Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 10/09/2012, 15:37 (GMT+7)
Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô tô với “Năm an toàn giao thông - 2012”


Thi thực hành lái xe trên địa hình lầy, trơn trượt trong Hội thi lái xe

Tai nạn giao thông đang là một vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Hằng năm, ở nước ta có hàng chục ngàn người chết và bị thương do tai nạn giao thông, để lại hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, người thân và xã hội. Trong Quân đội, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn giao thông (ATGT), dẫn đến thương vong và hư hỏng phương tiện cũng đang là lời cảnh báo của nhiều đơn vị. Nhận rõ vấn đề đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô tô đã có nhiều chủ trương, biện pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hưởng ứng và thực hiện tốt “Năm ATGT - 2012”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Nhà trường.

Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô tô là một trung tâm đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và lái xe ô tô các hạng cho Quân đội, nên yêu cầu đặt ra đối với Nhà trường trong việc nâng cao ý thức chấp hành nghiêm mọi quy định cho cán bộ, nhân viên để bảo đảm ATGT rất cao. Trong những năm gần đây, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của Nhà trường có bước phát triển mới; ngoài đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và lái xe cho Quân đội, Nhà trường còn tham gia đào tạo nguồn nhân lực lái xe, thợ sửa chữa ô tô phục vụ cho sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Do đối tượng, quy mô đào tạo mở rộng theo hướng đa dạng (lái xe hạng C, D, E, Fc, A1, B1, B2,...), số lượng học viên đông, trình độ nhận thức không đồng đều,… nên vấn đề bảo đảm ATGT càng đặt ra bức thiết hơn. Bởi vậy, ngay sau khi có Chỉ thị về thực hiện “Năm ATGT - 2012”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã phát động phong trào thi đua hưởng ứng một cách sâu rộng trong tất cả các đối tượng; chú trọng gắn việc tuyên truyền về “Năm ATGT - 2012” với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện “xây” đi đôi với “chống”, nhận thức gắn liền với hành động. Để làm được điều đó, vấn đề có ý nghĩa quan trọng trước hết là làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT cho mọi đối tượng. Theo đó, Nhà trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên về bảo đảm trật tự, ATGT, nhất là Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, ATGT, Chỉ thị số 108/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Hướng dẫn số 5457/HD-TM của Bộ Tham mưu (Tổng cục Kỹ thuật) về tháng cao điểm và năm ATGT; đồng thời, chỉ đạo Phòng Kỹ thuật (cơ quan thường trực Cuộc vận động 50) xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện sát hợp với tình hình thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. Các cơ quan chức năng chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường ban hành nhiều văn bản mang tính ràng buộc, yêu cầu mọi đối tượng phải thực hiện nghiêm túc khi tham gia giao thông, như: Quy định về bảo đảm ATGT trong huấn luyện; cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông; quy định về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy đối với các đối tượng,v.v. Những nội dung này đều được quán triệt sâu rộng đến từng cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị và mọi người để thống nhất thực hiện. Trong công tác huấn luyện, Nhà trường chỉ đạo Khoa Giao thông chú ý gắn kết chặt chẽ chương trình huấn luyện chính khóa về Luật Giao thông đường bộ với các nội dung, yêu cầu thực hiện “Năm ATGT - 2012” để nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật cho học viên. Trong quá trình lên lớp, giáo viên chú ý cập nhật số liệu, thông tin về tình hình chấp hành Luật Giao thông đường bộ; lấy dẫn chứng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông; đặc biệt là tình trạng sử dụng rượu, bia dẫn đến tai nạn giao thông. Riêng đối với lái xe cho Quân đội, ngoài huấn luyện chung về Luật, Nhà trường còn chỉ đạo tăng cường nội dung huấn luyện về kỷ luật quân đội, làm cho học viên nắm chắc về yêu cầu quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng xe quân sự có liên quan. Thông qua bài giảng, giúp người học vừa nâng cao kiến thức pháp luật và bảo đảm trật tự, ATGT, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích; trên cơ sở đó, đề cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ và kỷ luật quân đội.

Cùng với việc nâng cao chất lượng bài giảng, Nhà trường còn quan tâm đến việc đầu tư trang bị, hoàn thiện các phòng học thực nghiệm, phòng chuyên dùng, các bãi lái xe; chủ động xây dựng các bài tập tình huống sát với thực tế hoạt động quân sự, như: lái xe qua hầm, cầu, phà, ngầm, qua địa hình rừng núi, đèo, dốc gấp khúc, hành quân ban đêm,… để giúp học viên xử lý tốt các tình huống trên thực tế, làm cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị sau khi tốt nghiệp... Trước mỗi đợt hành quân dã ngoại, thực hành sát hạch lái xe, Nhà trường đều phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an các địa phương trên địa bàn nhằm bảo đảm trật tự, ATGT và giữ nghiêm kỷ luật trong quan hệ quân - dân. Nhờ đó, các đợt huấn luyện thực hành lái xe, dã ngoại đường dài và sát hạch, thi tốt nghiệp cho học viên các khóa đều đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cả về người và phương tiện. Từ đầu năm đến nay, Nhà trường đã kiểm tra ATGT được 383 lượt; tổ chức thi lái xe giỏi cho 38 lái xe, với hơn 2 triệu ki-lô-mét an toàn tuyệt đối.

Do yêu cầu nhiệm vụ đào tạo lái xe, nên số lượng phương tiện xe ô tô, xe gắn máy của Nhà trường tham gia giao thông thường xuyên ở mức độ cao. Hơn nữa, địa bàn hoạt động của các loại phương tiện rộng, chủ yếu là trên địa hình rừng, núi, nhiều đèo, dốc cao, cường độ xe hoạt động lớn... Trong khi đó, phần lớn số lượng xe do Nhà trường quản lý đã qua nhiều năm sử dụng, nên tình trạng kỹ thuật xuống cấp; kinh phí, vật tư bảo đảm cho sửa chữa, bảo quản còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế... Xuất phát từ những đặc điểm trên, để bảo đảm ATGT, Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật. Thông qua việc duy trì có nền nếp các chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa xe máy theo định kỳ, vào các Ngày kỹ thuật hằng tuần (thứ sáu), Phòng Kỹ thuật chủ trì công tác kiểm tra toàn diện ở các cấp trong toàn Trường. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, yếu kém, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hiệu quả tình trạng xuống cấp của các loại xe máy. Công tác kiểm định xe máy cũng được Nhà trường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kiên quyết không cấp giấy chứng nhận an toàn và đình chỉ lưu hành đối với các xe không đạt yêu cầu kỹ thuật. Đối với phương tiện cá nhân, Nhà trường yêu cầu các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác đăng ký, quản lý chặt chẽ cả về loại xe, chủ phương tiện, biển kiểm soát và giấy phép lái xe; chú trọng các biện pháp kiểm tra theo định kỳ, đột xuất về tình trạng kỹ thuật và các loại giấy tờ kèm theo, bảo đảm quân nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định mới được tham gia giao thông. Từ đầu năm đến nay, Nhà trường đã kiểm định và cấp giấy chứng nhận ATGT cho 172 lượt xe; bảo dưỡng được 534 lượt xe; sửa chữa 840 lượt xe, bảo đảm hệ số kỹ thuật cao.


Phần thi thực hành sửa chữa trong Hội thi thợ giỏi

Để việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ trở thành thói quen, nếp sống của mỗi người, Nhà trường đã chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT. Việc củng cố hệ thống biển báo giao thông, pa-nô, áp-phích trong doanh trại không chỉ có tác dụng nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục trực quan, mà còn là cơ sở để rèn luyện ý thức chấp hành giao thông của mỗi người. Cách thức lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATGT với các hoạt động khác, như: gặp mặt truyền thống, giao lưu, đối thoại về pháp luật với các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên của Nhà trường qua các thời kỳ; diễn đàn “Thanh niên với văn hóa giao thông” và tổ chức tốt các hội thi: “Giáo viên dạy giỏi”, “Thợ sửa chữa giỏi”, “Lái xe giỏi”, “Lái xe an toàn”, thi nội san;... đã góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành cho mọi đối tượng. Việc xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống tài liệu, sách, báo pháp luật tại Thư viện được duy trì có nền nếp. Ngoài ra, Nhà trường đã hoàn thiện, phổ cập hệ thống mạng LAN trong nội bộ để cập nhật thông tin, tài liệu, đáp ứng kịp thời nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập của mọi cán bộ, giáo viên, học viên. Đi đôi với các hoạt động đó, Nhà trường còn đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt, rèn luyện kỷ luật nghiêm, an toàn tuyệt đối” gắn với đẩy mạnh Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Các chỉ tiêu huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, an toàn tuyệt đối,... đã được cụ thể hóa sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân và trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong toàn Trường phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tăng cường công tác kiểm tra xe quân sự và chấn chỉnh tác phong quân nhân khi tham gia giao thông cũng là một biện pháp quan trọng được Nhà trường chỉ đạo thực hiện tốt. Để làm tốt nhiệm vụ này, Nhà trường đã đầu tư kinh phí mua, sắm thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, máy đo tốc độ và tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra xe quân sự lưu thông trên địa bàn; chủ động phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát giao thông thị xã Sơn Tây tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm của chủ phương tiện, đặc biệt là tình trạng sử dụng bằng lái xe giả, biển số giả, góp phần đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng danh nghĩa xe quân sự để hoạt động phạm pháp, phòng ngừa và giảm tối đa tai nạn giao thông. Ngoài ra, Nhà trường còn tăng cường kiểm tra lễ tiết tác phong của quân nhân khi ra, vào doanh trại; kịp thời uốn nắn, nhắc nhở và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp cố tình vi phạm, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp trong chấp hành kỷ luật nói chung và kỷ luật ATGT nói riêng, để làm gương cho học viên. Kết quả kiểm tra ATGT được Nhà trường lấy làm tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại thi đua của các cơ quan, đơn vị; đồng thời, chỉ đạo cơ quan Chính trị thông báo kịp thời qua hệ thống truyền thanh nội bộ, giao ban hằng tuần của Nhà trường và phối hợp với đài phát thanh, truyền hình thị xã Sơn Tây để tuyên truyền những nội dung hoạt động liên quan đến ATGT, văn hóa giao thông; nêu những gương người tốt, việc tốt trong chấp hành ATGT.

Những giải pháp trên đây bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ trong Nhà trường. Từ đầu năm đến nay, tình hình chấp hành Luật Giao thông đường bộ và lễ tiết tác phong quân nhân trong Nhà trường có nhiều tiến bộ. Ý thức tự giác của cán bộ, chiến sĩ khi tham gia giao thông được nâng cao. Các vụ việc vi phạm kỷ luật nói chung và vi phạm ATGT nói riêng của mọi đối tượng ngày càng giảm (hiện nay không còn), các đợt thực hành huấn luyện đường dài, qua nhiều địa hình phức tạp đều bảo đảm an toàn tuyệt đối. Việc thực hiện “Năm ATGT - 2012” ở Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô tô ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm cho Nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và lái xe có uy tín của Quân đội ở khu vực phía Bắc.

Đại tá, ThS. PHAN TRỌNG TÁM

Phó Chính ủy Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...