Thứ Sáu, 22/11/2024, 13:18 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có 9 quận (huyện), với 85 xã (phường, thị trấn). Trên địa bàn Thành phố có các khu công nghiệp: Trà Nóc, Thốt Nốt, Ô Môn, Hương Phú 1, Hương Phú 2, Trung tâm công nghiệp Phần mềm Cần Thơ,… cùng các cơ quan Trung ương, các trường đại học, văn phòng đại diện công ty nước ngoài đứng chân trên địa bàn. Do vậy, đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (QP-AN) của Thành phố có số lượng đông, đa dạng về thành phần. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Thành phố đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Trường Quân sự phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và các cơ quan của BCHQS Thành phố tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng trên địa bàn. Đến nay, Nhà trường đã tổ chức được 27 khóa bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3 với hàng ngàn lượt cán bộ (bình quân mỗi khóa học có khoảng 100 học viên). Kết quả các khóa học: 100% đạt yêu cầu, có 75-80% khá, giỏi. Thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, người học đã nắm được một số quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và tăng cường QP-AN trong tình hình mới. Điều đó đã giúp họ tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần quan trọng vào xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nhà trường đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương, đơn vị, cơ quan quân sự Thành phố xây dựng kế hoạch tổng thể về bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3 tại Nhà trường nhằm bảo đảm đạt chất lượng và chỉ tiêu đề ra.
Trong tổ chức thực hiện, Nhà trường đãquán triệt sâu sắc các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của BCHQS, Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Công an Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố và các địa phương, đơn vị trên địa bàn để thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của từng khóa học. Vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm cho công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN của Nhà trường được thực hiện đúng chỉ tiêu, kế hoạch đề ra và phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo chung của Nhà trường. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tổ chức quán triệt sâu sắc các văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục QP-AN trong toàn trường1; đồng thời, tổ chức cho các cấp nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 1019A-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân sự Thành phố về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới; các nghị quyết của Đảng bộ Nhà trường. Trên cơ sở đó, một mặt, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tham mưu cho Đảng ủy Quân sự, BCHQS Thành phố tiến hành giáo dục QP-AN cho đối tượng 3, với nội dung, thời gian, phương pháp phù hợp; mặt khác, chỉ đạo các Ban, Khoa xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ phụ trách; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn trường, thực hiện tốt nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Để có cơ sở thực hiện mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của từng khóa học, Nhà trường đã làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý học viên; đảm bảo cơ cấu hợp lý trong từng tổ, lớp học. Từng tổ, lớp học đều có đối tượng là cán bộ Quân đội, Công an làm nòng cốt, tạo thuận lợi cho quá trình thảo luận, viết thu hoạch hoặc giải thích cho nhau những kiến thức, thuật ngữ về quân sự, an ninh.
Để nâng cao chất lượng học tập, đưa người học sát với thực tế, Nhà trường xây dựng nội dung, chương trình theo đúng quy định của Bộ và có tính đến thực tiễn của địa phương, cơ sở. Điều này là cần thiết, bởi lẽ đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Trường tuy phần lớn đã được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành các lĩnh vực công tác của địa phương (một số đồng chí có chức danh khoa học, học vị), nhưng hiểu biết về nhiệm vụ QP-AN chưa nhiều, kể cả thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương còn ít. Vì vậy, Nhà trường bám sát nội dung theo giáo trình chuẩn của Bộ và căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu của từng khoá học để xây dựng chương trình, nội dung học tập sát với đối tượng và đặc điểm của địa bàn, cơ sở.
Trong chỉ đạo biên soạn giáo trình, tài liệu học tập, Nhà trường đã chú trọng việc nghiên cứu, tham khảo các tài liệu từ nhiều nguồn có liên quan đến nhiệm vụ QP-AN, công tác quân sự địa phương ở cơ sở; trực tiếp cử cán bộ, giáo viên về các địa phương, các công ty, cơ quan, doanh nghiệp, các ban, ngành để nắm tình hình, tìm hiểu thêm về nhu cầu, về cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ QP-AN, tham khảo những vấn đề còn vướng mắc, cần tháo gỡ, bổ sung, lấy đó làm tư liệu thực tiễn. Thông qua các buổi thảo luận ở tổ, Nhà trường lắng nghe ý kiến phát biểu, đề xuất, kiến nghị của học viên về những vấn đề đã được giới thiệu, những góp ý từ cơ sở về nội dung, chương trình để điều chỉnh dung lượng thông tin, bảo đảm sự phù hợp giữa lý thuyết và thực tiễn trong từng chuyên đề, từng bài học. Qua đó, tổng hợp, biên soạn, sắp xếp lại thành những chủ đề theo từng cụm bài cho sát với các đối tượng.
Trong thời gian học tập, Nhà trường tổ chức cho các khóa học đi tham quan một số đơn vị quân đội, công an, các mô hình kết hợp kinh tế với QP-AN của các địa phương và các nhà máy, xí nghiệp sản xuất các mặt hàng lưỡng dụng; những đơn vị, địa phương đang thực hành huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ... Các nội dung tham quan đó đã tác động tích cực đến tâm lý, tình cảm, nhận thức của người học. Hiệu quả lớn nhất của sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn mà công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN của Nhà trường mang lại là cán bộ lãnh đạo các địa phương, cơ sở và các ngành đều thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác quân sự, quốc phòng và chăm lo xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc từ cơ sở. Trong quá trình học tập, Nhà trường chú trọng công tác quản lý thời gian học tập, sinh hoạt của lớp học đúng quy định, duy trì nền nếp chính quy, lễ tiết tác phong và tính kỷ luật cao của Quân đội. Đó cũng là một biện pháp có hiệu quả để nâng cao tính thực tiễn của các nội dung giáo dục QP-AN được học tập, nghiên cứu tại Nhà trường.
Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng là vấn đề được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Đối với các chuyên đề do những đồng chí ở BCHQS Thành phố, Công an Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy đảm nhiệm, trước khi tổ chức lớp học, Ban Giám hiệu Nhà trường đều có sự trao đổi kỹ với báo cáo viên về đặc điểm của đối tượng lớp học, giúp báo cáo viên điều chỉnh phương pháp trong quá trình lên lớp. Còn đối với cán bộ của Nhà trường, Ban Giám hiệu yêu cầu từng giáo viên phải nghiên cứu kỹ đối tượng để có phương pháp giảng bài, tổ chức thảo luận,… phù hợp, hiệu quả. Hiện nay, Nhà trường cũng coi trọng sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong giảng dạy (mô hình, đèn chiếu, sơ đồ, súng bắn điện tử...); đồng thời, vận dụng các phương pháp dạy - học tích cực, như: nêu vấn đề, đàm thoại, gợi mở để người học suy nghĩ, trả lời, nhất là trước những kiến thức, thông tin mới và việc liên hệ, vận dụng lý luận vào thực tiễn, làm rõ mối quan hệ giữa QP-AN với chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, khoa học - công nghệ, môi trường,...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho đội ngũ giáo viên được Nhà trường coi đó là yếu tố quan trọng, trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả dạy - học và là khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục QP-AN. Nhà trường đã thực hiện tốt khâu quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn giáo viên kế cận; chủ động tuyển chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức bổ sung vào đội ngũ giáo viên giáo dục QP-AN. Bên cạnh đó, Nhà trường còn thực hiện tốt công tác tập huấn theo chỉ đạo của trên, nhằm nâng cao trình độ vận dụng kiến thức và kỹ năng sư phạm vào hoàn cảnh mới; chủ động phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc đại học, cao đẳng cho đội ngũ giáo viên. Ngoài việc phân công bài giảng phù hợp với khả năng, sở trường của từng giáo viên để bảo đảm tính chuyên sâu, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên tổ chức chặt chẽ việc thông qua, phê duyệt giáo án, giảng thử… Đồng thời, chỉ đạo chuẩn bị tốt thao trường, mô hình, tranh vẽ, vật chất phục vụ công tác giảng dạy và chú trọng khâu rút kinh nghiệm qua từng khóa học; tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu, cập nhật kiến thức và thực tiễn, làm cho bài giảng có chiều sâu về lý luận, sát thực tế, sinh động và hấp dẫn hơn đối với người học.
Ngoài đối tượng 3 theo quy định, từ năm 2009, Nhà trường còn được giao nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp; đồng thời, phối hợp với Thành đoàn Thành phố Cần Thơ tổ chức Học kỳ quân đội vào dịp hè cho thanh niên, thiếu niên, học sinh. Để thực hiện nhiệm vụ mới này, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo các cấp làm tốt công tác chuẩn bị để tiếp nhận và tổ chức lớp học gọn theo khối sinh viên của từng trường. Trong thời gian gần một tháng, các em được trang bị những kiến thức cơ bản về QP-AN, như: quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam, tính năng kỹ thuật, chiến thuật của một số loại vũ khí bộ binh, kỹ năng chiến đấu của người chiến sĩ, Điều lệnh đội ngũ,… theo đúng nội dung, chương trình quy định. Hiện nay, thực hiện Quyết định số 638/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Giáo dục QP-AN tại Trường Quân sự Thành phố Cần Thơ, BCHQS Thành phố đã và đang triển khai Đề án xây dựng Trung tâm Giáo dục QP-AN trong khu quy hoạch của Nhà trường, bảo đảm đáp ứng lưu lượng khoảng 6.000 - 10.000 sinh viên/năm. Bước đầu thực hiện chức năng Trung tâm Giáo dục QP-AN, Nhà trường đã tổ chức giáo dục được 17.985 lượt sinh viên của các trường: Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật, Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ và hai khóa Học kỳ quân đội; kết quả các lớp đạt loại khá. Ngoài ra, Nhà trường còn giúp cho các em có điều kiện được sống và sinh hoạt trong môi trường của Quân đội, rèn luyện nếp sống kỷ cương, kỷ luật, có ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH.
Đại tá, ThS. NGUYỄN TUẤN KHANH
Hiệu trưởng Nhà trường
1 - Bao gồm Chị thỉ số: 12-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP - AN trong tình hình mới”; Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ “Về giáo dục QP-AN”; Quy định số 07-QĐ/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương “Về tiêu chuẩn kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên”, trong đó có nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3.
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh