Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Sáu, 21/01/2011, 19:05 (GMT+7)
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam qua 10 năm thực hiện công tác giáo dục quốc phòng-an ninh

altTổng Công ty Hàng hải Việt Nam thành lập ngày 29-04-1995, hoạt động trên các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng, dịch vụ môi giới hàng hải, sửa chữa tàu biển và liên doanh, liên kết với nước ngoài trong các lĩnh vực chuyên ngành. Những năm qua, cùng với hoàn thiện cơ cấu tổ chức, Tổng Công ty đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, sản lượng vận tải biển tăng 16%/năm, lượng hàng thông qua cảng tăng 13%/năm, doanh thu bình quân tăng 17%/năm, lợi nhuận bình quân tăng 11%/ năm, bảo đảm việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động. Đáng chú ý là, trong quá trình phát triển, Tổng Công ty luôn coi trọng thực hiện tốt việc kết hợp nhiệm vụ trọng tâm sản xuất, kinh doanh với công tác quốc phòng, quân sự (QP,QS); trong đó, có công tác giáo dục quốc phòng-an ninh (QP-AN).

Thực hiện Chỉ thị số 2009/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Tổng Công ty đã ra nghị quyết lãnh đạo, thành lập Ban chỉ đạo và tiến hành Tổng kết 10 năm (2001-2010) thực hiện công tác giáo dục QP-AN; trên cơ sở đó, xác định phương hướng, giải pháp đẩy mạnh thực hiện công tác này trong thời gian tới. Dưới đây, xin nêu những kết quả chính đã đạt được một số kinh nghiệm chủ yếu.

1. Chú trọng quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên chức về tầm quan trọng của công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới. Hằng năm, Tổng Công ty chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm việc tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị định của Đảng và Chính phủ, nhất là Chỉ thị số 12/CT-TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về giáo dục QP-AN. Cùng với đó, Tổng Công ty đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch giáo dục QP-AN và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này cho cán bộ, công nhân viên và người lao động; qua đó, giúp họ nhận rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác giáo dục QP-AN đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Thực hiện Quyết định số 83/2006/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty đã thành lập Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS); trong đó, Chỉ huy trưởng và Chính trị viên do các Phó Tổng giám đốc đảm nhiệm; Ban CHQS hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc và hướng dẫn chuyên ngành của Cục Dân quân tự vệ (Bộ Quốc phòng). Đến nay, hệ thống Ban CHQS của Tổng Công ty được tổ chức theo hai cấp: Tổng Công ty và các công ty thành viên. Trong đó, hầu hết các đơn vị thành viên trong Tổng Công ty đều thành lập Ban CHQS và đang được kiện toàn theo Luật Dân quân tự vệ. Ban CHQS các cấp đã phát huy vai trò tham mưu, đề xuất cho Đảng ủy, Ban Giám đốc cùng cấp xây dựng các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, các kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác giáo dục QP-AN phù hợp với tình hình thực tế ở từng cơ sở. Trải qua 10 năm, nhất là từ năm 2006 đến nay, Tổng Công ty đã ban hành gần 100 văn bản các loại, tạo cơ sở để các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho các đối tượng.

2. Tích cực đổi mới chương trình, nội dung giáo dục QP-AN. Trên cơ sở chương trình giáo dục QP-AN đã ban hành, gần đây là Quyết định số 389/QĐ-BQP, ngày 14-02-2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công chức và đảng viên, Ban CHQS Tổng Công ty hướng dẫn Ban CHQS các đơn vị thành viên nghiên cứu, xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng phù hợp với đối tượng và tình hình sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Trong đó, tập trung giáo dục cho các đối tượng về quan điểm bảo vệ Tổ quốc của Đảng; âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; những nội dung chủ yếu, cần thiết trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và công tác QP,QS của các doanh nghiệp, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quốc phòng, Luật Đất đai, Luật Dân quân tự vệ, các văn bản pháp quy về biên giới, biển, đảo... Các đơn vị còn giáo dục cho cán bộ, công nhân về lịch sử, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống của quân đội, của Tổng Công ty và các doanh nghiệp thành viên, nhất là những thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của các đơn vị (Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới); từ đó xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần cảnh giác cao cho cán bộ, công nhân viên và người lao động trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch; đồng thời, giúp họ đề cao trách nhiệm của mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

3. Nghiên cứu cải tiến phương pháp tổ chức giáo dục QP-AN cho các đối tượng phù hợp với đặc điểm hoạt động của Tổng Công ty. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam có 81 doanh nghiệp thành viên, với trên 40.000 cán bộ, công nhân viên và người lao động; hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề; đối tượng giáo dục đa dạng, trình độ không đồng đều; địa bàn đứng chân và hoạt động rộng, trải dài theo bờ biển, các cửa khẩu quốc tế, trong đó có nhiều địa bàn nhạy cảm, phức tạp… Vì vậy, hằng năm, Ban CHQS Tổng Công ty và Ban CHQS các doanh nghiệp thành viên tiến hành rà soát, phân loại và nắm các đối tượng trong diện giáo dục QP-AN, đồng thời phối hợp với cơ quan quân sự các địa phương trên địa bàn để nắm chỉ tiêu bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và bố trí cho họ tham dự các lớp bồi dưỡng theo quy định. Với đối tượng 1: Tổng Công ty bố trí, sắp xếp, tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp do Bộ Quốc phòng tổ chức. Đối tượng 2: căn cứ vào chỉ tiêu của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các quân khu thông báo cho đơn vị, Tổng Công ty thông báo tới Ban CHQS các doanh nghiệp; trên cơ sở đó, từng doanh nghiệp căn cứ vào tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh để sắp xếp cán bộ theo học các lớp bồi dưỡng ở Học viện Chính trị và trường quân sự các quân khu. Với đối tượng 3 và 5: Tổng Công ty chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên phối hợp chặt chẽ với địa phương, mà trực tiếp là cơ quan quân sự để cử cán bộ tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại địa phương. Những doanh nghiệp có nhiều cán bộ thuộc diện bồi dưỡng thì chủ động đề xuất, phối hợp với cơ quan quân sự địa phương tổ chức lớp bồi dưỡng tại cơ quan, tạo điều kiện cho họ vừa hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ được giao, vừa tham dự bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo quy định. Đối với lực lượng tự vệ trên các tàu thường xuyên hoạt động trên biển, Ban CHQS các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tài liệu học tập cung cấp đến từng tàu để tiến hành giáo dục cho lực lượng này; thực hiện “Mỗi tàu là một đơn vị chiến đấu và cũng là một lớp học chính trị”, cán bộ phụ trách đồng thời là giáo viên tổ chức học tập.

Hiện nay, Tổng Công ty có trên 30 ngàn đoàn viên thuộc 59 Công đoàn cơ sở, gần 5 ngàn hội viên Hội Phụ nữ cơ sở, gần 1.500 đoàn viên thuộc 21 tổ chức cơ sở Đoàn và hàng trăm hội viên Hội Cựu chiến binh. Chủ trương xuyên suốt của Tổng Công ty là, phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng tham gia vào công tác giáo dục QP-AN cho hội viên. Theo đó, nội dung giáo dục được lồng ghép vào các hoạt động và sinh hoạt của các đoàn thể và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, Tổng Công ty luôn coi trọng giáo dục thông qua hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, như: Chương trình giao lưu “Nghĩa tình đồng đội”, “Hướng về nguồn cội”...; các cuộc thi tìm hiểu, các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được tổ chức thường xuyên ở cơ sở. Các doanh nghiệp còn phối hợp với cơ quan quân sự địa phương, Quân chủng Hải quân, các trường chính trị, quân sự của địa phương để mời giáo viên, báo cáo viên và cán bộ về nói chuyện theo từng chuyên đề cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động.

4. Đảm bảo tốt cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ giáo dục QP-AN và chế độ chính sách cho các đối tượng. Đây là mặt công tác quan trọng trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN; vì thế được Tổng Công ty thường xuyên quan tâm thực hiện. Hằng năm, trước khi tiến hành bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, Tổng Công ty chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên kiểm tra toàn bộ công tác đảm bảo, trên cơ sở đó tiến hành bảo quản, sửa chữa những trang, thiết bị hỏng hóc, mua sắm những loại còn thiếu. Cán bộ, công nhân viên và người lao động tham gia các lớp giáo dục QP-AN, tập huấn, huấn luyện, hội thao quân sự đều được hưởng đầy đủ các chế độ lương, thưởng như khi làm công tác chuyên môn. Ngoài ra, tùy tình hình cụ thể, từng doanh nghiệp còn trích quỹ khen thưởng để động viên kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác giáo dục QP-AN. Do vậy, các đối tượng tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN đều phấn khởi, yên tâm học tập, phấn đấu đạt kết quả tốt.

Nhờ thực hiện khá đồng bộ các giải pháp trên, 10 năm qua, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho các đối tượng; có trên 50% cán bộ đối tượng 1 và gần 40% đối tượng 2 đã qua các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN; kết quả kiểm tra 100% khá, giỏi. Tổng Công ty đã phối hợp và tổ chức bồi dưỡng cho trên 60% cán bộ đối tượng 3, gần 2 ngàn cán bộ đối tượng 5 và hàng ngàn công nhân viên, người lao động ở các doanh nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ này, như: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam, Công ty cổ phần Vận tải biển III, Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam. Qua giáo dục, đã giúp cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên và người lao động nhận thức sâu sắc hơn những quan điểm cơ bản của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, lĩnh vực QP,QS, nhất là về sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được biểu hiện cụ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác QP,QS ở từng doanh nghiệp của Tổng Công ty; đồng thời, nêu cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN, góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác giáo dục QP-AN của Tổng Công ty cũng còn những hạn chế, bất cập, đó là: sự lãnh đạo, chỉ đạo chưa thường xuyên, toàn diện, nên hiệu quả còn thấp; nhận thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, công nhân viên chức và người lao động về công tác giáo dục QP-AN chưa thật sâu sắc; công tác kiểm tra của Ban CHQS Tổng Công ty đối với các doanh nghiệp thành viên chưa thường xuyên; công tác sơ kết, tổng kết, thi đua-khen thưởng ở một số đơn vị chưa thật sự được coi trọng; sự phối hợp, hiệp đồng với cơ quan quân sự các địa phương chưa chặt chẽ; tỷ lệ cán bộ tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN chưa cao (đối tượng 2,3 và 5).

Trên cơ sở những kết quả, kinh nghiệm có được trong công tác giáo dục QP-AN, thời gian tới, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò nòng cốt của Ban CHQS và đội ngũ cán bộ quân sự, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về công tác giáo dục QP-AN cho các đối tượng trong Tổng Công ty.

NGUYỄN CẢNH  VIỆT

Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...