Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 10/04/2014, 16:18 (GMT+7)
Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên

Giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên là một chủ trương lớn của Đảng. Những năm qua, Trường Đại học Mỏ - Địa chất  đã có nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thực hiện mục tiêu đào tạo, phát triển năng lực toàn diện nguồn nhân lực cho các ngành thuộc lĩnh vực: mỏ, địa chất, dầu khí, trắc địa,... Trường Đại học Mỏ - Địa chất luôn quan tâm đến công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) cho sinh viên. Hơn 10 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trực tiếp là Vụ GDQP&AN, Nhà trường, mà nòng cốt là Khoa Giáo dục Quốc phòng (GDQP) đã hoàn thành nhiệm vụ GDQP&AN cho gần 35.000 sinh viên. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho sinh viên về đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những thành tích đó, Khoa GDQP và một số cán bộ của Nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác GDQP&AN của Trường còn một số hạn chế, bất cập. Nhận thức của một số sinh viên về môn học chưa đầy đủ. Mặt khác, lưu lượng sinh viên hằng năm tăng nhanh (năm 2002 khoảng 1.200, năm 2014 lên gần 4.500 sinh viên), trong khi giảng viên môn học không tăng, cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặc thù của môn học,… là những khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng GDQP&AN của Nhà trường.

Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và để thực hiện tốt Luật GDQP&AN, Nhà trường đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng GDQP&AN cho sinh viên.

Trước hết, Nhà trường tập trung xây dựng Khoa GDQP vững mạnh toàn diện. Đây là khoa trung tâm, có chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và trực tiếp tổ chức thực hiện công tác GDQP&AN. Bởi vậy, xây dựng Khoa vững mạnh có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao chất lượng GDQP&AN. Theo đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Khoa vững mạnh về tư tưởng, tổ chức và chuyên môn. Tập thể cán bộ, giảng viên của Khoa luôn quán triệt, nắm vững Luật GDQP&AN cùng các nghị quyết, chỉ thị, nghị định của Đảng, Chính phủ về công tác GDQP&AN, gắn với định hướng trong “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). Từ đó, nhận thức sâu sắc mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ GDQP&AN, xây dựng ý thức trách nhiệm, quan điểm chính trị trong thực hiện nhiệm vụ này. Đi đôi với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Nhà trường coi trọng quản lý và rèn luyện đội ngũ giảng viên, đảng viên, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, nền nếp chính quy đảm bảo là một khoa mẫu mực. Hiện nay, 100% giảng viên của Khoa có trình độ đại học; trong đó, gần 50% có trình độ sau đại học. Tuy nhiên, đa số giảng viên là sĩ quan biệt phái của Trường Sĩ quan Pháo binh nên còn ít kinh nghiệm trong môi trường giáo dục sinh viên, nhất là về phương pháp giảng dạy. Để chuẩn hóa đội ngũ giảng viên của Khoa cả về trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm, Nhà trường tích cực đưa giảng viên đi tập huấn phương pháp, cập nhật kiến thức mới do Vụ GDQP&AN tổ chức. Bên cạnh đó, Nhà trường chỉ đạo Khoa tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ giảng viên, sát với tình hình thực tế và nhiệm vụ của Khoa; tập trung vào những giảng viên mới. Do đặc thù môn học, Nhà trường yêu cầu các giảng viên phải có kiến thức toàn diện, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực quốc phòng và an ninh (QP&AN); đồng thời, có kiến thức cơ bản về các chuyên ngành đào tạo của Nhà trường và quá trình giảng dạy phải đảm bảo sâu về lý luận, thành thục về thực hành kỹ năng quân sự, vận dụng kiến thức môn học sát với từng chuyên ngành đào tạo. Thực hiện mục tiêu đó, Khoa coi trọng bồi dưỡng nâng cao cả kiến thức tổng hợp, năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm cho giảng viên. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Nhà trường đã

quan tâm dành riêng cho Khoa một phòng đầy đủ trang, thiết bị dạy học để làm giảng đường giảng tập, giảng thử. Các chế độ thông qua giáo án, trao đổi học thuật về phương pháp, nội dung giảng dạy, thống nhất đề cương bài giảng, từng giảng viên giảng tập, giảng thử rút kinh nghiệm, thục luyện giáo án được Khoa duy trì thực hiện có nền nếp. Bên cạnh đó, Khoa chủ động phân công giảng viên có kinh nghiệm bồi dưỡng, giúp đỡ giảng viên ít kinh nghiệm; giảng viên cũ kèm cặp giảng viên mới. Do lượng sinh viên đông trong khi giảng viên ít, Khoa đã tích cực bồi dưỡng về chuyên môn để mỗi giảng viên có thể giảng nhiều nội dung khác nhau, với cách làm như vậy, 70% giảng viên của Khoa đã đảm nhiệm giảng dạy tất cả các nội dung. Công tác thanh tra, kiểm tra giáo án, giờ giảng của giảng viên được Nhà trường, Khoa duy trì nghiêm túc theo Thông tư 40 của Bộ GD&ĐT về tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn GDQP&AN. Nhà trường còn chỉ đạo Khoa GDQP phối hợp với Phòng Khoa học - Công nghệ, Khoa Công nghệ thông tin để bổ trợ, bồi dưỡng về mặt kỹ thuật, tin học cho giảng viên, nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp GDQP&AN. Trên cơ sở chương trình, giáo trình GDQP&AN do Bộ GD&ĐT ban hành, Nhà trường đẩy mạnh việc nghiên cứu xây dựng nội dung, chương trình giáo dục phù hợp với đối tượng. Trong đó, bổ sung những nội dung cơ bản về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng. Thời gian qua, Trường nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cấu trúc và một số nội dung môn học từ học chế học phần sang học chế tín chỉ; điều chỉnh cấu trúc bài giảng để tránh sự trùng lặp; bổ sung nội dung chi tiết ở một số mục cho phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, Nhà trường, Khoa lồng ghép chương trình GDQP&AN phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, như: nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; nội dung về kỹ thuật thuốc nổ; nội dung bản đồ quân sự,... hình thành sự liên kết, bổ trợ lẫn nhau, tạo sự lôi cuốn, giúp sinh viên dễ nhớ, dễ hiểu. Thực tiễn cho thấy cách làm này đã và đang đạt hiệu quả thiết thực.

Cùng với đổi mới nội dung, Nhà trường chỉ đạo Khoa đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng GDQP&AN. Theo đó, Khoa yêu cầu giáo viên vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, phù hợp với nội dung từng chuyên đề, hình thức lên lớp (lý thuyết, thực hành). Trong đó, kiên quyết khắc phục lối truyền thụ kiến thức một chiều; coi trọng vai trò chủ thể của người học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế, xây dựng bài giảng và sử dụng phương tiện dạy học hiện đại. Những năm qua, Khoa GDQP luôn là khoa đi đầu trong sử dụng giáo án điện tử, các bài giảng được minh họa bằng âm thanh, hình ảnh hay các đoạn video clip về hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh làm nội dung truyền thụ sống động, lôi cuốn người học, khắc phục sự khô cứng của môn học này. Để nâng cao hiệu quả GDQP&AN, Nhà trường còn chú trọng phát huy đội ngũ trợ giảng là sinh viên đã trải qua rèn luyện trong Quân đội; kết hợp giữa truyền thụ kiến thức, kỹ năng quân sự với hoạt động thực tiễn để xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể cho sinh viên, như: nền nếp, tác phong trên thao trường, trật tự nội vụ nơi ăn, ở; các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”; thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống của Đảng, Quân đội,... Qua đó, thực hiện gắn “học” với “hành”, giúp sinh viên biến những kiến thức được truyền thụ về QP&AN trở thành hành động cụ thể, thành tình cảm, niềm tin, giá trị bền vững.

Ba là, làm tốt công tác phối hợp, kết hợp giữa Khoa GDQP với các phòng, khoa, ban, các tổ chức đoàn thể khác trong Nhà trường; giữa Nhà trường với Binh chủng Pháo binh, Trường Sĩ quan Pháo binh và Hội đồng GDQP&AN huyện Từ Liêm (cũ) trong thực hiện công tác GDQP&AN. Công tác GDQP&AN là nhiệm vụ có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều tổ chức, đoàn thể. Vì thế, để nâng cao chất lượng GDQP&AN, cùng với tổ chức giáo dục cơ bản theo chương trình của môn học, Khoa GDQP còn tham mưu cho Nhà trường chỉ đạo sự phối hợp giữa các khoa trong Trường, lồng ghép nội dung GDQP&AN vào nội dung, chương trình giáo dục các môn học và các hoạt động xã hội của các tổ chức, đoàn thể: Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên,... phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Trường trong thực hiện công tác này. Để đạt hiệu quả cao, Trường đã chỉ đạo Khoa GDQP cập nhật sự phát triển mới của nhiệm vụ QP&AN, bảo vệ Tổ quốc để giới thiệu, bồi dưỡng cho giáo viên của Nhà trường, tạo sự thống nhất về nhận thức trong giảng dạy. Cùng với các biện pháp trên, Nhà trường thường xuyên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác GDQP&AN, nhất là các mô hình, học cụ, giảng đường chuyên dùng, thao trường huấn luyện,... đáp ứng sự gia tăng lưu lượng sinh viên và yêu cầu ngày càng cao của môn học.

Từ kết quả đạt được, Trường Đại học Mỏ - Địa chất tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp và tích cực chuẩn bị mọi mặt để thực hiện Đề án xây dựng Khoa thành Trung tâm GDQP&AN, nhằm nâng cao chất lượng GDQP&AN của Nhà trường lên một bước mới, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, ThS. NGUYỄN VĂN QUẢNG

Trưởng Khoa Giáo dục Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...