Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 07/10/2024, 14:16 (GMT+7)
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh

Những năm qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2, đối tượng 3 thuộc các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã của Thành phố và cơ quan các bộ, ngành Trung ương trên địa bàn; giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng theo Thông tư liên tịch 123/2015/TT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đây là một vinh dự lớn nhưng cũng là nhiệm vụ rất nặng nề đối với Nhà trường, nhất là thời gian gần đây nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh có sự phát triển, yêu cầu đặt ra cao hơn, lưu lượng sinh viên1 và số đối tượng thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đều tăng mạnh. Trong khi đó, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh trực thuộc Nhà trường chưa được kiện toàn về tổ chức biên chế; đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu, có thời điểm đồng thời vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, vừa đảm nhiệm giáo dục quốc phòng và an ninh; điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm còn hạn hẹp, chưa đồng bộ, v.v. Trước bối cảnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Từ năm 2019 đến nay, Nhà trường đã bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 456 cán bộ đối tượng 2 và 8.686 cán bộ đối tượng 3; giáo dục quốc phòng và an ninh cho trên 60.000 sinh viên đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng vào công tác quốc phòng, an ninh của Thủ đô và các bộ, ngành Trung ương. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, Nhà trường rút ra một số kinh nghiệm và cũng là những giải pháp đã và đang triển khai thực hiện nhằm không ngừng đổi mới, giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh.

Giờ huấn luyện bắn súng của sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và phát huy vai trò nòng cốt của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ2 và các thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, trực tiếp là các kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố, hằng năm, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng hệ thống các kế hoạch, hướng dẫn với các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng các đối tượng phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh; quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể đến các phòng, khoa, đơn vị. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh, các quận, huyện và các trường liên kết để nắm chắc số lượng đối tượng làm cơ sở xây dựng kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng trình Bộ Tư lệnh phê duyệt.

Đáng chú ý, trước yêu cầu về lưu lượng học viên tăng trong bối cảnh đang trong quá trình củng cố và quy hoạch, Nhà trường đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố cho phép linh hoạt áp dụng các hình thức bồi dưỡng đối tượng 2 và 3, kết hợp giữa bồi dưỡng tập trung tại Trường và tại các cơ quan, quận, huyện, thị xã. Đồng thời, xây dựng nội dung, chương trình phù hợp cho từng đối tượng, phân công giáo viên phụ trách các lớp và thành lập ban cán sự lớp, khung cán bộ quản lý sinh viên để điều hành, cũng như chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận, ổn định nơi ăn, ở khi học viên nhập học. Đây là cơ sở quan trọng để Nhà trường triển khai thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh đảm bảo đúng kế hoạch và chất lượng, hiệu quả.

Cùng với đó, Nhà trường chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng và lựa chọn, phân công giảng dạy phù hợp với từng đối tượng. Căn cứ Quyết định số 593/QĐ-BQP, ngày 02/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Tổ chức lại và ban hành biểu tổ chức biên chế Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội”, Nhà trường đã tổ chức rà soát, quy hoạch, kiện toàn tổ chức các cơ quan, khoa, đơn vị gắn với triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030”. Trong đó, tập trung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh phù hợp về cơ cấu độ tuổi, trình độ học vấn, năng lực, kinh nghiệm công tác, tạo các lứa, lớp kế cận, kế tiếp vững chắc. Đối với cán bộ, giáo viên bồi dưỡng cho đối tượng 2 và 3, Nhà trường tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách; trong đó, nòng cốt là Ban Giám hiệu, cán bộ các phòng, khoa, chủ nhiệm bộ môn, cùng các đồng chí có trình độ chuyên sâu, đã qua thực tế cấp trung đoàn trở lên và có chứng chỉ sư phạm. Đồng thời, chủ động phối hợp, hiệp đồng với các học viện: Quốc phòng, Chính trị, Biên phòng, An ninh và các cơ quan của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Công an Thành phố Hà Nội,… để mời cán bộ, giảng viên thỉnh giảng các chuyên đề trọng điểm, chuyên sâu. Với cán bộ, giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, Nhà trường tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong Bộ Tư lệnh Thủ đô để nắm nguồn, tham mưu giúp Bộ Tư lệnh các phương án tuyển dụng bổ sung cán bộ, giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu tăng về lưu lượng sinh viên.

Huấn luyện chiến thuật chiến đấu bộ binh cho sinh viên.

Để “chuẩn hóa” chất lượng đội ngũ giáo viên, cùng với lựa chọn cán bộ, giáo viên đi đào tạo sau đại học tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, Nhà trường tích cực cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Vụ Giáo dục quốc phòng/Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức. Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng theo phân cấp, kết hợp khuyến khích cán bộ, giáo viên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ; duy trì hội thi cán bộ, giáo viên giỏi các cấp. Bên cạnh đó, Nhà trường chủ động đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô cho cán bộ, giáo viên đi thực tế tại các địa phương, đơn vị và tham quan các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ để cập nhật kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Đến nay, 100% giáo viên của Nhà trường có trình độ đại học trở lên; trong đó, có 20% là thạc sĩ và 5% đã qua thực tế cấp trung đoàn trở lên. Cán bộ, giáo viên Nhà trường đảm nhiệm được 100% chuyên đề trong chương trình theo quy định cho đối tượng 3 và đáp ứng tốt nhiệm vụ quản lý, giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên.

Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh nói riêng, Nhà trường đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy - học phù hợp với từng đối tượng. Bám sát chương trình, chương trình khung theo các thông tư của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo3, Nhà trường tổ chức rà soát, điều chỉnh bổ sung chương trình theo các chuyên đề với mức độ chuyên sâu phù hợp với từng đối tượng và sát đặc điểm, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, tích cực cập nhật các nội dung mới về đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, cũng như chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác quốc phòng, an ninh của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và các quận, huyện, thị xã,… vào các chuyên đề, bài giảng đảm bảo sát với thực tiễn, đối tượng.

Do lượng học viên giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh của Nhà trường vừa đông, vừa đa dạng về đối tượng, đặc biệt đối tượng 2 và 3 là cán bộ công tác trong những lĩnh vực khác nhau, nên Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên và Trung tâm tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp dạy học truyền thống với hiện đại, lấy người học làm trung tâm nhằm phát huy khả năng sáng tạo, độc lập của người học. Đối với từng bài giảng, Nhà trường yêu cầu giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp, vận dụng linh hoạt các phương pháp, như: diễn giải, đàm thoại, trực quan giúp học viên tiếp thu kiến thức tổng thể, có chiều sâu và gắn lý luận với thực tiễn. Riêng với đối tượng 2 và 3, vận dụng các phương pháp thảo luận nhóm, trao đổi giữa giáo viên và học viên theo chuyên đề; trong đó, học viên chuẩn bị nội dung trên cơ sở lĩnh vực công tác mình đảm nhiệm theo định hướng của giáo viên, qua đó vừa giúp học viên củng cố lý luận, đối chiếu lý luận với thực tiễn công tác, vừa giúp giáo viên bổ sung kiến thức thực tiễn, gắn nhà trường với cơ quan, đơn vị.

Với mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, Nhà trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học, xây dựng môi trường văn hóa sư phạm quân sự lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để học viên, sinh viên học tập và rèn luyện. Nhà trường chủ trương tiếp tục cân đối nguồn lực, củng cố, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, mô hình huấn luyện và dồn dịch, sắp xếp doanh trại bảo đảm phục vụ tốt nhất giảng dạy, học tập, sinh hoạt của học viên, sinh viên. Về lâu dài, Nhà trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện và báo cáo cấp trên phê duyệt Đề án “Xây dựng, phát triển Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đáp ứng sự phát triển nhiệm vụ. Trong đó, coi trọng đầu tư các trang thiết bị dạy học, mô hình thực hành hiện đại, đồng bộ và đạt chuẩn về giáo dục quốc phòng và an ninh. Cùng với đó, Nhà trường tiếp tục phát huy mô hình “cùng ở, cùng thực hiện chế độ” trong môi trường quân sự. Tổ chức biên chế học viên, sinh viên thành các đại đội, trung đội, tiểu đội theo đúng quy định và duy trì học tập, rèn luyện trong môi trường huấn luyện, thực hiện nền nếp, chế độ của bộ đội tại Nhà trường, qua đó giúp học viên, sinh viên hiểu rõ hơn về đặc thù hoạt động quân sự. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh, trường liên kết, các đơn vị trên địa bàn và chính quyền địa phương trong trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như phối hợp, liên kết tổ chức các hoạt động ngoại khóa,… nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và sinh viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá ĐỖ HỒNG THÁI, Hiệu trưởng Nhà trường
_________________
       

1 - Theo Quyết định số 1573/QĐ-TTg, ngày 05/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nhà trường đảm nhiệm lưu lượng 20.000 sinh viên/năm.

2 - Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa IX); Nghị định 139/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP, v.v.

3 - Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học”; Thông tư số 172/2020/TT-BQP, ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Ban hành chương trình, nội dung; chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...