Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Sáu, 16/12/2022, 13:27 (GMT+7)
Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Thái Nguyên đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác

Giáo dục quốc phòng và an ninh là nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh. Nhận thức rõ điều đó, 30 năm qua, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Thái Nguyên nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện chủ trương của Đảng về tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 17/12/1992, Trung tâm Giáo dục quốc phòng Thái Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Thái Nguyên) - một trong những trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh đầu tiên của cả nước được thành lập theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Suốt 30 năm qua, vượt lên mọi khó khăn, bằng sự đoàn kết, quyết tâm, Trung tâm luôn bám sát thực tiễn, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan; thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, thi, kiểm tra môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh; xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế, quy định về quản lý, chế độ học tập,... trang bị kiến thức quốc phòng và an ninh cho hàng vạn sinh viên với chất lượng ngày càng được nâng cao1. Qua đó, khẳng định vị thế, uy tín của Trung tâm; đồng thời, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng đào tạo của Đại học Thái Nguyên, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những thành tích đó, Trung tâm đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, Quân khu 1 tặng nhiều phần thưởng cao quý2.

Huấn luyện chiến thuật cho sinh viên

Hiện nay, Trung tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các cơ sở đào tạo thuộc Đại học Thái Nguyên, với mục tiêu và phương hướng tổng quát là: đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường kỷ luật, giữ vững kỷ cương, đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; quyết tâm đưa Trung tâm trở thành cơ sở giáo dục quốc phòng và an ninh có uy tín, chất lượng cao. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu quan trọng đó, Trung tâm tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và đội ngũ cán bộ các cấp trong xây dựng nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; trực tiếp là Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các nghị quyết, đề án, kế hoạch của Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên về nhiệm vụ quan trọng này, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động dạy học thông qua nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả; chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm đội ngũ giảng viên, tăng cường dự giờ đánh giá chất lượng giảng dạy; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi đánh giá kết quả theo hướng hiện đại, khoa học. Đồng thời, chủ động xây dựng, hoàn thiện tổ chức, biên chế đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên; trong đó, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn, nhiệm vụ của Trung tâm và Đại học Thái Nguyên, phấn đấu đến hết năm 2025 có 100% giảng viên chuyên trách đạt trình độ thạc sĩ trở lên (có 02 - 03 tiến sĩ); sau năm 2025, tất cả giảng viên tiếp nhận về Trung tâm đều được đào tạo, bồi dưỡng và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của trên và căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm tập trung quán triệt, nghiên cứu, đề xuất, triển khai cụ thể hóa các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch của Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy ở từng giai đoạn3. Trong đó, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; trình độ, năng lực của từng người và tham gia tổ chức tốt việc thi tuyển viên chức, tuyển dụng lao động theo đúng quy trình, nguyên tắc và hướng dẫn của trên. Với giáo viên đào tạo giáo dục quốc phòng và an ninh, Trung tâm tập trung tuyển chọn những người tốt nghiệp có kết quả khá trở lên, chú trọng người có trình độ thạc sĩ, tạo điều kiện thuận lợi để những người có năng lực tiếp tục học tập, nghiên cứu đạt trình độ tiến sĩ. Đồng thời, tích cực tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ cho từng đối tượng cụ thể, với phương châm: tổ chức chặt chẽ, chất lượng, không ngừng nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn sát nhiệm vụ đảm nhiệm, nhất là nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên, cập nhật, ứng dụng công nghệ 4.0 trong giảng dạy và quản lý. Với sĩ quan biệt phái, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng Quân khu 1 lựa chọn các đồng chí có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất về công tác và bảo đảm chế độ đầy đủ, đúng quy trình, nguyên tắc, dân chủ, công khai, nhất là thăng quân hàm, bổ nhiệm, nâng lương, v.v. Cùng với đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy chế, chế độ thích đáng để khích lệ công tác nghiên cứu khoa học, vận dụng hiệu quả các sản phẩm khoa học vào thực tiễn; tích cực đào tạo theo nhu cầu, như các chương trình: “Chúng em học làm chiến sĩ”, “Học kỳ quân đội”,... để không những mở rộng đối tượng được tham gia vào hoạt động bổ ích này, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn.

Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học là giải pháp quan trọng, trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo. Với nhận thức đó, trên cơ sở chương trình khung quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian tới, Trung tâm sẽ chủ động tổ chức cập nhật những vấn đề mới về quốc phòng, quân sự, an ninh của Đảng, Nhà nước cùng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng về công tác này để xây dựng, triển khai đào tạo với nội dung, chương trình sát yêu cầu thực tiễn. Chú trọng lồng ghép nội dung về truyền thống anh hùng của ông cha ta trong chống ngoại xâm và xây dựng đất nước để khơi dậy và giáo dục lòng tự hào dân tộc, vun đắp tình yêu, xây dựng trách nhiệm cho sinh viên ngay trong quá trình học tập cũng như khi làm việc cống hiến cho Tổ quốc.

Cùng với đổi mới nội dung, chương trình, Trung tâm đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hiện đại, khoa học. Phấn đấu 100% bài giảng trên giảng đường được ứng dụng công nghệ thông tin; tích cực đưa người học vào các tình huống có vấn đề cùng trao đổi, tạo hứng thú trong học tập. Để sinh viên chủ động nắm bắt kiến thức nhanh, đạt kết quả tốt, Trung tâm tiếp tục chỉ đạo khoa giáo viên chủ động cung cấp trước các loại tài liệu bổ trợ, tài liệu tham khảo, tập bài giảng, bảo đảm đủ số lượng và thời gian để sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu, tích lũy, trao đổi trước khi nghe giảng, nhằm mở rộng kiến thức, chuẩn bị nội dung sẵn sàng trao đổi với giáo viên khi lên lớp và ôn tập. Đối với các nội dung huấn luyện thực hành, cùng với tổ chức lên lớp, luyện tập theo đội hình trung đội, tiểu đội, tổ 3 người một cách khoa học, Trung tâm tích cực xây dựng kế hoạch hoạt động ngoại khóa, như: tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, chiếu phim tư liệu, nói chuyện truyền thống, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và tham gia các hoạt động xã hội,... một cách cụ thể cho từng lớp, đợt tập trung, giúp sinh viên chủ động tiếp thu kiến thức từ thực tế, gắn học đi đôi với hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả môn học. Đặc biệt, Trung tâm tiếp tục triển khai rộng rãi và không ngừng đổi mới cách thực hiện mô hình “Mâm cơm chiến sĩ”4, giúp sinh viên không những nâng cao kỹ năng sống mà còn được hiểu rõ hơn, trải nghiệm hoạt động sinh hoạt của người chiến sĩ, tăng cường rèn luyện tính kỷ luật cho cả cá nhân và tập thể trong môi trường quân sự.

Trải qua 30 năm hoạt động liên tục, cơ sở, vật chất đảo đảm cho đào tạo của Trung tâm tuy được bổ sung hằng năm nhưng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu mới. Trước tình hình đó, Trung tâm tiếp tục tham mưu, đề xuất với Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện Đề án xây dựng Trung tâm từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo theo hướng hiện đại, đạt chuẩn; đồng thời, tích cực liên hệ, huy động từ các nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp để bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cả trong giảng đường và ngoài thao trường. Tiếp tục phát huy vai trò chuyên trách Tổ công nghệ thông tin, không ngừng nâng cấp đồng bộ và hiện đại hệ thống Website, Thư viện số của Trung tâm, mạng truyền dẫn cáp quang kết nối từ trung tâm Đại học Thái Nguyên về Trung tâm và các phòng, khoa, bộ phận, đáp ứng nhu cầu sử dụng tài liệu điện tử và ứng dụng vào quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học cũng như giới thiệu, quảng bá các hoạt động của Trung tâm. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế, bảo đảm tốt nhất cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản trên là cơ sở, tiền đề để Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Thái Nguyên nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Đại tá ĐINH VĂN LONG, Phó Giám đốc Trung tâm
_______________

1 - Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung tâm đã đào tạo môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh cho 38.862 sinh viên với 99,6% đạt yêu cầu trở lên; trong đó, có 2,35% giỏi; 68,98% khá; 28,24% trung bình khá và trung bình.

2 - Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, hạng Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen, v.v.

3 - Trung tâm đang xây dựng Đề án cơ cấu lại tổ chức, biên chế, dự kiến gồm: Khoa giáo viên Quân sự, Khoa giáo viên Chính trị, Phòng Công tác học sinh sinh viên, Phòng Hành chính tổ chức, Phòng Hậu cần - Tài chính, Kỹ thuật và Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu.

4 - Theo từng nhóm, sinh viên chuẩn bị thực phẩm, đào bếp Hoàng Cầm, tự nấu và thưởng thức sản phẩm ẩm thực của mình trong điều kiện dã ngoại.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...