Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 11/12/2014, 13:37 (GMT+7)
Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Hà Nội I mở rộng liên kết, nâng cao chất lượng đào tạo

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Hà Nội I (thuộc trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội) trở thành địa chỉ có uy tín trong tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên Nhà trường và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn theo phân luồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phóng viên Tạp chí Quốc phòng toàn dân có cuộc trao đổi với Đại tá Đinh Tùng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm về thực hiện nhiệm vụ này của Trung tâm.

Huấn luyện Điều lệnh đội ngũ cho sinh viên tại
Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Hà Nội 1 (Ảnh: qdnd.vn)

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Phó Giám đốc, trước hết xin chúc mừng Trung tâm vừa kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Đề nghị đồng chí cho biết thuận lợi, khó khăn, kết quả nổi bật mà Trung tâm đạt được trong thời gian qua?

Đại tá Đinh Tùng Sơn: Trung tâm Giáo dục Quốc phòng (GDQP) Hà Nội I thành lập ngày 14-9-1994, có nhiệm vụ tổ chức Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo phân luồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường về công tác quân sự địa phương, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, viên chức. Thuận lợi cơ bản là, trong suốt quá trình hoạt động, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường; sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; sự phối hợp của các trường liên kết đào tạo; sự giúp đỡ các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn và chính quyền địa phương. Nhờ đó, Trung tâm đã từng bước hoàn thiện về cơ cấu, tổ chức, biên chế; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Về khó khăn, Trung tâm có không ít khó khăn, trong đó, khó khăn nhất là: đội ngũ cán bộ, giảng viên (CB,GV) thiếu; hệ thống cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu của quy mô đào tạo ngày càng mở rộng,… nhưng với sự quyết tâm, các thế hệ CB,GV, nhân viên của Trung tâm đã nỗ lực phấn đấu, vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 200 khóa học GDQP&AN cho hơn 213.000 sinh viên đạt chất lượng tốt. Từ năm 2005 đến nay, Trung tâm còn đào tạo được 07 khóa với gần 500 giáo viên giáo dục thể chất ghép môn GDQP&AN từ nguồn sinh viên của Nhà trường; 03 khóa với 208 giáo viên GDQP&AN cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp các tỉnh phía Bắc và thành phố Hà Nội. Điều đáng nói là, chất lượng giáo dục của Trung tâm không ngừng được nâng lên. Sinh viên sau khi học ở Trung tâm đều nhận thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và có thay đổi rõ rệt về tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật, được các trường liên kết đánh giá cao. Ghi nhận những thành tích đó, năm 2011, Trung tâm được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; năm 2013, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.

PV: Môn học GDQP&AN mang tính đặc thù, đòi hỏi cao đối với cả người dạy và người học. Để có được những thành quả trên, Trung tâm đã có những biện pháp gì, thưa đồng chí?

Đại tá Đinh Tùng Sơn: Khi nói đến bất cứ cơ sở giáo dục, đào tạo nào thì điều đầu tiên chúng ta quan tâm là đội ngũ người thầy. Đây là những “cỗ máy cái” quyết định chất lượng GD&ĐT. Với các Trung tâm GDQP&AN, đội ngũ giảng viên chủ yếu là sĩ quan quân đội biệt phái sang, trình độ không đồng đều, tư tưởng còn có những băn khoăn. Vì vậy, Trung tâm chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, tập trung xây dựng đội ngũ CB,GV bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hướng tới chuẩn hóa đội ngũ này cả về trình độ, phương pháp sư phạm, tác phong công tác. Trung tâm đã xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, báo cáo Nhà trường, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cử sĩ quan biệt phái và đối tượng tốt nghiệp văn bằng 2 GDQP&AN về làm CB,GV ở Trung tâm. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ khi về Trung tâm công tác đều được đi học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Trung tâm khuyến khích, tạo điều kiện cho CB,GV đi đào tạo sau đại học theo các chuyên ngành phục vụ công tác giảng dạy. Đồng thời, biên chế đội ngũ giảng viên chuyên sâu theo từng khoa, bộ môn và đẩy mạnh tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giảng viên thông qua dự giảng, bình giảng, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn giữa các khoa, bộ môn; chế độ phê duyệt giáo án, giảng tập, giảng thử được duy trì nghiêm túc. Trung tâm cũng tích cực tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi ở các cấp, coi đây là kênh quan trọng để bồi dưỡng, nâng cao trình độ toàn diện của đội ngũ CB,GV. Song song với đó, Trung tâm yêu cầu CB,GV hằng năm phải có đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, kinh nghiệm, xác định đây là một tiêu chí để đánh giá năng lực của CB,GV. Điều này vừa tạo động lực, vừa tạo áp lực để CB,GV phấn đấu tự học, tự rèn vươn lên. Riêng năm học 2013 - 2014, Trung tâm có 01 đề tài nghiên cứu cấp Bộ, 05 đề tài và 03 sáng kiến, kinh nghiệm cấp trường, được ứng dụng hiệu quả trong giảng dạy, quản lý sinh viên.

Môn học GDQP&AN là môn học đặc thù, yêu cầu khắt khe, ý thức rõ điều này, Trung tâm coi trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng phương pháp dạy - học hiện đại. Trung tâm chỉ đạo các khoa giáo viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn giáo án điện tử, tích hợp nhiều nội dung vào bài giảng, như: video clip, hình ảnh, âm thanh,… gắn nội dung GDQP&AN với chuyên ngành đào tạo của sinh viên. Nhờ đó, tăng tính trực quan, cuốn hút sinh viên trong học tập. Để thuận lợi cho đào tạo, Trung tâm biên chế sinh viên thành từng lớp. Khi học lý thuyết chung, mỗi lớp khoảng 150 sinh viên; khi học kỹ thuật và thực hành mỗi lớp 60 sinh viên. Trong quá trình huấn luyện, Trung tâm luôn quan tâm, tổ chức duy trì nghiêm ôn luyện trên giảng đường và ngoài thao trường, uốn nắn từng động tác cho sinh viên. Mặt khác, Trung tâm tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp với môi trường, điều kiện thực tế và tâm lý của sinh viên. Các hoạt động này được tổ chức thường xuyên trong suốt thời gian khóa học, như: giao lưu văn hóa, văn nghệ; thi đấu thể thao; tổ chức chương trình “sinh viên - chiến sĩ”, v.v. Qua đó, củng cố, bồi đắp thêm kiến thức, để lại những dấu ấn sâu sắc cho sinh viên.

Bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng quân sự cho sinh viên, Trung tâm gắn học đi đôi với rèn. Theo đó, Trung tâm quản lý tất cả các mặt hoạt động học tập, rèn luyện của sinh viên, được cụ thể hóa thành nội quy của Trung tâm. Trong thời gian học tập, sinh viên phải chấp hành và thực hiện đầy đủ các chế độ ngày, tuần theo quy định của Quân đội. Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, rèn luyện sinh viên, Trung tâm kết hợp giữa biện pháp hành chính với giáo dục, thuyết phục; coi trọng rèn luyện ý thức kỷ luật, lễ tiết, tác phong.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập, rèn luyện, cùng với nguồn ngân sách của trên, Trung tâm phát huy các nguồn lực để đầu tư xây dựng, mua sắm hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, từ khu ký túc xá sinh viên, nhà ở công vụ sĩ quan, phòng học lý thuyết, phòng học chuyên dùng, thao trường và bảo đảm đủ các trang thiết bị, vật chất phục vụ huấn luyện, như: máy bắn tập MBT - 03, giáo trình, quân trang, đồ dùng học tập.

PV: Thưa đồng chí, được biết hằng năm, sinh viên về học tập tại Trung tâm thuộc nhiều trường đại học, cao đẳng khác nhau. Vậy công tác phối hợp, hiệp đồng giữa Trung tâm với các trường liên kết được thực hiện như thế nào?

Đại tá Đinh Tùng Sơn: Đây là một đặc thù của Trung tâm. Hiện nay, Trung tâm liên kết với 17 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, với lưu lượng khoảng 20.000 sinh viên/năm theo phân luồng của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, trên cơ sở kế hoạch tổ chức các khóa GDQP&AN đã được phê duyệt, hằng năm trước khi vào năm học, Trung tâm đều tổ chức Hội nghị liên kết đào tạo GDQP&AN, để nghe ý kiến của các trường liên kết đánh giá chất lượng GD&ĐT của năm trước; thống nhất nội dung, chương trình, thời gian liên kết năm học tới; nắm phản hồi của sinh viên sau khi được học tập, rèn luyện tại Trung tâm. Trên cơ sở đó, Trung tâm xây dựng kế hoạch năm học, xác định rõ thời gian cho từng trường và gửi kế hoạch, nội quy để các trường phổ biến, quán triệt cho sinh viên nắm được thời gian, quy chế, quy định trước khi về Trung tâm.

Đồng thời, phối hợp với các trường liên kết nắm trình độ, nhận thức của sinh viên theo chuyên ngành đào tạo để có phương pháp giảng dạy, quản lý phù hợp, hiệu quả với từng đối tượng và thường xuyên trao đổi về kết quả học tập, rèn luyện của từng sinh viên. Trung tâm kết hợp với các trường để lựa chọn sinh viên kiêm nhiệm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng trong thời gian khóa học. Tổ chức chặt chẽ việc giao, nhận sinh viên và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong khóa học.

PV: Chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH,HĐH đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), bên cạnh đó, Luật GDQP&AN có hiệu lực đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về GDQP&AN. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới Trung tâm có những chủ trương, giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đại tá Đinh Tùng Sơn: Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, Trung tâm tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cấp trên, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Luật GDQP&AN; qua đó, nâng cao nhận thức, ý chí trong thực hiện nhiệm vụ của CB,GV, nhân viên. Tập trung xây dựng Đề án phát triển Trung tâm GDQP Hà Nội I đến năm 2020 có đủ năng lực GDQP&AN cho khoảng 30.000 sinh viên/năm theo Quyết định 412/QĐ-TTg, ngày 10-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này và tiếp tục khẳng định “thương hiệu” của mình, Trung tâm đẩy mạnh xây dựng, phát triển đội ngũ CB,GV có đủ số lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực lãnh đạo, quản lý. Về lâu dài, Trung tâm lựa chọn tuyển dụng đối tượng tốt nghiệp đào tạo văn bằng 2 GDQP&AN để dần thay thế số giảng viên là sĩ quan biệt phái. Tiếp tục chỉ đạo rà soát, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác giáo dục - đào tạo. Trong quá trình đào tạo, Trung tâm kết hợp giữa trang bị kiến thức, kỹ năng quân sự với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, bảo đảm hệ thống giảng đường, phòng học, thao trường, bãi tập; nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu đạt chuẩn để nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đó, Trung tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bổ sung biên chế, gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng Trung tâm vững mạnh toàn diện.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Minh Đạt (thực hiện) 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...