QPTD -Thứ Bảy, 04/05/2024, 14:15 (GMT+7)
Phát huy giá trị Chiến thắng 07/5/1954, xây dựng tỉnh Điện Biên xứng tầm địa danh lịch sử

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ có giá trị lịch sử và thời đại to lớn. Ý thức rõ vinh dự, tự hào và trách nhiệm khi được sống, lao động, học tập, công tác trên mảnh đất gắn liền với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên không ngừng phát huy tinh thần của Chiến thắng vĩ đại đó, quyết tâm xây dựng địa phương giàu mạnh, xứng tầm địa danh lịch sử.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, cửa ngõ phía Tây Bắc của Tổ quốc, tiếp giáp với hai nước: Lào và Trung Quốc, nên có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Quân khu 2 và khu vực Bắc Bộ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Điện Biên được chọn như là “điểm hẹn lịch sử”. Thực vậy, sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương, để cứu vãn tình thế, quân Pháp chủ động xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhằm tiến hành một trận “tổng giao chiến” mang tính quyết định để tiêu diệt chủ lực của ta, kết thúc chiến tranh trong danh dự. Trên cơ sở nắm chắc âm mưu, hành động của địch và phân tích, đánh giá tình hình một cách chính xác, khoa học, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch. Với phương châm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả nước đã hướng về Điện Biên Phủ, tập trung sức mạnh cho Chiến dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, cùng với cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, sát cánh cùng các lực lượng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, huy động, đóng góp to lớn sức người, sức của, góp phần quan trọng làm nên

Chiến thắng ngày 07/5/1954. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Tỉnh có 700 cá nhân, 47 tập thể (xã, bản) được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và hàng nghìn lượt cá nhân, tập thể được tặng các phần thưởng cao quý.

Đảng ủy Quân sự Tỉnh ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng bộ năm 2024.

Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng Điện Biên phát triển toàn diện về mọi mặt. Nhiều năm liền, Tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá; GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,33%/năm; năm 2022, Tỉnh đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; công nghiệp, dịch vụ, xây dựng tăng cao, chiếm 79,03%. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư đạt khá, cải cách hành chính chuyển biến rõ nét. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước đột phá, bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn không ngừng đổi thay, tiến bộ. An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể1. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được quản lý, bảo vệ vững chắc. Các di tích của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa được nhân dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy, trở thành điểm du lịch, nơi giáo dục truyền thống có ý nghĩa vô cùng to lớn, v.v.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và khởi sắc, song do xuất phát điểm thấp, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt,... nên Điên Biên vẫn là một trong những tỉnh nghèo, kinh tế - xã hội phát triển chậm, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực hạn chế. Đây cũng là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, tăng cường hoạt động chống phá, v.v. Những yếu tố đó vừa là khó khăn, thách thức, vừa đặt ra yêu cầu cao đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Điện Biên.

Trước tình hình đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tỉnh chủ trương tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, từng bước cụ thể hóa thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 “Điện Biên nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước” theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, xứng tầm với giá trị Chiến thắng vĩ đại và địa danh lịch sử Điện Biên Phủ.

Thực hiện mục tiêu đó, trước hết, Tỉnh quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, y tế, giáo dục,… tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực tiễn để triển khai thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo phương châm “toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm”, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư của các thành phần kinh tế, triển khai hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm theo cấu trúc không gian: 4 trục động lực2; 3 vùng kinh tế3 và 4 cực tăng trưởng4. Trước mắt, Tỉnh chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương tích cực huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng, hoàn thành đúng tiến độ việc mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1); cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12, tỉnh Điện Biên; hoàn thiện thủ tục đầu tư nâng cấp lối mở A Pa Chải - Long Phú lên cửa khẩu song phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao. Ảnh: qdnd.vn

Cùng với đó, Tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Tỉnh tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm theo chuỗi liên kết giá trị; chú trọng thu hút đầu tư từ các đối tác chiến lược, có tiềm lực, thương hiệu mạnh, công nghệ cao xây dựng, phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm mắc-ca, dược liệu và các sản phẩm nông sản khác. Đẩy mạnh triển khai các dự án thủy điện, truyền tải, phân phối điện theo quy hoạch; đồng thời, tạo điều kiện để các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo, như: điện gió, điện tích năng, điện sinh khối, v.v. Đối với nông nghiệp, lâm nghiệp và nông thôn, Tỉnh tập trung phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, bền vững; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển dịch vụ, công nghiệp với nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình khoa học công nghệ, gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025, tích cực ứng dụng công nghệ cao và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm đã được chứng nhận thương hiệu hàng hóa,... nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế “xanh, bền vững, giàu bản sắc văn hóa dân tộc”, Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ theo Quyết định số 898/QĐ-TTg, ngày 29/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm lan tỏa hơn nữa giá trị, âm hưởng hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ tới đồng bào cả nước và du khách quốc tế. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Điện Biên; xây dựng cơ sở dữ liệu và đẩy mạnh liên kết với các tỉnh Tây Bắc, trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế, nhằm mang lại hiệu quả cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, Tỉnh đột phá nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Trên cơ sở 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV, cũng như phát huy kinh nghiệm, kết quả đạt được, thời gian tới, Tỉnh chủ trương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2021 - 2025”; lấy đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và tinh giản bộ máy, biên chế làm khâu đột phá. Đồng thời, quyết liệt triển khai Đề án “Phát triển tổ chức đảng, đảng viên, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và địa phương theo Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27/01/2021 của Bộ Chính trị để chuẩn bị nhận sự cho Đại hội Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030, v.v. Cùng với đó, Tỉnh tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước ở địa phương, cơ sở.

Thấu triệt quan điểm “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”, để tiếp nối, phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững chắc, tạo điều kiện để Tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Quán triệt, thực hiện quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 7/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị. Trước hết, Tỉnh phát huy moi tiềm năng, giá trị của địa bàn, tham gia tổ chức thực hiện tốt các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khơi dậy lịch sử hào hùng, niềm vinh dự, tự hào của quê hương Điện Biên anh hùng. Trên nền tảng đó, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ chủ trì trong hệ thống chính trị, chức sắc, chức việc tôn giáo, đồng bào ở địa bàn biên giới, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện đột phá về công tác tổ chức lực lượng, huấn luyện, xây dựng chính quy và chấp hành kỷ luật, xây dựng lực lượng vũ trang “tinh, gọn, mạnh”, sẵn sàng chiến đấu cao. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự; phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Quân sự, Công an, Biên phòng trong tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Tích cực huy động, động viên nguồn lực từ ngân sách địa phương và xã hội cho xây dựng thế trận quân sự, phù hợp với quyết tâm, phương án tác chiến phòng thủ của các cấp. Chỉ đạo khảo sát, quy hoạch, quản lý chặt chẽ các cơ sở công nghiệp lưỡng dụng, các phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế, sẵn sàng chuyển từ tiềm lực thành thực lực quốc phòng và kế hoạch chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến bảo đảm khoa học, khả thi cao.

Cùng với đó, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách hậu phương Quân đội, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ bảo hiểm y tế, nhà ở, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng; giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tăng cường mở rộng quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào; duy trì, mở rộng quan hệ với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; phối hợp, giải quyết đúng quy định những vấn đề liên quan giữa các bên, đưa hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, phát triển.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên ôn lại trang sử hào hùng, oanh liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thấy rõ hơn tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng. Qua đó, tiếp thêm động lực, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất, kiên cường, ra sức thi đua xây dựng Điện Biên ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng tầm địa danh lịch sử.

NGUYỄN THÀNH ĐÔ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh
__________________
        

1 - Đến nay, Tỉnh có 343 trường mầm non và phổ thông được công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục; 12,66 bác sĩ và 32,1 giường bệnh/01 vạn dân; có trên 80% thôn, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa.

2 - Trục kinh tế động lực theo Quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội gắn với Cảng hàng không Điện Biên; trục phát triển kinh tế dọc theo Quốc lộ 12; trục phát triển kinh tế dọc theo Quốc lộ 6; trục phát triển kinh tế dọc theo Quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của Tỉnh.

3 - Vùng I: thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và Điện Biên Đông; Vùng II: huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng; Vùng III: huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà.

4 - Thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Mường Nhé.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng Điện Biên Phủ – "Thiên sử vàng" dân tộc
Thắng lợi vĩ đại đó là “thiên sử vàng” dân tộc; là mốc son chói lọi được tạc vào lịch sử nước nhà như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... của thế kỷ XX, làm nức lòng nhân dân cả nước. Cũng từ thời khắc lịch sử đó những tiếng: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang vọng khắp non sông nước Việt và trên trường quốc tế.