Thứ Sáu, 22/11/2024, 03:05 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung, cho học sinh, sinh viên nói riêng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, được Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp; trong đó, đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy thường xuyên được coi trọng và thu được kết quả thiết thực.
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (sau đây gọi tắt là Trung tâm) có nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên của Nhà trường và các trường liên kết theo Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05/11/2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về “Quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học”; Quyết định số 2861/QĐ-BQP, ngày 24/8/2021 của Bộ Quốc phòng về “Điều chỉnh, bổ sung danh sách liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh”. Những năm qua, thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động ban hành các thông tư quy định nội dung, chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên; gần đây nhất là Thông tư số 05/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt, Thông tư số 05/TT-BGDĐT đã bổ sung, cập nhật nhiều nội dung kiến thức mới, số chuyên đề tăng; thời lượng giảng dạy các học phần thay đổi theo hướng tăng giờ học thực hành, giảm giờ học lý thuyết so với trước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện vẫn chưa có giáo trình, tài liệu in phục vụ công tác dạy và học, sinh viên chủ yếu tiếp cận tài liệu đăng tải trên website của Trung tâm, gây khó khăn khi học tập trên lớp cũng như việc tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện kế hoạch giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường liên kết. Đứng trước những khó khăn, thách thức đó và để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy theo hướng chủ động, sáng tạo, tăng năng lực thích ứng, lĩnh hội kiến thức; hình thành, phát triển tư duy, kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết cho sinh viên là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Trước hết, Trung tâm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Ban Giám đốc; trong đó, xác định đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo. Để làm được điều đó, Trung tâm tổ chức tốt việc quán triệt Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, những mục tiêu, nội dung chủ yếu của Thông tư số 05/TT-BGDĐT và các văn bản hướng dẫn của trên cho toàn thể cán bộ, giảng viên. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Đào tạo quản lý sinh viên, các khoa giáo viên chủ động, tích cực xây dựng đề cương chi tiết tập bài giảng, hoàn chỉnh các học phần; nghiên cứu, chọn lọc, bổ sung kho tài liệu những nội dung mới và đăng tải lên website của Trung tâm. Cấp ủy, cán bộ chủ trì, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên tăng cường quán triệt, giáo dục cho người học nâng cao nhận thức về tính tất yếu đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy; tích cực đổi mới phương pháp học tập, nghiên cứu, nhất là phương pháp tự học, kịp thời đóng góp ý kiến cho giảng viên để rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, Trung tâm yêu cầu đội ngũ cán bộ quản lý phải thường xuyên phổ biến, hướng dẫn sinh viên khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu được đăng tải trên website và tăng cường quản lý, duy trì tự học, tự nghiên cứu ngoài giờ lên lớp, giải đáp những vướng mắc của sinh viên.
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng, với phương châm: “Sinh viên tạm dừng đến Trung tâm nhưng không dừng học giáo dục quốc phòng và an ninh”, Trung tâm đã chỉ đạo các khoa giáo viên chủ động xây dựng bài giảng theo hình thức dạy và học trực tuyến; cơ quan chức năng phối hợp với các trường liên kết xây dựng kế hoạch học tập linh hoạt, tổ chức dạy trực tuyến nội dung lý thuyết cho sinh viên khóa mới, đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát mới tổ chức học tập trung các nội dung thực hành để rèn luyện các kỹ năng quân sự cần thiết, hình thành nếp sống quân sự, bảo đảm hoàn thành nội dung, chương trình môn học cho sinh viên cả khóa cũ và khóa mới. Đây là sự vận dụng sáng tạo của Trung tâm, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy trực tuyến và trực tiếp một cách linh hoạt theo từng cấp độ dịch, khắc phục tình trạng chồng chéo, tồn đọng sinh viên của các trường liên kết.
Với nhận thức đội ngũ cán bộ, giảng viên có vai trò quan trọng quyết định việc đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, Trung tâm chú trọng làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Theo đó, Trung tâm đã lựa chọn, cử cán bộ quản lý, giảng viên tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, làm nòng cốt để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho số cán bộ, giảng viên còn lại; trong đó, đi sâu vào những nội dung, chuyên đề mới được bổ sung, cập nhật và thay đổi về thời lượng giảng dạy lý thuyết và thực hành. Các khoa giáo viên đã tổ chức trao đổi, thảo luận từng bài giảng để thống nhất nội dung kiến thức, lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, làm cơ sở triển khai thống nhất trong Trung tâm.
Để tổ chức và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, Trung tâm chủ động cử cán bộ, giảng viên tham gia tập huấn khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý học tập và dạy học trực tuyến, như: Google Classroom, Google Meet, LMS,… do Nhà trường tổ chức. Đồng thời, trực tiếp mời cán bộ của Viện Công nghệ Thông tin bồi dưỡng, hướng dẫn sâu cho đội ngũ cán bộ, giảng viên thành thạo những kỹ năng quan trọng, như: cách tạo, mời người học vào lớp học online; tạo bài đăng chia sẻ với các thành viên trong lớp; kiểm tra tiến độ làm bài; quản lý số điểm của sinh viên; đưa tài liệu nghiên cứu lên phần mềm, tạo ngân hàng câu hỏi, đề kiểm tra, thi trắc nghiệm trực tuyến bảo đảm công bằng, khách quan, v.v. Xuất phát từ trình độ, khả năng làm việc trực tuyến của một số cán bộ, giảng viên còn hạn chế, Trung tâm chú trọng bồi dưỡng các giảng viên trẻ có năng lực, khả năng về công nghệ thông tin làm nhân cốt để hướng dẫn, hỗ trợ, tạo sự đồng đều vững chắc cho đội ngũ giảng viên trong thời gian giảng dạy trực tuyến. Bên cạnh đó, Trung tâm còn chỉ đạo Khoa Quân sự và Khoa Chính trị bồi dưỡng lẫn nhau, để mọi giảng viên đều có thể đảm nhiệm giảng dạy được tất cả các nội dung, chuyên đề trong chương trình; kết hợp với mời số cán bộ, giảng viên có trình độ, kinh nghiệm của Trung tâm đã nghỉ công tác tham gia thỉnh giảng, khắc phục tình trạng thiếu giảng viên khi lưu lượng sinh viên lớn.
Cùng với đó, Trung tâm yêu cầu đội ngũ giảng viên phát huy vai trò, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu, nắm nội dung, chương trình, việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy theo quy định của Thông tư số 05/TT-BGDĐT, nhất là các nội dung mới được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung hay lược bỏ. Trước khi lên lớp, giảng viên phải chuẩn bị nội dung chuyên đề, biên soạn đầy đủ bài giảng được phân công, tích cực khai thác, tìm kiếm thông tin, phim tài liệu, tư liệu chiến trường trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của ông cha ta, nhất là kháng chiến chống Pháp, Mỹ để minh họa, tạo sự sinh động, lôi cuốn, thu hút người học. Các khoa giáo viên tổ chức thông qua bài giảng, giảng thử, bình giảng, rút kinh nghiệm đúng quy định. Quá trình lên lớp, giảng viên phải làm chủ lớp học, thiết lập bầu không khí cởi mở, thân thiện, chủ động giải quyết các tình huống sư phạm; vận dụng tốt kinh nghiệm, chủ động đổi mới, áp dụng phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với nội dung, chương trình, thời lượng mới thay đổi, không máy móc. Đồng thời, tăng cường tương tác, liên hệ sát thực tế, nêu vấn đề để cùng trao đổi, làm sâu sắc thêm bài giảng và định hướng cho sinh viên những nội dung trọng tâm, cốt lõi, hướng dẫn phương pháp ôn luyện đạt kết quả cao. Đặc biệt, Trung tâm mạnh dạn đưa đối tượng học viên đang đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh tham gia kiêm chức trung đội trưởng, trực tiếp duy trì luyện tập các nội dung thực hành và các hoạt động ngoại khóa, như; thể dục, thể thao, v.v. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp sinh viên dễ dàng được tiếp cận, làm quen nội dung thực hành, rèn luyện các kỹ năng quân sự và để học viên đào tạo giáo viên được “thực tập công tác quản lý, kiến tập công tác giảng dạy” ngay từ năm học thứ nhất thay vì năm học thứ ba như trước đây.
Ngoài ra, Trung tâm chú trọng bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Thời gian qua, Trung tâm đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất được trang bị, xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu để giảng viên tiếp cận, nghiên cứu, khai thác sử dụng các công cụ, nội dung đưa vào giảng dạy. Quan tâm đầu tư học liệu, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại phục vụ giảng dạy, học tập. Thường xuyên liên hệ, đề xuất với Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu), Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bảo đảm thêm nhiều trang bị, vũ khí, cơ sở vật chất, như: tranh vẽ, hình ảnh, mô hình, dụng cụ tập luyện, lựu đạn, thiết bị mô phỏng, máy bắn tập MBT-03 và các loại súng hoán cải (súng ngắn K54, tiểu liên AK, súng trường CKC,…) phục vụ việc giảng dạy của giảng viên, huấn luyện, luyện tập của sinh viên. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lưu lượng sinh viên về học tập trung tại Trung tâm lớn (có thời điểm lên đến hơn 3.000 sinh viên/đợt), Trung tâm đã chủ động đề xuất Ban Giám hiệu Nhà trường, phối hợp với một số trường cao đẳng nghề trên địa bàn để tổ chức giảng dạy bảo đảm tiến độ, thời gian, nội dung, chương trình.
Từ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên, việc đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy của Trung tâm đã mang lại kết quả thiết thực. Tính riêng năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, Trung tâm đã tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh, cấp chứng chỉ cho gần 37.000 sinh viên; trong đó, có hơn 92,5% đạt khá, giỏi, được Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, các trường liên kết ghi nhận, đánh giá cao. Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tiếp tục bám sát sự phát triển và đòi hỏi từ thực tiễn, đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, TS. PHAN XUÂN DŨNG, Phó Giám đốc Trung tâm
Giáo dục quốc phòng và an ninh,Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2,đổi mới hình thức,phương pháp giảng dạy
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh