Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 23/07/2018, 09:23 (GMT+7)
Vùng Cảnh sát biển 1 thực thi pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại

Vùng Cảnh sát biển 1 được giao nhiệm vụ quản lý, thực thi pháp luật trải dài qua 10 tỉnh, thành phố ven biển, từ cửa sông Bắc Luân tỉnh Quảng Ninh đến đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; là cửa ngõ kinh tế biển quan trọng của phía Bắc nước ta với khu vực và thế giới. Đây là vùng biển được đánh giá là điểm nóng về an ninh trật tự; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa, như: khoáng sản, xăng dầu, pháo nổ, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, mỹ phẩm, gia cầm không rõ nguồn gốc,… bằng các thủ đoạn tinh vi, diễn biến rất phức tạp.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 xác định: thực thi pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo; chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, trước hết, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực tiễn cho thấy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, các đơn vị trực tiếp đấu tranh buôn lậu, gian lận thương mại thường xuyên phải thực hiện nhiệm vụ độc lập, đơn tuyến, trên phạm vi rộng. Điều đó đặt ra yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo vừa phải tập trung, thống nhất, vừa phải linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; nội dung, biện pháp lãnh đạo phải cụ thể, sát với nghiệp vụ chuyên môn của các đơn vị. Quán triệt sâu sắc các văn bản, kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và của Bộ Quốc phòng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển,… Đảng ủy Vùng đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển. Để đạt hiệu quả, trong thực hiện, Bộ Tư lệnh Vùng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp. Đồng thời, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy phù hợp với hoạt động đặc thù của các đơn vị, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, thông suốt, nhanh chóng và có hiệu lực trong công tác thực thi pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 kiểm tra xuồng chở thuốc lá trái pháp luật

Hai là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ, hiểu biết về pháp luật; tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức; xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Xuất phát từ tính đặc thù của nhiệm vụ thực thi pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ này. Việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển luôn là cuộc chiến đầy cam go, phức tạp, trên đất liền đã khó, trên biển còn khó khăn, phức tạp, nguy hiểm gấp nhiều lần. Các đối tượng vi phạm thường lợi dụng địa bàn rộng lớn, đêm tối, điều kiện thời tiết, sử dụng các phương tiện vận tải đường biển lớn, dễ cất giấu hàng cấm, hàng lậu để thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, chúng còn sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau nhằm chống đối lực lượng chức năng, gây rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng trực tiếp thực thi pháp luật. Trong khi đó, điều kiện công tác của lực lượng này còn nhiều khó khăn, lại chịu sự tác động trực tiếp của những cám dỗ vật chất,… nếu không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức thì không thể đứng vững và đủ sức thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”1 do Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phát động. Nâng cao ý thức tự rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ năng lực, ý thức tổ chức kỷ luật, không ngại nguy hiểm, mưu trí dũng cảm; tuyệt đối không để bị mua chuộc, lợi dụng, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Với tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động, khắc phục khó khăn, hiệp đồng chặt chẽ, giữ nghiêm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Vùng đã tích cực bám biển, bám địa bàn, kiên định, vững vàng, thượng tôn pháp luật, không sa ngã trước những cám dỗ về vật chất; kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, giữ gìn phẩm chất người chiến sĩ Cảnh sát biển, không để xảy ra hiện tượng can thiệp và không để ai can thiệp vào hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần quản lý, duy trì an ninh trật tự, thực thi pháp luật trên biển.

Ba là, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, những năm qua, Vùng Cảnh sát biển 1 đã được trang bị hàng chục tàu, xuồng các loại; khối nghiệp vụ và pháp luật được tổ chức biên chế đủ các phòng, ban chuyên môn, bước đầu đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Từ những tiền đề đó, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 xác định, phải không ngừng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của các lực lượng. Đồng thời, triển khai kế hoạch đấu tranh chặt chẽ, khoa học, cụ thể; lấy trinh sát là biện pháp mũi nhọn, lấy điều tra cơ bản là khâu đột phá. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp trinh sát, nắm tình hình địa bàn. Thường xuyên duy trì các tàu trực, kíp trực nghiệp vụ; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; kết hợp tuần tra, kiểm soát thường xuyên, cố định với cơ động, đột xuất nhằm phát hiện các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên các vùng biển trọng yếu, điểm nóng. Làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các lực lượng, như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường trên địa bàn, nhất là những khu vực, địa bàn trọng điểm. Thực hiện tốt quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn, v.v. Nhờ đó, nắm chắc địa bàn, các thủ đoạn và quy luật hoạt động của tội phạm để xác định đối tượng, hình thức, biện pháp đấu tranh hiệu quả. Trong thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng của Vùng luôn chấp hành nghiêm pháp luật; thực hiện đúng phương châm, đối sách, quy trình; tích cực tìm ra phương pháp đấu tranh, khai thác mới, hiệu quả với các đối tượng vi phạm.

Từ năm 1998 đến nay, Vùng Cảnh sát biển 1 đã thực hiện kiểm tra 10.535 lượt tàu thuyền có dấu hiệu vi phạm, xử phạt 5.973 lượt tàu (5.942 lượt tàu Việt Nam, 31 lượt tàu nước ngoài), thu nộp ngân sách trên 27 tỷ đồng từ xử phạt vi phạm hành chính. Phát hiện, bắt giữ, xử lý 224 lượt tàu thuyền mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển, tịch thu số lượng lớn tang vật2, nộp vào ngân sách nhà nước trên 154 tỷ đồng. Kết quả đó đã khẳng định ý chí vượt khó và sự tích cực, quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 1 trong thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phát hiện, xử lý hiệu quả, đúng pháp luật các vụ việc vi phạm, tội phạm, trọng tâm là đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển.

Bốn là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”3, cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 1 luôn h­ướng mọi hoạt động vào xây dựng mối đoàn kết gắn bó quân - dân; đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng đơn vị “Dân vận tốt”. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành và tích cực tham gia phòng, chống vi phạm pháp luật trên biển, nhất là buôn lậu, gian lận thương mại. Các cơ quan, đơn vị luôn chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành và các cơ quan báo chí trong xây dựng kế hoạch và thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền biển, đảo; chức năng, nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam nói chung, Vùng Cảnh sát biển 1 nói riêng4. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cho các hộ gia đình trên địa bàn quản lý ký cam kết không buôn lậu hoặc tham gia tiếp tay, bao che cho buôn lậu. Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan báo chí viết bài, đưa tin, phóng sự truyền hình về những vụ án buôn lậu trên biển để người dân hiểu rõ hơn tính chất phức tạp, nguy hiểm của loại tội phạm này. Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn, nhất là ngư dân sinh sống, làm ăn trên biển; không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân. Nhờ đó, quần chúng nhân dân và ngư dân làm ăn, sinh sống trên Vịnh Bắc Bộ đã tích cực hợp tác, cung cấp cho lực lượng chức năng của Vùng nhiều tin báo có giá trị về tình hình tội phạm, vi phạm trên biển; xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân - dân; giữ gìn và phát huy hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển” trong lòng nhân dân.

Với việc thực hiện đồng bộ các nội dung giải pháp trên, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thực thi pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá NGÔ BÌNH MINH, Tư lệnh Vùng
______________

1 - Bốn tốt: 1. Chính trị, tư tưởng tốt; 2. chuyên môn nghiệp vụ tốt; 3. Đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt; 4. Nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật tốt. Bốn không: 1. Không đánh cờ bài ăn tiền, đánh đề, cá độ, vay nợ tài sản không có khả năng chi trả; 2. Không mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; 3. Không sử dụng rượu, bia sai quy định; 4. Không hút thuốc lá nơi làm việc, địa điểm công cộng. Bốn chống: 1. Chống can thiệp; 2. Chống tiếp tay; 3. Chống bao che; 4. Chống làm ngơ.

2 - Gồm: 115.245,24 tấn than, 11.961,06 tấn quặng, 2.172.303 lít dầu DO, 66.655 kg dầu FO, 141.016 lít xăng A92, 21.890 kg gạo, 379.960 bao thuốc lá ngoại, 15 m3 gỗ Sưa, 07 khẩu súng hơi và nhiều tang vật khác.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 270.

4 - Tổ chức 15 đoàn tuyên truyền cho hơn 6.000 cán bộ, công chức, công nhân, học sinh, sinh viên và nhân dân, trên địa bàn các quận, huyện thuộc các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; cấp phát 178 lượt, với gần 45.000 tờ rơi, tờ gấp các loại cho các phương tiện, tàu đánh cá, tàu vận tải, tàu du lịch, lồng nuôi hải sản trên biển.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...