Thứ Sáu, 25/04/2025, 07:33 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh1 là cơ quan tham mưu chiến lược thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm các sĩ quan biệt phái của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên. Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, địa phương có liên quan, cùng sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ qua các thời kỳ, Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Vụ vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa bám sát thực tiễn nhiệm vụ, nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Giáo dục triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Chính phủ về giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên, đưa giáo dục quốc phòng là môn học chính khóa trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần xây dựng ý chí, quyết tâm, hun đúc lòng yêu nước, khích lệ hàng triệu học sinh, sinh viên tình nguyện tham gia chiến đấu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, Vụ đã chủ động nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, tạo hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện tốt công tác này trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, trước yêu cầu mới của sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Vụ tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng cơ sở khoa học để tham mưu quy hoạch, xây dựng hệ thống trung tâm, khoa, bộ môn giáo dục quốc phòng và an ninh trên từng khu vực và tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và từng bước kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh ở các cấp học; tham mưu, đề xuất đổi mới nội dung, chương trình môn học, trang thiết bị, phương tiện dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với thực tiễn đất nước, yêu cầu công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới,… từng bước đưa công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nền nếp. Hằng năm, có hàng triệu học sinh, sinh viên được giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh. Qua đó, bồi đắp lòng yêu nước, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về quân sự, quốc phòng để thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước luôn sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những thành tích xuất sắc, Vụ đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hiện nay và thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đứng trước cả thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, việc lôi kéo, kích động thế hệ trẻ xa rời, từ bỏ lý tưởng và mục tiêu cách mạng của Đảng và dân tộc là một trọng điểm của chúng. Do đó, hơn bao giờ hết, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên càng có vị trí đặc biệt quan trọng, cần phải được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của nguồn nhân lực trung tâm, nòng cốt quan trọng này đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Vụ tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu, rà soát, tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh, trọng tâm là tiếp tục cụ thể hóa thực hiện tốt Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Trước mắt, Vụ tham mưu với Bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của môn học, tránh giản đơn, hình thức trong thực hiện. Tập trung nghiên cứu, đề xuất ban hành quy chế, quy định, cơ chế phối hợp để triển khai giáo dục quốc phòng và an ninh cho tất cả các đối tượng học sinh, sinh viên theo luật định, khắc phục “khoảng trống” ở các trường tư thục, dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường quốc tế và học sinh, sinh viên du học về nước. Đồng thời, đề xuất biện pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các trường đại học, cao đẳng thực hiện nghiêm quy định giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, theo Thông tư 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05-11-2015 của liên Bộ: Quốc phòng; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội.
Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bổ sung, từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng môn học. Tuy nhiên, việc đào tạo, bố trí sử dụng giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh còn những hạn chế, bất cập cần được tháo gỡ, giải quyết, như: số lượng, chất lượng tuyển sinh đầu vào đào tạo giáo viên; việc tuyển dụng, bố trí sử dụng sau đào tạo và chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của môn học, v.v. Để khắc phục tình trạng này, Vụ tiếp tục tham mưu với Bộ bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học tăng cường tuyên truyền, hướng nghiệp, tạo nguồn, nâng cao chất lượng nguồn đầu vào đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh; xây dựng biên chế cơ hữu và có chính sách ưu tiên tuyển dụng hợp lý. Chú trọng bố trí, sắp xếp, sử dụng phù hợp đội ngũ giảng viên, nhất là sĩ quan biệt phái ở các cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng đầu ra, đảm bảo khi tốt nghiệp, giáo viên có đủ tiêu chuẩn phong quân hàm sĩ quan dự bị. Đồng thời, tích cực chuẩn bị đầy đủ điều kiện để mở mã ngành đào tạo sau đại học chuyên ngành giáo dục quốc phòng và an ninh, tạo cơ sở nâng cao chất lượng, đẩy nhanh chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên.
Nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, Vụ tiếp tục tham mưu đổi mới nội dung, chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, sát yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, nội dung, chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, một số nội dung lý luận chưa theo kịp sự phát triển đường lối quốc phòng, an ninh, thực tiễn đất nước; kỹ năng thực hành quân sự chưa phù hợp với điều kiện chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng phục vụ Quân đội khi cần, Vụ tham mưu cho Bộ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan bám sát mục tiêu, yêu cầu môn học ở từng cấp học để đổi mới nội dung, chương trình môn học theo hướng “cơ bản, chuyên sâu”, “tinh giản, hiện đại, thiết thực”; chú trọng đưa học sinh, sinh viên tiếp cận với các lĩnh vực quân sự gắn với chuyên ngành đào tạo để nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh, kỹ năng sống, v.v. Đồng thời, cập nhật những vấn đề mới về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là những quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Theo định hướng đó, Vụ đề xuất: nội dung, chương trình của học sinh trung học phổ thông tương đương như huấn luyện chiến sĩ mới; của sinh viên các trường trung cấp tương đương huấn luyện tiểu đội trưởng chuyên ngành. Đối với với sinh viên các trường cao đẳng, đại học sẽ tập trung vào nội dung huấn luyện của sĩ quan dự bị, phù hợp với ngành nghề đào tạo. Cụ thể, với sinh viên khối xã hội và nhân văn, huấn luyện nhiều về hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; sinh viên khoa học tự nhiên, kỹ thuật huấn luyện nhiều về các quân chủng, binh chủng kỹ thuật; sinh viên thể chất sẽ huấn luyện sâu về chuyên ngành lục quân, trinh sát, đặc nhiệm; sinh viên nông lâm huấn luyện sâu về hậu cần, v.v. Để có thêm cơ sở, luận cứ thực hiện tốt chủ trương trên, Vụ đã và đang tích cực triển khai đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu mô hình giáo dục quốc phòng và an ninh hiện đại, hiệu quả cho học sinh, sinh viên Việt Nam”.
Những năm qua, mặc dù nền kinh tế đất nước còn khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước đã thường xuyên quan tâm đầu tư cho công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân nói chung, cho học sinh, sinh viên nói riêng. Đến nay, hệ thống trung tâm, khoa, bộ môn giáo dục quốc phòng và an ninh ở các trường đại học đã từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp, trang bị nhiều cơ sở vật chất, phương tiện tương đối hiện đại. Tuy nhiên, tiến độ còn chậm; trang bị, phương tiện còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa theo kịp mức tăng lưu lượng học sinh, sinh viên hằng năm, v.v. Thời gian tới, Vụ tham mưu cho Bộ đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục trình Chính phủ phê duyệt, tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng các trung tâm theo Quyết định 161/QĐ-TTg, ngày 30-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tăng cường đầu tư ngân sách, tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống phòng học chuyên dùng, trang thiết bị dạy học. Trước mắt, huy động các nguồn lực thực hiện tốt Thông tư 01/2018/TT-BGDĐT, ngày 26-01-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông), trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Cùng với đó, Vụ tham mưu cho Bộ đề xuất với Chính phủ có lộ trình miễn học phí cho học sinh, sinh viên khi học môn giáo dục quốc phòng và an ninh; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm vũ khí, trang bị phù hợp để phục vụ học tập, đánh giá kết quả môn học, tạo cơ sở cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng, TS, NGND. NGUYỄN THIỆN MINH, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo _____________
1 - Cơ quan tiền thân là Vụ I, thành lập theo Nghị định 511-TTg , ngày 19-11-1958 của Thủ tướng Chính phủ.
Vụ Giáo dục Quốc phòng,tham mưu chiến lược
Thành phố Hòa Bình nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 14/04/2025
Trường Quân sự Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 24/03/2025
Lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh thực hiện Đề án 1371 17/03/2025
Hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở tỉnh Sóc Trăng 20/02/2025
Lữ đoàn Vận tải 653 tăng cường giáo dục pháp luật, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn 13/02/2025
Hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Pháo binh 168 20/01/2025
Tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 09/01/2025
Huyện Gia Lâm đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 16/12/2024
Hiệu quả giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn ở Lữ đoàn Công binh 25 09/12/2024
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Thành phố Hòa Bình nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh