Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:26 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Trong những năm qua, cùng với đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tập trung vào nhiệm vụ tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học theo Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05/11/2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Quyết định số 2861/QĐ-BQP, ngày 24/8/2021 của Bộ Quốc phòng về việc điều chỉnh, bổ sung danh sách liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, đi liền với quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của môn học; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đao, quản lý, điều hành; Đảng ủy, Hội đồng và Ban Giám hiệu Nhà trường đã kiện toàn tổ chức và giao cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (trực thuộc Nhà trường) thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên; đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Đây là một trong những mô hình tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh sáng tạo, phù hợp và trên thực tế, Trung tâm đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên hiện nay, trước những phát triển mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; những khó khăn về kinh tế - xã hội; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch,... đặt ra cho công tác giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung, của Trung tâm và Nhà trường nói riêng yêu cầu, đỏi hỏi rất cao. Trong khi đó, việc thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, còn gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên còn thiếu, trình độ không đồng đều; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học có mặt chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, mở rộng của môn học; một số trường liên kết chưa thực hiện đúng các quy định trong giáo dục quốc phòng và an ninh, v.v. Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đó, để thực hiện thắng lợi chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), tiếp tục xây dựng, khẳng định uy tín, vị thế, trở thành địa chỉ tin cậy trong đào tạo giáo viên và giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, Trung tâm đã, đang tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác này bằng nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả.
Trước hết, tăng cường quán triệt các chỉ thị, văn bản pháp luật về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới”; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, các nghị định của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, Quyết định số 2861/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng; Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh năm học 2022 - 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương và thành phố Hà Nội, v.v. Qua đó, làm cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng cũng như yêu cầu, nhiệm vụ của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên; từ đó, đề cao trách nhiệm, xây dựng động cơ, ý chí, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài, Trung tâm tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trung tâm đang thiếu, trong thời gian tới sẽ càng thiếu nhiều hơn do một số cán bộ, giảng viên đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác trong khi không còn nguồn bổ sung sĩ quan Quân đội biệt phái. Để giải quyết khó khăn này, Ban Giám đốc Trung tâm đã tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, các cơ quan chức năng có cơ chế chính sách đãi ngộ, ưu tiên tuyển dụng sinh viên đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh tốt nghiệp loại giỏi, phấn đấu hằng năm tuyển dụng được từ 05 - 06 giảng viên mới, để đến năm 2028 sẽ tuyển dụng được khoảng 18 giảng viên, thay thế cho số giảng viên là sĩ quan biệt phái. Trước mắt, Trung tâm sẽ rà soát, bố trí, sắp xếp sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện có, phân công giảng viên vừa giảng dạy vừa làm cán bộ khung và kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, kết hợp với mời giảng viên thỉnh giảng. Về lâu dài, Trung tâm đề xuất Nhà trường phối hợp với các cơ sở giáo dục, đạo tạo tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng thống nhất đề xuất với Chính phủ cho số giảng viên tuyển dụng từ nguồn sinh viên tốt nghiệp giáo dục quốc phòng và an ninh đi đào tạo sĩ quan dự bị để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tế và kỹ năng quân sự, xây dựng đội ngũ giảng viên môn học có chất lượng toàn diện. Đồng thời, đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị, sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội.
Để sớm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên về trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm, Trung tâm đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, chú trọng bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ. Những năm qua, Trung tâm chủ động cân đối lực lượng, đề nghị Nhà trường cử nhiều cán bộ, giảng viên đi đào tạo sau đại học và tham gia các lớp tập huấn do Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức. Cùng với đó, tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ cho 100% cán bộ, giảng viên để cập nhật kiến thức, nội dung mới, củng cố phương pháp, kỹ năng giảng dạy. Đồng thời, duy trì nền nếp hoạt động phương pháp, dự giờ, bình giảng; tham gia và tổ chức hội thi giảng viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi ở các cấp; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên nghiên cứu khoa học, tự học, tự trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm1.
Cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, Trung tâm tích cực cập nhật nội dung, đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập. Trên thực tế, Thông tư số 05/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học đã triển khai thực hiện được gần 03 năm, nhưng chưa có hệ thống giáo trình riêng biệt. Khắc phục vấn đề này, Trung tâm chỉ đạo Phòng Đào tạo, các khoa giáo viên bám sát chương trình, thời gian từng học phần để nghiên cứu, biên soạn, xây dựng tập bài giảng. Sau đó, mời cán bộ các trung tâm khác, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành tham gia đóng góp, phản biện, hoàn thiện và áp dụng vào giảng dạy. Quá trình biên soạn, Trung tâm đã chú trọng cập nhật nội dung mới về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước về quốc phòng, an ninh, phù hợp với chuyên ngành đào tạo của sinh viên các trường liên kết và những vấn đề mới về tình hình thế giới, khu vực, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Do môn học giáo dục quốc phòng và an ninh có tính đặc thù cao, Trung tâm chỉ đạo đội ngũ giảng viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, phù hợp với nội dung từng học phần, chuyên đề, đối tượng sinh viên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện hiện đại vào giảng dạy. Thời gian qua, Trung tâm chỉ đạo các khoa biên soạn giáo án điện tử, tiến hành giảng mẫu, ghi hình và tổ chức trình chiếu cho sinh viên xem trước vào các buổi tối để tiếp cận, có sự hình dung ban đầu về nội dung được huấn luyện, học tập.
Trong quá trình giảng dạy, Trung tâm yêu cầu đội ngũ giảng viên tăng cường tương tác, trao đổi, phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, hướng dẫn vận dụng trong thực tiễn, kết hợp xem phim tài liệu có minh họa bằng âm thanh, hình ảnh mô phỏng các tình huống chiến đấu, động tác kỹ thuật, chiến thuật, trường bắn và hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh,… nhằm thu hút, lôi cuốn người học. Bên cạnh đó, Trung tâm quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thao trường, bãi tập thể thao, làm mới mô hình, học cụ, thiết kế các mô hình, vật cản cơ động dễ di chuyển để tận dụng địa hình, huấn luyện được ở nhiều vị trí tại thao trường và phân công đối tượng sinh viên đang đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh tham gia thực tập quản lý sinh viên, thực hành hướng dẫn, ôn luyện. Để đánh giá kết quả môn học bảo đảm nhanh, chính xác, Trung tâm đã xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm các học phần lý thuyết, đầu tư trang bị máy quét sử dụng phần mềm chấm điểm như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia nên không có sai sót, tiêu cực.
Tăng cường phối hợp với các trường liên kết, cơ quan chức năng trong tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên được Trung tâm thường xuyên coi trọng. Hằng năm, Trung tâm chủ động tổ chức hội nghị liên kết đào tạo giáo dục quốc phòng và an ninh để nắm bắt, cập nhật những chủ trương, chính sách mới từ các cơ quan chức năng; lắng nghe ý kiến của các trường liên kết theo phân luồng để rút kinh nghiệm công tác giảng dạy, quản lý, xây dựng môi trường học tập nghiêm túc, có tính kỷ luật, gắn học tập đi đôi với rèn luyện tác phong, nền nếp quân sự, các chế độ trong ngày, trong tuần cho sinh viên theo điều lệnh của Quân đội. Đồng thời, thống nhất kế hoạch tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên với các trường liên kết; nắm phản hồi của sinh viên sau khi được học tập, rèn luyện tại Trung tâm, v.v. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch năm học, xác định rõ thời gian với từng trường và gửi kế hoạch, nội dung để các trường phổ biến, quán triệt cho sinh viên nắm được thời gian, quy chế, quy định trước khi về học tập tập trung. Trong thời gian học tập, Trung tâm thường xuyên trao đổi về kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên với các trường liên kết để cùng nhau giải quyết những vướng mắc, phát sinh; tổ chức hoạt động ngoại khóa, như: hành quân xa, tham quan đơn vị Quân đội trên địa bàn, liên hoan văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao,… để củng cố kiến thức, giáo dục truyền thống, lịch sử chiến đấu của thế hệ đi trước, bồi dưỡng, hun đúc lòng yêu nước cho sinh viên, tạo không khí học tập, rèn luyện chính quy, thân thiện.
Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm học 2022 - 2023, Trung tâm đã tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh, cấp chứng chỉ cho hơn 19.300 sinh viên, trong đó có hơn 93,5% đạt khá, giỏi, được các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, các trường liên kết ghi nhận, đánh giá cao, khẳng định thương hiệu, uy tín trong giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, TS. PHAN XUÂN DŨNG, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Nhà trường _________________
1 - Đến nay, 100% cán bộ, giảng viên của Trung tâm có trình độ đại học trở lên; trong đó, 80% giảng viên có trình độ sau đại học.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2,giáo dục quốc phòng và an ninh,phương pháp giảng dạy,trường liên kết
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh