Thứ Năm, 24/04/2025, 02:24 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Trong những năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, xuất phát từ đặc điểm của một tỉnh miền núi, biên giới; là cửa ngõ thông thương hướng Đông Bắc của đất nước, với nhiều hoạt động thương mại, kinh tế đối ngoại sôi động,... nên nơi đây vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, nhất là vấn đề an ninh nông thôn, tội phạm xuyên biên giới, tệ nạn xã hội, hoạt động truyền đạo trái pháp luật, v.v. Trước thực tế đó, Tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh; trong đó, tăng cường giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân nhằm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là một nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh. Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự - Cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh chủ trì phối hợp với các ban, sở, ngành nghiên cứu, tham mưu giúp Tỉnh xây dựng, ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ sở pháp lý để triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các đối tượng đặc thù về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu, yêu cầu, nội dung của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong thực hiện công tác quan trọng này. Để đạt hiệu quả cao, Tỉnh chú trọng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết khắc phục biểu hiện “khoán trắng” cho cơ quan Quân sự, Công an và lấy kết quả thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh là một tiêu chí trong đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ chủ trì các cấp, bình xét thi đua, khen thưởng của các ban, sở, ngành, địa phương.
Cùng với đó, Tỉnh quan tâm kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, coi đây là giải pháp quan trọng, thường xuyên, bảo đảm công tác này được triển khai chặt chẽ, thống nhất, chất lượng, hiệu quả. Quán triệt, thực hiện Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, trực tiếp là Quyết định số 517/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Thành lập Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng các cấp”, những năm qua, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp của Tỉnh thường xuyên được rà soát, kiện toàn bảo đảm đủ số lượng, đúng thành phần1; xây dựng quy chế, duy trì nền nếp hoạt động đúng quy định. Tuy nhiên, ở một số nơi, nhất là ở cấp xã do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động của Hội đồng chưa hiệu quả, thậm chí có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước thực trạng đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động tham mưu với Tỉnh nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của Hội đồng các cấp; phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế và quy trách nhiệm đến từng thành viên, từ đó rút ra bài học, làm cơ sở bổ sung quy chế hoạt động cho phù hợp với từng địa phương, tổ chức. Phát huy kinh nghiệm và kết quả đạt được cũng như lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính của Tỉnh theo Nghị quyết số 1246/NQ-UBTVQH15, ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 - 2025”, thời gian tới, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh các phương án củng cố, kiện toàn Hội đồng các cấp. Phân công, giao nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên hội đồng các cấp, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, làm cơ sở để phối hợp, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới với 97 xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh; mật độ dân cư thấp, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao; địa hình chia cắt phức tạp, điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông khó khăn, v.v. Vì vậy, để đạt mục tiêu 100% các đối tượng hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh trong nhiệm kỳ, Tỉnh đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh thường xuyên rà soát, nắm chắc số lượng, phân loại đối tượng, làm cơ sở tham mưu giúp Tỉnh xây dựng kế hoạch và sớm phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương, cơ quan, tổ chức để triển khai thực hiện. Đồng thời, tích cực nghiên cứu đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng và địa bàn. Khắc phục khó khăn về điều kiện địa lý, giao thông, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tích cực, chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đối tượng 3 và 4, đối tượng mở rộng theo cụm xã, phường, thị trấn, bảo đảm “gần, gọn địa bàn”, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng tham gia học tập. Đồng thời, kết hợp lồng ghép bồi dưỡng trong các kỳ họp, triển khai công tác dân - chính - đảng, hội nghị tập huấn công tác ngành; diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng thủ dân sự, v.v. Với cách làm đó, từ năm 2020 đến nay, Tỉnh có 15.414 cán bộ các đối tượng và 1.413 cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức việc tôn giáo được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Thông qua bồi dưỡng, nhận thức, trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và năng lực tham mưu của các ban, sở, ngành, đoàn thể về công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Để nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng thế hệ trẻ “phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước”, Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phương châm: “xây dựng đội ngũ giáo viên là then chốt, bảo đảm cơ sở vật chất là trọng tâm, đổi mới phương pháp giáo dục là quan trọng, thường xuyên”. Nhờ sự quan tâm đúng mức và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh với Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh của các nhà trường đã có sự phát triển toàn diện với trên 80% được đào tạo cơ bản; hệ thống cơ sở vật chất thường xuyên được củng cố, bổ sung, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy môn học, v.v. Trước chiều hướng gia tăng tác động tiêu cực từ tệ nạn xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường, mạng xã hội,… đòi hỏi công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên phải có sự đổi mới cả về nội dung, hình thức. Với nhận thức đó, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ đội Biên phòng, Công an Tỉnh nghiên cứu, bổ sung nội dung mới vào chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho đối tượng này, đảm bảo đúng quy định. Trong đó, chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các đơn vị lực lượng vũ trang, khu di tích lịch sử và địa bàn biên giới, v.v. Trong 04 năm qua, Tỉnh đã tổ chức 21 lớp học kỳ quân đội, học kỳ công an và hàng trăm chương trình ngoại khóa “Tiết học biên cương”, tham quan cột mốc biên giới cho học sinh, sinh viên các nhà trường, v.v. Qua đó, giúp giáo viên, học sinh, sinh viên hiểu rõ nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, bổ sung kiến thức về quốc phòng, an ninh, về đường biên, cột mốc, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, động cơ học tập, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Để tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, Tỉnh chú trọng phát huy vai trò của mọi lực lượng, tổ chức, cá nhân để triển khai công tác này theo hướng “chặt chẽ, đồng bộ, bao phủ toàn diện”. Theo đó, cùng với tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí của Tỉnh và các huyện, thành phố duy trì hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục: “Quốc phòng toàn dân”, “Vì an ninh xứ Lạng”, “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”; tích cực đăng và phát tin, bài trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như trên mạng xã hội, v.v. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng trong nắm tình hình, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp đặc thù từng địa bàn, nhất là ở các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa. Tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo các địa phương cùng các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức tốt hoạt động Ngày Hội quốc phòng toàn dân, Biên phòng toàn dân, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tăng cường tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp, phát tài liệu, tờ rơi thông qua các dịp lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, ngày hội tòng quân, diễn tập khu vực phòng thủ. Kết hợp lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; phát huy vai trò của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, xây dựng tuyến biên giới Lạng Sơn hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Nhận thức đúng vị trí, ý nghĩa của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quan trọng này, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, góp phần thực hiện an dân, yên dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nền tảng để phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cùng cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đại tá TRẦN XUÂN MẠNH, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh __________________
1 - Giai đoạn 2020 - 2024, Tỉnh đã kiện toàn 784 thành viên; thành lập mới 212 Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp đúng theo quy định.
Tỉnh Lạng Sơn,công tác giáo dục quốc phòng và an ninh,thế trận lòng dân,Hội đồng các cấp,lồng ghép bồi dưỡng
Thành phố Hòa Bình nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 14/04/2025
Trường Quân sự Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 24/03/2025
Lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh thực hiện Đề án 1371 17/03/2025
Hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở tỉnh Sóc Trăng 20/02/2025
Lữ đoàn Vận tải 653 tăng cường giáo dục pháp luật, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn 13/02/2025
Hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Pháo binh 168 20/01/2025
Huyện Gia Lâm đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 16/12/2024
Hiệu quả giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn ở Lữ đoàn Công binh 25 09/12/2024
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Thành phố Hòa Bình nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh