Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 11/10/2012, 11:12 (GMT+7)
Trường Đại học Mỏ - Địa chất với nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh


Khai mạc Lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, tháng 12-2010

Trường Đại học Mỏ - Địa chất là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học các chuyên ngành thuộc lĩnh vực mỏ, địa chất, dầu khí, trắc địa, cơ điện, môi trường, xây dựng, công nghệ thông tin, kinh tế và quản trị kinh doanh, với nhiều loại hình, phương thức đào tạo từ cao đẳng đến tiến sĩ. Nhà trường còn là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ cho công tác đào tạo và lao động sản xuất. Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là giáo dục - đào tạo, Nhà trường luôn quan tâm đến công tác quốc phòng, quân sự, nhất là giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) cho sinh viên.

Để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục QP-AN trong điều kiện có nhiều khó khăn: lưu lượng sinh viên tăng nhanh (từ 1.200 năm 2002, lên gần 4.000 sinh viên năm 2012), các cơ sở của Trường đứng chân trên địa bàn rộng (Hà Nội, Quảng Ninh, Vũng Tàu và một số địa phương khác); giảng viên môn học không tăng; kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập còn thiếu... Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã phát huy vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện của Khoa Giáo dục Quốc phòng (GDQP). Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị định của Đảng và Chính phủ về công tác giáo dục QP-AN, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, phù hợp, Nhà trường đã đạt được kết quả toàn diện trong công tác quan trọng này. Trong 10 năm gần đây, Nhà trường đã hoàn thành giáo dục QP-AN cho gần 30.000 sinh viên, kết quả kiểm tra các khóa có hơn 97% sinh viên đạt yêu cầu trở lên, trong đó tỷ lệ khá, giỏi trên 60%. Bên cạnh đó, Nhà trường còn phối hợp với Hội đồng Giáo dục QP-AN huyện Từ Liêm bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho trên 6 nghìn lượt cán bộ, đảng viên và công chức thuộc đối tượng 4, 5 và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tự vệ trên địa bàn. Ghi nhận những thành tích về công tác giáo dục QP-AN, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Binh chủng Pháo binh đã tặng nhiều bằng, giấy khen cho Khoa GDQP và cán bộ của Nhà trường.

Từ thực tiễn và kết quả đạt được trong công tác giáo dục QP-AN, Nhà trường rút ra những bài học kinh nghiệm sau: 

Một là, phải thường xuyên quan tâm xây dựng Khoa GDQP vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ giảng viên giáo dục QP-AN đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhà trường xác định đây là vấn đề quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN cho sinh viên. Thực tiễn đã khẳng định, chủ trương (đồng thời cũng là biện pháp) trên của Nhà trường là hoàn toàn đúng đắn. Bởi, Khoa GDQP là khoa chuyên ngành về công tác này, nếu được quan tâm xây dựng về mọi mặt thì sẽ có hiệu quả tương ứng. Trong quá trình xây dựng, thuận lợi cơ bản của Nhà trường là: đội ngũ giảng viên của Khoa GDQP đều là sĩ quan quân đội biệt phái, được lựa chọn chủ yếu từ Trường Sĩ quan Pháo binh, 100% có trình độ đại học và sau đại học, có năng lực và kinh nghiệm giảng dạy phù hợp với môn học giáo dục QP-AN cho sinh viên mỏ - địa chất. Tuy nhiên, giảng viên là sĩ quan biệt phái có thời hạn nên việc bố trí tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tích luỹ kinh nghiệm giảng dạy giáo dục QP-AN gặp nhiều khó khăn. Do đó, Nhà trường đã phối hợp với Binh chủng và Trường Sĩ quan Pháo binh lựa chọn và nhận những sĩ quan có đủ tiêu chuẩn về Trường, tạo điều kiện cho cán bộ ổn định, yên tâm công tác, đề cao trách nhiệm trong giáo dục QP-AN cho thế hệ trẻ. Để các sĩ quan biệt phái hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị mới, Nhà trường chỉ đạo Khoa GDQP tăng cường tập huấn, bồi dưỡng toàn diện cho đội ngũ này; trong đó, trọng tâm là tập trung nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng sư phạm, nhất là đối với giảng viên mới. Cùng với phát huy thế mạnh của từng giảng viên - sĩ quan về tác phong, kiến thức quốc phòng, quân sự và những phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ”, Nhà trường đã tích cực, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ của Khoa; đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để từng giảng viên nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ và khắc phục những mặt còn hạn chế, nhất là về phương pháp sư phạm. Nhà trường thực hiện 100% giảng viên giáo dục QP-AN được bồi dưỡng kiến thức giảng dạy bậc đại học do Học viện Quản lý giáo dục phối hợp với Nhà trường tổ chức. Hằng năm, số giảng viên này được tập huấn về phương pháp, thống nhất về nội dung, chương trình giáo dục QP-AN, cập nhật những kiến thức mới về QP-AN và nâng cao khả năng sư phạm do Vụ GDQP tổ chức, hoặc bồi dưỡng về chuyên môn tại Trường Sĩ quan Pháo binh. Nhà trường còn phối hợp với Binh chủng và Trường Sĩ quan Pháo Binh lựa chọn, tạo điều kiện và cử giảng viên giáo dục QP-AN đi đào tạo thạc sĩ, nhằm thực hiện mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên.

Khoa GDQP đã tổ chức các buổi trao đổi học thuật về phương pháp, nội dung, thống nhất đề cương bài giảng; trên cơ sở đó, từng giảng viên rút kinh nghiệm và học tập lẫn nhau trong việc chuẩn bị và thông qua giáo án, tiến hành giảng thử, giảng mẫu… Khoa còn động viên từng giảng viên tích cực, chủ động chuẩn bị chu đáo cho việc tham gia các hội thi giảng viên dạy giỏi môn giáo dục QP-AN do Nhà trường hoặc Bộ GD&ĐT tổ chức. Qua các hội thi, ý thức, trách nhiệm và trình độ, năng lực giảng dạy của các giảng viên có bước chuyển biến tốt, nhiều đồng chí đạt danh hiệu Giảng viên Giỏi cấp Bộ, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác giáo dục QP-AN của Nhà trường. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra giáo án, giờ giảng của giảng viên được Nhà trường, Khoa duy trì nghiêm túc theo quy định, với mục tiêu đưa công tác dạy - học vào thực chất.

Đi đôi với các biện pháp trên, Nhà trường còn chỉ đạo Khoa GDQP tích cực, chủ động phối hợp với Phòng Khoa học công nghệ, Khoa Công nghệ Thông tin thực hiện các đề tài khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN. Đến nay, Khoa đã hoàn thành 14 đề tài khoa học cấp Trường thuộc lĩnh vực giáo dục QP-AN, từ Đề tài “Ứng dụng phần mềm của chương trình PowerPoint đưa nội dung giáo dục QP-AN lên máy vi tính để giảng dạy”, “ Đổi mới phương pháp chuẩn bị và thực hành một bài giảng môn giáo dục QP-AN”, “Lập chương trình quản lý quá trình học tập giáo dục QP-AN của sinh viên trên máy tính bằng ngôn ngữ Foxpro For Windows”… cho đến Đề tài “Xây dựng chương trình quản lý điểm và cấp chứng chỉ môn giáo dục QP-AN cho sinh viên ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất”. Các đề tài đã nghiệm thu đều đạt chất lượng khá, được ứng dụng trực tiếp vào công tác giáo dục QP-AN của Nhà trường, góp phần cải tiến nội dung, phương pháp dạy - học, làm chuyển biến căn bản về chất lượng học tập của sinh viên. Hiện nay, Khoa đang triển khai 2 đề tài về đổi mới phương pháp dạy - học và đăng ký 2 đề tài mới.

Hai là, luôn gắn nội dung, chương trình giáo dục QP-AN với đặc điểm, nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường. Thực hiện chủ trương giáo dục toàn diện cho sinh viên, Nhà trường chỉ đạo Khoa GDQP nghiên cứu xây dựng nội dung, chương trình giáo dục QP-AN cho sinh viên một cách cơ bản, hệ thống, thống nhất trên cơ sở Chương trình giáo dục QP-AN do Bộ GD&ĐT ban hành. Các chuyên ngành đào tạo của Trường có đặc điểm là thường sát và gắn với lĩnh vực quốc phòng, quân sự và các địa bàn biên giới, biển, đảo của Tổ quốc; do đó, trong xây dựng chương trình giáo dục QP-AN, Nhà trường đã điều chỉnh cả nội dung và thời gian dạy - học theo hướng phù hợp với đối tượng chuyên ngành cụ thể. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên luôn gắn bài giảng với các chuyên ngành đào tạo của Nhà trường, nhất là gắn giáo dục QP-AN với công tác khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia; gắn phát triển kinh tế với QP-AN. Nói cách khác, Nhà trường không chỉ trang bị kiến thức theo chuyên ngành đào tạo, mà còn luôn coi trọng giáo dục, xây dựng ý thức, trách nhiệm cho các em đối với Tổ quốc; giúp các em thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Ba là, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục QP-AN. Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm giáo dục QP-AN trở thành môn học chính khoá trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng đến nay nhận thức của một số người, nhất là sinh viên về môn học này chưa đúng, nên kết quả học tập, rèn luyện còn thấp. Vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải giáo dục, nâng cao nhận thức cho sinh viên đối với môn học giáo dục QP-AN, để họ xác định rõ động cơ học tập. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng Nhà Trường đã thực hiện tốt việc tổ chức học rải môn giáo dục QP-AN với nhiều hình thức, biện pháp. Thay vì bố trí chương trình tập trung vào đầu năm học, những năm gần đây, Nhà trường tổ chức thành 4 đợt giáo dục QP-AN cho sinh viên vào đầu và cuối mỗi học kỳ. Do lưu lượng sinh viên lớn nên có đợt Nhà trường phải tổ chức ngày học 4 ca, thậm chí cả buổi tối và ngày nghỉ. Do vậy, ngay từ đầu năm học, sinh viên phải đăng ký thời gian học tập môn học để Nhà trường xây dựng kế hoạch. Để có đủ đội ngũ giảng viên, một mặt, Nhà trường đã chỉ đạo Khoa GDQP sử dụng số giảng viên của Khoa đã nghỉ hưu; mặt khác, mời giảng viên của các học viện, trường đại học, trường quân sự, các trung tâm GDQP. Để bảo đảm chất lượng giáo dục QP-AN, Khoa GDQP còn chủ động phối hợp với Phòng Đào tạo Đại học và Bộ môn Giáo dục thể chất của Nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch học tập chặt chẽ, khoa học. Nhà trường thực hiện việc học lý thuyết mỗi lớp học không quá 150 sinh viên; phần thảo luận, tổ chức sinh viên thành các trung đội, tiểu đội; khi thực hành động tác, chia nhỏ hoặc phân ca để sinh viên có đủ vũ khí, trang bị và bãi tập, khắc phục việc “dạy chay, học chay”. Trong điều kiện chưa có quân phục thống nhất, Nhà trường quy định: trong thời gian giáo dục QP-AN, sinh viên có thể sử dụng áo quân phục, hay áo sinh viên tình nguyện, quần dài (mặc sơ vin), đi giày, đội mũ cứng và đeo thẻ sinh viên, để bảo đảm tính nghiêm túc, thống nhất và thuận lợi cho công tác quản lý sinh viên. Ngoài ra, Nhà trường còn xây dựng và duy trì Trang thông tin điện tử nội bộ để cung cấp tài liệu, bài giảng cho sinh viên nghiên cứu, học tập; đồng thời, thông báo kế hoạch, kết quả học tập. Đây còn là diễn đàn trao đổi giữa Nhà trường với sinh viên. Những năm gần đây, Khoa GDQP luôn là một trong những đơn vị đi đầu Nhà trường về ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh học tập chính khóa, Nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, như: giao lưu, nói chuyện thời sự, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; tổ chức tham quan các bảo tàng và những địa danh lịch sử... Trước các dịp kỷ niệm những sự kiện quan trọng của đất nước, nhất là trong quá trình giảng dạy môn học giáo dục QP-AN, Nhà trường đã chủ động khai thác các bộ phim, ảnh, tài liệu về truyền thống của dân tộc, Quân đội, về chủ quyền biển, đảo, biên giới của Tổ quốc để giới thiệu cho sinh viên... Đây là hình thức không chỉ có tác dụng bổ trợ trực tiếp cho những nội dung học tập, mà còn có tác dụng giáo dục về truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý thức cảnh giác cách mạng; qua đó, làm cho thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá, ThS. NGUYỄN VĂN QUẢNG

Trưởng Khoa Giáo dục Quốc phòng Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...