Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 09/12/2024, 09:14 (GMT+7)
Hiệu quả giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn ở Lữ đoàn Công binh 25

Do tính chất đặc thù, lực lượng của Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) thường xuyên phân tán, làm nhiệm vụ xây dựng các công trình chiến đấu, đường tuần tra biên giới, dò tìm xử lý bom mìn, vật nổ chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện ăn ở dã ngoại, đi lại khó khăn; phải đối mặt với nhiều phức tạp, nguy hiểm với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và bảo đảm an toàn. Ngoài ra còn là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, sập đổ công trình và chống khủng bố. Cùng với đó, các tệ nạn xã hội, mặt trái của cơ chế thị trường, mạng xã hội đã, đang tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm và mọi mặt hoạt động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của bộ đội, trong đó có công tác giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn của Đơn vị. Trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, thông tư của Bộ Quốc phòng, Quân khu 71, Đảng ủy Lữ đoàn ban hành Nghị quyết số 42-NQ/ĐU, ngày 13/01/2020 về lãnh đạo chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Trong đó, xác định rõ phương hướng, mục tiêu, các nội dung trọng tâm, khâu đột phá trong giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn ở từng cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật và bảo đảm an toàn, tạo động lực để Lữ đoàn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Huấn luyện thực hành vượt sông.

Nhằm tạo chuyển biến từ nhận thức sang hành động tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội, cùng với đổi mới về nội dung giáo dục theo hướng thiết thực, hiệu quả, Lữ đoàn chủ trương tăng cường vận dụng các hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật phong phú, sinh động, phù hợp với điều kiện lực lượng thường xuyên phân tán. Trong đó, chú trọng thành lập tổ giáo dục đến từng phân đội thực hiện nhiệm vụ nhỏ lẻ, triệt để vận dụng các ứng dụng, nền tảng xã hội để tuyên truyền; thực hiện chế độ gặp gỡ quân nhân hằng tuần; phát huy vai trò của “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”; phối hợp với các địa phương, gia đình quân nhân lập các trang, nhóm “Hậu phương chiến sĩ” để kết hợp giáo dục, v.v. Đồng thời, thực hiện tốt các mô hình: “5 biết trong quản lý quân nhân”, “Mỗi tuần 01 điều luật”, “Chi đoàn “4 tốt, 1 nghiêm” và tổ chức tốt các buổi diễn đàn, tọa đàm (cấp tiểu đoàn) với chủ đề sát đặc điểm tâm lý, lứa tuổi, đặc thù nhiệm vụ của từng phân đội. Thông qua đó, cán bộ các cấp nắm chắc tình hình, sàng lọc, phân loại tư tưởng, ý thức chấp hành pháp luật để có phương pháp giáo dục, định hướng kịp thời; giúp bộ đội lĩnh hội kiến thức cơ bản về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; nắm chắc nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vi phạm; xây dựng kỹ năng sống, có sức đề kháng trước sự tác động tiêu cực của tệ nạn xã hội, giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật.

Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, duy trì kỷ luật là vấn đề có ý nghĩa tiên quyết đối với việc hình thành thói quen, hành vi chuẩn mực cho mọi quân nhân. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn coi trọng tập huấn Điều lệnh quản lý bộ đội, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ và ý thức chấp hành mệnh lệnh người chỉ huy của mọi quân nhân. Hằng năm, Lữ đoàn triển khai cho 100% cán bộ, đảng viên đăng ký cam kết không vay nặng lãi, không vi phạm các tệ nạn xã hội và các quy định. Đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chấp hành nghiêm quy định về không điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia; không được uống rượu, bia khi đang thực hiện nhiệm vụ; cấm hạ sĩ quan, binh sĩ uống rượu, bia mọi lúc, mọi nơi. Do đơn vị có nhiều bộ phận thực hiện nhiệm vụ phân tán, Lữ đoàn duy trì nghiêm chế độ báo cáo tình hình chính trị nội bộ hằng ngày, hằng tuần (chính trị viên các đơn vị báo cáo kết quả nắm việc chấp hành kỷ luật của đơn vị mình với cơ quan chính trị, Bí thư Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn thông qua điện thoại và văn bản); qua đó, Ban Chỉ huy Lữ đoàn luôn nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời, yêu cầu các phân đội tăng cường rèn luyện tác phong sinh hoạt, huấn luyện, công tác, tạo thói quen trong thực hiện văn hóa pháp luật, ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các chế độ quy định của đơn vị; quản lý chặt chẽ bộ đội, quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật thông qua duy trì nghiêm các chế độ ngày, tuần. Thực hiện tốt mô hình “6 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học tập, cùng vui chơi, cùng chia sẻ với chiến sĩ), “2 trước” (làm trước, dậy trước chiến sĩ), “2 sau” (ăn sau, ngủ sau chiến sĩ), nhằm nâng cao tính hiệu quả của công tác nắm diễn biến tư tưởng, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và các mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, làm cơ sở tiến hành các biện pháp định hướng tư tưởng, chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra các vụ việc vi phạm do lơ là, buông lỏng quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội.

Dò tìm bom mìn, vật nổ trên địa hình sông, suối.

Với đặc thù của nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu thường được tiến hành ở địa hình khó khăn, phức tạp, thậm chí là vách cao, dốc đứng,... nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, độ bền chắc, Lữ đoàn đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn trong thi công công trình. Để đạt được kết quả bảo đảm an toàn tuyệt đối, có chất lượng cao trong thực hiện nhiệm vụ thi công công trình, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị trực tiếp thi công quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Quân khu 7 về bảo đảm an toàn trong xây dựng công trình. Tổ chức thi công đúng nguyên tắc, quy trình, phương án thi công đã được phê duyệt; chú trọng phân công, phân cấp rõ ràng, chặt chẽ, gắn trách nhiệm với từng tổ chức, cá nhân. Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy tại các công trình, bảo đảm thông tin thông suốt để chỉ huy các cấp nắm bắt và xử lý kịp thời các sự cố. Trong mỗi công trình, Lữ đoàn đều thành lập “tổ an toàn”, “tổ kỹ thuật” và cử cán bộ chuyên trách theo dõi công tác bảo đảm an toàn, chủ động chấn chỉnh các hiện tượng chủ quan, vi phạm quy tắc ngay từ hành động, việc làm nhỏ nhất có thể dẫn tới mất an toàn. Đối với người chỉ huy, Lữ đoàn yêu cầu chuẩn bị tốt các phương án dự phòng, bảo đảm lực lượng, phương tiện; nắm chắc đặc điểm địa chất, thủy văn, thời tiết, nhất là khu vực dễ sạt lở, mất an toàn để không bị động trước mọi tình huống. Khi phát hiện nguy cơ mất an toàn thì phải tạm dừng thi công, di chuyển lực lượng, phương tiện ra khỏi khu vực có khả năng bị ảnh hưởng và báo cáo chỉ huy để được chỉ đạo cụ thể, kịp thời. Khi thời tiết ổn định, phải kiểm tra lại công tác bảo đảm an toàn trước khi tiếp tục thi công; thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm trang thiết bị bảo hộ lao động (nếu thiếu phải bổ sung kịp thời); nhất thiết phải có hệ thống biển báo (cảnh báo) tại các vị trí có nguy cơ mất an toàn và hệ thống bảng biểu quy định tại công trường. Kiểm tra chặt chẽ hệ thống kho thuốc nổ, kho xăng dầu và thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ, đặc biệt chú ý hệ thống điện, ống dẫn ép hơi, chống sét. Đặc biệt, trong thi công đường hầm, phải tăng cường kiểm tra phát hiện các hiện tượng dịch chuyển đất đá bên trên hầm, chống tạm đầy đủ; thực hiện nguyên tắc thi công đến đâu, chống tạm đổ bê tông đến đó; chèn lấp khe hở sau khi đổ bê tông và gia cố các mái taluy đầu hầm khu vực địa chất yếu để tránh sạt lở, gây mất an toàn.

Rà phá bom mìn, vật nổ là nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, nếu thực hiện sai quy tắc bảo đảm an toàn sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bộ đội. Xác định rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn đặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt các thông tư của Bộ Quốc phòng2 về bảo đảm an toàn lên hàng đầu, làm cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về quy tắc an toàn trong điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ. Quá trình tiến hành trên thực địa, Lữ đoàn phân công các đồng chí trong Ban Chỉ huy trực tiếp chỉ đạo bộ đội tuân thủ đúng quy định, quy tắc trên cơ sở phương án kỹ thuật thi công và kế hoạch thi công đã được duyệt; duy trì tuần tự các bước triển khai bảo đảm chặt chẽ, thống nhất đúng trình tự, quy trình theo các văn bản hiện hành, tuyệt đối không làm ẩu, làm tắt các bước trong quá trình điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn đã được thông qua (khi cần phải thay đổi một số bước trong quy trình đã được duyệt thì phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền bằng văn bản). Trong trường hợp tạm dừng một trong các bước tiến hành rà phá khi có mưa bão, gió lớn hoặc sau khi ngừng thi công nhiều ngày theo sự chỉ đạo của trên thì nhất thiết phải kiểm tra lại các điều kiện an toàn mới được thực hiện tiếp. Đối với người chỉ huy trực tiếp, Lữ đoàn yêu cầu phải chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp cải thiện điều kiện lao động cho cán bộ, chiến sĩ, giảm nhẹ các khâu lao động thủ công nặng nhọc, nguy hiểm, nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa các yếu tố độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hoặc gây ra các bệnh nghề nghiệp sau này. Tuyệt đối không làm nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom mìn trong điều kiện thời tiết mưa, bão, sấm sét, trời tối và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về an toàn lao động. 100% cán bộ, chiến sĩ tham gia dò tìm bom mìn, vật nổ đều phải được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và có chứng chỉ do cấp có thẩm quyền chứng nhận. Từ những việc làm đó trong 05 năm qua, Lữ đoàn đã thực hiện rà phá hơn 1.000 héc ta, xử lý hàng chục tấn bom mìn, vật nổ bảo đảm an toàn tuyệt đối, đạt chất lượng, hiệu quả cao, trả lại màu xanh cho đất, góp phần phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Thực hiện tốt các giải pháp phù hợp, khoa học trên là cơ sở quan trọng để Lữ đoàn Công binh 25 giữ vững lá cờ đầu trong phong trào Thi đua Quyết thắng, Đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, hiệu quả và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Đại tá PHẠM VĂN NGHĨA, Lữ đoàn trưởng
_____________________
        

1 - Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 28/11/2019 của Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội; Thông tư số 143/2023/TT-BQP, ngày 27/12/2023 của Bộ Quốc phòng về quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị số 3039-CT/ĐU, ngày 02/12/2019 của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giữ nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước và bảo đảm an toàn tuyệt đối trong lực lượng vũ trang Quân khu, v.v.

2 - Thông tư số 121/2021/TT-BQP, ngày 20/9/2021 của Bộ Quốc phòng về ban hành Quy trình kỹ thuật điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ; Thông tư số 59/2022/TT-BQP, ngày 30/8/2022 của Bộ Quốc phòng về ban hành Quy chuẩn QCVN 01:2022/BQP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về rà phá bom mìn, vật nổ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...