Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 23/09/2013, 16:39 (GMT+7)
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 với nhiệm vụ đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh. Hơn 10 năm qua, Nhà trường đã có nhiều biện pháp đồng bộ trong triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng - an ninh cho thế hệ trẻ.

Từ năm 2002, đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Thực hiện nhiệm vụ này, Nhà trường có thuận lợi cơ bản là đã nhiều năm đào tạo giáo viên và tiến hành công tác GDQP-AN cho học sinh, sinh viên. Hơn nữa, Nhà trường có Trung tâm GDQP-AN trực thuộc với đội ngũ giảng viên là sĩ quan biệt phái được đào tạo cơ bản ở các nhà trường quân đội; có hệ thống ký túc xá, phòng học chuyên dùng, mô hình, học cụ, trang, thiết bị dạy - học đã và đang được đầu tư ngày càng đồng bộ. Tuy nhiên, Nhà trường cũng có những khó khăn do mục tiêu, yêu cầu đào tạo cao và môn học có tính đặc thù; đối tượng và hình thức đào tạo đa dạng (đối tượng đào tạo gồm giáo viên và sinh viên; hình thức đào tạo cả ngắn hạn, ghép môn và chính quy); cơ sở vật chất, nhất là thao trường kỹ thuật, chiến thuật chưa đáp ứng yêu cầu.

Trước thực tế đó, trên cơ sở quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, Nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên đối với nhiệm vụ đào tạo giáo viên GDQP-AN. Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Nhà trường tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, giảng viên nhận thức rõ về sự cần thiết, vị trí, ý nghĩa của nhiệm vụ đào tạo giáo viên GDQP-AN trong sự nghiệp GD&ĐT, nhất là nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đưa môn học GDQP-AN trở thành chính khóa trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác giáo dục cho học viên, sinh viên để họ xác định rõ nhiệm vụ, thấy được vinh dự, trách nhiệm, vị trí của người giáo viên GDQP-AN; từ đó yên tâm, phấn khởi, sớm hòa nhập với môi trường quân sự, khắc phục mọi khó khăn để tập trung học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành giáo viên GDQP-AN. Nhà trường phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, khoa giáo viên về đào tạo giáo viên GDQP-AN; trong đó, giao cho Trung tâm GDQP-AN làm lực lượng nòng cốt. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các phòng, khoa, ban đã bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo để xây dựng kế hoạch thực hiện, nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên GDQP-AN có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức toàn diện, tác phong và kỷ luật quân sự, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ GDQP-AN cho học sinh.

Để thực hiện mục tiêu, yêu cầu đã đề ra, Nhà trường thường xuyên chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, coi đây là nhân tố then chốt quyết định chất lượng đào tạo giáo viên GDQP-AN; trọng tâm là tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Trung tâm. Một mặt, Nhà trường đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quan tâm, bổ sung đủ và giữ ổn định đội ngũ sĩ quan biệt phái cho Trung tâm; mặt khác, chỉ đạo Trung tâm đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm giảng dạy, nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ giảng viên. Để đạt hiệu quả, Nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ; trong đó, chỉ đạo Trung tâm duy trì nền nếp tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ, kết hợp cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức. Các lớp tập huấn của Nhà trường tập trung thống nhất về nội dung, chương trình đào tạo, hình thức, phương pháp dạy - học và phổ biến những kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý, rèn luyện học viên. Trung tâm xây dựng kế hoạch, tạo điều kiện cho giảng viên đi đào tạo chính quy và tại chức; khuyến khích cán bộ, giảng viên tự học, tự nghiên cứu. Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chủ trương và những biện pháp trên, đến nay đội ngũ giảng viên của Trung tâm có 100% trình độ cử nhân trở lên (gần 15% có trình độ sau đại học). Trung tâm phấn đấu đến năm 2016, đội ngũ giảng viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT.  

Cùng với xây dựng đội ngũ giảng viên, Trung tâm đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp dạy - học, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên GDQP-AN. Trên cơ sở chấp hành nghiêm túc chương trình khung của Bộ GD&ĐT quy định cho từng đối tượng, Trung tâm chỉ đạo các khoa, bộ môn và từng giảng viên tích cực cập nhật các thông tin mới có liên quan để đảm bảo nội dung, chương trình đào tạo luôn đáp ứng với sự phát triển của thực tiễn. Trung tâm thực hiện giảng dạy chuyên sâu theo từng chuyên ngành, tạo điều kiện để từng giảng viên nghiên cứu, học tập, phát huy cao nhất khả năng và thế mạnh của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy. Nhiều năm qua, Trung tâm thực hiện giảng dạy theo hướng tích cực, coi người học là trung tâm và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào dạy - học. Hằng năm và trong từng học kỳ, các khoa, bộ môn tổ chức trao đổi về phương pháp giảng dạy; đồng thời, căn cứ vào khả năng của giảng viên để giao nhiệm vụ giảng dạy cho phù hợp với từng chuyên đề. Trên cơ sở đó, giảng viên nghiên cứu, soạn giáo án, bài giảng và tiến hành thục luyện; trong đó, coi trọng biên soạn những bài tập nhận thức và bài tập nghiên cứu làm cơ sở để học viên tự học, tự nghiên cứu đúng hướng, hiệu quả. Từng khoa, bộ môn của Trung tâm thực hiện nghiêm túc quy định về phê duyệt giáo án, tổ chức giảng thử để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Trung tâm tổ chức cho giảng viên theo lớp, dự giờ, nhất là giảng viên mới và duy trì nền nếp rút kinh nghiệm giảng dạy hằng tuần, hằng tháng, kịp thời rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế và nhân rộng những kinh nghiệm hay trong giảng dạy. Hằng năm, Trung tâm tổ chức Hội thi Giảng viên dạy giỏi, trên cơ sở đó lựa chọn những người tiêu biểu tham gia Hội thi do Bộ GD&ĐT tổ chức. Nhờ đó, đã động viên, khuyến khích giảng viên tích cực trao đổi, nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy của Nhà trường.

Trong quá trình lên lớp, giảng viên kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành; giảng theo những tình huống buộc sinh viên phải suy luận tìm ra phương án giải quyết; tăng cường đối thoại, giúp sinh viên tham gia tranh luận, biểu đạt tư tưởng, khơi dậy tư duy nghiên cứu, tìm tòi và khả năng tự học. Đồng thời, đây cũng là quá trình giảng viên khai thác triệt để, hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị (mô hình hóa giáo án trên máy tính, xây dựng biểu đồ, sơ đồ, minh họa bằng hình ảnh, video-clip...) phục vụ cho giảng dạy. Mỗi chuyên đề, giảng viên đều hướng dẫn nhằm khơi dậy nội lực vốn có của từng học viên, đồng thời hình thành kỹ năng, thói quen tự học, tự nghiên cứu của họ. Trung tâm chỉ đạo các khoa, bộ môn tập trung nâng cao chất lượng tự học và có các biện pháp khắc phục những hạn chế của từng học viên. Tài liệu học tập, nghiên cứu cho giảng viên và học viên, nhất là giáo trình, giáo khoa, các loại sách kinh điển, văn kiện nghị quyết của Đảng, các tài liệu có liên quan... được Trung tâm đảm bảo đầy đủ. Hệ thống cơ sở vật chất, các trang, thiết bị phục vụ cho công tác dạy - học được Nhà trường quan tâm đầu tư nâng cấp. Để khắc phục tình trạng thiếu thao trường kỹ thuật, chiến thuật, Trung tâm đã liên hệ với các đơn vị quân đội trên địa bàn để đảm bảo theo yêu cầu môn học. Cuối mỗi khóa học, Trung tâm đều tổ chức đưa học viên đi thực tập (02 lần, mỗi lần 01 tháng) giảng dạy môn học GDQP-AN cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn, tạo điều kiện cho học viên làm quen, cọ xát với thực tế, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao năng lực chuyên môn.

Yêu cầu đặt ra đối với giáo viên GDQP-AN rất cao và có tính đặc thù. Bên cạnh kiến thức về chuyên ngành, kỹ năng sư phạm, người giáo viên GDQP-AN phải có bản lĩnh, tác phong của nhà giáo quân sự. Vì vậy, Trung tâm hết sức coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa học tập và rèn luyện kỷ luật, xây dựng tác phong của người giáo viên trong tương lai. Trung tâm thực hiện quản lý, tổ chức học tập, rèn luyện học viên theo đúng Điều lệnh, Điều lệ, các chế độ trong ngày, trong tuần của Quân đội và quy định của Nhà trường. Để tạo môi trường quân sự cho học viên học tập, rèn luyện nhằm phát triển, hoàn thiện những phẩm chất của người giáo viên GDQP-AN, Trung tâm đã tổ chức biên chế học viên thành các tiểu đội, trung đội, đại đội; trong đó, cán bộ của Trung tâm trực tiếp đảm nhiệm cán bộ đại đội; cấp tiểu đội, trung đội do học viên thay nhau đảm nhiệm. Thực hiện chủ trương của Nhà trường, Trung tâm đã kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với quản lý, rèn luyện kỷ luật; duy trì nghiêm túc các chế độ quy định. Công tác quản lý học viên được tăng cường trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; chế độ đăng ký ra ngoài được thực hiện chặt chẽ... Cùng với học tập chính khóa, Trung tâm dành thời gian hợp lý để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học viên; trong đó, coi trọng phát huy thế mạnh của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức các hoạt động nghiên cứu, trao đổi, giúp đỡ nhau học tập, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, giao lưu và tham gia các hoạt động của địa phương... Cách làm này vừa phát huy khả năng sáng tạo, rèn luyện tác phong và hình thành những phẩm chất cần thiết, vừa giúp các em làm quen với công tác quản lý, chỉ huy của người giáo viên GDQP-AN.

Nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao, hơn 10 năm qua Trung tâm đã tiến hành 06 khóa đào tạo giáo viên GDQP-AN ghép môn cho 531 học viên (có 04 khóa với 188 học viên đã tốt nghiệp); hoàn thành 10 khóa đào tạo giáo viên GDQP-AN ngắn hạn cho 470 học viên, trong đó đã phối hợp với các địa phương (Hải Dương, Ninh Bình và Hà Nội) đào tạo 219 giáo viên, góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên GDQP-AN. Các khóa đào tạo của Trung tâm đều có 100% học viên tốt nghiệp, trong đó khá, giỏi từ 60% đến 70%. Qua khảo sát cho thấy, học viên tốt nghiệp ra trường cơ bản đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra, có phẩm chất, năng lực và kỹ năng giảng dạy; đa số đều đảm nhiệm được nhiệm vụ giảng dạy môn học GDQP-AN ở các nhà trường. Một số giáo viên đã phát triển thành giảng viên GDQP-AN ở các trường đại học, cao đẳng. Thực hiện Quyết định 472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2012, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tiến hành đào tạo chính quy giáo viên GDQP-AN. Đây là bước phát triển mới trong đào tạo giáo viên GDQP-AN của Nhà trường và Trung tâm. Với những kết quả, kinh nghiệm đào tạo giáo viên GDQP-AN trong nhiều năm qua, Trung tâm đã và đang góp phần tích cực xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN để nâng cao chất lượng môn học này trong các nhà trường.

Thượng tá, ThS. PHAN XUÂN DŨNG

Phó Giám đốc Trung tâm GDQP-AN Hà Nội 2

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...