Thứ Năm, 24/04/2025, 02:11 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành tích tự hào cả về kinh tế, xã hội cũng như quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, tình trạng ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông,... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận nhân dân; việc bảo đảm việc làm và thu nhập ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tai nạn giao thông tuy có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để đẩy mạnh chống phá trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong khi đó, trình độ dân trí, nhất là trình độ và kiến thức pháp luật của các tầng lớp nhân dân không đồng đều; đội ngũ cán bộ phổ biến, giáo dục pháp luật phần nhiều là kiêm nhiệm; kinh nghiệm, phương pháp tiến hành chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ; điều kiện vật chất, vật tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở chưa được đầu tư đúng mức,… tác động trực tiếp đến đời sống, ý thức thượng tôn pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Trước tình hình trên, thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” theo Quyết định số 1371/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1371), Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng những giải pháp đúng, trúng; phương pháp, hình thức tổ chức chặt chẽ, linh hoạt, phong phú, sát thực tiễn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững.
Trên cơ sở quán triệt Hướng dẫn số 610/HD-BCĐ ngày 03/3/2022 của Ban Chỉ đạo Đề án 1371 Bộ Quốc phòng và hướng dẫn, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Quân khu 9, Bộ Chỉ huy Quân sự tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án giai đoạn 2022 - 2027, quy chế hoạt động, tập trung xây dựng các văn bản chỉ đạo, triển khai các mặt công tác. Đồng thời, tham mưu giúp Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực, tổ giúp việc (mời đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh - Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo Đề án). Ban Chỉ đạo Đề án 1371 Tỉnh đã cụ thể và triển khai kế hoạch thực hiện đồng bộ, sát từng nội dung, từng đối tượng, từng địa bàn. Căn cứ vào Kế hoạch thực hiện Đề án 1371 của trên và thực tiễn tại địa phương, cơ sở, cấp ủy, người chỉ huy các cấp đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm. Các đơn vị và cơ quan, ban ngành đã chủ động thực hiện nội dung Đề án, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Hằng năm, Ban Chỉ đạo Đề án Tỉnh đã chủ động lựa chọn và hướng dẫn Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xác định địa bàn triển khai làm điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn tỉnh1. Trên cơ sở đó, các đơn vị cơ sở đã tuyên truyền pháp luật cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Đề án.
Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, quán triệt, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng trong thực hiện. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của Đề án; 100% các bộ, chiến sĩ nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong triển khai thực hiện. Cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các ban, sở, ngành địa phương trong xây dựng, triển khai, hướng dẫn thực hiện, xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm trong phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân. Điểm nổi bật là Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành, đoàn thể địa phương chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị cơ sở tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp và hướng dẫn cấp ủy, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn khảo sát về nhu cầu cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng gắn với từng địa bàn; qua khảo sát, ưu tiên các địa bàn nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng thanh niên và gia đình có con, em trong độ tuổi nhập ngũ, học sinh các trường trung học phổ thông và các đối tượng yếu thế, như: người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em. Từ đó, tham mưu cho Ban Chỉ đạo xác định đúng đối tượng và địa bàn, có nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp phù hợp để tổ chức tuyên truyền. Quá trình thực hiện Đề án, cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, tuyên truyền những nội dung liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo làm tròn nghĩa vụ công dân và vận động gia đình sống “tốt đời, đẹp đạo”, v.v. Các đơn vị chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác giáo dục pháp luật; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và nhân dân địa phương nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện và giải quyết tốt các vụ việc, tạo được sự đồng tình, nhất trí cao, đoàn kết quân - dân tốt, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong khu vực phòng thủ. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị thường xuyên giao ban, giao lưu, trao đổi, phối hợp phòng, chống các tệ nạn xã hội,… tạo “hành lang an toàn” về kỷ luật, pháp luật, xây dựng địa bàn đóng quân vững mạnh. Giai đoạn 2021 - 2024, Ban Chỉ đạo 1371 Tỉnh đã phối hợp tổ chức 256 buổi tuyên truyền lưu động trong nhân dân về công tác tuyển sinh quân sự, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dự bị động viên tại các trường trung học phổ thông và 55 xã, thị trấn, với 10.396 lượt người tham gia; cung cấp hơn 16.800 tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật; phối hợp tuyên truyền hơn 600 buổi trên hệ thống truyền thanh nội bộ cấp huyện, xã và trong các cơ quan, đơn vị; triển khai hơn 5.600 bảng biểu, tranh cổ động,... tại các cơ quan, đơn vị và khu dân cư. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đổi mới hình thức, phương pháp phù hợp với đối tượng là nội dung được Tỉnh hết sức coi trọng nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, các cơ quan, đơn vị duy trì, khai thác, sử dụng có hiệu quả Tủ sách pháp luật, đa dạng hóa các loại tài liệu tuyên truyền, như: sách, tờ gấp, băng đĩa hình, đĩa tiếng,… thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tìm đọc, xem, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, kỷ luật. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực lồng ghép những nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, diễn đàn thanh niên, các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, như: “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Thanh niên với văn hóa giao thông”; thực hiện có hiệu quả các phong trào, chương trình, mô hình, như: “Phong trào toàn dân phòng, chống nạn buôn bán người và xuất, nhập cảnh trái phép”; phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Dân vận khéo”; mô hình “Kết nối yêu thương”, kết hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật 21 lượt ở các xã thuộc 07 huyện, thị xã, thành phố, v.v. Phát huy sức mạnh và lợi thế của các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh và truyền hình Bạc Liêu, đài truyền thanh các huyện,… tuyên truyền rộng rãi các nội dung giáo dục pháp luật trên chương trình Quốc phòng toàn dân và Bản tin chiến sĩ Bạc Liêu; phát huy hiệu quả tuyên truyền các văn bản pháp luật qua báo điện tử, mạng xã hội; tăng cường thông tin về pháp luật bằng hình ảnh trực quan, video clip đăng tải lên nhóm “Dạ cổ Hoài lang”, trang Fanpage “Biển xanh” của Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh và các trang, nhóm của cơ quan, đơn vị, địa phương để nâng cao tính định hướng, hướng dẫn dư luận xã hội. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật trên Báo Quân đội nhân dân; tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy; cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” trên địa bàn Tỉnh năm 2024,... có hàng chục nghìn lượt người tham gia, góp phần tạo không khí học tập, tìm hiểu pháp luật rộng rãi trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc triển khai, thực hiện Đề án được cơ quan quân sự các cấp đẩy mạnh thông qua hoạt động công tác dân vận và huấn luyện dự bị động viên, dân quân tự vệ. Trong 3 năm qua, đã có gần 3.150 lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng dự bị động viên, hơn 18.220 dân quân và hơn 4.630 tự vệ được phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian huy động, tham gia huấn luyện. Lực lượng dân quân tự vệ của các huyện đã tích cực tuyên truyền cho nhân dân về: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012; các hiệp định phân định vùng biển, thềm lục địa, vùng nước lịch sử đã được ký kết giữa Việt Nam với các nước trong khu vực; quan điểm chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc xử lý các tình huống xảy ra trên biển; hướng dẫn ngư dân khai thác thủy hải sản đúng luật,... góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lực lượng vũ trang và nhân dân trong chấp hành và bảo vệ pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn trên mọi vùng biển, đảo; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia.
Quá trình triển khai thực hiện Đề án 1371, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu rút ra một số kinh nghiệm quý. Trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cơ quan, đơn vị; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực và thành viên Ban Chỉ đạo; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, bảo đảm Đề án được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, coi trọng xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh với các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện, phải nghiên cứu kỹ địa bàn, đối tượng để xác định nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, cần tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, quan tâm đầu tư về vật chất, kinh phí bảo đảm, gắn thực hiện Đề án với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân, coi trọng xây dựng lực lượng nòng cốt, thường xuyên quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Đại tá NGUYỄN HOÀNG SA, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh ___________________
1 - Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và các huyện: Hồng Dân, Đông Hải; tổ chức khảo sát và làm điểm cho 04 xã: Hiệp Thành, Ninh Thạnh Lợi, Long Điền và phường Hộ Phòng/thị xã Giá Rai để rút kinh nghiệm, nhân rộng.
Lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu,Đề án 1371,thế trận lòng dân,tuyên truyền vận động,lồng ghép,cuộc thi tìm hiểu
Thành phố Hòa Bình nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 14/04/2025
Trường Quân sự Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 24/03/2025
Hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở tỉnh Sóc Trăng 20/02/2025
Lữ đoàn Vận tải 653 tăng cường giáo dục pháp luật, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn 13/02/2025
Hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Pháo binh 168 20/01/2025
Tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 09/01/2025
Huyện Gia Lâm đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 16/12/2024
Hiệu quả giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn ở Lữ đoàn Công binh 25 09/12/2024
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Thành phố Hòa Bình nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh