Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 06/10/2016, 15:03 (GMT+7)
Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh

Trường Đại học Mỏ - Địa chất được thành lập ngày 15-11-1966. Trải qua 50 năm xây dựng, trưởng thành, Nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo; trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh được chú trọng, thực hiện bằng nhiều biện pháp đồng bộ, thu được kết quả tích cực.

Ra đời trong điều kiện cả nước có chiến tranh, gặp nhiều khó khăn, vừa phải xây dựng, vừa đào tạo, nghiên cứu khoa học và sẵn sàng chiến đấu, nhưng Nhà trường luôn dành sự quan tâm thích đáng đến công tác quốc phòng, quân sự, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ, sinh viên. Ban Quân sự (nay là Khoa Giáo dục Quốc phòng) đã phát huy phẩm chất người lính, tích cực tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường triển khai có hiệu quả công tác quân sự thời chiến, huấn luyện quân sự phổ thông cho sinh viên, tổ chức và duy trì hoạt động của lực lượng tự vệ Nhà trường. Từ những kiến thức chuyên ngành, kiến thức quốc phòng, an ninh được trang bị, các thế hệ cán bộ, sinh viên của Trường luôn đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trên cương vị công tác. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới, Nhà trường đã có 1.050 cán bộ, sinh viên lên đường tham gia chiến đấu và lập được nhiều thành tích.

Trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ của Nhà trường có sự phát triển cả về quy mô, loại hình đào tạo. Từ năm 2008, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên 04 trường liên kết1. Trong khi đó, số lượng giảng viên của Khoa Giáo dục Quốc phòng không tăng, kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm còn hạn hẹp, lại phải giảng dạy ở nhiều nơi khác nhau, v.v.

Ý thức rõ trách nhiệm, cùng những thuận lợi, khó khăn, để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, trước hết, Nhà trường chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của Khoa Giáo dục Quốc phòng trong tham mưu, tổ chức thực hiện. Bám sát các chỉ thị, nghị định, thông tư, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, cơ quan quân sự địa phương về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, hằng năm, Khoa Giáo dục Quốc phòng tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt các văn bản, tài liệu liên quan đến các đối tượng trong toàn Trường, tạo sự thống nhất trong nhận thức và trách nhiệm thực hiện. Đặc biệt, vừa qua, Nhà trường đã nghiêm túc quán triệt Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nghị định 13/2014/NĐ-CP, ngày 25-02-2014 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật cho các đối tượng. Đồng thời, chỉ đạo Khoa Giáo dục Quốc phòng xây dựng kế hoạch thực hiện. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, Nhà trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Binh chủng Pháo binh lựa chọn những cán bộ, sĩ quan có đủ tiêu chuẩn về Khoa Giáo dục Quốc phòng, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng cao. Mặt khác, Nhà trường xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ của Khoa. Bằng các biện pháp, đến nay, 100% giảng viên của Khoa Giáo dục Quốc phòng có trình độ đại học, trong đó có 07 thạc sĩ; 90% giảng viên trong khoa giảng dạy được tất cả các khoa mục. Lực lượng này đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Trường.

Từ kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nhà trường chú trọng đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, đối với cán bộ, đảng viên, công chức, Nhà trường thực hiện bồi dưỡng theo phân cấp, với phương châm trên dưới cùng làm. Hằng năm, Khoa Giáo dục Quốc phòng phối hợp với cơ quan chức năng rà soát số cán bộ thuộc đối tượng 2, 3, tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cử đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh tại Học viện Chính trị và Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội theo chỉ tiêu xác định. Các đối tượng còn lại, Khoa phối hợp với Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quận Bắc Từ Liêm xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Quận và tại Trường. Cùng với tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung, Nhà trường còn linh hoạt lồng ghép bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho giảng viên, công chức, cán bộ, chiến sĩ tự vệ, sĩ quan dự bị,... vào các đợt sinh hoạt chính trị, hội thao, hội thi, huấn luyện quân sự hằng năm, v.v. Đây là cách làm hiệu quả, vừa đảm bảo bồi dưỡng hết số đối tượng theo quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ kết hợp học tập với giải quyết tốt công việc ở cơ quan, đơn vị. Trong 5 năm (2011 - 2015), Nhà trường đã có 76 cán bộ đối tượng 2 và 3; 433 cán bộ đối tượng 4; 605 cán bộ, chiến sĩ tự vệ, sĩ quan dự bị hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định.

Sinh viên là đối tượng giáo dục quốc phòng và an ninh chủ yếu của Nhà trường. Do lưu lượng lớn (trên 7.000 sinh viên/năm, bao gồm sinh viên của Nhà trường và các trường liên kết), lại thuộc nhiều trường khác nhau; vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh, trước hết, Nhà trường chú trọng làm tốt công tác kế hoạch. Khoa Giáo dục Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Phòng Đào tạo hiệp đồng với trường liên kết về thời gian, lưu lượng sinh viên, làm cơ sở xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phù hợp với khả năng của Nhà trường và kế hoạch đào tạo của các chuyên ngành, các trường liên kết.

Giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên là chủ trương lớn của Đảng, nhằm bồi đắp, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc và có kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết. Theo đó, Nhà trường thực hiện gắn nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh với giáo dục các môn học chuyên ngành. Trên cơ sở nội dung, chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Nhà trường trao đổi, thống nhất với các trường liên kết xây dựng nội dung, chương trình phù hợp cho từng trường, sát với chuyên ngành mà sinh viên theo học. Từ đó, xây dựng kế hoạch huấn luyện một cách khoa học, không để chồng chéo; tăng thời gian huấn luyện thực hành và các hoạt động ngoại khóa. Nổi bật là, thời gian qua, Nhà trường đã thực hiện lồng ghép chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh với các khoa khác trong Trường, như: gắn nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia với Khoa Địa chất; nội dung về kỹ thuật thuốc nổ với Khoa Mỏ; nội dung bản đồ quân sự với Khoa Trắc địa,... hình thành sự liên kết, bổ trợ lẫn nhau, tạo sự lôi cuốn, giúp sinh viên dễ nhớ, dễ hiểu. Đây là cách làm khoa học, giúp công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên đạt hiệu quả cao, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ trong tổng thể nhiệm vụ đào tạo chung của Trường. Bên cạnh đó, Nhà trường chỉ đạo Khoa Giáo dục Quốc phòng thường xuyên cập nhật, bổ sung những nội dung mới về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc vào giảng dạy, đảm bảo nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên luôn đáp ứng sự phát triển của thực tiễn đất nước.

Do người học là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, phần lớn có nhận thức tốt, đã được làm quen với phương pháp dạy - học bậc đại học, Nhà trường chỉ đạo Khoa Giáo dục Quốc phòng nghiên cứu, vận dụng phương pháp dạy - học phù hợp. Trong đó, chú trọng vận dụng phương pháp dạy - học tích cực, như: nêu vấn đề, đàm thoại, gợi mở, đưa người học vào tình huống có vấn đề để đào sâu tư duy, khắc phục việc truyền thụ kiến thức một chiều; tích cực ứng dụng, sử dụng phương tiện dạy học hiện đại, tránh “giảng chay, học chay”. Thực hiện chỉ đạo của Nhà trường, Khoa Giáo dục Quốc phòng đã chủ động cử cán bộ tham gia tập huấn về phương pháp, thống nhất về nội dung, chương trình, cập nhật những kiến thức mới về giáo dục quốc phòng và an ninh, nâng cao khả năng sư phạm do Vụ Giáo dục Quốc phòng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức. Mặt khác, Khoa đẩy mạnh hoạt động phương pháp, duy trì nghiêm quy định về phê duyệt, thông qua giáo án; giao chuyên đề cho giảng viên chuẩn bị, tổ chức giảng thử, rút kinh nghiệm, sau đó bổ sung, hoàn thiện giáo án. Khoa còn tích cực tổ chức và cử giảng viên tham gia hội thi giảng viên dạy giỏi hằng năm của Trường và Vụ Giáo dục Quốc phòng tổ chức; coi đây là một hướng quan trọng để nâng cao bản lĩnh, tâm lý, kỹ năng sư phạm và trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên Khoa Giáo dục Quốc phòng đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế, xây dựng bài giảng và sử dụng phương tiện dạy học hiện đại. Đến nay, 100% các bài giảng được minh họa bằng âm thanh, hình ảnh, phim tư liệu về hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh,... làm cho nội dung bài giảng sống động, lôi cuốn, khắc phục sự khô cứng của môn học. Đi liền với đó, công tác kiểm tra, đánh giá kết quả môn học được Nhà trường thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng Thông tư 40 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nay là Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-GDĐT-BLĐTBXH). Nhà trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng ngân hàng đề thi với trên 100 đề thi trắc nghiệm; tổ chức thi thực hành các khoa mục quân sự, kiểm tra bắn bằng súng điện tử (MBT03), đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của sinh viên.

Cùng với các nội dung, biện pháp trên, Nhà trường quan tâm đầu tư mua sắm trang bị và đồ dùng dạy - học, xây dựng phòng học chuyên dùng; triển khai nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh. Thời gian qua, Khoa Giáo dục Quốc phòng đã phát huy vai trò nòng cốt, hoàn thành 08 đề tài khoa học cấp Trường thuộc lĩnh vực giáo dục quốc phòng và an ninh, như: đề tài “Ứng dụng phần mềm Flash player 6 kết hợp Video studio 11 vào bài giảng kỹ thuật quân sự”; “Đổi mới phương pháp dạy học trong giảng dạy môn Đường lối quân sự của Đảng theo học chế tín chỉ”; “Tích hợp phần mềm quản lý, thông báo điểm, cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh với Webside của Trường Đại học Mỏ - Địa chất”, v.v. Các đề tài đã được nghiệm thu, ứng dụng trực tiếp vào công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Nhà trường, góp phần làm chuyển biến căn bản về chất lượng học tập của sinh viên.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, từ năm 2010 đến nay, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho trên 30.000 lượt sinh viên; kết quả: 100% sinh viên đủ điều kiện để cấp chứng chỉ tốt nghiệp, trong đó có trên 60% khá, giỏi, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Kết quả và kinh nghiệm đó là cơ sở quan trọng để Nhà trường tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, ThS. NGUYỄN VĂN QUẢNG, Trưởng khoa Giáo dục Quốc phòng

_____________         

1 - 04 trường liên kết: Học viện Ngoại giao; Trường Đại học Nội vụ; Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội; Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (nay là Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường).

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...