Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 14/11/2013, 20:26 (GMT+7)
Trường Quân sự Quân khu 5 với nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh cho sinh viên

Lễ Khai giảng khóa học 2013 GDQP-AN cho sinh trường Đại học Ngoại ngữ.

Thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng – an ninh (GDQP-AN) cho sinh viên, Trường Quân sự Quân khu 5 được trên chỉ đạo thành lập Trung tâm GDQP-AN Đà Nẵng1. Đây là một trong 2 trung tâm của cả nước được tổ chức theo mô hình Trung tâm GDQP-AN cho sinh viên nằm trong trường quân sự quân khu đã đi vào hoạt động. 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Hội đồng GDQP-AN và các cơ quan chức năng của Quân khu, sự phối hợp, giúp đỡ của các trường liên kết, Nhà trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ GDQP-AN cho sinh viên. Trung tâm GDQP-AN Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm GDQP-AN hàng đầu của cả nước (cả về số lượng và chất lượng). Tính đến tháng 9 năm 2013, Nhà trường đã tổ chức GDQP-AN được 215 khoá, cho hơn 150.000 sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam với chất lượng ngày càng cao.

Với đặc thù mô hình tổ chức trên, nhiệm vụ GDQP-AN cho sinh viên của Nhà trường có nhiều thuận lợi. Đó là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ, giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống cơ sở vật chất và thao trường huấn luyện chính quy của Trường Quân sự Quân khu. Đặc biệt, trong quá trình học tập tại Trung tâm, sinh viên thực sự được sống, rèn luyện trong môi trường quân sự. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ GDQP-AN cho sinh viên của Nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, do lưu lượng sinh viên hằng năm về học lớn, yêu cầu đòi hỏi cao; trong khi đó, tổ chức biên chế đội ngũ cán bộ của Trung tâm có hạn, v.v.

Trước thực tế đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tập trung trước hết vào việc lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên đối với nhiệm vụ GDQP-AN cho sinh viên. Trong nghị quyết lãnh đạo và kế hoạch công tác giáo dục – đào tạo hằng năm, nội dung GDQP-AN cho sinh viên luôn xác định là quan trọng và được Nhà trường quan tâm chỉ đạo thực hiện bằng các chủ trương, biện pháp, chỉ tiêu phù hợp, làm cơ sở phân công, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, khoa giáo viên cùng với Trung tâm GDQP-AN tổ chức thực hiện.

Để công tác tuyên truyền giáo dục đạt hiệu quả cao, Nhà trường vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chung với giáo dục chuyên đề, chuyên sâu; lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, Nhà trường tập trung phổ biến, quán triệt cho cán bộ, giáo viên trực tiếp quản lý, giảng dạy bộ môn GDQP-AN và sinh viên nắm vững các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và của Nhà trường về công tác GDQP-AN, trọng tâm là Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Nhờ vậy, mọi cán bộ, giáo viên, sinh viên đều nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, yêu cầu môn học…; từ đó, nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm trong huấn luyện, rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng GDQP-AN của Nhà trường.

Do nhiệm vụ GDQP-AN cho sinh viên liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, nên để thực hiện tốt Nhà trường chỉ đạo Trung tâm GDQP-AN phối hợp chặt chẽ với các trường liên kết trên địa bàn để xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức thực hiện. Hằng năm, căn cứ chỉ tiêu trên giao, nhu cầu đào tạo của các trường liên kết, Trung tâm chủ động phối hợp, hiệp đồng với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, nắm chắc nhu cầu về số lượng nguồn sinh viên học tập, yêu cầu về thời điểm học môn GDQP-AN ở Trung tâm. Trên cơ sở đó, Trung tâm xây dựng kế hoạch GDQP-AN trong năm và kế hoạch cho từng khóa học, đề xuất với Nhà trường về tổ chức bảo đảm, về giáo viên, cơ sở vật chất huấn luyện, thao trường bãi tập… Vì vậy, công tác tiếp nhận, tổ chức GDQP-AN cho sinh viên các khóa luôn bảo đảm chặt chẽ, chính xác, phù hợp với thời gian, chương trình đào tạo của các trường liên kết, cơ sở vật chất của Nhà trường và đúng quy trình GDQP-AN.

Với mô hình “Trung tâm GDQP-AN nằm trong trường quân sự”, có khó khăn nổi lên là đội ngũ giáo viên phải đảm nhiệm giảng dạy cho nhiều đối tượng, trong đó có đối tượng là sinh viên. Vì thế, bồi dưỡng phương pháp, kiến thức chuyên sâu về GDQP-AN cho giáo viên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhận thức đầy đủ những khó khăn đó, Nhà trường luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực đội ngũ giáo viên; xác định đây là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định nâng cao chất lượng GDQP-AN cho sinh viên. Trước hết, Nhà trường thực hiện tốt các quy định về tổ chức biên chế, thường xuyên đề nghị cấp trên bổ sung, kiện toàn đội ngũ giáo viên; đồng thời, tổ chức tốt khâu quy hoạch, đào tạo xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, kết hợp phân công giáo viên chuyên sâu về GDQP-AN với phân công theo nhiệm vụ từng giai đoạn. Trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cùng với cử cán bộ tham gia tập huấn nội dung, phương pháp giảng dạy bộ môn GDQP-AN do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Nhà trường tăng cường tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ theo phân cấp, kết hợp khuyến khích giáo viên tự học để nâng cao trình độ, năng lực toàn diện, nhằm đẩy nhanh việc thực hiện “chuẩn hoá” về học vấn và trình độ đội ngũ giáo viên. Đến nay, 100% giáo viên của Nhà trường được đào tạo cơ bản; trong đó, giáo viên khoa Khoa học xã hội và Nhân văn có 30% là thạc sĩ.

Song song với bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên, Nhà trường đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học môn GDQP-AN cho sinh viên. Do đối tượng học là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, có khả năng tiếp thu tốt và đã được làm quen với phương pháp dạy học hiện đại, Nhà trường yêu cầu các khoa giáo viên và từng giảng viên nghiên cứu nắm chắc nội dung, đối tượng, vận dụng phương pháp dạy - học phù hợp. Trong đó, chú trọng vận dụng phương pháp dạy - học tích cực, như: nêu vấn đề, đàm thoại, gợi mở, đưa người học vào tình huống có vấn đề để đào sâu tư duy, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, khắc phục triệt để việc truyền thụ kiến thức một chiều. Đối với các nội dung quân sự, Nhà trường chú trọng tăng thời gian huấn luyện thực hành, tổ chức ôn luyện, giúp sinh viên thành thục các động tác, yếu lĩnh cơ bản. Cùng với đó, các khoa giáo viên đã chú trọng phân công bài giảng phù hợp với khả năng, sở trường của từng giáo viên (mỗi giáo viên chỉ đảm nhiệm một đến hai bài để bảo đảm tính chuyên sâu). Nhà trường chỉ đạo các phòng, khoa giáo viên và Trung tâm tổ chức rút kinh nghiệm GDQP-AN cho sinh viên qua từng khóa học; đồng thời, chủ động tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới và thực tiễn, làm cho bài giảng có chiều sâu về lý luận, sát thực tế, hấp dẫn hơn đối với người học. Đến nay, việc đổi mới phương pháp dạy - học của Trường đã đạt được kết quả tích cực, 100% các bài giảng lý thuyết được soạn và giảng dạy bằng giáo án điện tử. Nhà trường đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm mô hình, học cụ, xây dựng thao trường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật; đặc biệt là phòng bắn mô phỏng và máy bắn tập PT 95 góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện thực hành, giúp 100% sinh viên được tập luyện, kiểm tra bắn súng bằng máy bắn tập, gần sát với thực tế.
 

Sinh viên khóa 215 GDQP-AN ( trường Cao đẳng Việt – Hàn )
huấn luyện chiến thuật.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, Nhà trường còn chú trọng đổi mới hình thức thi, kiểm tra (vận dụng thi trắc nghiệm các học phần 01, 02) bảo đảm chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế thi, kiểm tra...; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận  động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Qua đó, xây dựng ý thức tự giác cho sinh viên trong học tập. Bằng các biện pháp đó, kết quả GDQP-AN cho sinh viên của Trường luôn đạt cao, bình quân có gần 99% số sinh viên đủ điều kiện để cấp chứng chỉ tốt nghiệp; trong đó có gần 70% khá, giỏi, xuất sắc.

Yêu cầu đặc thù của môn học GDQP-AN không chỉ là truyền thụ kiến thức quân sự, quốc phòng, mà còn nhằm rèn luyện sinh viên, xây dựng cho họ nhân cách, tác phong người chiến sĩ; do đó, Nhà trường thường xuyên quản lý, rèn luyện sinh viên chặt chẽ, nghiêm túc ngay từ đầu khóa học. Một khó khăn hiện nay là số lượng cán bộ quản lý của Trung tâm có hạn; đối tượng về học hầu hết là sinh viên năm thứ nhất, nhận thức nhiều mặt còn hạn chế, chưa quen với môi trường rèn luyện kỷ luật. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, rèn luyện sinh viên, trước mỗi khóa học, Nhà trường đều chỉ đạo Trung tâm chú trọng kết hợp sử dụng cán bộ được biên chế với lựa chọn sinh viên có năng lực để bổ nhiệm cán bộ tiểu đội và trung đội, sắp xếp, biên chế sinh viên thành các đại đội, trung đội, tiểu đội. Thực hiện chủ trương của Nhà trường, Trung tâm đã nghiên cứu ban hành nội quy, quy chế học tập, sinh hoạt và phổ biến đến từng sinh viên. Thực hiện phương châm “nhẹ nhàng, mềm dẻo nhưng kiên quyết”, Nhà trường kết hợp giáo dục với duy trì nghiêm các chế độ trong ngày, trong tuần, từ thể dục sáng, kiểm tra, sắp xếp trật tự nội vụ, vệ sinh, thời gian học tập ở giảng đường, thao trường, đến ăn uống, ngủ nghỉ... để sinh viên được học tập, rèn luyện, sinh hoạt và trưởng thành trong môi trường quân sự thực thụ, làm cơ sở cho việc xây dựng nếp sống kỷ luật trong học tập, công tác sau này.

Bên cạnh các biện pháp quản lý hành chính, Nhà trường chú trọng tiến hành các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên; tăng cường các hoạt động ngoại khóa. Nhà trường chỉ đạo Trung tâm thực hiện nghiêm túc việc đối thoại dân chủ giữa sinh viên với Ban Giám đốc trong từng khóa học, qua đó phát hiện, giải quyết kịp thời những khiếm khuyết, những vấn đề mới nảy sinh, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong học tập, công tác. Đồng thời, Nhà trường thường xuyên quan tâm đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho sinh viên. Từ năm 2011, với việc thực hiện xã hội hóa bếp ăn tại Trung tâm, chất lượng bữa ăn của sinh viên được nâng lên, quân số khỏe thường xuyên đạt trên 99,5%, không có hiện tượng ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh xảy ra.

Phát huy kết quả đạt được sau 20 năm xây dựng và trưởng thành của Trung tâm GDQP-AN Đà Nẵng, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Trường Quân sự Quân khu 5 tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác GDQP-AN, Luật GDQP-AN và các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác này, đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục - đào tạo của Nhà trường theo tinh thần Kết luận 51-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ GDQP-AN cho sinh viên, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN THÀNH CÔNG

Hiệu trưởng – Giám đốc Trung tâm GDQP-AN Đà Nẵng
_____________

1 - Thành lập ngày 20-12-1993.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...