Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 20/02/2025, 08:52 (GMT+7)
Hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh ven biển, nằm trong vùng hạ lưu Nam sông Hậu, thuộc đồng bằng sông Cửu Long với trên 60% xã, phường trọng điểm về quốc phòng - an ninh; gần 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (đồng bào Khmer chiếm 30,19%), 64 tổ chức tôn giáo với gần 650 nghìn chức sắc, chức việc, nhà tu hành; trình độ dân trí không đồng đều. Đây là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa; giàu truyền thống cách mạng; song cũng là trọng điểm chống, phá của các thế lực thù địch, nhất là lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”,... nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó, hoạt động của các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm công nghệ cao, tín dụng đen,… ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển và triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh thường xuyên coi trọng tham mưu cho Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả mọi mặt hoạt động quốc phòng, quân sự trên từng địa bàn; trong đó, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh là nội dung trọng tâm, nhằm xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ vững chắc, tạo cơ sở, nền tảng để Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững.

Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phát biểu chỉ đạo Lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 năm 2024.

Hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh được quyết định bởi nhiều yếu tố hợp thành; trong đó, vấn đề có tính nền tảng, xuyên suốt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương. Để tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức và hành động, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh - Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh1. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân có sự chuyển biến rõ nét; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trên địa bàn được phát huy cao, tạo nền tảng vững chắc trong thực hiện công tác quan trọng này. Có thể khẳng định, hiệu quả của việc làm trên được xuất phát trước hết từ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, vừa bảo đảm tính khoa học, phù hợp, vừa huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp được tiến hành thường xuyên, khắc phục triệt để những hạn chế, thiếu sót và biểu hiện “khoán trắng” cho cơ quan quân sự, công an.

Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò của chủ thể trực tiếp truyền thụ kiến thức quốc phòng và an ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phát huy chức năng tham mưu nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên. Theo đó, trước hết, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an Tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương khảo sát, đánh giá đúng thực chất đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia giáo dục quốc phòng và an ninh. Chủ động bổ sung, kiện toàn đủ số lượng với cơ cấu hợp lý ở từng cấp (toàn Tỉnh hiện có hơn 100 giảng viên, 02 báo cáo viên, 17 tuyên truyền viên cấp Tỉnh; 11 báo cáo viên, 22 tuyên truyền viên cấp huyện và 109 tuyên truyền viên cấp xã). Đồng thời, xây dựng kế hoạch, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng tập trung (01 lớp/năm) để nâng cao chất lượng của chủ thể giáo dục, tuyên truyền theo hướng “chuẩn hóa”. Về nội dung phải bảo đảm tính toàn diện; trong đó, coi trọng bồi dưỡng về phẩm chất chính trị; kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực quốc phòng, quân sự địa phương; kỹ năng kết hợp các phương pháp sư phạm hiện đại. Nhờ đó, đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia vào quá trình này có ý chí khắc phục khó khăn, đề cao tinh thần trách nhiệm trong tự học, tự rèn; kỹ năng vận dụng các phương pháp giảng dạy kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin có bước tiến triển rõ nét; kỹ năng kết hợp giữa trình bày lý luận gắn với lấy dẫn chứng, minh họa, tạo sự hứng thú cho người học từng bước được nâng cao, tạo đột phá trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng trong tình hình mới, Bộ Chỉ huy Quân sự tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh chỉ đạo hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh cấp huyện, thành phố, thị xã thực hiện hiệu quả nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Quốc phòng, chỉ thị, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh, Quân khu. Trong đó, tập trung vào các khâu, các bước tiến hành, từ khảo sát, rà soát đến xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng bảo đảm thống nhất, không chồng chéo, bỏ sót đối tượng. Quá trình thực hiện, cùng với tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh cử cán bộ đối tượng 1, 2 tham gia các lớp bồi dưỡng do cấp trên tổ chức, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu, rà soát, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho đối tượng 3 (04 - 06 lớp/năm), đối tượng 4 (50 - 55 lớp/năm), chức sắc, chức việc trong các tôn giáo (05 - 06 lớp/năm) và chủ các doanh nghiệp (03 - 05 lớp/năm) theo Nghị định số 139/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ, đối tượng tham gia đạt 99% - 100%. Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng đối tượng 3, 4 theo quy định tại Thông tư số 24/2014/TT-BQP, ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phù hợp với từng giai đoạn (trung bình 03 năm mở 01 - 02 lớp với số lượng 150 - 180 đồng chí/lớp). Nội dung bồi dưỡng cho các đối tượng  tập trung làm rõ nội hàm Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; trách nhiệm của cán bộ, nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ địa bàn; bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”; chủ trương, chính sách sống “tốt đời đẹp đạo” của Đảng, Nhà nước đối với các tôn giáo; truyền thống cách mạng của lực lượng vũ trang, các địa phương, v.v. Riêng đối tượng 3, tổ chức đi tham quan diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện; cuối khóa bồi dưỡng thành lập khung cho học viên tập bài đóng vai trên từng cương vị như trong diễn tập để nắm chắc hơn về thực tiễn vận hành cơ chế trong tác chiến phòng thủ. Với đối tượng là chức sắc, chức việc các tôn giáo, chủ hộ ngư dân, chủ các doanh nghiệp ở các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, địa bàn có đông đồng bào theo đạo, các làng chài, ngoài việc mở các lớp bồi dưỡng tập trung, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu thành lập các tổ, nhóm báo cáo viên trực tiếp tuyên truyền, phổ biến các chuyên đề về quốc phòng, an ninh.

Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh trung học phổ thông năm 2024.

Nhằm đạt kết quả cao trong quá trình giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGD&ĐT-BLĐTB&XH, ngày 05/11/2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội. Chủ động tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh chỉ đạo Trường Cao đẳng Cộng đồng và Trường Cao đẳng Nghề phối hợp chặt chẽ với Trường Quân sự Quân khu 9 tổ chức giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên. Đối với các nhà trường còn lại, nhất là các trường trung học phổ thông, Tỉnh yêu cầu phải thường xuyên cập nhật mới nội dung, thực hiện đúng, đủ các chuyên đề theo quy định. Quá trình truyền thụ kiến thức, lồng ghép với tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan nhà truyền thống, các công trình quốc phòng, quân sự, di tích lịch sử,… trên địa bàn, nâng cao hiểu biết và tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh, sinh viên. Chỉ tính riêng năm 2024, giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, học sinh trung học phổ thông và người học trong các nhà trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được 32.231/32.276 học sinh, sinh viên, đạt 99,86% (kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trên 90% khá, giỏi), được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đánh giá cao.

Trước yêu cầu xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Để có hiệu quả, căn cứ vào kế hoạch hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông làm tốt công tác tham mưu và chỉ đạo các cơ quan báo chí của Tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã duy trì các chuyên trang, chuyên mục, tin bài, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo. Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh thực hiện chuyên mục “Quốc phòng toàn dân” theo đúng định kỳ; các cơ quan, đơn vị, địa phương kết hợp lồng ghép tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, các đợt huấn luyện của các cơ quan, đơn vị, gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, hoạt động của các tổ chức quần chúng để tuyên truyền, giáo dục. Quá trình thực hiện, tập trung làm rõ đường lối, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; các chính sách về “dân tộc”, “tôn giáo”; trách nhiệm của công dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; truyền thống cách mạng của các địa phương; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, v.v. Riêng năm 2024 đã có gần 30 chuyên mục với trên 100 tin, bài phát trên Đài Truyền hình Tỉnh; 304 chuyên mục trên Đài Phát thanh với gần 2.000 tin, bài; báo Sóc Trăng có 51 chuyên mục với 231 tin, bài. Qua đó, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nâng cao, tạo động lực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Hiệu quả từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cùng với tham mưu kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp đủ số lượng, đúng thành phần, có năng lực tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; xây dựng Khu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh Tỉnh (dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 03/2026) là cơ sở nền tảng để công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của tỉnh Sóc Trăng những năm tới tiếp tục được phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ vững chắc, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo điều kiện để Tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Đại tá TRẦN QUỐC KHỞI, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
_____________________
        

1 - Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị  (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Nghị định số 139/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP, ngày 25/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...