành bắn đạn thật pháo 152mm phục vụ diễn tập quân binh chủng.

Hiện nay và những năm tới, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển, yêu cầu rất cao. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức lực lượng Pháo binh có mặt chưa theo kịp sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ; trang bị kỹ thuật đa chủng loại, qua sử dụng nhiều năm xuống cấp, tính đồng bộ không cao,… gây khó khăn trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ. Trước tình hình đó, để tiếp tục phát huy vai trò hỏa lực pháo binh trong điều kiện mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh chủ trương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Binh chủng “tinh, gọn, mạnh”, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Trước hết, tập trung xây dựng Binh chủng tinh, gọn về tổ chức biên chế, có vũ khí, trang bị ngày càng hiện đại. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng pháo binh của ta đã không ngừng lớn mạnh, có bước phát triển vượt bậc, từ chỗ sử dụng các khẩu đội, trung đội pháo mang vác, đánh độc lập chi viện cho các trận chiến đấu nhỏ, lẻ, tiến lên sử dụng tập trung nhiều trung đoàn, tiểu đoàn pháo xe kéo cỡ lớn, đánh hiệp đồng binh chủng. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh được huy động với mức cao nhất, trong đó có sự xuất hiện lần đầu của pháo lựu 105mm - một trong những loại pháo hiện đại, uy lực nhất khi đó, đã gây bất ngờ đến kinh ngạc cho quân Pháp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch.

Kế thừa, phát huy bài học về tổ chức, sử dụng lực lượng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết chặt chẽ, khoa học, phù hợp với đặc điểm, chức năng nhiệm vụ được giao. Trước mắt, Binh chủng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, chỉ đạo thực hiện thống nhất việc tổ chức, xây dựng lực lượng pháo binh 3 thứ quân vững mạnh, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng. Trong đó, với pháo binh bộ đội chủ lực, cùng với ưu tiên xây dựng các lữ pháo binh - tên lửa dự bị chiến lược mạnh, có khả năng cơ động tác chiến cao, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, Binh chủng tiếp tục tham mưu, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ mở rộng mô hình trung đoàn pháo binh trong các sư đoàn bộ binh thường trực sẵn sàng chiến đấu trên các địa bàn trọng điểm. Với pháo binh bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, tiếp tục rà soát xây dựng có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch, phương án tác chiến trên từng hướng, địa bàn, khu vực phòng thủ địa phương. Đồng thời, quan tâm xây dựng nguồn lực lượng dự bị động viên pháo binh hùng hậu, sẵn sàng huy động khi có tình huống.

Cùng với xây dựng tổ chức, Binh chủng tiếp tục tham mưu, đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đầu tư mua sắm, cải tiến pháo binh, tên lửa theo Chiến lược vũ khí, trang bị đến năm 2030 và Đề án xây dựng Binh chủng Pháo binh phát triển thành Binh chủng Pháo binh - Tên lửa. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo kết hợp lựa chọn đầu tư mua sắm, chuyển giao công nghệ các loại pháo tự hành, pháo phản lực, tên lửa đất đối đất, đất đối hạm, tên lửa chống tăng hiện đại; nghiên cứu chế tạo tích hợp hệ thống tự động hóa chỉ huy điều khiển hỏa lực, các loại phương tiện, trang bị bảo đảm,… đồng bộ với sự phát triển của lực lượng pháo binh - tên lửa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.

Một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh chiến đấu, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Bộ đội Pháo binh là bản lĩnh chính trị, tư tưởng tiến công, ý chí quyết đánh và quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội Pháo binh đã quán triệt và tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, không quản hy sinh, vất vả, bằng vai trần, chân đất đã kéo pháo vào, kéo pháo ra, rồi lại kéo pháo vào, đưa những khẩu pháo hạng nặng vượt hàng trăm ki-lô-mét đường rừng, lên các sườn núi cao - vị trí có lợi nhất; đồng thời, vận dụng linh hoạt cách đánh độc lập và đánh hiệp đồng, kết hợp đánh gần với đánh xa, đánh bất ngờ, đánh liên tục, đánh dồn dập, đánh kéo dài bằng nhiều loại hỏa lực khác nhau, gây cho địch nhiều tổn thất và hoàn toàn bất lực.

Quán triệt, vận dụng sâu sắc bài học đó, Binh chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, huấn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ pháo binh có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, sẵn sàng chiến đấu cao. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, Binh chủng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 2423-CT/QUTW, ngày 09/11/2023 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới”; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, định hướng tư tưởng, nhằm xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tiến hành đồng bộ công tác quản lý, rèn luyện, sàng lọc đội ngũ đảng viên; trong đó, chú trọng giáo dục, bồi dưỡng toàn diện cả phẩm chất, đạo đức, năng lực trí tuệ và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp. Để đạt hiệu quả cao, Binh chủng tiếp tục cụ thể hóa chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới trong lực lượng Pháo binh. Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, khắc phục những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đơn vị.

Một trong những yếu tố để xây dựng Binh chủng Pháo binh “tinh, gọn, mạnh” là bộ đội phải được huấn luyện tốt, thành thục về kỹ thuật, giỏi về chiến thuật, có thể lực tốt để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2023 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng công tác huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo, Binh chủng tiếp tục đổi mới toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức và kiểm tra huấn luyện ở các cấp; chỉ đạo nhà trường tập trung xây dựng, cụ thể hóa phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, chú trọng nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, đào tạo sĩ quan, nhân viên chuyên môn, hạ sĩ quan, chiến sĩ pháo binh - tên lửa có khả năng sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị mới, hiện đại, v.v. Tập trung chỉ đạo các đơn vị huấn luyện toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; lấy huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, chiến thuật làm trung tâm, huấn luyện cán bộ làm then chốt; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo bước đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng nhiều đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Binh chủng chỉ đạo tăng cường huấn luyện thực hành để bộ đội làm chủ vũ khí trang bị, nâng cao tốc độ, hiệu quả triển khai chiến đấu; huấn luyện cơ động đường dài qua các dạng địa hình phức tạp; di chuyển, dịch chuyển đội hình chiến đấu trong điều kiện đêm tối, thời tiết, khí hậu phức tạp, v.v. Mặt khác, cần coi trọng kết hợp truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu với vận dụng những phát triển mới của khoa học, công nghệ, nghệ thuật tác chiến pháo binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhất là vận dụng cách đánh mới của pháo binh - tên lửa trong chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao vào huấn luyện, diễn tập.

Là binh chủng chiến đấu, binh chủng kỹ thuật, để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu “tinh, gọn, mạnh”, cùng với xây dựng tổ chức, xây dựng con người, Binh chủng chú trọng làm tốt công tác bảo đảm, chuẩn bị thế trận pháo binh - tên lửa liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác hậu cần, kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Binh chủng hướng trọng tâm vào bảo đảm đầy đủ, kịp thời số lượng, đúng chủng loại, đồng bộ vũ khí, trang bị hậu cần, kỹ thuật, nhất là ở các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa. Hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng hậu cần, kỹ thuật các cấp đáp ứng yêu cầu xây dựng Binh chủng “tinh, gọn, mạnh”. Cùng với đó, Binh chủng tiếp tục phối hợp, nghiên cứu nắm chắc tình hình, tham mưu điều chỉnh thế bố trí chiến lược các đơn vị pháo binh, tên lửa mặt đất toàn quân. Chỉ đạo các đơn vị pháo binh, tên lửa toàn quân chuẩn bị đầy đủ, chu đáo ngay từ thời bình các khu vực triển khai đội hình chiến đấu theo các phương án, kế hoạch tác chiến; đường cơ động, tổ chức đo đạc, quản lý hệ thống mạng, mốc khống chế pháo binh và chuẩn bị các căn cứ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, v.v.

Những chiến công vẻ vang trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là niềm vinh dự, tự hào, động lực để Bộ đội Pháo binh không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lập nhiều thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đó là nền tảng quan trọng để Binh chủng Pháo binh vượt qua mọi khó khăn, xây dựng “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề tiến lên hiện đại, viết tiếp những chiến công trong thời kỳ mới, xứng đáng với truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” của Bộ đội Pháo binh Anh hùng.

Thiếu tướng NGUYỄN HỒNG PHONG, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng Điện Biên Phủ – "Thiên sử vàng" dân tộc
Thắng lợi vĩ đại đó là “thiên sử vàng” dân tộc; là mốc son chói lọi được tạc vào lịch sử nước nhà như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... của thế kỷ XX, làm nức lòng nhân dân cả nước. Cũng từ thời khắc lịch sử đó những tiếng: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang vọng khắp non sông nước Việt và trên trường quốc tế.