Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 08/04/2019, 13:37 (GMT+7)
Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện tự chủ môn học giáo dục quốc phòng và an ninh

Quán triệt sâu sắc chủ trương chiến lược của Đảng, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện cần thiết để thực hiện tự chủ môn học giáo dục quốc phòng và an ninh. Đây là bước tiến quan trọng của Nhà trường.

Trong những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Mỏ - Địa chất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; phát huy vai trò nòng cốt của Khoa Giáo dục Quốc phòng trong tham mưu, tổ chức thực hiện. Qua đó, chất lượng môn học giáo dục quốc phòng và an ninh không ngừng nâng cao, góp phần tích cực vào công tác giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã đặt ra cho công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên của Nhà trường những yêu cầu mới cao hơn. Để thực hiện tốt môn học, Nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đột phá thực hiện tự chủ môn học giáo dục quốc phòng và an ninh. Xác định đây là nội dung nhằm đổi mới giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và thực hiện Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Với quyết tâm đó, Nhà trường đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tự chủ môn học, từ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thao trường, bãi tập đến đội ngũ giảng viên, v.v. Mặc dù đứng trước không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực vượt bậc, năm 2018, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã được Hội đồng Giáo dục Quốc phòng và an ninh Trung ương công nhận đủ điều kiện tự chủ môn học này.

Giảng viên của Khoa hướng dẫn cách gấp chăn, màn, quần áo cho sinh viên

Trước hết, Nhà trường chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của Khoa Giáo dục quốc phòng trong tham mưu, tổ chức thực hiện. Bám sát các chỉ thị, nghị định, thông tư, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; trực tiếp là Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 08-9-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; Thông tư liên tịch 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05-11-2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, v.v. Khoa Giáo dục Quốc phòng đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường xây dựng nghị quyết chuyên đề về tự chủ giáo dục quốc phòng và an ninh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tổ chức phổ biến, quán triệt các văn bản, tài liệu liên quan đến các đối tượng trong toàn Trường, tạo sự thống nhất về nhận thức và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Điểm mấu chốt, quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất trong tự chủ giáo dục quốc phòng và an ninh của Trường là phải có cơ sở để tổ chức cho sinh viên ăn, ở, sinh hoạt tập trung và có địa điểm huấn luyện thực hành để sinh viên được huấn luyện, rèn luyện tập trung như môi trường Quân đội. Giải quyết vấn đề này, Khoa chủ động rà soát, đánh giá đúng thực chất điều kiện cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập hiện có; đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường huy động nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp Cơ sở thực hành của Trường tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn thành Cơ sở giáo dục thực hành quốc phòng và an ninh của Nhà trường. Đồng thời, hiệp đồng với Trung đoàn 123 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn để hỗ trợ một số nội dung, một số mặt bảo đảm mà Nhà trường còn thiếu trong quá trình sinh viên tập trung học tập tại Cơ sở. Đặc biệt, Nhà trường đầu tư mua đầy đủ quân trang cho sinh viên và bộ máy bắn tập để huấn luyện, kiểm tra, đánh giá sát thực tế hơn.

Cùng với chuẩn bị Cơ sở giáo dục thực hành, Khoa tích cực tham mưu, đề xuất Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đầu tư kinh phí củng cố hệ thống giảng đường, phòng học chuyên dùng, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ mô phỏng 2D, 3D phục vụ giảng dạy những nội dung lý luận, đường lối quân sự, quốc phòng. Đến nay, 100% các giảng đường chuyên dùng được đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, như: máy tính với các phần mềm ứng dụng phù hợp, máy chiếu, hệ thống âm thanh, sơ đồ, bảng kẻ, v.v. Đồng thời, Nhà trường đã đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu khoa học vào giảng dạy, quản lý, kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn học này của sinh viên, như: “Ứng dụng phần mền Flash player 6 kết hợp với Video studio 11 vào giảng bài kỹ thuật quân sự”; “Tích hợp phần mềm quản lý, thông báo điểm, cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh với Website của Trường Đại học Mỏ - Địa chất”, v.v.

Song song với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất, trang bị, để đáp ứng yêu cầu cao, quy định nghiêm ngặt khi tự chủ môn học giáo dục quốc phòng và an ninh, Nhà trường tập trung kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên Khoa Giáo dục Quốc phòng. Thời gian qua, Nhà trường thường xuyên quan tâm tạo nguồn sĩ quan biệt phái và tuyển dụng giảng viên có đủ tiêu chuẩn, xây dựng đội ngũ giảng viên Khoa Giáo dục Quốc phòng đủ về số lượng, có chất lượng cao. Cùng với đó, Nhà trường coi trọng làm tốt công tác quy hoạch, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa đội ngũ giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Hiện nay, 100% giảng viên của Khoa Giáo dục Quốc phòng có trình độ đại học, trong đó gần 80% có trình độ sau đại học; 100% giảng viên giảng dạy được tất cả các khoa mục. Đây chính là nhân tố quan trọng, đảm bảo cho Nhà trường thực hiện tốt việc tự chủ giáo dục quốc phòng và an ninh.

Có một thực tế đặt ra là, Cơ sở giáo dục thực hành ở xa, giảng viên, sinh viên phải cơ động quãng đường dài lên đó sau thời gian học lý luận tại Trường. Điều đó tác động không nhỏ tới tư tưởng của đội ngũ cán bộ, giảng viên và công tác tổ chức, điều hành môn học. Để giải quyết vấn đề này, một mặt, Nhà trường tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên; mặt khác, chỉ đạo Khoa Giáo dục Quốc phòng lựa chọn các giảng viên có kinh nghiệm tổ chức huấn luyện thực hành giao trách nhiệm phụ trách tại Cơ sở giáo dục thực hành. Đồng thời, xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch tổ chức huấn luyện môn học phù hợp với điều kiện thực tiễn, cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót. Cùng với đó, Khoa phối hợp với các phòng: Công tác sinh viên, Chính trị truyền thông,... làm tốt công tác truyền thông, sử dụng hiệu quả kênh hỗ trợ là mạng xã hội giúp sinh viên, gia đình và xã hội hiểu đúng về giáo dục quốc phòng, an ninh và hiệu quả của công tác quản lý sinh viên ăn, ở, sinh hoạt tập trung.

Để nâng cao chất lượng môn học, Nhà trường duy trì nghiêm quy trình tổ chức giảng dạy và tăng cường công tác quản lý, rèn luyện sinh viên, đảm bảo sau khóa học, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức cơ bản về đường lối quốc phòng, an ninh, mà còn thực sự được rèn luyện, trải nghiêm trong môi trường quân sự. Theo đó, Nhà trướng chú trọng trang bị cả kiến thức, kỹ năng hoạt động quân sự và tăng cường các hoạt động bổ trợ; chương trình, kế hoạch môn học được phân chia khoa học, hợp lý. Nửa thời gian đầu, sinh viên học tại Trường, được trang bị những kiến thức cơ bản về đường lối quân sự của Đảng, như: chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, v.v. Trong thời gian này, Nhà trường yêu cầu giảng viên phát huy hiệu quả phương tiện giảng dạy hiện đại, đẩy mạnh đổi mới phương pháp; gắn nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh với chuyên ngành đào tạo để sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu sâu, trao đổi, lĩnh hội kiến thức một cách hệ thống, cơ bản. Đồng thời, chủ động quán triệt và tổ chức cho sinh viên xem các video clip về nền nếp, chế độ, các quy định của bộ đội để chuẩn bị tâm lý cho sinh viên sẵn sàng bước vào huấn luyện thực hành thời gian còn lại. Tại Cơ sở giáo dục thực hành, sinh viên được biên chế thành các đại đội. Giảng viên trực tiếp làm cán bộ trung đội, đại đội, thực hiện “3 cùng” với sinh viên theo chương trình, kế hoạch môn học; do vậy, người dạy và người học có sự đồng cảm, gắn bó trong quá trình học tập, rèn luyện. Để sinh viên được trải nghiệm môi trường quân sự, Khoa duy trì đầy đủ các nền nếp, chế độ ngày, tuần của quân nhân theo quy định của Điều lệnh Quân đội. Các chế độ trong ngày, từ báo thức đến ngủ nghỉ đều được hướng dẫn, tổ chức thực hiện nghiêm túc; đồng thời, thực hiện đầy đủ các chế độ trong tuần, như: chào cờ, tổng vệ sinh doanh trại, điểm danh,... qua đó, đã thực sự đưa sinh viên vào môi trường kỷ luật nghiêm ngặt. Trong môi trường đó, sinh viên được huấn luyện những kỹ năng cơ bản về điều lệnh đội ngũ, bắn súng, ném lựu đạn, chiến thuật chiến đấu bộ binh đến cấp tổ ba người tại thao trường đạt chuẩn với đầy đủ vũ khí, trang bị. Đặc biệt, sinh viên còn được tham quan một số đơn vị Quân đội, trực tiếp quan sát quang cảnh môi trường, cách sắp đặt trong danh trại, các hoạt động về thực hiện chế độ, sinh hoạt tập thể, công tác huấn luyện, v.v. Đồng thời, tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cùng cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 123, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong thực hiện các nhiệm vụ. Các hoạt động đó đã tạo điều kiện cho sinh viên được rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tính tự giác, tỉ mỉ, cẩn thận trong các hoạt động; hiểu được tính chất, yêu cầu, tính kỷ luật, thống nhất trong một tập thể và được trang bị những kỹ năng quân sự cần thiết, v.v. Đây là yếu tố quan trọng để họ bồi dưỡng, phát triển nhân cách, yếu tố ban đầu sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù mới triển khai thực hiện, nhưng kết quả đạt được1 đã khẳng định hướng đi đúng và nỗ lực vượt bậc của Trường Đại học Mỏ - Địa chất trong tự chủ môn học giáo dục quốc phòng và an ninh. Đây là tiền đề để Nhà trường tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng môn học này, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, ThS. NGUYỄN VĂN QUẢNG, Chủ nhiệm Khoa Giáo dục Quốc phòng
______________

1 - Khi chưa được tự chủ (Khóa 58), kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 9,5% khá và giỏi; đến Khóa 63 -khi được tự chủ, kết quả đã được tăng rất nhiều, 100% đạt yêu cầu, trong đó có 45,6% khá và giỏi.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...