Thứ Năm, 24/04/2025, 02:16 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Trường Quân sự Quân khu 3 là cơ sở đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, sĩ quan dự bị,… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu; đồng thời, đảm nhiệm giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ đối tượng 2, 3, 4 trên địa bàn, sinh viên các trường cao đẳng, đại học theo phân luồng của Bộ Quốc phòng. Những năm gần đây, để đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, Nhà trường được quan tâm, đầu tư xây dựng, phát triển về nhiều mặt; đặc biệt, năm 2021, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh của Nhà trường được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục công trình. Đây là điều kiện thuận lợi để Nhà trường nâng cao khả năng, chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu mới của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, Nhà trường cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ huấn luyện còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm; đối tượng bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh đa dạng, lưu lượng sinh viên biến động, phụ thuộc đầu vào hằng năm của các trường liên kết. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và phát huy vai trò nòng cốt của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và các thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, trực tiếp là các kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu, Nhà trường chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Quân khu, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh để nắm số lượng đối tượng bồi dưỡng; đồng thời, tổ chức hội nghị liên kết với các nhà trường để nắm tình hình, thống nhất thời gian, số lượng sinh viên. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch trình Quân khu phê duyệt và tổ chức quán triệt, giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị có liên quan, nhằm thống nhất thực hiện, không để xảy ra chồng chéo giữa hoạt động huấn luyện, đào tạo của Nhà trường và Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, các khoa, phòng xây dựng nghị quyết chuyên đề và kế hoạch, hướng dẫn, hiệp đồng triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, sát thực tiễn.
Nhằm khắc phục khó khăn do cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo đối tượng quân sự, vừa tham gia bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh cùng tình trạng thiếu doanh trại; Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh đang trong thời gian xây dựng, nâng cấp, Nhà trường đã chỉ đạo Phòng Đào tạo và Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh nghiên cứu, tích hợp, tối ưu kế hoạch, chương trình đào tạo đối tượng quân sự với kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, chú trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động dồn dịch, ưu tiên bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt đảm bảo điều kiện tốt nhất để các đối tượng và sinh viên tham gia học tập trung tại Nhà trường.
Trước sự đa dạng của đối tượng bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh, nhất là đối tượng 2 là cán bộ các ban, sở, ngành địa phương,… có trình độ, nhận thức cao, nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, Nhà trường chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng, phân công cán bộ, giáo viên quản lý, giảng dạy phù hợp. Theo đó, Nhà trường chú trọng lựa chọn, xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên trách, nòng cốt là Ban Giám hiệu, cán bộ các phòng, khoa, chủ nhiệm bộ môn và các đồng chí có trình độ chuyên sâu, đã qua thực tế đơn vị đảm nhiệm bồi dưỡng đối tượng 2 và 3. Đặc biệt, với các chuyên đề trọng điểm, chuyên sâu, Nhà trường chủ động phối hợp, mời cán bộ lãnh đạo của Quân khu và các tỉnh, thành phố, lãnh đạo trong lực lượng Công an, Biên phòng trên địa bàn tham gia thỉnh giảng, trao đổi kinh nghiệm. Với đối tượng sinh viên, Nhà trường lựa chọn giáo viên trẻ, năng động, có chuyên môn và khả năng sư phạm tốt giảng dạy; phân công cán bộ giàu kinh nghiệm quản lý, chỉ huy, có năng lực hoạt động phong trào đảm nhiệm, phát huy vai trò “người thầy thứ hai” trong giáo dục quốc phòng và an ninh.
Để nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh trong giai đoạn hiện nay, Nhà trường đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp chặt chẽ giữa lựa chọn giáo viên đi đào tạo, tập huấn theo kế hoạch của cấp trên1 với bồi dưỡng, tập huấn tại chỗ. Trên cơ sở nội dung tập huấn của cấp trên, Nhà trường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhân rộng; duy trì hội thi cán bộ, giáo viên giỏi các cấp nhằm đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên, cũng như tạo động lực để cán bộ, giáo viên tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, Nhà trường chủ động đề nghị Quân khu tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi thực tế tại các đơn vị, địa phương để cập nhật kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, đến nay 100% giáo viên giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh của Nhà trường có trình độ đại học trở lên; trong đó có 30% là thạc sỹ và 6% đã qua thực tế đơn vị cấp trung đoàn trở lên. Đây là lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng để Nhà trường tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục quốc phòng và an ninh nói riêng.
Cùng với đó, Nhà trường đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học theo hướng sát đối tượng, sát thực tiễn. Bám sát chương trình khung quy định2 và hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu, Nhà trường nghiên cứu, xây dựng nội dung theo hệ thống các chuyên đề với mức độ chuyên sâu phù hợp với từng đối tượng, sát đặc điểm, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Quân khu. Trong đó, chú trọng tinh giản những nội dung không còn phù hợp, cập nhật nội dung mới về đường lối, quân sự quốc phòng của Đảng; kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự ở địa phương, v.v.
Do thời gian học tập trung ngắn, trong khi khối lượng kiến thức cần truyền đạt lớn, để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên và Trung tâm chú trọng kết hợp hài hòa giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, lấy người học làm trung tâm, nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động trong nghiên cứu, tiếp thu kiến thức. Trong từng bài giảng, Nhà trường yêu cầu giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp, vận dụng linh hoạt các phương pháp, như: diễn giải, thảo luận nhóm, trực quan,… giúp học viên tiếp thu kiến thức tổng thể, có chiều sâu và gắn lý luận với thực tiễn. Riêng với đối tượng 2 và 3, Nhà trường chú trọng vận dụng phương pháp “đặt và giải quyết vấn đề theo nhóm”. Theo đó, giáo viên đưa ra các vấn đề mang tính thời sự, gắn với tình hình thực tiễn nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và Quân khu để học viên nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, liên hệ và đề xuất giải pháp trên cương vị công tác. Qua đó, giúp học viên phát huy tư duy phản biện, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, từ đó giáo viên tổng hợp, kết luận và định hướng nhận thức chung, đảm bảo tính thống nhất và khả năng áp dụng vào thực tế công tác.
Nhằm giữ vững, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh, cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác đầu tư, nâng cấp Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nhà trường chú trọng khai thác tối đa hiệu quả cơ sở vật chất hiện có và phát huy thế mạnh môi trường quân sự hướng vào phục vụ nhiệm vụ này. Trên cơ sở bám sát chương trình, kế hoạch huấn luyện, đào tạo cho các đối tượng, nhất là đối tượng quân sự và bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh, Nhà trường chỉ đạo Trung tâm phối hợp, hiệp đồng luân phiên khai thác, sử dụng hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập bảo đảm khoa học, hợp lý, không chồng chéo, trọng tâm là bãi huấn luyện thể lực tổng hợp, thao trường huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh; phát huy công năng của Phòng mô phỏng, các thiết bị bắn tập MBT-03, mô hình học cụ, v.v. Cùng với đó, Nhà trường tận dụng môi trường quân sự hiện có tổ chức cho sinh viên tham quan các buổi huấn luyện, thực hiện nền nếp chế độ của học viên quân sự và đưa đối tượng 2 và 3 tham quan diễn tập vận hành cơ chế khu vực phòng thủ trong các tình huống quốc phòng theo chương trình bồi dưỡng cán bộ quân sự tại khu huấn luyện tập trung của Nhà trường. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để học viên, sinh viên tiếp cận thực tế, bổ trợ trực tiếp cho học tập, rèn luyện.
Bằng các giải pháp tích cực, đồng bộ, phù hợp, trong 04 năm qua, Nhà trường đã bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 1.833 cán bộ các đối tượng; giáo dục quốc phòng và an ninh cho trên 14.000 sinh viên với kết quả 100% đạt yêu cầu, trên 90% khá, giỏi, được Quân khu và các nhà trường tin tưởng, đánh giá cao.
Phát huy kinh nghiệm và kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện Dự án Xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Quân sự Quân khu 3 trình các cấp phê duyệt. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, tham mưu đề xuất phương án xây dựng các hạng mục công trình, hệ thống trang thiết bị phục vụ quản lý, điều hành, giảng dạy theo hướng hiện đại, lưỡng dụng,… bảo đảm đầy đủ điều kiện sinh hoạt, học tập của học viên, sinh viên, cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của Quân khu, các trường liên kết, đơn vị trên địa bàn và chính quyền địa phương nhằm trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá TRẦN VĂN TÚ, Hiệu trưởng Nhà trường _____________________
1 - Giai đoạn 2021 - 2024, Nhà trường lựa chọn 111 cán bộ, giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; trong đó, có 05 giáo viên đào tạo sau đại học và 106 lượt cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn chuyên sâu theo kế hoạch của Quân khu và Vụ Giáo dục quốc phòng (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
2 - Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học”; Thông tư số 172/2020/TT-BQP, ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Ban hành chương trình, nội dung; chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh”.
Trường Quân sự Quân khu 3,giáo dục quốc phòng và an ninh,phân luồng,đối tượng,liên kết
Thành phố Hòa Bình nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 14/04/2025
Lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh thực hiện Đề án 1371 17/03/2025
Hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở tỉnh Sóc Trăng 20/02/2025
Lữ đoàn Vận tải 653 tăng cường giáo dục pháp luật, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn 13/02/2025
Hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Pháo binh 168 20/01/2025
Tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 09/01/2025
Huyện Gia Lâm đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 16/12/2024
Hiệu quả giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn ở Lữ đoàn Công binh 25 09/12/2024
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Thành phố Hòa Bình nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh