Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 23/03/2023, 09:11 (GMT+7)
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia Hà Nội đột phá nâng cao chất lượng hoạt động

Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hoạt động theo cơ chế tự chủ, đảm bảo một phần chi thường xuyên; có chức năng tổ chức đào tạo môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và một số cơ sở giáo dục đại học theo phân luồng của Bộ Quốc phòng. Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học; nguồn kinh phí; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, giảng viên, người lao động; nhưng với quan điểm xuyên suốt là đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu, Trung tâm luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, nội dung, chương trình của trên về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; sắp xếp nhân lực làm việc đúng chuyên môn, phù hợp với năng lực, sở trường. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giảng viên nghiêm túc, hiệu quả, sát với chức trách, nhiệm vụ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến phục vụ đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy; tổ chức quản lý, rèn luyện người học theo mô hình Quân đội; chú trọng xây dựng, cải tạo, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có và bảo đảm tốt vũ khí, trang thiết bị, v.v. Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, giảng viên, giai đoạn 2015 - 2020, Trung tâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; đã tổ chức 48 khóa học cho hơn 70.000 lượt người; cấp chứng chỉ cho gần 60.000 sinh viên; xây dựng, thực hiện 02 đề án, 01 sách chuyên khảo, 12 đề tài nghiên cứu, v.v.

Thời gian tới, cùng với sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặt ra yêu cầu cao hơn cả về nhiệm vụ và chất lượng giáo dục cũng như sự gia tăng về lưu lượng người học tại Trung tâm. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ và phấn đấu, trở thành Đơn vị tự chủ và đứng đầu trong hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh cả nước, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm chủ trương luôn đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động đào tạo và phục vụ nhằm hướng tới sự hài lòng của xã hội; tập trung đột phá vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý. Để thực hiện tốt nội dung này, Trung tâm chủ động cập nhật, quán triệt đầy đủ, triển khai chặt chẽ các quy định liên quan đến công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn thể cán bộ, giảng viên và người học. Tập trung áp dụng phương pháp quản trị đại học tiên tiến trong đào tạo, kiểm định chất lượng, nghiên cứu khoa học, công nghệ, quản trị nguồn nhân lực, kế hoạch tài chính, hành chính theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả. Trong đó, chú trọng phân cấp quản lý, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị trong sử dụng nguồn lực cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ, dịch vụ; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý, giảng dạy, hoạt động hành chính để điều hành, quản trị nhiệm vụ thích nghi kịp thời với mọi diễn biến; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể kết hợp làm việc trực tiếp với trực tuyến, bảo đảm xử lý công việc nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh. Để đạt hiệu quả, Trung tâm rà soát, xây dựng các quy trình, tiêu chí trong lãnh đạo, chỉ đạo; quản lý các hoạt động; nghiên cứu khoa học; xây dựng giáo án, đề thi, học liệu; kiểm tra, đánh giá sinh viên, giảng viên,... bảo đảm đo lường chất lượng cụ thể, chính xác. Đồng thời, thường xuyên làm tốt việc sơ kết, tổng kết các hoạt động; tăng cường đối thoại, lấy ý kiến phản hồi từ cán bộ, giảng viên, các đơn vị liên kết, người học,... làm cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo. Từ đó, hoàn thiện hệ thống quy định thực thi nhiệm vụ; chuẩn hóa công tác lưu trữ, khai thác văn bản và cập nhật thường xuyên trên Website để chủ động thực hiện. Ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích cán bộ, viên chức, người lao động phát huy năng lực, sở trường và chủ động tham mưu trong cải tiến chất lượng các hoạt động để không ngừng gia tăng hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành trong toàn Trung tâm.

Lãnh đạo Trung tâm trao quyết định khen thưởng
cho các tập thể và cá nhân

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên tinh, gọn, hiệu quả. Đây là một trong các khâu đột phá được Trung tâm đặc biệt coi trọng. Theo đó, cùng với xây dựng kế hoạch “chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ, Trung tâm xây dựng các tiêu chí đánh giá đến từng vị trí việc làm đảm bảo công khai, minh bạch. Trên cơ sở đó, rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức; sắp xếp, luân chuyển cán bộ theo năng lực, sở trường, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ; chủ động tuyển chọn, bổ sung giảng viên chất lượng cao từ các nguồn ngoài Quân đội; xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn bảo đảm tinh, gọn, quy mô hợp lý, đồng bộ về chuyên môn, trình độ, độ tuổi; ưu tiên đưa cán bộ trẻ, có phẩm chất, năng lực tốt đi đào tạo sau đại học để phát triển cán bộ chuyên môn sâu; chú trọng bồi dưỡng và truyền thụ kinh nghiệm về công tác này. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác với các học viện, nhà trường trên địa bàn và các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh để cán bộ, giảng viên thường xuyên được trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật những kiến thức mới, kinh nghiệm quý; có chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, khuyến khích cán bộ, giảng viên cống hiến, phát triển. Cùng với đó, Trung tâm thường xuyên lấy ý kiến đánh giá, phản hồi từ sinh viên, phụ huynh, các đơn vị liên kết; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; áp dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy; xây dựng đủ đề cương môn học, ngân hàng đề thi, đáp án; cập nhật thông tin giáo trình, tài liệu tham khảo,... làm cơ sở cho cán bộ, giảng viên phát huy sở trường bản thân. Từ đó, cán bộ, giảng viên tự kiểm tra, đánh giá theo tiêu chí; tự đề ra biện pháp khắc phục hạn chế, nâng cao trình độ, phương pháp, tác phong công tác.

Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác của người học trong học tập, rèn luyện. Để đáp ứng quy trình quản lý, giáo dục, bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra, việc xây dựng nền nếp, tính tự giác trong học tập, rèn luyện của sinh viên là yếu tố cốt lõi, trực tiếp quyết định chất lượng giáo dục của Trung tâm. Theo đó, bên cạnh việc vận dụng linh hoạt tổ chức, biên chế, thực hiện các chế độ ngày, tuần, rèn luyện tác phong cá nhân theo mô hình Quân đội, Trung tâm chủ trương tạo điều kiện, môi trường “tự do trong khuôn khổ” để phát huy tối đa vai trò chủ thể chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng quân sự của người học. Để thực hiện, cùng với nắm chắc chất lượng đầu vào, nhu cầu thiết yếu của người học, Trung tâm coi trọng giúp sinh viên xây dựng, thực hiện mục tiêu, kế hoạch học tập, rèn phù hợp với yêu cầu chung. Biên chế sinh viên có nhiều điểm chung về giới tính, ngành học, sức khỏe, vùng miền, trình độ,... thành các đơn vị. Lựa chọn những sinh viên có năng lực, kinh nghiệm trong quản lý như lớp trưởng, bí thư để kiêm nhiệm cán bộ khung các cấp và luân phiên kiêm chức. Ngoài ra, Trung tâm tổ chức các nhóm học tập, câu lạc bộ để sinh viên tự bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá; đẩy mạnh giáo dục nâng cao lập trường chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, v.v. Qua quá trình học tập, nhiều lượt sinh viên sẽ được đảm nhiệm cương vị quản lý; được bồi dưỡng tác phong chỉ huy, cách tổ chức sinh hoạt tập thể; tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp, kỹ năng tự học, rèn luyện, kiểm tra; được trang bị kiến thức gắn với nâng cao tư duy, tầm nhìn, năng lực, kỹ năng sống cho bản thân. Từ đó, tự bộc lộ năng lực cá nhân; hiểu và gương mẫu chấp hành quy định học tập, rèn luyện; tránh xa cám dỗ tầm thường; có thái độ tốt, trách nhiệm cao trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, xây dựng ý thức, hành vi, giá trị đích thực trong nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh. Đây vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu tất yếu để chuyển hóa tối ưu các quy trình quản lý, giảng dạy, rèn luyện thành chất lượng sản phẩm đầu ra; phù hợp xu hướng liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng hiện nay. Với nhận thức đó, Trung tâm tập trung xây dựng các giá trị chung về chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh, như: niềm tin, kỳ vọng, cam kết về chất lượng; quyết tâm thực hiện; nỗ lực hợp tác trong mọi hoạt động, v.v. Để thực hiện tốt các vấn đề đó, Trung tâm xây dựng, quản lý chặt chẽ các quy trình đảm bảo chất lượng đào tạo sát thực tiễn. Thực hiện tốt các khâu: xây dựng nội dung, kế hoạch chất lượng; quán triệt, triển khai đến mọi cán bộ, người lao động, người học; nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ, giảng viên; huy động tối đa sự vào cuộc của các thành viên trong Trung tâm,... bảo đảm mọi người đều hiểu và quyết tâm thực hiện có chất lượng các công việc thường nhật; khiến nguyên tắc chất lượng trở thành nhu cầu, thói quen của mỗi cán bộ, giảng viên và người học. Bên cạnh đó, Trung tâm tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, giảng viên, sinh viên được tự chủ, tự giác cống hiến, quyết định chất lượng công việc, tránh áp đặt, mệnh lệnh; đồng thời, quan tâm xây dựng cơ chế và điều kiện làm việc thuận lợi, giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân và tập thể, hướng tới làm hài lòng các bên, các đối tượng liên quan, nhất là người học; góp phần từng bước hình thành văn hóa chất lượng - mục tiêu cao nhất mà các tổ chức hướng tới.

Năm là, hiện đại hóa cơ sở vật chất và chuyển đổi số trong giảng dạy, quản lý các hoạt động. Bám sát đề án, quy hoạch phát triển đã được phê duyệt, Trung tâm tập trung xây dựng lộ trình cải tạo cơ sở vật chất hiện có theo hướng bảo đảm ngày càng tốt hơn cho hoạt động dạy học. Trước mắt, tập trung cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các phòng học, nhà ở sinh viên, củng cố hệ thống thao trường, bãi tập, phương tiện dạy học. Tiếp tục hoàn thiện các dự án đầu tư xây dựng, như: hội trường đa năng, thiết bị mô phỏng khu để xe; tiếp nhận, khai thác hiệu quả các công trình từ Đại học Quốc gia Hà Nội, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, học tập tốt nhất cho cán bộ, giảng viên và học viên. Quản lý, vận hành có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, nhất là các công trình phục vụ hoạt động thiết yếu của người học như: khu thể thao đa năng, sân bóng đá, siêu thị, nhà ăn. Nâng cấp hạ tầng thông tin, tư liệu; đầu tư trang bị công nghệ thông tin; tập huấn, khai thác hệ thống phần mềm Microsoft Teams, E-learning, Google Meet, E-office và các phần mềm ứng dụng khác phục vụ giảng dạy, cung cấp, tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu khoa học, phản hồi ý kiến. Ngoài ra, Trung tâm chủ động phối hợp với các đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội để chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả thông tin, tư liệu, cơ sở vật chất. Về lâu dài, chủ động phối hợp, giám sát, hoàn thiện thi công Dự án QGHN-04 về xây dựng Trung tâm với quy mô hơn 19 ha để đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2025.

Cùng với các giải pháp trên, Trung tâm tăng cường tuyên truyền, công bố thông tin các hoạt động thông qua trang web, mạng xã hội; nói chuyện chuyên đề; lễ đón, trả sinh viên; hội nghị phân luồng; tiếp xúc hợp tác,... để quảng bá hình ảnh, xây dựng niềm tin giáo dục, niềm tin hợp tác. Qua đó, đẩy mạnh hợp tác phát triển, kết nối với hệ thống giáo dục quốc phòng và an ninh, cơ sở đào tạo trong cả nước, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

TS. NGUYỄN ĐỨC ĐĂNG, Giám đốc Trung tâm

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...