Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:11 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Cùng với bồi dưỡng cán bộ, đào tạo hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn,… Trường Quân sự Quân khu 1 còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ đối tượng 2, sinh viên của một số trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh những thuận lợi, Nhà trường gặp không ít khó khăn chi phối đến kết quả giáo dục, bồi dưỡng do số lượng học viên cần bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh lớn, nhiều đối tượng; yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao. Trong khi đó, biên chế của Nhà trường không tăng, cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ; đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất có mặt chưa theo kịp sự phát triển của nhiệm vụ, v.v.
Để hoàn thành trọng trách được giao, Nhà trường luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước; hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, trọng tâm là Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới”, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; các kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đối với nhiệm vụ này. Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, cấp ủy, chỉ huy các phòng, khoa chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; coi đó là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và chủ động triển khai thực hiện bằng các biện pháp đồng bộ. Hằng năm, Nhà trường bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu, phối hợp, hiệp đồng với cơ quan chức năng và các địa phương để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 phù hợp với điều kiện hiện có. Trong thực hiện, Nhà trường chủ động lựa chọn cán bộ, nhân viên có năng lực tốt, giao nhiệm vụ kiêm nhiệm, sẵn sàng tách ra thành lập khung lâm thời quản lý, bảo đảm. Đồng thời, căn cứ vào chương trình khung để xây dựng nội dung, chương trình, thời gian bồi dưỡng cụ thể, sát với đặc điểm, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Quân khu; cân đối kiến thức về quốc phòng, quân sự với an ninh, phù hợp với đối tượng là cán bộ địa phương và cán bộ thuộc lực lượng vũ trang Quân khu.
Những năm qua, Nhà trường chủ yếu tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ thuộc đối tượng 2 của 06 tỉnh trên địa bàn và lực lượng vũ trang Quân khu. Phần lớn những cán bộ này đang đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo, quản lý, có trình độ kiến thức, lý luận chính trị, nhận thức tốt, đã có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn ở các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị. Đây là thuận lợi nhưng cũng đặt ra yêu cầu rất cao, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải là người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tương xứng với đối tượng học viên. Do đó, Nhà trường chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng, phân công giáo viên có trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm tốt tham gia giảng dạy. Theo đó, việc lên lớp cho đối tượng 2 chủ yếu do cán bộ trong Ban Giám hiệu, trưởng khoa, phó khoa, tổ trưởng bộ môn và những giáo viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm đảm nhiệm. Với các chuyên đề về an ninh, Nhà trường liên hệ, hiệp đồng mời giảng viên, báo cáo viên là cán bộ cấp phòng của Công an tỉnh Thái Nguyên. Để nâng cao chất lượng bài giảng, Nhà trường căn cứ vào sở trường, thế mạnh của giáo viên, phân công chuyên đề phù hợp, mỗi chuyên đề có ít nhất 02 giáo viên, sẵn sàng thay thế cho nhau khi cần; đồng thời, giao nhiệm vụ sớm cho giáo viên và cung cấp đầy đủ tài liệu, tư liệu, các thông tin liên quan đến nội dung chuyên đề giúp giáo viên chủ động nghiên cứu, biên soạn bài giảng, trình các cấp phê duyệt. Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng bài giảng; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp giảng tập, giảng thử, giảng rút kinh nghiệm và giảng thông qua từ cấp bộ môn đến cấp khoa và Nhà trường. Qua đó, giáo viên rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện cả nội dung và phương pháp giảng dạy; gắn lý thuyết với thực hành, nội dung bài giảng với yêu cầu thực tiễn; học viên vận dụng phù hợp, hiệu quả.
Cùng với đó, Nhà trường tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, phù hợp với từng đối tượng. Nhà trường yêu cầu giáo viên bám sát nội dung chuyên đề, đi sâu phân tích những vấn đề đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với lý luận bài giảng, liên hệ, vận dụng sát với thực tế cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu. Đồng thời, tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quân sự, quốc phòng, an ninh giữa học viên với cán bộ, giáo viên. Đặc biệt, Nhà trường thường xuyên cập nhật những nội dung mới thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhất là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề này và tình hình an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn Quân khu vào giảng dạy. Từ năm 2018 đến nay, Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên nghiên cứu cập nhật nội dung của Luật Quốc phòng; các nghị định: 164/2018/NĐ-CP, 02/2019/NĐ-CP, 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia,… vào các chuyên đề, góp phần quán triệt nội dung, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc đến đối tượng bồi dưỡng.
Xây dựng khu vực phòng thủ là nội dung quan trọng của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở các địa phương. Vì vậy, Nhà trường luôn chú trọng lồng ghép vấn đề này trong nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Bên cạnh việc trang bị về lý luận, căn cứ vào đối tượng học viên, Nhà trường lựa chọn nội dung, tổ chức tập bài một số nội dung trong diễn tập khu vực phòng thủ, đi sâu vào vận hành cơ chế gắn với chức trách công tác của học viên, giúp củng cố lý luận, nâng cao năng lực thực hành. Trong thời gian bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, Nhà trường còn tổ chức tham quan, nghiên cứu thực tế ở các đơn vị Quân đội hoặc ở các địa phương trên địa bàn để học viên hiểu rõ hơn về hoạt động của lực lượng vũ trang Quân khu và công tác quân sự địa phương. Đồng thời, mời thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu, cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh đến thông báo tình hình, cung cấp thông tin mới về lĩnh vực quốc phòng, an ninh và yêu cầu đặt ra cho lớp học để học viên đề cao trách nhiệm, củng cố kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, vận dụng lý luận vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở địa phương.
Đi liền với nâng cao chất lượng giảng dạy, Nhà trường thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Chấp hành chủ trương đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo, Nhà trường đã xây dựng ngân hàng đề thi, tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên nội dung thi, kiểm tra; kết hợp thi, kiểm tra với tổ chức cho học viên viết thu hoạch theo hướng đề cao vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, gắn nội dung lý luận được bồi dưỡng với vị trí, chức danh, cơ quan, đơn vị, địa bàn công tác. Sau mỗi khóa học, Nhà trường tổ chức rút kinh nghiệm, lựa chọn những chuyên đề thu hoạch tiêu biểu làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo trong công tác giáo dục và đào tạo của Nhà trường và gửi đăng trên Tạp chí Khoa học quân sự Quân khu 1. Nhờ đó, chất lượng các khóa bồi dưỡng ngày càng được nâng lên. Từ năm 2018 đến nay, Nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng được 07 khóa, trên 350 cán bộ thuộc đối tượng 2 đạt kết quả tốt, có 100% đạt khá, giỏi; trong đó, từ 68% - 70% đạt giỏi.
Cùng với các biện pháp trên, để nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm công tác bảo đảm cơ sở, vật chất. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Nhà trường chỉ đạo Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh và các cơ quan làm tốt công tác chuẩn bị, từ khâu đón tiếp, ổn định tổ chức, biên chế, bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt, bảo đảm cơ sở vật chất, giảng đường, phục vụ tốt nhất cho học viên; thực hiện sinh hoạt, ăn ở tập trung và duy trì đầy đủ các chế độ nền nếp theo quy định. Vì vậy, đã tạo được ấn tượng tốt, môi trường, điều kiện thuận lợi để học viên yên tâm học tập.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Trường Quân sự Quân khu 1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Sau khi được học tập, các học viên đã phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất trong lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở các địa phương, đơn vị, nhất là trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc; quan tâm, phối hợp tham gia thực hiện có hiệu quả chính sách hậu phương Quân đội, an sinh xã hội ở địa phương,… được cấp ủy, chính quyền các địa phương, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu đánh giá cao. Đây là động lực để Nhà trường tiếp tục phấn đấu, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Nhà trường tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư củng cố, nâng cấp Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, các giảng đường chuyên dùng; đẩy mạnh xây dựng đội ngũ giáo viên,… phục vụ tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2. Đồng thời, phối hợp với Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu, các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề trên địa bàn để sớm đưa sinh viên về Trung tâm học môn học giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định, góp phần xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên quê hương cách mạng Việt Bắc ngày càng vững chắc.
Đại tá NGUYỄN XUÂN PHONG, Hiệu trưởng Nhà trường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh
Trường Quân sự,Quân khu 1,kiến thức quốc phòng
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh