Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:22 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Cùng với nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, đào tạo hạ sĩ quan đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2, đối tượng 3 của thành phố Hà Nội. Trước thực tế số lượng học viên đông, gồm nhiều đối tượng khác nhau; cơ sở vật chất, nhất là nơi ăn ở, sinh hoạt, hệ thống giảng đường, thao trường chưa đồng bộ; đội ngũ giáo viên còn thiếu, có mặt còn hạn chế,… để hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo nói chung và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh nói riêng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong tổ chức thực hiện.
Trước hết, Nhà trường tổ chức quán triệt sâu các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và chỉ huy các cấp đối với công tác quan trọng này. Trên cơ sở quán triệt Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nghị định 13/2014/NĐ-CP của Chính phủ cùng các thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố, hằng năm, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường ra nghị quyết lãnh đạo, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, biện pháp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, khoa, đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên về nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, phối hợp, hiệp đồng, chuẩn bị và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Do địa bàn Hà Nội rộng, nhiều đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 30 quận, huyện, thị xã, 584 xã, phường, thị trấn), nên số lượng cán bộ thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh tại Trường đông. Trước thực tế đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Nhà trường chủ động phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh, các quận, huyện để cân đối, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đảm bảo phù hợp với khả năng về giáo viên, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của Nhà trường, trình Bộ Tư lệnh phê duyệt. Đồng thời, tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố cho phép Nhà trường vận dụng linh hoạt hình thức, kết hợp bồi dưỡng tập trung tại Trường với bồi dưỡng tại các quận, huyện. Trong đó, Nhà trường đảm nhiệm việc quản lý nội dung, chương trình; kết hợp sử dụng giáo viên của Nhà trường và của địa phương. Thực tế cho thấy, việc kết hợp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 và 3 tại Trường và tại các địa phương là cách làm phù hợp, hiệu quả, khắc phục được khó khăn của Nhà trường về cơ sở vật chất, đảm bảo hoàn thành kế hoạch, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tham gia bồi dưỡng, vừa kết hợp giải quyết tốt công tác chuyên môn ở cơ quan, đơn vị. Năm 2018, Nhà trường đã tổ chức được 04 lớp tại Trường, 17 lớp tại các địa phương, cơ quan bộ, ngành trên địa bàn, với tổng số 1.462 học viên. Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức bồi dưỡng bổ sung kiến thức quốc phòng và an ninh cho 164 chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường, thị trấn, được Thành phố và các địa phương đánh giá cao.
Đối tượng 2 và 3 là cán bộ có trình độ học vấn, lý luận cao, bề dày kinh nghiệm công tác. Bởi vậy, để việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đạt chất lượng, hiệu quả, Nhà trường luôn quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên, lựa chọn, bồi dưỡng, phân công các đồng chí có trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm tốt để giảng dạy. Theo đó, Nhà trường chỉ đạo xây dựng đội ngũ giáo viên đảm nhiệm bồi dưỡng kiên thức quốc phòng và an ninh, nòng cốt là Ban Giám hiệu, cán bộ phòng, khoa, chủ nhiệm bộ môn, các đồng chí có trình độ chuyên sâu, đã từng qua thực tiễn cán bộ cấp trung đoàn, giàu kinh nghiệm và có chứng chỉ đào tạo sư phạm đảm nhiệm lên lớp. Đồng thời, mời giảng viên từ các Học viện: Quốc phòng, Chính trị, Biên phòng và An ninh để lên lớp các chuyên đề trọng điểm, chuyên sâu. Để không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm nhiệm công tác này, nhất là chuẩn bị cho việc đưa Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh đi vào hoạt động, tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng nghề trên địa bàn (từ tháng 3-2019), thời gian qua Nhà trường đã tích cực xây dựng, kiện toàn, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Cùng với rà soát, xây dựng quy hoạch, lựa chọn cán bộ, giáo viên đi đào tạo sau đại học tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, Nhà trường tích cực cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Vụ Giáo dục quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng sâu về nghệ thuật tác chiến, lý luận và phương pháp giảng dạy cho giáo viên; duy trì hội thi giáo viên giỏi các cấp; đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi thực tế tại các địa phương, đơn vị và tham quan các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, thực hiện gắn nhà trường với đơn vị, địa phương, đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Từ năm 2013 - 2018, Nhà trường đã cử 68 đồng chí đi đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có 12 đồng chí tốt nghiệp thạc sĩ, 16 đồng chí được cấp chứng chỉ sư phạm. Đến nay, cán bộ, giảng viên Nhà trường đảm nhiệm được 100% chuyên đề trong chương trình theo quy định cho đối tượng 2 và 3.
Đi liền với đó, Nhà trường đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thực sự, thực tế. Trên cơ sở nội dung, chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo Thông tư 38/2014/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, Nhà trường chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu với cấp trên xây dựng nội dung, chương trình cho đối tượng 2 và 3 sát với đặc điểm, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Thủ đô. Đồng thời, chỉ đạo các khoa giáo viên tích cực cập nhật đường lối, quan điểm, chủ trương mới của Đảng về quốc phòng, an ninh, như: Luật Quốc phòng, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng,… cũng như kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thành phố vào chuyên đề, bài giảng, bảo đảm gắn lý luận với thực tiễn.
Không chỉ cập nhật, đổi mới nội dung, Nhà trường còn tích cực đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy, theo hướng lấy người học làm trung tâm. Để làm được điều đó, Nhà trường yêu cầu đẩy mạnh hoạt động phương pháp, 100% bài giảng đều phải được thông qua từ cấp khoa đến Ban Giám hiệu; các vấn đề gợi mở, cùng các phương án giải quyết, kết luận trong bài giảng được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, hệ thống, chuyên sâu, thiết thực. Trong quá trình lên lớp, giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nêu vấn đề, gợi mở, tổ chức thảo luận, liên hệ lý luận với thực tiễn cơ quan, địa phương. Nhờ đó, các giờ học luôn sôi động, dân chủ, phát huy được tư duy, tính năng động sáng tạo của học viên, nhất là việc nghiên cứu, làm rõ những vấn đề nhạy cảm, còn có ý kiến trái chiều. Đây vừa là biện pháp nâng cao hiệu quả học tập, vừa để giáo viên ghi nhận được nhiều ý kiến quý báu của học viên làm kinh nghiệm cho quá trình nghiên cứu, giảng dạy sau này. Những năm gần đây, vào đầu khóa học, Nhà trường cung cấp cho học viên toàn bộ tài liệu có liên quan; đồng thời, chỉ đạo các khoa giáo viên tăng cường hướng dẫn học viên phương pháp tự học, tự nghiên cứu, nhằm thực hiện gắn quá trình bồi dưỡng với tự bồi dưỡng. Đối với mỗi lớp bồi dưỡng, Nhà trường đều mời chuyên gia nói chuyện chuyên đề để cập nhật, dự báo những vấn đề mới; tổ chức cho học viên tham quan thực tiễn, nhất là tham quan diễn tập chiến đấu phòng thủ do Nhà trường tổ chức cho đối tượng đào tạo chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn,… giúp họ củng cố, mở rộng kiến thức, vận dụng lý luận vào thực tiễn.
Cùng với các nội dung, biện pháp trên, Nhà trường chú trọng làm tốt công tác bảo đảm, phục vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Trong đó, chú trọng chuẩn bị chu đáo, từ khâu đón tiếp, sắp xếp lớp học đến bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt tập trung cho học viên và bảo đảm tốt nhất vật chất, giảng đường, thao trường, bãi tập, giáo trình, tài liệu phục vụ học tập. Trong khóa học, Nhà trường duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ quy định; rút kinh nghiệm nghiêm túc, toàn diện trên tất cả các mặt; thông báo kết học tập của từng học viên về cơ quan, địa phương, làm cơ sở cho công tác giáo dục của các khóa tiếp theo và nâng cao ý thức, trách nhiệm học tập cho học viên. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, Nhà trường tích cực khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hệ thống giảng đường, công trình huấn luyện chiến đấu hiện có,… phục vụ công tác giáo dục - đào tạo. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu biên soạn giáo trình, tài liệu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ huấn luyện. Từ năm 2013 đến nay, Nhà trường đã hoàn thành và áp dụng 21 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, 39 bộ giáo trình, tài liệu; đưa vào sử dụng: Trung tâm Điều hành huấn luyện, trường bắn ảo và nhiều phòng học chuyên ngành, các thao trường,… phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy.
Bằng các biện pháp tích cực, đồng bộ, từ năm 2013 đến nay, Nhà trường đã bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 554 cán bộ đối tượng 2, trên 2.480 cán bộ đối tượng 3 và hỗ trợ các quận, huyện, thị xã bồi dưỡng cho nhiều lớp đối tượng 4 đạt kết quả tốt, được Bộ Tư lệnh Thủ đô và Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố đánh giá cao.
Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, Nhà trường đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt để đưa Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh đi vào hoạt động, tạo cơ sở thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, xứng đáng với sự tin tưởng của Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chính quyền, nhân dân Thủ đô.
Đại tá NGUYỄN KIM HỒNG, Hiệu trưởng Nhà trường
Trường Quân sự,Bộ Tư lệnh Thủ đô,kiến thức quốc phòng
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh