Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 16/12/2024, 10:24 (GMT+7)
Huyện Gia Lâm đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh

Huyện Gia Lâm - cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, án ngữ nhiều tuyến giao thông huyết mạch kết nối Thủ đô với các vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; với nhiều khu công nghiệp, đô thị lớn, làng nghề truyền thống và các trường đại học, cao đẳng, có vị trí quan trọng cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của khu vực Đông Bắc Hà Nội và vùng lân cận. Đó là nền tảng rất quan trọng để Huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, cùng với Thành phố và cả nước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, quá trình đô thị hóa trên địa bàn Huyện diễn ra với tốc độ nhanh, với sự xuất hiện của một loạt khu đô thị mới, như: Đặng Xá, Vinhomes Ocean Park,... bên cạnh mặt tích cực cũng làm gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường cùng những phức tạp về an ninh, trật tự, v.v. Nhận thức rõ tình hình địa bàn và trên cơ sở quán triệt và cụ thể hóa quan điểm của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính chính trị cơ sở vững mạnh, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng, an ninh; trong đó, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh là một trọng tâm và đạt được kết quả tích cực. Huyện đã quán triệt, triển khai thực hiện Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh chặt chẽ, nghiêm túc, bằng nhiều biện pháp sáng tạo, sát với đặc điểm của địa phương; trong đó, coi trọng giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ trong hệ thống chính trị, các đối tượng đặc thù, mở rộng và tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, v.v. Từ năm 2021 đến nay, Huyện đã có 60 cán bộ đối tượng 2 và 3; 484 cán bộ đối tượng 4 đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; mở hàng chục lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 220 chức sắc, chức việc, chủ doanh nghiệp; tổ chức cập nhật kiến thức quốc phòng, an ninh cho gần 4 nghìn đối tượng theo quy định; chỉ đạo các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, trường trung học phổ thông trên địa bàn làm tốt công tác giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho hàng chục nghìn học sinh, sinh viên mỗi năm. Qua đó, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đối với công tác quốc phòng, an ninh được nâng cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm cho “ý Đảng, lòng dân” hòa quyện, chung tay xây dựng Huyện giàu mạnh, văn minh1.

Khai mạc lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4, năm 2024.

Thời gian tới, bên cạnh thuận lợi cơ bản, Huyện cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn mất an ninh, trật tự xã hội, nhất là tác động của mặt trái cơ chế thị trường, khi quá trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, kéo theo các loại tội phạm, tệ nạn xã hội,... kèm theo đó là sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện (khóa XXII), nhiệm kỳ 2020 - 2025, sớm đưa Gia Lâm thành đơn vị cấp quận của Hà Nội, Huyện tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh đổi mới, thực hiện lấy phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần và bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; trong đó, chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Quán triệt sâu sắc văn bản, hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, Huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quan trọng này; thường xuyên kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp đúng, đủ thành phần theo quy định. Để đạt hiệu quả cao, Huyện ủy yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các ban, ngành, đoàn thể, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được xác định trong quy chế. Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Huyện chủ động rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản, hướng dẫn, kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng; triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất, phù hợp thực tiễn địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, khắc phục triệt để biểu hiện “khoán trắng” cho cơ quan quân sự. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, lấy kết quả thực hiện công tác này là một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ quản lý các cấp.

Huyện Gia Lâm có diện tích tự nhiên rộng, dân cư đông đúc, có nhiều cơ quan, doanh nghiệp của Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn, số lượng đối tượng trong diện bồi dưỡng lớn, với nhiều ngành nghề, công việc khác nhau. Vì thế, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, Huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật nội dung, đổi mới phương pháp tổ chức giáo dục, bồi dưỡng cho các đối tượng. Trong đó, chú trọng bổ sung những nội dung, vấn đề mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được xác định trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về đối tượng, đối tác; âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; cập nhật những tiến bộ khoa học trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, sự phát triển của vũ khí, trang bị, v.v. Đồng thời, tăng cường giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc; vị thế, thành tựu sau gần 40 năm đổi mới của đất nước; cơ hội và thách thức khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, v.v. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, không mơ hồ mất cảnh giác,... tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn dân. Về phương pháp tổ chức, với các đối tượng 2 và 3, Huyện chủ động nắm chắc số lượng, lập danh sách đề nghị tham gia các lớp bồi dưỡng do Thành phố tổ chức. Với đối tượng 4 và đối tượng 4 mở rộng, Huyện chỉ đạo Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Phòng Nội vụ,... rà soát, sắp xếp các đối tượng có cùng trình độ, có đặc điểm tương đồng để mở các lớp bồi dưỡng theo đầu mối các cụm xã, thị trấn. Lựa chọn giáo viên và thời gian tổ chức giáo dục phù hợp với từng đối tượng để đạt hiệu quả cao nhất mà không ảnh hưởng nhiều đến công việc đang đảm nhiệm.

Thủ trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Huyện dự, chỉ đạo khai mạc lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, chức việc các tôn giáo.

Đối với đối tượng học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước, Huyện chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự - Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh chủ trì phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh trên địa bàn đúng, đủ nội dung, thời gian quy định; tăng cường đầu tư bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, mô hình học cụ để nâng cao chất lượng dạy và học. Tích cực lồng ghép tổ chức hoạt động trải nghiệm, chương trình ngoại khóa kết hợp với tham quan tìm hiểu tại các khu di tích lịch sử, như: ATK Định Hóa - Thái Nguyên, Đền Bà Triệu, Bãi cọc Bạch Đằng, Khu di tích K9 Đá Chông, v.v. Đẩy mạnh các hoạt động thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7, thăm hỏi thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Qua đó, trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cần thiết về quân sự, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng, niềm tự hào dân tộc; rèn luyện ý thức, kỷ luật; định hướng và xác định rõ mục tiêu, lý tưởng của tuổi trẻ, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc và tích cực tham gia các hoạt động quốc phòng, an ninh của địa phương. Hiện nay, đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường phổ thông trung học trong Huyện còn mỏng, có nơi vẫn phải sử dụng giáo viên kiêm nhiệm; hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư nhưng có nội dung chưa đáp ứng được với yêu cầu. Khắc phục vấn đề trên, Huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tuyển chọn những giáo viên có trình độ, năng lực gửi đi đào tạo văn bằng hai về môn học; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, nhất là phương pháp giảng dạy tích cực, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tham quan, tập huấn trực tiếp tại các đơn vị Quân đội nhằm từng bước nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ này; đồng thời, tăng cường đầu tư kinh phí mua sắm, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, mô hình học cụ từng bước đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Nhằm đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh đến được với nhân dân, Huyện chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân. Theo đó, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện chỉ đạo Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành của huyện, đặc biệt là Phòng Văn hóa - Thông tin, Ban Dân vận, Trung tâm Chính trị,... xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm địa phương. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Quốc phòng, Luật An ninh mạng; Luật Phòng thủ dân sự,...; vạch rõ âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; nói chuyện về tình hình biển, đảo; đưa tin biểu dương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn với giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Gia Lâm. Về cách làm, Huyện chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống pano, áp phích,...; lồng ghép tuyên truyền trong các dịp lễ hội của các làng nghề, địa phương, v.v. Đặc biệt, Huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục quốc phòng và an ninh, để thông tin đến với nhân dân nhanh hơn, dễ tiếp cận và hiệu quả hơn; phát huy hiệu quả của Trang Thông tin điện tử Huyện, nền tảng mạng xã hội, như: Zalo, Facebook,... để tăng nội dung, thời lượng tuyên truyền đến với các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, Huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường phát huy dân chủ cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân; giải quyết thấu đáo những khó khăn, vướng mắc, tạo đồng thuận giữa chính quyền các cấp và nhân dân, xây dựng huyện Gia Lâm phát triển bền vững, trở thành đơn vị cấp quận, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại.

NGUYỄN VIỆT HÀ, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy
____________________
        

1 - Huyện đã có bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế tăng trưởng khá, ước đạt 11,63%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 85,3 triệu đồng/người/năm; 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); hoàn thành 31/31 tiêu chí thành lập quận.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...