Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 13/08/2012, 15:06 (GMT+7)
Trường Đại học Chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Cùng với tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ và thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều biện pháp, hình thức phong phú, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.


Trường Đại học Chính trị (Trường Sĩ quan Chính trị) là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trong Quân đội. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định: “Lấy việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật là khâu đột phá để xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện”. Thực hiện chủ trương đó, Nhà trường đã tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp; trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PB,GDPL) được chú trọng.

Để công tác tuyên truyền, PB,GDPL đạt hiệu quả cao, trước hết, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tập trung kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác PB,GDPL và các tổ chức, lực lượng tiến hành phù hợp với thực tiễn Nhà trường. Hội đồng có chức năng tham mưu, chỉ đạo và duy trì sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để thực hiện công tác tuyên truyền, PB,GDPL trong Nhà trường theo chỉ thị, kế hoạch giáo dục pháp luật của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị; tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PB,GDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”; Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới” và các văn bản hướng dẫn, kế hoạch của cấp trên. Đồng thời, nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 2067/KH-BQP, ngày 16-4-2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PB,GDPL trong nhà trường” theo Quyết định số 1928/QĐ-TTg, ngày 20-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện công tác tuyên truyền, PB,GDPL cho các cơ quan, đơn vị trong toàn trường. Trong Hội đồng có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên theo các nhóm phù hợp với từng đối tượng. Hội đồng đã tập trung giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, PB,GDPL; xác định chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của Hội đồng, nhiệm vụ của lực lượng báo cáo viên; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong lãnh đạo, triển khai công tác tuyên truyền, PB,GDPL ở đơn vị mình… Hội đồng chỉ đạo phải bổ sung, liên hệ những nội dung cơ bản của các chuyên đề giáo dục pháp luật vào chương trình giáo dục chính trị tại đơn vị và nội dung bài giảng, hoạt động nghiên cứu khoa học. Thông qua đó, làm cho mọi cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc đẩy mạnh tuyên truyền, PB,GDPL với việc nâng cao hiểu biết về pháp luật, củng cố tình cảm, niềm tin và tạo được ý thức, hành vi sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật,… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng nền nếp chính quy trong Nhà trường. Trong tuyên truyền, PB,GDPL, Hội đồng đặc biệt quan tâm đến đối tượng học viên. Bởi lẽ, đây là lực lượng đông đảo, sau khi tốt nghiệp sẽ là những chính trị viên, chủ trì về chính trị, trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, PB,GDPL ở đơn vị cơ sở. Điều đó đã được quán triệt và thể hiện trong hoạt động của Hội đồng nói riêng, cũng như tất cả các khâu, các bước, từng nội dung, hình thức của công tác tuyên truyền, PB,GDPL trong toàn Trường nói chung.

Cùng với tuân thủ nghiêm hệ thống các biện pháp, hình thức PB,GDPL theo những quy định chung của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Nhà trường đã thực hiện đa dạng các hình thức, biện pháp phù hợp đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ, theo hướng: gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành; giáo dục pháp luật với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh. Các đơn vị trong Nhà trường đã chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính khóa với giáo dục ngoại khóa; lồng ghép một cách hợp lý nội dung pháp luật trong chương trình đào tạo với các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Để làm được điều đó, một mặt Nhà trường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; mặt khác, khai thác lợi thế của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn, nhất là giảng viên của Khoa Nhà nước và pháp luật tham gia giới thiệu các chuyên đề pháp luật. Đồng thời, tăng cường lồng ghép tuyên truyền, PB,GDPL với các hoạt động khác, như: thông qua thực tiễn thực hiện chức trách, nhiệm vụ, xử lý vi phạm pháp luật, kỷ luật, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Ngày chính trị, văn hóa - tinh thần; Cuộc vận động “hai không” của ngành Giáo dục; chống “diễn biến hòa bình”. Công tác tuyên truyền, PB,GDPL còn được gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện chỉ tiêu của phong trào Thi đua Quyết thắng; tăng cường nội dung nhận thức pháp luật trong kiểm tra chính trị, lấy đó là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, hội viên, đoàn viên các tổ chức quần chúng. Ngoài ra, Nhà trường luôn sử dụng có hiệu quả đài truyền thanh nội bộ, Bản tin Thi đua, pa-nô, khẩu hiệu, tủ sách pháp luật để tuyên truyền, giáo dục pháp luật và tổ chức tốt các cuộc thi tìm hiểu pháp luật1, sân khấu hóa, câu lạc bộ pháp luật… Thực hiện “Năm An toàn giao thông - 2012”, Nhà trường đưa các nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ vào Hội thi chủ nhiệm lớp, đại đội trưởng giỏi. Cùng với tuyên truyền, PB,GDPL trong nội bộ, Nhà trường còn tổ chức cho học viên tham gia tuyên truyền về Luật An toàn giao thông, các văn bản pháp luật về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho địa phương kết nghĩa của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trong những đợt hành quân làm công tác dân vận kết hợp Hè tình nguyện, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao.

Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền, PB,GDPL ở Trường Đại học Chính trị là đã chú trọng gắn công tác này với quá trình quán triệt và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cá nhân; yêu cầu nhiệm vụ của từng loại hình cơ quan, đơn vị và công tác quản lý, chỉ huy, tổ chức thực hiện các quy chế trong Nhà trường. Trong đó, Nhà trường yêu cầu phải kết hợp giữa xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của Nhà trường với bồi dưỡng trình độ, năng lực, niềm tin pháp lý; gắn kết quả chấp hành pháp luật, kỷ luật của mỗi tập thể, cá nhân với tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhất là với các đồng chí giữ cương vị bí thư cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị. Đồng thời, có thái độ kiên quyết đấu tranh với những nhận thức, hành vi lệch lạc dẫn đến vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; qua đó, củng cố, xây dựng môi trường văn hóa pháp luật lành mạnh trong Nhà trường.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả “Ngày pháp luật” là một biện pháp, hình thức được Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt. Chấp hành Chỉ thị số 04/CT-BQP, ngày 20-01-2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chính ủy Nhà trường đã ra Chỉ thị số 643/CT-SQCT, ngày 29-3-2011 “Triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” ở Trường Sĩ quan Chính trị”; Hội đồng phối hợp công tác PB,GDPL của Nhà trường đã ban hành Hướng dẫn số 644/HD-HĐ, thống nhất về nội dung, hình thức tổ chức “Ngày pháp luật” ở các cơ quan, đơn vị trong toàn Trường. Theo đó, trong “Ngày pháp luật”, các đơn vị tập trung thông tin, tìm hiểu, giải đáp kịp thời những nội dung cơ bản của các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; những văn bản luật cơ bản thường xuyên có liên quan trực tiếp đến quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ của cá nhân, tính chất và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật của từng loại hình cơ quan, đơn vị. Đồng thời, phổ biến những văn bản, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn có liên quan của lãnh đạo, chỉ huy các cấp; tuyên truyền, giáo dục, trao đổi, bàn biện pháp thực hiện nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Hình thức tổ chức “Ngày pháp luật” ở Nhà trường được triển khai phong phú, đa dạng, như: thực hiện hành vi “kiểu mẫu” trong chấp hành pháp luật, kỷ luật, quy định; kể chuyện, diễn giảng các nội dung pháp luật; trao đổi, tọa đàm các văn bản quy phạm pháp luật; trưng bày, giới thiệu sách pháp luật; kết hợp các nội dung “Ngày pháp luật” với các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng… Các hình thức trên đã thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên tham gia, có hiệu quả tốt. Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, được học viên coi là bài học mẫu để vận dụng tại đơn vị cơ sở khi ra trường, như: “Ngày văn hóa pháp luật” - mô hình lồng ghép giữa “Ngày pháp luật” với chế độ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tối thứ tư hằng tuần.

Tổ chức nghiên cứu khoa học về xây dựng nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật, PB,GDPL được coi là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PB,GDPL trong Nhà trường. Nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ, yêu cầu bắt buộc đối với toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường. Trong kế hoạch nghiên cứu khoa học hằng năm, Nhà trường đều xây dựng và khuyến khích cán bộ, giảng viên, học viên lựa chọn các đề tài, chuyên đề liên quan đến xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, môi trường văn hóa pháp luật của các cơ quan, đơn vị và của Nhà trường. Điển hình gần đây là đề tài: “Giải pháp nâng cao chất lượng PB,GDPL ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay” do tập thể Khoa Nhà nước và pháp luật thực hiện, đã được nghiệm thu với kết quả xuất sắc. Chính trong quá trình nghiên cứu, tác giả của các đề tài, chuyên đề phải sưu tầm tư liệu, thu thập số liệu có liên quan, thông qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho chính mình. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho các chủ thể tiến hành PB,GDPL ở Nhà trường đổi mới nội dung, biện pháp, tiến hành có hiệu quả mặt công tác này. Ngoài ra, việc Khoa Nhà nước và pháp luật thường xuyên nghiên cứu nâng cao chất lượng tài liệu, giáo trình, tập bài; bổ sung, cập nhập những văn bản pháp luật mới, tình hình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thực tiễn thi hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội,… giúp học viên nắm kiến thức thực chất hơn, biết vận dụng vào giải quyết tốt các tình huống pháp luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người chính trị viên tương lai.

Những chủ trương, giải pháp trên đã tạo được ý thức, hành vi sống theo pháp luật, chấp hành nghiêm Điều lệnh, quy định… của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ trong toàn trường. Qua đó, mỗi người đã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị thường xuyên duy trì tốt các quy định về sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban, tuần tra canh gác, bảo đảm đơn vị an toàn, nhất là trong ngày nghỉ, dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hè; lễ tiết tác phong, xưng hô, chào hỏi có chuyển biến tốt; các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc quản lý, duy trì kỷ luật. Trong những năm qua, toàn trường không có vụ việc nghiêm trọng xảy ra; kết quả rèn luyện của học viên luôn đạt trên 99,5% tốt và khá, trong đó có 96% ở mức tốt.

Kết quả đó đã và sẽ góp phần để Trường Đại học Chính trị thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ giáo dục - đào tạo; bảo đảm để sau khi tốt nghiệp, mỗi học viên thực sự là những cán bộ của Đảng trong Quân đội, vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

 Thiếu tướng, TS. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG

Phó Chính ủy Nhà trường

                   

1 - Năm 2009, Nhà trường tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ năm 2008”, huy động được 100% cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ tham gia. Kết quả: 100% các bài đạt yêu cầu, 87,93% khá giỏi, trong đó, có 30% giỏi. Tham gia thi tìm hiểu cấp Bộ, tập thể Nhà trường được Bộ Quốc phòng tặng Giấy khen và một cá nhân được giải Khuyến khích.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...