Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 14/05/2012, 03:27 (GMT+7)
Trường Quân sự Quân khu 7 nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh

Xuất phát từ yêu cầu mới, cùng với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, hạ sĩ quan..., Trường Quân sự Quân khu 7 được giao nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 2  trên địa bàn Quân khu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, thời gian qua, Nhà trường đã có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

alt
Nữ chiến sĩ miền Đông huấn luyện tại Đại đội 1, Trường Quân sự Quân khu 7. (nguồn: tienphong.vn)
 

Trường Quân sự Quân khu 7 được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho nhiều đối tượng, chuyên ngành khác nhau (năm 2012, có 12 nhóm đối tượng, với 28 chuyên ngành). Đặc biệt, từ năm 2000, Nhà trường được Bộ Tư lệnh Quân khu, Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) Quân khu 7 giao nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 của 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng có uy tín trong và ngoài quân đội, Nhà trường đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, hướng dẫn của trên, tổ chức chuẩn bị và thực hiện tốt nội dung, chương trình của từng khóa học.

Một trong những giải pháp đó là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Nhà trường với các cơ quan chức năng của Quân khu, các địa phương, bộ, ngành Trung ương. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, bảo đảm cho công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN của Nhà trường được thực hiện đúng chỉ tiêu, kế hoạch đề ra và phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo chung của Nhà trường. Theo đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tổ chức quán triệt sâu sắc các văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục QP-AN trong toàn trường, bao gồm: Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới”; Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ “Về giáo dục QP-AN”; Quy định số 07-QĐ/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương “Về tiêu chuẩn kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên”, trong đó có nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2. Đồng thời, tổ chức cho các cấp nghiên cứu kỹ Nghị quyết 195-NQ/ĐU của Thường vụ Đảng ủy Quân khu, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường “Về công tác giáo dục - đào tạo trong điều kiện mới” và Chỉ thị của Hội đồng Giáo dục QP-AN Quân khu đối với công tác quan trọng này. Trên cơ sở đó, Ban Giám hiệu Nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện, phân công cán bộ phụ trách; chỉ đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn trường, thực hiện tốt nhiệm vụ do Hội đồng Giáo dục QP-AN Quân khu giao. Để có cơ sở thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của từng khóa học, Nhà trường còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Quân khu trong công tác tiếp nhận, quản lý học viên; đảm bảo trong từng tổ học tập, các đoàn có cơ cấu hợp lý (có đối tượng là cán bộ quân đội, công an) và tránh dồn ép dẫn đến số lượng quá nhiều hoặc quá ít. Qua 12 năm thực hiện nhiệm vụ theo chỉ tiêu trên giao, Nhà trường đã tổ chức được 53 khóa bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 4.662 lượt cán bộ (bình quân 1 khóa học có 88 học viên). Kết quả các khóa học: 100% đạt yêu cầu; trong đó, tỷ lệ khá, giỏi từng khóa học được nâng lên rõ rệt (năm 2001: 71,5%; năm 2011: 98,6%). Trong điều kiện mới, nhất là sau đại hội Đảng các cấp, yêu cầu nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 ngày càng tăng, nên Nhà trường đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của các địa phương, bộ, ngành Trung ương trên địa bàn Quân khu xây dựng kế hoạch tổng thể về bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 tại Nhà trường, nhằm bảo đảm đạt chỉ tiêu và chất lượng đề ra.

Cùng với giải pháp trên, Nhà trường thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho đội ngũ giáo viên. Đây là yếu tố rất quan trọng, là mắt xích trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả dạy - học và là khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục QP-AN. Theo đó, Nhà trường đã tổ chức tốt khâu quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn giáo viên kế cận; chủ động tuyển chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt đảm nhiệm giảng các chuyên đề về giáo dục QP-AN. Trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Nhà trường chú trọng rèn luyện kỹ năng sư phạm, khả năng tư duy giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong điều kiện mới; thực hiện tốt công tác tập huấn các cấp, qua đó nâng cao trình độ vận dụng kiến thức và kỹ năng sư phạm vào hoàn cảnh mới; đồng thời, chú trọng khâu phân công bài giảng, bảo đảm phù hợp, sát với khả năng, sở trường của từng giáo viên (mỗi giáo viên chỉ đảm nhiệm một chuyên đề để bảo đảm tính chuyên sâu). Nhà trường luôn duy trì, thực hiện đúng quy trình chuẩn bị một bài giảng, từ việc phân công bài giảng, tìm kiếm tài liệu, viết bài, cho đến thông qua bài cấp cơ sở và cấp nhà trường. Các khoa giáo viên thường xuyên chú trọng khâu rút kinh nghiệm qua từng khóa học; chủ động tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu, cập nhật kiến thức và thực tiễn, làm cho bài giảng có chiều sâu về lý luận, sát thực tế, sinh động và hấp dẫn hơn đối với người học. Đặc biệt, Nhà trường tích cực tổ chức cho giáo viên đi tham quan, nghiên cứu thực tế nhằm thu hẹp khoảng cách giữa lý luận với thực tiễn và sát với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện “chuẩn hoá” về học vấn và trình độ đội ngũ giáo viên. Đến nay, 100% số giáo viên đảm nhiệm bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 có trình độ đại học trở lên; trong đó, 91% có trình độ sau đại học. Ngoài ra, Nhà trường còn chủ động tận dụng mọi nguồn lực, thực hiện tốt một số chế độ, chính sách đãi ngộ, sử dụng và tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tài năng; từ đó, khơi dậy niềm tin, lòng tự hào của đội ngũ giáo viên giảng dạy đối tượng 2 của Nhà trường.

Đẩy mạnh vận dụng các phương pháp dạy - học tích cực trong giáo dục QP-AN là một giải pháp được Nhà trường đặc biệt coi trọng. Với đối tượng học viên là cán bộ đã trải qua nhiều trường, lớp học và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tại địa phương, cơ quan, tổ chức, thì đây là điều cần thiết. Nhận thức rõ vấn đề đó, ngoài việc phân công cụ thể các chuyên đề cho các khoa, Nhà trường yêu cầu giáo viên trực tiếp giảng dạy từng môn học phải nghiên cứu kỹ đối tượng để có phương pháp dạy - học phù hợp; trong đó, chú trọng vận dụng các phương pháp dạy - học tích cực, như: nêu vấn đề, đàm thoại, gợi mở để người học suy nghĩ, trả lời,... Trong quá trình giảng dạy, Nhà trường yêu cầu phải chú trọng cập nhật kiến thức, thông tin mới và liên hệ, vận dụng lý luận vào thực tiễn, làm rõ mối liên hệ giữa QP-AN với chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, khoa học công nghệ, môi trường,... Trong điều hành kế hoạch, Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy - học hợp lý, bảo đảm cho học viên có thời gian nghiên cứu, thảo luận các chuyên đề. Trong thảo luận, Nhà trường chỉ đạo tập trung vào một số vấn đề trọng tâm và bồi dưỡng trước cho các tổ trưởng về nội dung và cách thức tiến hành từng chủ đề thảo luận. Với việc biên chế các tổ học tập một cách khoa học, hợp lý (các tổ đều có cán bộ quân đội, công an để làm nòng cốt trong thảo luận, hướng dẫn viết thu hoạch, giải thích những thuật ngữ về quốc phòng, an ninh), học viên tiếp thu kiến thức rất nhanh, tỷ lệ khá, giỏi ngày càng được nâng lên.

Nhằm tăng tính trực quan trong giáo dục QP-AN cho các đối tượng, ngoài việc lên lớp, Nhà trường còn tổ chức cho học viên đi tham quan nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, công tác của một số đơn vị thường trực, các tiểu đoàn học viên, Nhà truyền thống của Nhà trường và các mô hình kết hợp kinh tế với QP-AN của các địa phương trong Quân khu. Trong quá trình học tập, Nhà trường chú trọng công tác quản lý thời gian học tập, sinh hoạt của lớp học theo nền nếp chính quy; từ đó, nâng cao nhận thức về xây dựng nền nếp chính quy, lễ tiết tác phong và tính kỷ luật cao của Quân đội. Đó cũng là một biện pháp có hiệu quả để nâng cao tính thực sự thực tế của các kiến thức về QP-AN được học tập, nghiên cứu tại Nhà trường.

Công tác bảo đảm cơ sở vật chất, tài liệu và đổi mới công tác đánh giá kết quả học tập của học viên có tác động rất lớn đến quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy - học. Những năm qua, Nhà trường luôn quan tâm và chỉ đạo khai thác có hiệu quả các nguồn kinh phí, vật chất phục vụ quá trình dạy - học; bảo đảm ngày càng tốt hơn nhu cầu về ăn, ở, sinh hoạt của học viên. Hiện tại, Nhà trường đang tiếp tục đầu tư để đảm bảo tốt hơn về trang thiết bị dạy - học hiện đại nhằm hỗ trợ phương pháp dạy - học tích cực. Căn cứ vào Quyết định số 555/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng “Về ban hành danh mục giáo trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN”, từ khóa 35 trở lại đây, Nhà trường xây dựng chương trình và thực hiện 9 chuyên đề chính thức và 5 chuyên đề bổ trợ về bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2. Đồng thời, chủ động bảo đảm về tài liệu, giáo trình, thông tin khoa học quân sự, an ninh phục vụ tham khảo, nghiên cứu của giáo viên, học viên.

Để bảo đảm tính khách quan, trung thực của kết quả dạy - học, Nhà trường chỉ đạo giáo viên thường xuyên thay đổi nội dung viết thu hoạch theo chuyên đề. Các câu hỏi viết thu hoạch phải bám nội dung các chuyên đề, chú trọng vận dụng vào thực tiễn theo chức trách, nhiệm vụ được giao ở địa phương, cơ quan, tổ chức. Thời gian viết thu hoạch được rút ngắn và thực hiện tại lớp học; coi trọng phần giải quyết mối liên hệ giữa lý luận với thực tiễn, đề ra các giải pháp và liên hệ trách nhiệm của học viên trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Kết quả học tập, rèn luyện của từng người được thông báo đến cơ quan, đơn vị công tác. Sau từng khóa học, Nhà trường tổ chức mạn đàm, trao đổi, rút kinh nghiệm trong Nhà trường và giữa Nhà trường với các phòng chức năng của Quân khu, các địa phương, ban, bộ, ngành Trung ương có cán bộ được cử về học nhằm thống nhất các biện pháp khắc phục, sửa chữa những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện. Đồng thời, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, giải pháp tổ chức thực hiện trong các khóa tiếp theo, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 tại Nhà trường trong điều kiện mới.

Đại tá NGUYỄN VĂN NÕN

Hiệu trưởng Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...