Thứ Năm, 21/11/2024, 00:33 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và của Quân khu 4 về giáo dục quốc phòng và an ninh, thời gian qua, cùng với thực hiện tốt công tác bồi dưỡng cán bộ, đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu, Trường Quân sự Quân khu 4 đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này. Bên cạnh mặt thuận lợi, đặc điểm nổi bật chi phối, ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ này của Nhà trường là lưu lượng học viên hằng năm lớn1, đa dạng về trình độ, độ tuổi và cương vị công tác; trong khi đó, quy mô Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh của Nhà trường có hạn, có thời điểm bị quá tải; cơ sở vật chất, thao trường và phương tiện dạy - học qua sử dụng nhiều năm, xuống cấp. Cùng với đó, do vị trí các trường liên kết nằm phân tán trên địa bàn rộng, việc hiệp đồng, phối hợp gặp nhiều khó khăn, v.v. Từ thực tế đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp sát, đúng, phát huy sức mạnh tổng hợp, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo sự chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu vững chắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu giao.
Trước hết, Nhà trường tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy các cấp trong đổi mới công tác giáo dục quốc phòng và an ninh bảo đảm sát với đối tượng, thực tiễn địa bàn. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các văn bản của trên về giáo dục quốc phòng và an ninh và các chỉ thị, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và cụ thể hóa trong nghị quyết lãnh đạo; phân công Đảng ủy viên, Thủ trưởng Ban Giám hiệu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh phát huy vai trò, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Để đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao, Nhà trường đã tích cực tổ chức các hội nghị chuyên đề2, tọa đàm, trao đổi với các địa phương, các trường đại học, cao đẳng liên kết, nhằm phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh.
Bám sát các chủ trương, biện pháp, chỉ tiêu của nghị quyết và kế hoạch của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu, Nhà trường chỉ đạo Phòng Đào tạo, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh hiệp đồng với các tỉnh, đơn vị trên địa bàn, các trường đại học, cao đẳng liên kết để thống nhất thời gian, lưu lượng học viên; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục cho các đối tượng bảo đảm khoa học, phù hợp với khả năng của Nhà trường. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch thực hiện; làm tốt công tác chuẩn bị tiếp nhận, củng cố nơi ăn, ở, bổ sung vật chất bảo đảm;... nhằm phục vụ tốt nhất cho học viên học tập, rèn luyện sát với đặc điểm, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Quân khu và sự phát triển của thực tiễn.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong điều kiện biên chế không tăng, Nhà trường triển khai nhiều biện pháp đột phá xây dựng đội ngũ giáo viên đảm nhiệm công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng chuẩn hóa về trình độ, kỹ năng sư phạm và năng lực thực tiễn. Thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2030”, Nhà trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng Quân khu xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ giáo viên; trong đó, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt về giáo dục quốc phòng và an ninh. Thời gian qua, Nhà trường đã lựa chọn, cân đối cán bộ, giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn và luân chuyển đi thực tế đơn vị, tạo điều kiện để giáo viên cập nhật kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác này. Song song với đó, Nhà trường tăng cường mời cán bộ lãnh đạo của Quân khu, cơ quan Quân khu, lãnh đạo Công an, Bộ đội Biên phòng các tỉnh và các đồng chí trong Ban Giám hiệu tham gia tập huấn, giới thiệu chuyên đề nhằm nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; duy trì nền nếp Hội thi Giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh dạy giỏi cấp cơ sở, cấp trường, coi đây là một kênh quan trọng để đánh giá, phân loại chất lượng đội ngũ giáo viên, làm căn cứ để xem xét, bổ nhiệm và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tiếp theo. Mặt khác, Nhà trường mở rộng giao lưu với các trường Quân đội, trường đại học trên địa bàn, tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy môn học, tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ, phương pháp sư phạm.
Do điều kiện thời gian bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh ngắn, nội dung đa dạng, yêu cầu ngày càng cao nên Nhà trường chỉ đạo tích cực rà soát, chuẩn hóa chương trình, cập nhật, bổ sung nội dung và đổi mới phương pháp giảng dạy, phù hợp với từng đối tượng. Về chương trình, nội dung, tập trung rà soát, xây dựng hệ thống chương trình chi tiết cho các đối tượng, biên soạn bài giảng, cập nhật tài liệu bồi dưỡng theo từng chuyên đề đúng quy định3, sát với đặc điểm tình hình địa phương, đối tượng. Các cơ quan, khoa giáo viên thường xuyên nắm tình hình, cập nhật nội dung mới về quốc phòng, an ninh, nhất là quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc vào nội dung dạy - học. Quá trình giảng dạy, tăng cường bổ sung thông tin mới về quân sự, quốc phòng, an ninh, phân tích đa chiều về những vấn đề mới, nhạy cảm, tạo sự thống nhất nhận thức và nâng tầm hiểu biết cho các đối tượng.
Cùng với chuẩn hóa chương trình, nội dung bồi dưỡng, giáo dục, Nhà trường đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng “sát thực tiễn, sát đối tượng”, kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn; chú trọng liên hệ, vận dụng sát với đối tượng cán bộ, sinh viên và thực tế công tác quốc phòng, quân sự địa phương, tình hình an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa trên địa bàn Quân khu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và vận dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm; kết hợp linh hoạt giữa thuyết trình với tăng cường trao đổi, thảo luận, hạn chế truyền thụ một chiều. Để gắn lý luận với thực tiễn, Nhà trường tích cực đổi mới hình thức tổ chức hoạt động bổ trợ phù hợp với từng đối tượng. Với đối tượng 2, cùng với tăng cường tổ chức trao đổi, thảo luận để học viên trên từng cương vị, chức trách liên hệ vận dụng lý luận với thực tiễn công tác, Nhà trường tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tham quan diễn tập khu vực phòng thủ, tham quan thực tế các mô hình phát triển kinh tế kết hợp với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, cũng như nghiên cứu tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn Quân khu,... để học viên hiểu sâu sắc hơn về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng. Với sinh viên, Nhà trường chỉ đạo Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh phối hợp với các trường liên kết gắn kết chặt chẽ giáo dục với quản lý, rèn luyện kỷ luật, đưa sinh viên đến gần nhất môi trường quân sự. Đồng thời, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, bổ trợ, như: tham quan hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại các đơn vị trong Nhà trường, địa phương; hội thao, hội thi kết thúc nội dung thực hành;… tạo sự hứng thú trong học tập, rèn luyện, giúp sinh viên nắm vững nội dung cơ bản, hiểu và trân trọng những giá trị của hòa bình, cũng như trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với thực hiện các chủ trương, giải pháp trên, Nhà trường huy động mọi nguồn lực từng bước đổi mới, hiện đại hóa các trang thiết bị dạy học. Trong điều kiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa theo kịp nhu cầu nhiệm vụ, một mặt, Nhà trường xây dựng, triển khai kế hoạch sử dụng phù hợp nhằm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện có. Mặt khác, tích cực huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp phòng điều hành, phòng học chuyên dùng, hệ thống thao trường, bãi tập; số hóa giáo trình, tài liệu tạo cơ sở phát triển hệ thống dữ liệu dùng chung phục vụ hoạt động dạy - học. Chủ động rà soát, hoàn thiện quy chế, quy định về bảo mật để khai thác hệ thống mạng nội bộ, quân sự, internet, tạo môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học,... từng bước hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị, tạo cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học. Đến nay, hệ thống phòng điều hành, phòng học chuyên dùng, thao trường huấn luyện của Nhà trường đã được đầu tư cơ bản; 100% giáo viên được trang bị máy tính kết nối mạng; hệ thống giáo án, tài liệu được số hóa;... thiết thực phục vụ tốt việc đổi mới công tác giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục quốc phòng và an ninh nói riêng.
Bằng các giải pháp đồng bộ, khoa học, chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Nhà trường không ngừng được nâng lên. Từ năm 2022 đến nay, Nhà trường đã bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho hơn 1.000 học viên đối tượng 2 và gần 5.000 sinh viên trên địa bàn với kết quả 100% đối tượng 2 đạt khá, giỏi, 100% sinh viên đạt yêu cầu trở lên. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ đối tượng 2 sau bồi dưỡng đã phát huy tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo về công tác quốc phòng, an ninh tại địa phương, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên địa bàn Quân khu vững mạnh.
Vinh dự, tự hào được đứng chân làm nhiệm vụ trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Trường Quân sự Quân khu 4 tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, thiết thực góp phần xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, cùng cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn Quân khu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá HOÀNG VĂN SINH, Hiệu trưởng Nhà trường __________________
1 - Nhà trường đào tạo, bồi dưỡng khoảng 35 - 40 đối tượng là cán bộ, hạ sĩ quan, sĩ quan dự bị và nhân viên chuyên môn; đồng thời, bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2, sinh viên của 11 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình với lưu lượng khoảng 3000 - 3500 học viên/năm.
2 - Hằng năm, Nhà trường tổ chức hội nghị liên kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh với sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng và cơ quan chức năng của các địa phương trên địa bàn Quân khu nhằm chia sẻ những khó khăn và thống nhất các phương án khắc phục.
3 - Thông tư số 172/2020/TT-BQP, ngày 30/12/2020 của Bộ Quốc phòng về “Ban hành chương trình, nội dung; chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh”.
Trường Quân sự Quân khu 4,công tác giáo dục quốc phòng và an ninh,lưu lượng học viên,trường liên kết,theo hướng chuẩn hóa
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh